Giải Phan Châu Trinh tôn vinh nhà văn hóa Phạm Quỳnh

10:25 SA @ Thứ Hai - 26 Tháng Ba, 2018

Nhà văn hóa Phạm Quỳnh vừa được xướng tên tại buổi lễ trao giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh đêm 24-3 ở nội dung Dự án tôn vinh danh nhân văn hóa Việt Nam thời hiện đại...

Nhạc sĩ Phạm Tuyên (phải) thay mặt cha là Phạm Quỳnh nhận tôn vinh từ Quỹ văn hóa

Như vậy là tiếp theo 5 vị danh nhân vừa được Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh tôn vinh tại dự án nói trên gồm: Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Phan Khôi; Phạm Quỳnh (1892-1945) được xếp tên vào "ngôi đền online" do Quỹ Phan Châu Trinh lập ra, nơi sẽ tập hợp các thông tin về tiểu sử của các nhà văn hóa được vinh danh, các tác phẩm, các bài viết nghiên cứu và đề xuất nghiên cứu về các nhà văn hóa này.

Một người yêu nước không thể lay chuyển

Trong diễn từ vinh danh, nhà văn Nguyên Ngọc - chủ tịch hội đồng khoa học Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh - đã dùng cụm từ "một nhà văn hóa lớn, một người yêu nước không thể lay chuyển" dành cho Phạm Quỳnh.

“Quả có một cuộc đấu tranh mất còn về mặt ngôn ngữ và chữ viết ở Việt Nam vào thời ấy, kiên định, quyết liệt, khôn khéo, thông minh, để hiện đại hóa tiếng Việt và lối viết bằng chữ quốc ngữ của nó, hoàn thiện nó thành vũ khí sắc bén của cuộc đấu tranh văn hóa, Và đã có những người chiến sĩ tiên phong của cuộc đấu tranh đó, những Pétrus Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi mà Quỹ chúng ta đã vinh danh trong mấy năm qua, và bao nhiêu người khác, trong đó nổi bật lên một người vào loại đặc sắc, có cống hiến rất quan trọng: người ấy là Phạm Quỳnh”.

Cũng trong phần nhận xét của nhà văn Nguyên Ngọc, cuộc đời Phạm Quỳnh, tài năng và những đóng góp lớn lao cho văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam được nhắc lại.

"Phạm Quỳnh là một tài năng xuất chúng, 16 tuổi tốt nghiệp thủ khoa Trường Thành chung bảo hộ, ngay năm đó đã được tuyển làm viên chức trẻ nhất của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp nổi tiếng, tự học cả chữ Nho đến mức uyên thâm.

Mẹ mất rất sớm, được bà nội nuôi ăn học, và về sau qua chính người vợ, mẹ vợ và gia đình bên vợ, những người phần lớn gần như mù chữ nhưng tuyệt giỏi, tuyệt hay trong văn hóa, lời ăn tiếng nói vô cùng giàu có của dân gian, chính họ đã dạy Phạm Quỳnh tình yêu say mê tiếng Việt, văn hóa Việt.

Ông sống thanh bần, nghiêm cẩn. Con cháu ông kể: "… Cho đến những ngày cuối đời, bao giờ ông cũng giữ một nếp: học hành, viết lách, làm việc đều trước bàn thờ tổ tiên, như để tổ tiên hằng ngày chứng giám mọi điều mình nghĩ, mọi việc mình làm"".

Đặt Phạm Quỳnh trước sự lựa chọn chữ quốc ngữ Latin trước buổi đầu làm quen với phương tiện ngôn ngữ do "người Tây" chỉ dạy, Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh cho rằng "lúc bấy giờ, có thể nói Việt Nam không có một nền văn xuôi đích thực".

Chính điều này đặt ra nhu cầu phải phổ biến và hoàn thiện, nâng cao chữ quốc ngữ để tạo các phương tiện cho ngôn ngữ dân tộc tự nâng mình lên thành một ngôn ngữ của công cuộc văn minh hóa, của một nền văn học toàn diện và nền văn hóa hiện đại. Tức sáng tạo ra một ngôn ngữ hiện đại.

Và đấy là một công việc khổng lồ. Phạm Quỳnh đã dành cả đời mình để dấn bước vào công việc ấy.

"Nam Phong của Phạm Quỳnh và Hội Khai Trí Tiến Đức cũng do ông sáng lập và chủ trì đã đi đầu trong sự nghiệp to lớn này. Ông có niềm tin vững chắc rằng làm được tất cả những điều đó thì sẽ đến ngày người Việt, nước Việt tìm lại được linh hồn của mình, và hơn nữa từ đó có thể có nhiều khả năng hơn để tìm lại nền độc lập" - nhà văn Nguyên Ngọc nhận định.


Phạm Quỳnh thời là chủ bút tạp chí Nam Phong - Ảnh tư liệu

.

Ghi nhận đóng góp của Lữ Phương, Phan Cẩm Thượng, Dương Thụ

Năm nay, hạng mục Nghiên cứu của giải trao cho hai cá nhân: nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng và nhà nghiên cứu Lữ Phương.

Có lẽ điểm đặc biệt của Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh lần này là vinh danh Lữ Phương ở lý do "vì những công trình nghiên cứu sâu sắc về chủ nghĩa Marx".

Giải văn hóa Phan Châu Trinh cũng ghi nhận những đóng góp của Lữ Phương từ những năm 1960 ở Sài Gòn, khi ông là cây bút chủ lực của tạp chí Tin Văn - một tạp chí văn nghệ có xu hướng tiến bộ, cương quyết bảo vệ các giá trị của nền văn hóa dân tộc trong bối cảnh chiến tranh có sự can thiệp của ngoại bang. Ông nói: “Sự phê phán quá khứ một cách nghiêm trang chẳng hề có ý nghĩa ‘dùng súng lục’ bắn vào cái gì cả, chẳng qua là thái độ cần thiết của con người trưởng thành…

Cùng nhận giải Nghiên cứu năm nay là nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng "vì những công trình đặc sắc nghiên cứu văn hóa dân gian". Những nghiên cứu văn hóa dân gian đặc sắc của ông thể hiện qua các tác phẩm như Văn minh vật chất của người Việt, Tập tục đời người.

Giải Vì sự nghiệp văn hóa - giáo dục được trao cho nhóm dịch sách Nhất Nghệ Tinh "vì đóng góp quan trọng trong lĩnh vực giáo dục công kỹ nghệ" (nhóm Nhất nghệ tinh là tập hợp của hàng trăm chuyên gia, kỹ sư người Việt từng du học ở CHLB Đức trước 1975. Họ đã thành lập Tủ sách Nhất nghệ tinh nhằm dịch và giới thiệu hàng hàng trăm đầu sách ở các chuyên ngành: Chuyên ngành cơ khí, Chuyên nghành Cơ-Điện tử, Chuyên ngành Điện-Điện tử, Chuyên ngành kỹ thuật ô tô và xe máy hiện đại. Đang và sắp in: Chuyên ngành chất dẻo, Chuyên ngành kỹ thuật hóa học, Chuyên ngành kỹ thuật sinh học, Chuyên ngành kỹ thuật xây dựng, Chuyên ngành kỹ thuật môi trường, Chuyên ngành kỹ thuật may mặc v.v.), và trao cho nhạc sĩ Dương Thụ "vì đóng góp đặc sắc quảng bá văn hóa và tri thức tinh hoa".


Ngoài một nhạc sĩ nổi tiếng trong giới âm nhạc hiện đại Việt Nam, Dương Thụ còn biết đến là chủ nhân của chuỗi Cà phê thứ 7 có chi nhánh cả ở Hà Nội và TP.HCM. Từ khi mở ra đến nay Cà phê thứ 7 đã tổ chức được hơn 800 buổi trò chuyện chuyên sâu về văn hóa và học thuật với diễn giả là những chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực. Điều đó được đánh giá là “một đóng góp rất to lớn, một điểm sáng cho ta còn giữ niềm tin và hy vọng, đặc biệt trong tình hình văn hóa xã hội phức tạp và đáng lo hiện nay”.

.

Giải Dịch thuật trao cho dịch giả Nguyễn Tùng "vì những công trình dịch thuật đặc sắc về nhân học" qua các dịch phẩm nổi tiếng như: Định chế tô tem ngày nay, Luận về biếu tặng: Hình thức và lý do của sự trao đổi trong các xã hội cổ sơ, Đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản, Xã hội diễn cảnh…

Giải Việt Nam học được trao cho hai nhà nghiên cứu Daniel Hémery và Pierre Brocheux "vì thành tựu đặc sắc về Việt Nam học". Đây là hai nhà sử học Pháp thường được coi là những người có thẩm quyền hơn cả về lịch sử Đông Dương và Việt Nam thời thuộc địa.

Hai ông là tác giả của một loạt công trình quan trọng, đặc biệt là cả hai có một tác phẩm nổi tiếng cùng viết chung: Đông Dương, một công cuộc thực dân hóa nhập nhằng, 1858-1954 (Indochine, une colonisation ambiguë) từng được nhà nghiên cứu Philippe Papin đánh giá cao.


Từng bước canh tân văn hóa

Năm nay là lần thứ 11 Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh trao giải thưởng như một hoạt động thực hiện sứ mệnh "góp phần phục hưng, du nhập, khởi phát, gìn giữ và lan tỏa những giá trị tinh hoa văn hóa nhằm phục vụ công cuộc canh tân văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 21", kế tục tinh thần canh tân mà nhà văn hóa Phan Châu Trinh khởi xướng từ 100 năm trước.

Sau 10 lần trao giải, các cá nhân được tôn vinh đều là những cá nhân xuất sắc trong học giới, là những người "không quản gánh nặng đường xa" đóng góp vào con đường khai dân trí - chấn dân khí - hậu dân sinh bằng chính những công trình thiết thực của mình.

Nguồn:Tuổi Trẻ
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Phạm Quỳnh và quá trình tiếp nhận văn hóa phương Tây ở Việt Nam đầu thế kỷ XX

    25/03/2018Vương Trí NhànKhi một người có hoạt động thực sự trên lĩnh vực văn hoá, trở thành có đóng góp về văn hoá, người đó nhất thiết phải có tình cảm tốt đẹp và sâu sắc với dân tộc, với đất nước. Ấy là niềm tin đến với chúng tôi khi lần giở lại Nam Phong. Nó cũng là nhân tố giúp chúng tôi yên tâm khi tìm hiểu những đóng góp của Phạm Quỳnh...
  • Diễn từ nhận giải Văn hóa Giáo dục của Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh 2016

    28/03/2016GS Pierre Darriulat“Chúng ta cần phải đào tạo nên những công dân trẻ có trách nhiệm, những người có thể bác bỏ những học thuyết và giáo điều, những người có khả năng chiến đấu chống lại sự trì trệ, quan liêu và bảo thủ, những người biết nổi giận khi chứng kiến những điều chướng tai gai mắt đi ngược với đạo đức xã hội”...
  • Diễn từ nhận giải Dịch thuật của Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh 2016

    27/03/2016Giáo Sư Đào Hữu DũngHôm nay, có vinh dự từ nước ngoài về quê hương để nhận Giải Văn Hoá Phan Chu Trinh 2016 bộ môn dịch thuật, trên diễn đàn này, tôi xin phép được bày tỏ lời cảm ơn và niềm vui được trao giải cùng quí cử tọa. Niềm vui này đến từ 3 lý do chính...
  • Diễn từ nhận giải Việt Nam học - Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ VIII

    01/04/2015Giáo sư Keith Weller TaylorTheo tôi, Phan Châu Trinh là người Việt Nam trong thế kỷ thứ hai mươi rất thông minh. Phan Châu Trinh có khả năng nhìn xa trông rộng và tiên đoán về tương lai...
  • Diễn từ tại lễ trao giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh

    27/03/2010Dịch giả Phạm Vĩnh CưTrong sáng tác của Soloviev và của nhiều nhà tư tưởng Âu – Mỹ lỗi lạc khác, có thể tìm thấy nhiều chỉ dẫn và gợi mở quý báu cho sự phát triển cá nhân, cho sự điều hành quan hệ, giải quyết những mâu thuẫn giữa cá nhân và xã hội, chính vì thế mà việc dịch thuật và quảng bá những trước tác của họ rất đáng được xã hội và nhà nước Việt Nam cổ lệ và trợ giúp, vì lợi ích trước mắt và lâu dài của đất nước và dân tộc.