Ăn rau và tư duy

04:05 CH @ Thứ Sáu - 11 Tháng Hai, 2011
Nhóm của tôi cùng gu ăn uống với nhau nên hay rủ nhau đi ăn và chúng tôi thường rủ Thầy tôi đi ăn cùng cho vui. Hôm đó sinh nhật một em trong nhóm, Thầy nói sẽ khao chúng tôi ăn món ăn của Hàn Quốc. Trên bàn bày ra rất nhiều những món lạ mà tôi chưa bao giờ ăn. Tôi nhìn những món ăn mới với suy nghĩ “Món này có ngon không nhỉ” rồi nếm thử một chút. Có món tôi thấy hợp miệng nên ăn nhiều hơn hẳn món khác, có món nếm thử thấy quá mặn hoặc quá nhạt nhẽo, có món chua quá hay có món có vị khác thường khó nuốt, khi đó tôi bỏ và không ăn món đó nữa. Với mỗi món ăn mới bày ra tôi lại hành động như vậy. Với món tôi thấy ngon tôi nói với Thầy:

- Thầy ơi, món tương này ngon đấy ạ, em thấy vị của nó vừa miệng và dễ ăn. Thầy thử mà xem.

Thầy nhìn vào bát tương và nói:

- Thế à, món đấy ăn với thứ gì thì hợp hả con, món đấy dùng để chấm cái gì vậy?

Nói rồi Thầy chấm thịt vào tương và gật gật đầu khen ngon. Tôi tiếp tục thử các món khác xem vị của nó ra sao. Trong số những loại kim chi họ mang ra có món kim chi củ cải tôi thấy quá chua khi ăn thử và nói luôn với Thầy:

- Thầy ơi, món kim chi này chua quá, ăn chẳng thích tẹo nào.

Thầy tiếp tục nhìn vào món kim chi và ngước lên nhìn cô nhân viên hỏi:

- Cô ơi, món kim chi này làm từ đâu vậy, nó ăn với cái gì thì hợp nhỉ, tác dụng của nó là gì thế?

Cô nhân viên giải thích cho Thầy tôi về món kim chi, món này dùng ăn kèm với thịt bò nướng và rau diếp sẽ rất hợp, loại dấm ướp củ cải làm từ rượu vang sẽ giúp tiêu hóa thịt tốt hơn. Nghe cô phục vụ giải thích xong thì Thầy bắt đầu ăn món kim chi đó rất ngon lành kèm với thịt bò nướng và rau diếp.

Cứ như vậy, mỗi món ăn mới tôi lại có thói quen nếm xem vị của nó ra sao rồi đánh giá nó còn Thầy luôn xem nó ăn kèm với thứ gì thì hợp, nó có tác dụng gì cho tiêu hóa. Sau những bữa ăn nhiều thịt, Thầy thường lấy một quả chanh vắt nước ra thìa rồi uống nước chanh đó. Tôi nhìn Thầy và thường thốt lên:

- Eo, Thầy không thấy chua ạ, uống nước chanh không thế chua lắm.

- Tôi không quan tâm nó chua hay không, quan trọng là nó có nhiều vitamin và giúp thịt vừa ăn dễ tiêu hơn.

Với mỗi món ăn Thầy luôn tìm xem nó có tác dụng gì, dùng nó ra sao thì ngon nhất và nó có thể ăn kèm với món gì để ngon hơn thay bằng việc đánh giá xem nó chua hay chát, mặn hay ngọt như tôi vẫn làm. Đó cũng là hai cách tư duy khác nhau. Không chỉ trong việc ăn uống mà trong cả cuộc sống. Với mỗi người tôi thường có thói quen đánh giá họ tốt hay xấu, họ có cái gì chưa được, nếu tốt tôi chơi cùng, hợp tác cùng, nếu không thì tôi không chơi cũng không hợp tác. Chính vì lẽ đó mà tôi chưa tận dụng được sức mạnh của tập thể, không khai thác được tối đa tiềm năng của người khác cũng như của chính mình. Thầy thì khác, với bất kỳ một cá nhân nào hay một sự việc gì Thầy luôn xem dùng người đó vào việc gì là phù hợp, hay giao cho họ công việc gì là tốt nhất. Chính vì vậy Thầy thường xử lý công việc hiệu quả hơn người khác rất nhiều, và dù có là ai thì Thầy cũng biết cách khai thác thế mạnh của họ, khích lệ họ và giúp họ thể hiện được bản thân nhiều hơn.

Rồi một hôm Thầy cho chúng tôi đi ăn đồ ăn của Nhật. Khi có một món ăn mới bày ra, theo thói quen tôi nếm và nhăn mặt, định đưa ra lời đánh giá thì Thầy nói ngay:

- Con đừng vội vàng đánh giá như vậy, hãy tập tư duy thực dụng hơn đi. Món ăn được mang ra là có lý do của nó, chắc hẳn có cách ăn riêng để ăn nó và khiến người ăn cảm thấy ngon miệng. Nếu con chỉ dựa vào việc nếm vị của nó mà không ăn nó thì sẽ bỏ phí những công dụng mà nó mang lại, cũng sẽ không bao giờ biết được cách ăn nó sao cho ngon nhất.

- Dạ, con biết ạ, nhưng con cứ quen dùng vị giác của mình để đánh giá như thế.

- Thế thì con phải bỏ thói quen đó đi, thay bằng đánh giá con hãy tập cách tìm hiểu và khai thác thế mạnh của những món ăn này. Điều đó tốt cho cả chính con đấy. Chúng ta còn rất nhiều mặt mạnh có thể khai thác và người khác cũng vậy, có những thế mạnh con không dùng mắt hay kinh nghiệm của bản thân con mà đánh giá hết được. Nếu con có thói quen tìm hiểu và khai thác thế mạnh con sẽ có cái nhìn rộng hơn và thấy được nhiều lợi ích từ những gì con đang tiếp xúc hơn. Đó là tư duy thực dụng và sẽ giúp con tăng hiệu quả công việc lên rất nhiều.

- Con hiểu thưa Thầy, từ nay con sẽ rèn thói quen tìm hiểu và khai thác thế mạnh của tất cả những gì con gặp và bỏ dần thói quen đánh giá nhận xét đi. Nó chẳng giúp ích gì con cả.

- Tốt, giờ thì con thử xem món ăn này có tác dụng gì và ăn với gì là ngon nhất đi

Tôi hỏi cô phục vụ về món ăn và ăn theo sự hướng dẫn của cô ấy. Quả thực vị của nó ngon hơn hẳn, đó đúng là món khai vị ngon và cần thiết cho một bữa ăn. Và không chỉ trong việc ăn uống mà trong bất kỳ việc gì, khi ta hướng tới giải pháp ta luôn nhận được nhiều giá trị và lợi ích hơn việc ta hướng tới những chỉ trích và nhận xét bình phẩm.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: