Giáo dục khai sáng

09:15 CH @ Thứ Năm - 01 Tháng Chín, 2011

Xem thêm:


Ngày khai giảng năm học mới đang đến gần. Guồng máy giáo dục sẽ lại được huy động hết công suất cho việc dạy và học. Trong bối cảnh giáo dục “phải đổi mới căn bản và toàn diện” nhằm phục vụ công cuộc đào tạo nguồn nhân lực, tương lai của nước nhà đang được định hình qua tầm vóc trí tuệ và bản lĩnh của thế hệ ngồi trên ghế nhà trường hôm nay. Tầm vóc này phụ thuộc vào mức độ được khai sáng của thế hệ trẻ.

Khai sáng được hiểu là khơi nguồn, tạo điều kiện cơ bản và tiên quyết để con người nhận ra, biết cách khai thác, phát huy các tiềm năng vốn có của mình mà tận dụng các cơ hội trong cuộc sống, giúp người đó sáng mắt, sáng lòng để tìm thấy con đường sống thiện mỹ phù hợp với năng lực và thiên hướng của mình.

Giáo dục khai sáng là cung cấp cho người học những hiểu biết cơ bản, thiết thực với nhu cầu thời đại. Thay vì ra sức tăng thời gian học và cường độ học, nhà trường phải chọn cách “bảo đảm... những tri thức chắc chắn, thiết thực, phù hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ đi những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế” như Bác Hồ đã viết trong thư gửi giáo viên, học sinh, cán bộ thanh niên và nhi đồng ngày 31-10-1955. Rất mong nhà trường chúng ta sẽ sớm thay đổi theo lời dạy trên để học sinh khỏi phải học đến mụ mẫm đầu óc, đến sợ học. Tất nhiên sự thay đổi này phải thể hiện cả trong chương trình học lẫn đánh giá và thi cử.

Ngoài ra, cần khơi dậy lòng ham học, hướng dẫn cách học và tự học. Khẩu hiệu mỗi ngày đến trường là một ngày vui chỉ có thể thành hiện thực khi lòng ham học của học sinh được hình thành và bồi dưỡng trong mỗi môn học, tiết học, giờ hoạt động trong và ngoài nhà trường. Nhà trường không nên tự đặt cho mình và cũng đừng để mình bị áp đặt một mục tiêu đầy tham vọng đối với từng con người là đào tạo họ thành “người phát triển toàn diện” nên cứ phải nhồi nhét kiến thức suốt từ lớp 1 đến khi tốt nghiệp đại học. Đây là tham vọng phi thực tế và phản khoa học.

Nhà trường không có phép nhiệm mầu nào để thay thế con người - chủ thể của phát triển - trong việc tự đào tạo mình suốt đời bởi quy tắc học tập 25/75 cho biết là nhà trường chỉ cung cấp được chừng 25% hiểu biết cần thiết cho con người, 75% còn lại anh ta phải tự tìm kiếm, học hỏi trong đời sống thực tế, phải tự đào tạo suốt đời. Để tránh tình trạng người có học lại thành “thất học” suốt quãng đời sau khi ra trường, nhà trường phải gieo hạt giống ham học suốt đời vào lòng người học, phải hướng dẫn họ cách học và tự học.

Đồng thời nhà trường phải giúp người học biết tư duy độc lập. Thế hệ trẻ Việt Nam dứt khoát phải “con hơn cha”. Vậy nên muốn đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, trước hết phải yêu cầu nhà trường giúp người học biết tư duy độc lập, khuyến khích họ dám hoài nghi “chân lý”, biết đặt câu hỏi, không sợ sai, không sợ trái “bài văn mẫu”. Mọi nền khoa học sẽ trở nên tù đọng, đứng yên rồi chết nếu không có hoài nghi khoa học.

Và cuối cùng, đừng để lãng phí các tiềm năng bẩm sinh của con người. Hầu như người bình thường nào sinh ra cũng đều có tiềm năng trở thành thiên tài. Các tiềm năng bẩm sinh này có thể bị thui chột hoặc nảy nở mạnh mẽ phần lớn dưới ảnh hưởng của giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội. Khoa học cho rằng người bình thường chỉ mới khai thác được chưa quá 1% năng lực của bộ não và chỉ cần huy động được từ 3-5% là đã có thể trở thành thiên tài.

Sự hứng thú, cao hơn nữa là đam mê trong học tập, đó chính là “nút bấm” sẽ khơi nguồn một hay nhiều thế mạnh đang tiềm ẩn nơi người học. “Nút bấm” này phải được gia đình cùng nhà trường và xã hội phát hiện và phát triển.

Khác với khai giảng chỉ diễn ra định kỳ vào một thời điểm nhất định của nhà trường, khai sáng con người là việc làm liên tục, suốt đời, suốt các thế hệ bởi cả ba môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Giáo dục Việt Nam phải thật sự thành nền giáo dục khai sáng.

Nguồn:Tuổi trẻ
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Trả lời câu hỏi: Khai sáng là gì?

    08/09/2020Thái Kim Lan, Phạm Toàn, Phạm Minh NgọcTri thức, đặc biệt là tri thức triết học có tầm bao quát nhiều thời đại, liên kết toàn bộ lịch sử loài người tới từng vấn đề thời sự của mọi nơi, mọi lúc trên hành tinh. Một tiểu luận "Trả lời câu hỏi: Khai Sáng là gì?" của Immanuel Kant, triết gia Đức viết năm 1783, đặt nền móng cho kỷ nguyên Khai Sáng của nhân loại, vẫn mang những giá trị hết sức thời sự với người Việt chúng ta...
  • Nền giáo dục khai phóng là gì?

    03/06/2017Dr. Mortimer J.AdlerLiệu một nền giáo dục các môn học khai phóng chẳng phải là một thứ xa xỉ hiếm có trong thế giới ngày nay sao? Các sinh viên đại học của chúng ta nên nghiên cứu vật lý, toán và những khoa học khác thay vì triết học văn chương và âm nhạc. Chúng ta cần những người trẻ tuổi được đào tạo về các môn khoa học chứ không phải những con người có thể trò chuyện hấp dẫn về “văn hóa”. Ngày nay phải chăng bất kỳ ai cũng có thể biện hộ cho giá trị của một nền giáo dục khai phóng?
  • Tinh thần "khai sáng"

    15/01/2016Duy LinhTôi cho rằng cái mà tôi và nhiều bạn trẻ khác đang thiếu chính là một tinh thần “khai sáng”...
  • Nhớ về buổi nói chuyện “Trưởng thành và Khai sáng” ngày 14/7/2011

    05/08/2015Một người trên 18 tuổi thì được coi là trưởng thành nhưng là trưởng thành về mặt sinh học. Một người chỉ được coi là “trưởng thành” về mặt trí tuệ và nhận thức khi người đó được “khai sáng” thông qua “sự học”, “thực học” và “biết học”. Đó là người có suy nghĩ và tư duy độc lập, dám nghĩ và dám tin để từ đó biết lỗi, biết ơn, biết sáng tạo, có khả năng phân biệt đúng - sai, hay - dở, tốt - xấu; biết cái gì đáng khinh, cái gì đáng trọng…
  • Nền giáo dục khai phóng

    16/01/2014Andrew ChruckyVới cơ cấu kinh tế hiện tại, sẽ thuận lợi cho người tuyển dụng khi có một nguồn vốn người làm công tiềm năng được giáo dục tốt. Kiểu giáo dục mà họ cần là giáo dục xóa mù chữ để người làm công có thể tuân lệnh và làm được những việc kỹ thuật. Cái không được cần đến là giáo dục về nhận thức chính trị; bởi thế có một chuyện hoang đường thịnh hành là chính trị nên đứng ngoài giáo dục...
  • Tư tưởng, phong trào Khai Sáng là gì?

    09/10/2010Bùi Quang MinhPhong trào Khai sáng là phong trào bắt đầu thời thế kỷ 18 ở châu Âu, coi việc tuyên truyền, phổ biến các tư tưởng tiến bộ, nâng cao các chuẩn mực đạo đức và tri thức khoa học (chứ không phải tôn giáo, điều giáo điều có sẵn) là những phương tiện quan trọng để biến đổi cuộc sống xã hội, con người, làm cho nhân loại tiến bộ.
  • Cần cuộc cách mạng Khai Sáng của người Việt

    27/09/2010Bùi Quang MinhĐể ý nhiều bạn trẻ, trung niên, và cả bậc cao niên lảng tránh bàn luận việc lớn nhỏ của đất nước, dân tộc hay của chính họ, tôi nhận thấy nguyên nhân chung họ đưa ra là: “Ôi dào, rách việc, nghĩ nhiều thì cũng đến thế, việc khó để người khác lo”. Có phải họ lười suy nghĩ, hay là họ ích kỷ cá nhân, họ chưa đủ khả năng nhận thức đầy đủ về dân quyền và việc quốc gia hay là họ đang thờ ơ với vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của mình chăng? Họ chưa trưởng thành dù cho cơ thể và địa vị xã hội của họ đã lớn...
  • Giáo dục Khai Phóng

    30/08/2010Lý LanLò dò vô trang web “cựu sinh viên nổi bật” của trường đại học Chicago, Mỹ, thấy một danh sách dài có hình ảnh và thành tích của những người xuất thân từ trường này đã trở thành giám đốc ngân hàng, chủ tịch tập đoàn, bộ trưởng quốc phòng, khoa học gia và kinh tế gia đoạt giải Nobel, sử gia và chính khách làm nên lịch sử, nhà văn, đạo diễn nổi tiếng… Nhìn chung là những kẻ thành công trong xã hội. Nhà trường tự hào trưng hình ảnh họ như những tấm huy chương. Và căn cứ vào những kẻ được biểu dương có thể biết kỳ vọng hay mục tiêu giáo dục của trường. Chẳng phải nhà trường nào cũng nhằm đào tạo những kẻ thành công?
  • Ch.S.Montesquieu - Nhà triết học khai sáng với tư tưởng đề cao “Tinh thần pháp luật”

    09/09/2009Nguyễn Thị Thu HươngVới tất cả những cống hiến lý luận của mình, Montesquieu xứng đáng được tôn vinh là một trong những nhà tư tưởng lớn trong lịch sử tư tưởng nhân loại thế kỷXVIII, là nhà triết học Khai sáng Pháp nổi tiếng với tư tưởng đề cao "tinh thần pháp luật” luôn thể hiện ý chí và khát vọng xây dựng một xã hội mới mà ở đó, không còn áp bức, bất công, một xã hội có khả năng đem lại tự do cho mọi người, hoà bình cho nhân loại. Hơn hai thế kỷ qua, nhân loại luôn nhắc đến ông với tư cách đó và Bàn về tinh thần pháp luật của ông luôn được các nhà tư tưởng, các chính khách và giới nghiên cứu lý luận trên toàn thế giới sử dụng như một tài liệu tham khảo bổ ích, có giá trị gợi mở cho việc xây dựng và hoàn thiện lý luận về nhà nước pháp quyền.
  • xem toàn bộ