Giáo dục: Từ "xã hội hoá" đến "tư hữu hoá"

08:41 SA @ Chủ Nhật - 23 Tháng Chín, 2007

Hiện nay đang có một cuộc thảo luận trên báo chí về vấn đề "xã hội hoá giáo dục", được tiếp tục từ các dự định tăng học phí ở vài trường tiểu học công lập. Tôi xin được tham gia với một ý kiến ngắn, dựa trên vài kinh nghiệm riêng.

Bài học Ireland

Cuối năm 1983, tôi đến Ireland để làm nghiên cứu khoa học trong một "postdoctoral fellowship" do Bộ Giáo dục nước này tài trợ, tại Khoa Hoá học Trường University College Dublin (UCD).

Khi tôi bước lên hải cảng Dún Laoghaire, hòn đảo này đang là nước nghèo nhất trong 9 nước của Cộng đồng chung Châu Âu (European Community).

Sau một thập niên gia nhập EC, thu nhập bình quân của dân Ireland còn rất thấp so với các nước trong EC; hạ tầng cơ sở không có gì nhiều, họ chưa xây dựng được một cây số xa lộ nào cả, các trục giao thông chính vẫn là những quốc lộ hẹp và nguy hiểm.

Nói chung, ở những năm đầu của thập niên 1980, kinh tế Ireland không phát triển, không có công ăn việc làm cho một thế hệ thanh niên trong một đất nước rất trẻ. Thời đó, thanh niên Ireland tốt nghiệp xong đại học hay sau đại học chỉ nghĩ đến việc đi... di cư, sang tìm việc làm ở London, Paris, Boston, New York, Sydney,... Chỉ một tỉ lệ nhỏ ra trường tìm được việc làm tại chỗ.

Đây là một chuyện di dân kinh tế bình thường mà người dân ở xứ sở của James Joyce, Seán O'Casey, Bernard Shaw... này đã làm từ bao thế hệ qua.

Điều đáng nói là số thanh niên này, với tấm bằng đại học hay sau đại học của Ireland, họ được đón nhận dễ dàng ở các nước nhập cư. Thời đó có câu đùa: "Sản phẩm xuất khẩu tốt nhất của Ireland là thanh niên!".

Chỉ cần ở Dublin không lâu, từ công việc trong đại học, tiếp xúc với đồng nghiệp, có dịp hướng dẫn sinh viên cử nhân, cao học và tiến sĩ làm luận án, tôi nhận ra được ngay chất lượng đào tạo rất cao của nền giáo dục đại học Ireland, dù phương tiện và thiết bị cho giảng dạy và nghiên cứu vào thời đó vẫn còn thiếu thốn hay thua kém so với các nước EC xung quanh.

Nói chung, dù họ còn nghèo, song học trò học ra học, thầy dạy ra dạy, người nghiên cứu ra nghiên cứu. Và tất cả nền giáo dục công lập, từ tiểu học đến đại học, đều được miễn phí. Sinh viên nghèo được học bổng; giáo viên tiểu học và trung học được hưởng lương cao hơn các ngành công chức có bằng cấp tương đương.

Ngân sách nhà nước thiếu hụt, song Bộ Giáo dục Ireland lúc đó vẫn lập ra những chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ (postdoctoral research programs), nhằm giữ lại hay thu hút nhân lực cho bậc đại học.

Đó là một chính sách giáo dục chủ động, tích cực, không những chỉ nhằm tạo nhân tài, mà còn nhằm giảm đi bất công xã hội trong một đất nước vốn có nhiều bất công (do lịch sử thuộc địa để lại). Với một nền giáo dục đó, con em các tầng lớp nghèo có điều kiện hơn để vươn lên bằng chính khả năng của mình, chứ không chỉ bằng tài sản của gia đình.

Tôi rời Ireland vào năm 1986, sau 3 năm ở UCD, với nhiều nghiên cứu thành công và thích thú, để rồi khoảng 10 năm sau, khi có dịp trở lại Dubblin, được ngạc nhiên chứng kiến sự phát triển kinh tế của hòn đảo này, từ nước nghèo nhất, trì trệ nhất, đang trở thành nước có tốc độ phát triển kinh tế cao nhất, với thu nhập bình quân đạt mức cao nhất trong các nước Liên minh Âu Châu hiện nay (27 nước).

Thanh niên Ireland không còn nghĩ đến việc di dân, nhiều người trước ra đi nay về lại; nhà cửa, hãng xưởng, phi trường, xa lộ... mọc lên; Dublin trở thành một thành phố quá đắt đỏ so với thời tôi sống ở đó.

Giáo dục làm nên điều kỳ lạ

Tôi hỏi các đồng nghiệp về nguyên nhân của điều "kỳ diệu kinh tế" (economic miracle) này, tất cả đều cho rằng đó là nhờ kết quả của nền giáo dục. Thật vậy, ở những năm cuối 1990, khi nền công nghệ thông tin (IT) phát triển toàn cầu, Ireland đã thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài, một phần nhờ một chính sách đầu tư hấp dẫn và thuế khoá phù hợp, phần khác là nhờ họ có sẵn một lực lượng nhân công (còn) rẻ và giỏi ở nhiều trình độ khác nhau.

Thanh niên Ireland có học vấn, trước đây phải lang thang đi làm khắp nơi, nay có dịp làm việc tại quê mình. Chất lượng và trình độ giáo dục cao của nhiều thế hệ đáp ứng được nhu cầu và cho phép các công ty quốc tế tiếp tục đầu tư.

Thành công về IT kéo theo các hãng công nghệ hoá học, dược phẩm, năng lượng... cũng đầu tư nhiều vào đây. Có thể nói, Ireland là một trong vài nước đã thành công việc phát triển kinh tế nhờ vào IT và công nghệ mũi nhọn, và nhân tố cho sự thành công đó là một nền giáo dục đại chúng, công lập, miễn phí và chất lượng cao... xây dựng trong nhiều thế hệ, từ khi còn rất nghèo.

Theo tôi, kinh nghiệm này của Ireland, với tất cả những hoàn cảnh và điều kiện riêng của nước này, cho thấy vai trò của nhà nước trong nền giáo dục. Trong mọi hoàn cảnh, một nhà nước cho dân và vì dân phải tìm cách tổ chức tốt nhất nền giáo dục, và không thể vì thiếu ngân sách để từ nhiệm, tìm cách giao bớt "gánh nặng giáo dục" lại cho các thành phần dân chúng.

Hiện nay ở Việt Nam, việc này được gọi là "xã hội hoá" và đã được giới thiệu như một "triết lý giáo dục" mới (1). Trong khuôn khổ của bài viết ngắn này, tôi chỉ xin được đưa ra hai nhận xét:

a) Trong "Từ điển tiếng Việt" do Văn Tân chủ biên (1967), đã có ghi từ xã hội hoá với định nghĩa: "Đem tư liệu sản xuất của cá nhân làm của chung của xã hội" (như: Xã hội hoá các phương tiện giao thông vận tải).

Gần đây hơn, "Từ điển tiếng Việt" do Hoàng Phê chủ biên (2005), định nghĩa xã hội hoá là "làm cho trở thành của chung của xã hội" (như: Xã hội hoá tư liệu sản xuất). Như vậy, khi danh từ "xã hội hoá" được dùng trong nghĩa nôm na là dân phải đóng tiền cho trường học, bệnh viện... thì hoàn toàn ngược lại nghĩa đúng của nó.

b) Mọi người dân trong một nước đều không có thể đóng thuế như nhau. Việc chia đều nghĩa vụ đóng tiền cho những việc công ích như giáo dục, y tế,... là một bất công; xét cho cùng không khác gì việc lấy tiền của (đa số) người nghèo cho (số ít) người giàu.

Việc đóng học phí (và học phí khác nhau) trong các trường tiểu học và trung học công lập, trước sau sẽ dẫn đến một bất công xã hội khác, là cơ chế chọn lọc trẻ em bằng tiền (của cha mẹ) chứ không chỉ bằng tài năng (của các em).

Và cuối cùng, trong một nền kinh tế thị trường, việc các cá nhân tham gia quản lý trong một trường công lập dựa trên việc đóng tiền, cùng với sự từ từ rút lui của Nhà nước, sẽ có khả năng dẫn đến việc tư hữu hoá.

Tôi nghĩ rằng, với một ngân sách khá cao của Chính phủ Việt Nam dành cho giáo dục (8,3% GDP, 2005)(2), việc tổ chức một nền giáo dục có thể so sánh được với Ireland khi nước này còn rất nghèo, là khả thi. Ở đây, vấn đề cần là giảm nhiều lãng phí và tham nhũng trong ngành giáo dục, chứ không phải tốn thêm thì giờ và công quỹ đi tìm những "triết lý" mới để biện minh!

Ngày 30.7.2007


(1) Phan Xuân Sơn, vietnamnet.vn/bandocviet/2007/07/723492/, ngày 28.7.2007.
(2) Vũ Quang Việt, 2007.

Nguồn:Lao Động
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • "Xã hội hóa cái đầu"

    14/10/2006CameraGần đây cụm từ xã hội hóa được nhắc đến quá nhiều trên mặt báo. Xã hội hóa giáo dục, xã hội hóa y tế, xã hội hóa sân khấu, xã hội hóa điện ảnh, xã hội hóa... tùm lum thứ.Cứ như thể có cái gì mới mẻ lắm, tiến bộ lắm đang nhúc nhích tiến đến gần xã hội chúng ta.
  • Bài toán xã hội hóa

    03/05/2006TS. Nguyễn Sĩ DũngXã hội hóa và đổi mới tư duy vẫn là hai thứ khác nhau. Mối quan hệ giữa chúng nhiều khi cũng tế nhị như mối quan hệ giữa bình và rượu...
  • Những bất cập trong việc xã hội hóa giáo dục

    08/02/2003Bài viết của Giáo sư Hoàng Tụy đăng trên báo Nhân Dân điện tử ngày 18-5-2000 nêu ra: chấn hưng, cải cách, hiện đại hóa là nhiệm vụ cấp bách nhất của ngành giáo dục hiện nay.