Triết học Hội tụ

03:32 CH @ Thứ Hai - 18 Tháng Hai, 2019

Nhà xuất bản Khoa Học Xã hội vừa cho tái bản cuốn sách "Triết học hội tụ: Về xu thế tiến hóa của các hệ thống tự nhiên và xã hội" của nhà khoa học - nhà văn hóa Nguyễn Bá Trinh...

Bìa sách xuất bản lần đầu:"Triết học Hội tụ: Về xu thế tiến hóa của các hệ thống tự nhiên và xã hội", Tác giả: Nguyễn Bá Trinh
NXB Khoa học Xã hội, 2019
Số trang: 415 trang

.
Triết học hội tụ là một tác phẩm mới xuất bản của nhà khoa học – nhà văn hóa, Tiến sỹ Nguyễn Bá Trinh. Đó là một hệ tư tưởng mới suy luận logic từ các quy luật tự nhiên và xã hội, một cách nhìn lạc quan về xã hội loài người. Nội dung của tác phẩm thể hiện mấy quan điểm chính: Thế giới vật chất và xã hôi loài người đang tiến hóa theo xu hướng hội tụ. Nguyên nhân của hội tụ là tính bất đối xứng xuất hiện trong quá trình tiến hóa. Xã hội mở và đổi mới ý thức hệ là hai yếu quyết định sự thành bại của một quốc gia. Hội tụ nhằm bảo toàn và kế thừa các domain cấu trúc, đồng thời hình thành các hệ siêu liên hợp với nhiều hiệu ứng có lợi so với các hệ riêng biệt. Hội tụ trong xã hội loài người vừa là quy luật vừa là nhu cầu bức thiết.

Bìa sách tái bản năm 2021

Sau đây chúng tôi xin trích phần mở đầu và kết luận của tác phẩm này.

.

MỞ ĐẦU

Trong tiến trình lịch sử của mình, nhân loại đã chứng kiến vô vàn cuộc chiến tranh, khó mà liệt kê hết. Bước sang thế kỷ XX, XXI các cuộc chiến vẫn tiếp diễn với các quy mô khác nhau: Thế chiến thứ nhất 1914 - 1918, thế chiến thứ hai 1939 - 1945, chiến tranh Triều Tiên 1950, chiến tranh Đông Dương 1945 - 1979, chiến tranh Việt Nam 1955 - 1975, chiến tranh Ấn Độ - Pakistan từ 1947, chiến tranh Trung Quốc - Ấn Độ 1962, chiến tranh Afganistan 1978 - 1992, các cuộc xung đột ở Trung Đông, các xung đột sắc tộc ở châu Phi, chiến tranh Iraq 2003 - 2011, chiến tranh Syria từ 2011... Bên cạnh các cuộc chiến là sự chia rẽ dân tộc, đặc biệt là sự tan rã của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, sự rút lui của nước Anh khỏi Liên minh châu Âu... Phải chăng, thế giới đang chia rẽ, đang ngày càng tách xa nhau? Cho đến nay, chưa có một lý thuyết nào nhận định về tương lai đó của nhân loại. Có lẽ nguyên nhân chính là do chưa tìm được một cơ sở lý luận, hay một mô hình tư duy.

Như đã biết, trong tự nhiên và xã hội loài người, thường có những quy luật chung hoặc tương đồng nhau, chẳng hạn như quy luật Âm dương, quy luật Biện chứng, quy luật Nhân quả... Tuy nhiên, xã hội loài người là một hệ thống rất phức tạp. Nó mang tính chất của một hệ vật lý, do có tương tác giữa các cá nhân và giữa các nhóm người theo cơ chế lợi ích. Đồng thời, nó mang tính chất của một hệ thống sinh học vì có tính tự sản sinh và di truyền và mang tính chất của một hệ thống “người” vì biết tư duy. Cho nên, việc phát hiện và xác minh các quy luật trong xã hội rất khó khăn. Bởi thế, các nhà xã hội học thường lấy ý tưởng từ khoa học tự nhiên để làm cơ sở khoa học và là mô hình nghiên cứu. Phương pháp này đã được René Descartes vận dụng với mô hình cơ học xã hội; đã được Herbert Spencer vận dụng với mô hình chủ nghĩa Darwin xã hội; đã được Kenneth dùng với mô hình Entropy xã hội; đã được Talcott Parson và Luhmann vận dụng với mô hình hệ thống xã hội; đã được Jansh vận dụng với mô hình Cấu trúc tiêu tán xã hội. Như vậy, khoa học tự nhiên đã cung cấp nhiều mô hình cho nghiên cứu xã hội, nhưng tương lai nhân loại, sẽ là đoàn tụ hay chia rẽ, thì chưa có một mô hình nào.

Từ năm 1970, chúng tôi đã có ý tưởng nghiên cứu một số loại phân tử hóa sinh và tìm những biến đổi của chúng theo trình độ tiến hóa sinh học. Nhờ đó, năm 1991 tác phẩm Ngưng tụ phân tử trong quá trình tiến hóa sinh học ra đời. Công trình này được công bố tại Hội nghị Quốc tế về Hóa sinh và Sinh học phân tử, năm 1994, New Delhi Ấn Độ. Ban tổ chức hội nghị và nhiều đồng nghiệp đã đánh giá: Đây là một công trình khoa học tiên phong trong lĩnh vực sinh học phân tử. Qua những công trình về sau, lý thuyết của chúng tôi càng được củng cố: Trong quá trình tiến hóa sinh học, các loại phân tử đều có một xu hướng chung là tăng độ ngưng tụ.

Không những trong quá trình tiến hóa sinh học, mà ở quy mô vũ trụ, vật chất cũng tiến hóa theo xu hướng ngưng tụ. Chúng ta có thể tìm thấy các kết luận đó trong vô vàn các sách vở nói về vũ trụ. Nhờ có xu hướng đó mà hình thành nên những ngôi sao đầu tiên, rồi từ đó hình thành các thiên hà, hình thành Hố đen, hình thành các nguyên tố hóa học... Brian Green, tác giả cuốn Giai điệu dây và bản giao hưởng vũ trụ, cũng đồng tình với nhận định của chúng tôi. Ông viết: Vật chất cũng như đồng tiền, có xu hướng ngưng tụ về một chỗ. Xu hướng ngưng tụ vật chất cũng từng tồn tại trong môi trường nước trên Trái đất. Nhờ đó mới dẫn đến hình thành sự sống và cuối cùng dẫn đến hình thành loài người Homo Sapiens, để bây giờ cùng nhau luận bàn về thế giới.

Từ ánh sáng của mô hình ngưng tụ vật chất, chúng tôi soi vào con đường hàng vạn năm mà loài người đã trải qua. Lịch sử nhân loại cho thấy: Loài người cũng đang tiến hóa theo xu thế hội tụ, tương tự xu thế của thế giới vật chất(Khái niệm hội tụ trong xã hội tương đương ngưng tụđối với vật chất. Cho nên khi bàn về vật chất chúng tôi dùng khái niệm ngưng tụ, còn trong trường hợp xã hội, hoặc chung cho cả vật chất và xã hội, chúng tôi dùng khái niệm hội tụ). Vào thời tiền sử con người sống phân tán vô tổ chức theo bầy đàn, về sau mới hình thành các thị tộc. Từ thị tộc tiến tới hội tụ thành bộ lạc, từ bộ lạc lại hội tụ thành liên minh bộ lạc và tiểu vương quốc, sau đó hình thành quốc gia. Bước sang thời đại Văn minh, tốc độ hội tụ ngày càng tăng, nó biểu hiện qua hội tụ đô thị hóa và hình thành các khối quốc gia, như Liên minh châu Âu, Hiệp hội các nước Đông Nam Á và rất nhiều hình thức khác nhằm liên kết các nước với những mục tiêu nhất định. Như vậy, hội tụ là quy luật xuyên suốt trong quá trình tiến hóa tự nhiên và tiến hóa xã hội. Đó là lý do mà tác phẩm TRIẾT HỌC HỘI TỤ ra mắt bạn đọc. Sách dày 416 trang do Nhà xuất bản xã hội ấn hành.

.

MỤC LỤC

Mở đầu

Chương 1. KHOA HỌC VÀ MÔ HÌNH TƯ DUY XÃ HỘI

1.1 Thuyết cơ giới

1.2 Thuyết tiến hóa

1.3 Thuyết nhiệt động học

1.4 Thuyết hệ thống

1.5 Thuyết cấu trúc tiêu tán

Chương 2. THUYẾT NGƯNG TỤ VẬT CHẤT

2.1 Ngưng tụ phân tử trong sinh hệ

2.2 Ngưng tụ vật chất trong vũ trụ

2.3 Ngưng tụ trong môi trường nước

Chương 3. THUYẾT HỘI TỤ XÃ HỘI

3.1 Hội tụ thị tộc - bộ lạc

3.2 Sự hình thành các quốc gia

3.3 Sự hội tụ liên quốc gia

Chương 4. Thuyết tri thức và hội tụ xã hội

4.1 Khoa học và các phát minh

4.2 Triết học châu Âu

Chương 5. Thuyết ICC (Idology - Closed - Collapse)

5.1 Đảo phục sinh

5.2 Đế quốc Khmer

5.3 Nền văn minh Maya

5.4 Liên Xô

5.5 Những cuộc cách mạng ý thức hệ

5.6 Hội tụ ý thức hệ

Chương 6. THUYẾT BẤT ĐỐI XỨNG

6.1 Bất đối xứng trong tự nhiên

6.2 Bất đối xứng trong xã hội

Chương 7. THUYẾT DOMAIN

7.1 Domain tự nhiên

7.2 Domain xã hội

7.3 Cấp bậc domain và mức độ liên kết

Chương 8. THUYẾT SIÊU LIÊN HỢP CEKE

8.1 Hiệu ứng tự điều chỉnh

8.2 Hiệu ứng entropy

8.3 Hiệu ứng động học (kinetics)

8.4 Hiệu ứng năng lượng (energy)

8.5 Tiến hóa hệ siêu liên hợp

Chương 9. THUYẾT CHẾT NHIỆT PHI CLAUSIUS

9.1 Thuyết chết nhiệt clausius

9.2 Vật chất sống và miền 300K

9.3 Nhiệt độ và hoạt tính enzym

9.4 Cơ chế vận chuyển năng lượng

9.5 Chết nhiệt phi clausius

Tài liệu tham khảo

.

TÓM TẮT

1. Khoa học và mô hình tư duy xã hội

Trong tự nhiên và xã hội loài người, thường có những quy luật chung hoặc tương đồng nhau. Tuy nhiên, xã hội loài người là một tổng hệ thống rất phức tạp. Cho nên việc phát hiện và xác minh các quy luật trong xã hội rất khó khăn. Bởi thế, các nhà xã hội học thường lấy ý tưởng từ khoa học tự nhiên để làm cơ sở khoa học và là mô hình nghiên cứu. Dưới quan niệm tư duy cơ giới, người ta cho rằng, mọi vật chuyển động là do tác động của các lực, các vật thể vận động là do tương tác chứ không phải do một ý chí nào. Xã hội có thể xem như một cỗ máy, có thể tìm hiểu nó bằng cách xem xét các bộ phận khác nhau. Tư duy cơ giới là một bước tiến về nhận thức tự nhiên và xã hội của nhân loại. Nó đánh đổ các học thuyết bất biến và duy thần đang ngự trị trong thời gian đó. Vận dụng lý thuyết tiến hóa, Spencer cho rằng, xã hội loài người cũng tương tự như sinh hệ. Nó luôn luôn thay đổi và phức tạp dần. Từ đó ông phân chia lich sử loài người thành các giai đoạn tiến hóa. Bailey Kenneth đã nhìn xã hội như một hệ nhiệt động. Ông đã đề xuất Lý thuyết Entropy xã hội và xây dựng các phương pháp tính entropy xã hội để làm cơ sở định lượng nghiên cứu xã hội. Parson và Luhmann xem xã hội là một hệ thống với nhiều tiểu hệ tương tác với nhau và tương tác với môi trường. Xã hội chỉ phát triển khi nó liên kết với môi trường. Vận dụng lý thuyết Nhiệt động học không cân bằng, Jansch xem xã hội loài người là một cấu trúc tiêu tán. Nó tồn tại nhờ luôn luôn tiếp nhận năng lượng từ bên ngoài. Nguồn năng lượng đi vào là những biến động (Fluctuations), bởi thế xã hội liên tục diễn ra các quá trình và liên tục thay đổi cấu trúc. Nói chung, xã hội là một cấu trúc không - thời gian (Space - Time Structure). Nghĩa là xã hội loài người nói chung và mỗi quốc gia nói riêng, thay đổi từng giây từng phút; xã hội càng tiến hóa tốc độ thay đổi càng lớn. Xã hội là một cấu trúc tiêu tán - đó là cách nhìn xã hội một cách biện chứng nhất.

2.Thuyết ngưng tụ vật chất

Các dạng phân tử giữ chức năng như enzym và ADN hoặc protein cấu trúc (collagen) và các chất dự trữ như protein, tinh bột, lipid đều có xu hướng tăng dần khả năng ngưng tụ trong quá trình tiến hóa sinh học. Mỗi loại phân tử thực hiện xu hướng này theo một cơ chế khác nhau. Nguyên tắc chung là tăng khối lượng phân tử, thay đổi thành phần monome và đơn giản hóa thành phần cấu tạo nên phân tử.

Sự gia tăng mức độ ngưng tụ phân tử của ADN trong quá trình tiến hóa trước hết biểu thị ở sự tăng lượng ADN trong nhân tế bào (tính theo nhân đơn bội). Tiến hóa ADN có xu hướng tăng tỷ lệ AT so với GX. Điều đó làm tăng tính hydrophobic của ADN trong môi trường nước. Sự giảm tỷ lệ GX sẽ làm cho hai mạch phân tử ADN mềm dẻo hơn, dễ dàng cuộn lại để tạo nên các cấu trúc bậc cao.

Cấu trúc bậc III của enzym có xu hướng tạo nên các liên kết hydrophobic giữa các mạch polypeptid. Biểu hiện rõ nhất là sự hình thành các zeep leucine. Số liệu thu thập được cho thấy có mối liên quan chặt chẽ giữa sự tăng số liên kết hydrophobic trong phân tử và sự giảm tính bền nhiệt. Do đó sự giảm tính bền nhiệt của enzym ở các loài sinh vật bậc cao chắc chắn liên quan trực tiếp với sự tăng các liên kết hydrophobic giữa các mạch polypeptid– hay nói cách khác – do tăng mức độ ngưng tụ của phân tử.

Collagen thay đổi thành phần amino trong quá trình tiến hoá. Từ cá đến động vật có vú tỷ lệ glycine, polyne và oxyproline tăng lên. Sự tăng tỷ lệ ba amino này dẫn đến hoàn chỉnh các đơn vị cấu trúc cơ sở của collagen (gly - pro - hpr)n đồng thời tăng khả năng liên kết hydrogen giữa các mạch polypeptid.

Theo trình tự tiến hóa từ globulin đến glutelin đến prolamin thành phần aminoaxit thay đổi có quy luật: Giảm tỷ lệ lysine và các aminoaxit phân cực, nhưng tăng aminoaxit hydrophobic, aminoaxit chứa lưu huỳnh, axit glutamic và prolin. Sự giảm aminoaxit phân cực mạnh đồng thời với sự tăng aminoaxit hydrophobic làm giảm khả năng hydrat hóa và tạo nên xu thế “co” thể tích phân tử. aminoaxit chứa lưu huỳnh làm tăng khả năng liên kết chéo giữa các mạch phân tử. axit glutamic và proline tạo nên những lớp cấu trúc b. Trên cơ sở đó có thể cho rằng tiến hóa protein dự trữ là quá trình tăng mức độ ngưng tụ phân tử trên cơ sở thay đổi thành phần aminoaxit. Sự đơn giản hóa thành phần aminoaxit tạo nên những đoạn gen thừa. Đó là một điều kiện để cơ thể biến đổi gen cũ thành những gen có chức năng mới.

Số liên kết đôi trong lipid dự trữ giảm dần theo trình độ tiến hóa sinh học. Xu thế ngưng tụ tăng lên nhanh trong quá trình tiến hóa nếu xu thế này phù hợp với xu thế thích nghi của sinh vật. Các nối đôi trong lipid dự trữ thường ở dạng cis, có lợi cho việc sắp xếp các mạch phân tử, mặc dù dạng cis có mức năng lượng cao hơn dạng trans. Sự đơn giản hóa thành phần axit béo còn đơn giản hóa hệ gen tương ứng. Số gen thừa trở thành nguyên liệu cho tiến hóa gen với chức năng mới. Tiến hóa lipid dự trữ là quá trình giảm số liên kết đôi và đồng nhất dần thành phần axit béo. Xu thế biến đổi đó làm tăng dần khả năng ngưng tụ phân tử của lipid.

Hạt tinh bột bao gồm amylose và amylopectin, trong đó amylose không vượt quá 35%. Tinh bột có loại chứa 100% amylopectin (tinh bột nếp) chứ không có loại nào chứa 100% amylose. Điều đó nói lên rằng việc sử dụng amylopectin làm chất dự trữ ưu việt hơn amylose. Nguyên nhân là amylose có cấu trúc spiral rỗng đồng thời khối lượng phân tử bé. Ngược lại, amylopectin là polyme phân nhánh, cản trở sự hình thành spiral rỗng, đồng thời amylopectin có khối lượng phân tử lớn hơn. Do đó amylopectin có mức đóng gói cao hơn amylose. Tuy nhiên, nếu hạt tinh bột chỉ có amylopectin, một loại phân tử dạng cầu, thì vẫn còn không gian trống. Khe trống đó không thể chèn amylopectin được mà phải sử dụng một loại phân tử bé hơn, đó là amylose. Lượng amylose để chèn vào các khe trống này cần một tỷ lệ không quá 35%. Điều đó giải thích tại sao hàm lượng amylose trong tinh bột thường không quá con số này.

Hiện tượng giảm tỷ trọng ở tinh bột nếp là một bằng chứng về sự kết hợp hợp lý giữa amylose và amylopectin. Ở hạt nếp, không có amylose. Hạt gạo bị đục do nhiều khe trống trong hạt tạo nên môi trường truyền quang kém. Nói chung việc hạt tinh bột sử dụng amylose và amylopectin với một tỷ lệ thích hợp biểu hiện xu thế ngưng tụ tối đa ở mô dự trữ tinh bột. Tiến hóa tinh bột là quá trình thay đổi kiểu liên kết glucosid, tăng khối lượng phân tử, tăng mức độ phân nhánh và loại bỏ dần phần phân tử mạch thẳng có cấu trúc xoắn (spiral) rỗng.

Xu thế ngưng tụ là bản tính vốn có của vật chất trong cơ thể sống, bao gồm cả chất giữ chức năng hoạt động nào đó (xúc tác, cấu trúc, mang thông tin di truyền....) hoặc các chất dự trữ. Vậy động lực nào đã dẫn đến xu hướng này.

Tiến hóa vật chất trong vũ trụ cũng diễn ra theo xu hướng tăng dần độ ngưng tụ. Từ những thời khắc ban đầu vũ trụ chỉ là những bức xạ. Nhưng sau đó hình thành các hạt lớn hơn, tiếp đến là các nguyên tử nhẹ (H, He). Từ đây vũ trụ tiến hóa ngưng tụ theo hai cơ chế: Ngưng tụ suy biến và ngưng tụ nguyên tố. Ngưng tụ suy biến dẫn đến hình thành các “sao chết”, như sao lùn trắng, sao neutron, hố đen. Hố đen là trạng thái ngưng tụ cao nhất của vũ trụ. Cơ chế ngưng tụ nguyên tố dẫn đến hình thành các nguyên tố nặng, từ hydro và heli hình thành oxy, nitơ. Từ đó lại hình thành nên các nguyên tố nặng hơn như niken, sắt và cuối cùng là vàng.

Sự sống xuất hiện trong môi trường nước trên Trái đất là một quá trình ngưng tụ hàng tỷ năm: Trước hết là từ các chất vô cơ đơn giản, hình thành nên các phân tử hữu cơ đơn giản, có tính bất đối xứng về ái lực đối với nước (amphphyllic), như aminoacid, nucleotid, lipid... Tiếp đó các phân tử đơn giản ngưng tụ thành các đại phân tử, như protein và axit nucleic. Sự liên kết giữa protein và axit nucleic tạo nên những hệ vừa có khả năng xúc tác vừa có tính tái sinh. Từ đó hình thành nên các giọt tụ (Coaserva) và các hệ siêu liên hợp thực hiện được những quá trình chuyển hóa nào đó. Những hệ thống này có khả năng tự sinh sản và tiến hóa. Từ đó hình thành nên tế bào đơn giản. Do sự cộng sinh, các tế bào đơn giản ngưng tụ lại trong một màng bọc chung và hình thành nên tế bào sống hoàn chỉnh.

3. Thuyết hội tụ xã hội

Ở buổi bình minh nhân loại, con người sống theo bầy đàn, thức ăn chủ yếu là thực vật. Nhờ phát minh ra lửa loài người phát triển nhanh chóng. Khi số lượng tăng lên, trí tuệ phát triển, ý thức huyết thống nảy sinh, hiện tượng hội tụ thị tộc xuất hiện. Sự gia tăng số lượng thị tộc tạo nên nhu cầu liên kết, dẫn đến sự hội tụ bộ lạc. Do những quan hệ huyết thống, do nhu cầu bảo vệ lẫn nhau, do cùng sống trong những khu vực gần nhau...đã dẫn đến sự hội tụ liên minh bộ lạc. Nhờ các phát minh tích lũy trong quá trình tiến hóa, con người có nhiều kiến thức về thiên nhiên, sáng tạo được nhiều hình thức khai thác và chống chọi tốt với thiên nhiên. Do đó, sản lượng của cải gia tăng, dẫn đến sự hội tụ đô thị và ra đời các quốc gia. Sau khi hình thành quốc gia, loài người đã trải qua một quá trình hội tụ bằng bạo lực. Từ đó nhiều quốc gia bị diệt vong hoặc bị sáp nhập.

Nhưng những nếm trải đắng cay trong thời đại chiến tranh xâm lược đã đẻ ra nhu cầu hội tụ liên minh quốc gia, như liên minh châu Âu và Hiệp hội các nước Đông Nam Á. Ngoài các liên minh “cứng”còn có các liên minh “mềm” về kinh tế. Đi đôi với sự hình thành các liên minh là sự hình thành các tổ chức quốc tế, trong đó tổ chức bao quát nhất là Liên hợp Quốc. Do sự phát triển của công nghiệp, hội tụ đô thị hóa ngày càng gia tăng. Như vậy, xu hướng chung của nhân loại là con đường hội tụ. Tuy nhiên để có sự hội tụ bền vững, xã hội cần có những tiêu chuẩn nhất định, đó là trình độ tiến hóa xã hội, biểu hiện qua những tiến bộ tư duy (khoa học, triết học) và sự đồng đều về ý thức hệ.

Khi trí tuệ gia tăng, khi đời sống ngày càng phong phú, khi công nghệ - đặc biệt là công nghệ thông tin phát triển, con người trên toàn thế giới cảm thấy gần gũi nhau hơn. Những con người tương lai, đặc biệt là giới trẻ, sẽ nhận thức sâu sắc được giá trị của hội tụ. Do đó xu hướng tương lai của nhân loại vẫn là hội tụ.

4. Thuyết tri thức và hội tụ xã hội

Hiện tại, Liên minh châu Âu là tổ chức có mức độ hội tụ cao nhất, châu Âu cũng là nơi có trình độ tri thức cao so với các nơi khác, thể hiện qua thành tựu khoa học và triết học. Điều này chứng minh rằng, tri thức là một yếu tố cơ bản bảo đảm sự hội tụ xã hội.

5. Thuyết ICC (Idology – Closed – Collapse)

Đảo Phục Sinh, đế quốc Khmer, xã hội Maya và Liên Xô là những ví dụ về những xã hội đã bị sụp đổ. Có nhiều nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những sự sụp đổ này. Nhưng tất cả đó đều xuất phát từ hai nguyên nhân cơ bản và có liên quan nhau là Ý thức hệ và sự Cô lập. Xây dựng một xã hội mở và đổi mới ý thức hệ là những điều kiện tiên quyết để xã hội phát triển. Những quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc là những minh chứng cho nguyên lý đó. Do chi phối bởi nguyên lý đó, ý thức hệ nhiều quốc gia đang biến đổi và có xu hướng hội tụ về những điểm tương đồng.

6. Thuyết bất đối xứng

Tiến hóa vật chất trong môi trường nước dẫn tới hình thành những phân tử bất đối xứng có ý nghĩa quyết định trong việc hình thành sự sống. Đó là các nucleotid, lipid và các aminoacid. Do tính bất đối xứng đã tạo nên xu thế ngưng tụ và hình thành các cấu trúc lớn hơn. Từ đó hình thành nên sự sống. Tiến hóa trong hệ thống xã hội, cũng như trong các hệ thống tự nhiên, là quá trình gia tăng tính phức tạp và sự phân tầng. Do đó việc hình thành những tầng lớp người khác nhau về địa vị và quyền hưởng thụ trong xã hội, là không thể tránh khỏi. Thực tế hiện nay trên thế giới ngày càng có nhiều tỷ phú và tài sản của họ ngày càng gia tăng, trong khi người nghèo đói đi kiếm từng miếng ăn vẫn còn tồn tại ở nhiều quốc gia. Giữa các quốc gia trên thế giới cũng nằm trong mối quan hệ đó. Như vậy, tiến hóa xã hội là một quá trình gia tăng bất đối xứng và do đó gia tăng mức độ hội tụ.

7. Thuyết domain

Các dạng cấu trúc tự nhiên và xã hội, đều tạo nên từ những domain riêng biệt. Trong một hệ thống, có nhiều bậc domain, bậc domain càng cao, mức độ liên kết giữa chúng càng giảm. Domain được xem như là thành quả của một quá trình tiến hóa lâu dài. Về cơ bản, cấu trúc domain hầu như được bảo toàn trong quá trình tiến hóa. Thế hệ sau tiến hóa so với thế hệ trước thông qua những biến đổi cho phép, chứ không phải loại bỏ hoàn toàn các domain tiền bối để thay bằng những domain mới. Tiến hóa là quá trình thay đổi dần dần ở mức cho phép của các domain hậu thế để tạo nên cấu trúc hiệu quả hơn. Bởi thế trong sinh giới, cũng như trong xã hội loài người, luôn luôn vươn tới trạng thái hội tụ, để tận dụng các domain của nhau. Loài sinh vật này lợi dụng các domain của loài khác, xã hội này lợi dụng domain của xã hội khác. Hội tụ là xu hướng tất yếu theo quan điểm lý thuyết domain. Tóm lại, lý thuyết domain cho chúng ta thấy, hội tụ là một nhu cầu trong tự nhiên và xã hội; tiến hóa là quá trình tích lũy các biến đổi cho phép của các domain, chứ không phải cái này phủ định hoàn toàn cái kia.

8. Thuyết siêu liên hợp CEKE

Hội tụ và liên kết giữa các hệ thống tạo nên những ưu việt mà các hệ thống đơn lẻ không thể có. Nó làm tăng khả năng tự điều chỉnh, tăng mức độ entropy cấu hình, có lợi về mặt động học và về năng lượng. Hệ siêu liên hợp càng tiến hóa thì những hiệu ứng đó càng cao. Trên cơ sở lý thuyết này có thể giải thích được nhiều hiện tượng xã hội.

9. Thuyết chết nhiệt phi Clausius

Tiến hóa của vật chất sống có xu hướng tiến tới miền 300K (~200C). Nhưng Trái đất đang nóng lên ngược với xu thế đó và không có lợi cho sự tiến hóa trong sinh hệ. Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng nóng lên của Trái đất là do hoạt động của con người. Do đó, hội tụ xã hội không những là quy luật tự nhiên mà còn là nhu cầu bức thiết vì sự sống trên Trái đất này.

.

KẾT LUẬN

- Các hệ thống tự nhiên và xã hội tiến hóa theo xu hướng hội tụ. Mức độ hội tụ là thước đo trình độ tiến hóa của xã hội. Trên con đường hội tụ, các hệ thống tự nhiên cũng như xã hội, luôn luôn có sự tương tác làm thay đổi cấu trúc các hệ, nhưng lịch sử tiến hóa của tự nhiên và xã hội vẫn là lịch sử hội tụ.

- Yếu tố cơ bản, tạo nên sự gắn kết xã hội, thúc đẩy nhu cầu và bảo đảm hội tụ xã hội là tri thức. Do đó tri thức, đặc biệt là tri thức khoa học tự nhiên, là một trong những yếu tố quan trọng nhất, quyết định sự tiến hóa xã hội.

- Các hệ thống cô lập luôn luôn tăng entropy, dẫn tới cân bằng và sự “Chết nhiệt” sẽ không tránh khỏi. Trong xã hội, entropy biểu hiện qua những mặt trái trong quá trình phát triển, ví dụ như ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, các tệ nạn xã hội... Tiến hóa chỉ có thể xảy ra đối với hệ mở. Với xã hội, hệ mở chính là sự hòa nhập với cộng đồng nhân loại, thể chế chính trị và kinh tế đa dạng... Hệ thống xã hội mở và ý thức hệ có vai trò quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia.

- Quá trình tiến hóa gia tăng tính bất đối xứng, gia tăng tính phức tạp, chứ không dẫn đến sự đồng đều. Do sự gia tăng tính bất đối xứng nên kết cấu xã hội luôn thay đổi và ngày càng trở nên phức tạp hơn. Xã hội là một cấu trúc tiêu tán. Nó được duy trì nhờ dòng năng lượng luôn luôn biến động (fluctuation) từ bên ngoài. Do đó các cấu trúc, các mối liên kết giữa các hệ thống và các chính sách xã hội phải đủ linh động mới đáp ứng kịp những biến động đó.

- Các hệ thống tự nhiên và xã hội được cấu trúc bởi các domain. Tiến hóa là quá trình tích lũy các biến đổi các domain, chứ không phải sự thay đổi đột ngột, cái này phủ định hoàn toàn cái kia.

- Tiến hóa hội tụ dẫn đến hình thành những hệ siêu liên hợp. Nhờ đó tạo nên nhiều hiệu ứng có lợi so với hệ đơn lẻ. Trình độ tổ chức biểu thị trình độ tiến hóa xã hội. Sự thất bại của một quốc gia hay một tổ chức xã hội nào đó chủ yếu là do trình độ tổ chức, do mối liên kết các siêu hệ trong tổ chức đó.

- Động lực hội tụ vật chất vũ trụ là lực hấp dẫn; động lực hội tụ phân tử trong tế bào và môi trường nước là hiệu ứng hydrophobic; động lực hội tụ trong xã hội là những nhu cầu cá nhân. Do đó, giá trị cá nhân càng được phát huy, xã hội càng tiến hóa nhanh.

- Các quốc gia trên thế giới đang có xu hướng liên kết nhau vì lợi ích chung. Sự phát triển công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin đã tạo nên ý thức hệ liên kết trong nhân loại, đặc biệt là thế hệ trẻ. Do đó hội tụ xã hội là xu hướng không thể đảo ngược. Các tư tưởng xung đột xã hội, tư tưởng sô vanh muốn thôn tính các dân tộc khác, thu lợi ích cho dân tộc mình, chắc chắn sẽ thất bại.

- Cơ thể động vật máu nóng có xu hướng tiến hóa về miền 300K, thế nhưng hiện tại bề mặt Trái đất đang gia tăng nhiệt độ. Xu hướng nhiệt độ này ngược với xu hướng tiến hóa sinh hệ. Điều đó có thể dẫn đến thảm họa Chết nhiệt phi Clausius. Lúc đó toàn bộ sự sống trên Trái đất, kể cả loài người, không thể có sự tiến hóa tiến bộ (Progresive evolution) về sinh học. Trước hiện tượng nóng lên toàn cầu đó, hội tụ xã hội không những là quy luật tất yếu mà còn là nhu cầu bức thiết của nhân loại.


GIỚI THIỆU TÁC GIẢ

.

Tiến sỹ Nguyễn Bá Trinhsinh năm 1944 tại xã Quảng Hòa thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, con cụ Nghè hàm Hàn lâm viện kiểm bộ Nguyễn Bá Cơ, cháu nội Quan huyện cử nhân Nguyễn Hữu Trác.
.

.

Ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đã được cử đi trao đổi khoa học tại nhiều quốc gia: Đức, Nhật Bản, Nga, Bungari… Ông là nhà khoa học có nhiều đóng góp cho khoa học nước nhà với nhiều công trình có giá trị về lý thuyết và ứng dụng thực tiễn.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống giáo dục và có học thức cao, từ thuở nhỏ TS Nguyễn Bá Trinh đã có chí hướng học thành tài. Vốn dĩ là một cậu bé thông minh lại chăm chỉ nên ông đã có nhiều thành quả trong thời học sinh phổ thông, đặc biệt ông học rất giỏi Toán, Hóa học, đã từng đạt Giải nhất toán tỉnh Quảng Bình trong kỳ thi học sinh giỏi toán cuối cấp 3. Nuôi dưỡng ước mơ trở thành nhà khoa học, ông đã thi đỗ vào trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và theo học chuyên ngành Hóa học.


Ban Giám hiệu trường ĐH Tổng hợp Tokai và GS M. Tsuda chủ nhiệm bộ môn Sinh học phân tử đón tiếp TS Nguyễn Bá Trinh đến hợp tác nghiên cứu.

.

Sau khi tốt nghiệp đại học, năm 1968 ông về công tác tại Viện Hàn Lâm Nông nghiệp Việt Nam. Đến năm 1976 ông được điều động sang Bộ Quốc phòng. Trong ba năm công tác tại đây ông được giao nhiệm vụ về chế biến nông sản phục vụ quân đội. Nhờ đó ông đã học tập được tác phong làm việc của quân đội. Năm 1980 ông nhận công tác tại Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu năm 2006.

Những năm tháng gắn bó với Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Tiến sĩ Nguyễn Bá Trinh đã luôn nỗ lực học tập, nâng cao kiến thức, trau dồi chuyên môn. Tại đây ông tìm hiểu, nghiên cứu về hóa sinh và sinh học phân tử, đã đề xuất lý thuyết: Ngưng tụ phân tử trong quá trình tiến hóa sinh học. Công trình này đã báo cáo tại hội nghị quốc tế về Hóa sinh và sinh học phân tử, diễn ra từ 19-22/09/1994, ở New Delhi, Ấn Độ. Ngoài ra ông còn tiến hành nghiên cứu Hóa học nước phục vụ chương trình “Nước sạch và Vệ sinh môi trường quốc gia”. Ông đã đề xuất phương pháp “Tích số tan” trong công nghệ xử lý nước, nhờ đó đã chế tạo thành công hạt lọc nước DS3. Công trình này đã báo cáo tại hội nghị quốc tế về môi trường, diễn ra từ 04-07/09/1995 tại Athen, Hy- Lạp.

Clip giới thiệu nghiên cứu:

.

Kỷ lục gia về những sáng tác văn học bằng thơ Ngụ ngôn

Trong suy nghĩ của đa số mọi người khi nói về nhà khoa học, đặc biệt là khoa học tự nhiên thì có lẽ thời gian 24h mỗi ngày của họ chủ yếu trong phòng thí nghiệm, hay miệt mài bên các công trình nghiên cứu. Tuy nhiên, TS Nguyễn Bá Trinh chính là minh chứng cụ thể, thực tế cho việc làm khoa học chẳng hề khô khan, cứng nhắc, nhất là với người đa tài và mang tâm hồn nghệ sĩ, yêu văn thơ. Bởi thế, ngoài hoạt động khoa học ông còn đam mê văn học nghệ thuật. Ông đã cho ra đời tuyển tập “Thơ ngụ ngôn” bao gồm 4 tập, và là kỷ lục gia về số lượng bài thơ ngụ ngôn.

Khi được hỏi về động lực nào giúp ông có niềm yêu thơ, nhất là thơ ngụ ngôn, sâu sắc đến vậy, ông tâm sự: “ Ngày xưa, cụ thân sinh tôi (cụ Nghè Nguyễn Bá Cơ) có quyển truyện ngụ ngôn bằng tiếng Pháp, cụ thường đọc và dịch lại cho tôi nghe. Lớn lên tôi tự đọc lấy, đọc truyện ngụ ngôn nhiều thành ra thấy thích, say mê nó. Trước đây tôi vẫn thích và hay làm thơ, thuộc nhiều thể loại khác nhau, trong đó có vài dạng thơ ngụ ngôn, còn bây giờ, khi đã đứng tuổi, được học nhiều, đi nhiều, tiếp xúc nhiều, tôi càng thấy thích truyện ngụ ngôn. Thơ ngụ ngôn là một dạng sản phẩm văn học có tính hàn lâm cao. Trong thời đại hiện nay, ngụ ngôn có thể là một hình thức phản biện xã hội tế nhị, khó bị quy kết”.

Như chạm vào nguồn mạch cảm xúc thăng hoa, khi nói về văn học nghệ thuật, ông say sưa nói về thơ ngụ ngôn. Ông bảo, lí do mà ông chọn hình thức thơ để diễn đạt các câu chuyện ngụ ngôn mà không phải thể loại khác là bởi vì ngoài quy tắc ngữ pháp, văn xuôi hầu như không có những quy tắc gì ràng buộc khác. Riêng với thơ, có những quy tắc, niêm luật nhất định, ví dụ như số chữ trong câu, cách phân bố âm trắc âm bằng... Do đó câu thơ chứa đựng cả một bản nhạc trong đó. Bởi thế nghe thơ thường hấp dẫn hơn đọc văn xuôi, cùng một cốt truyện, nhưng diễn đạt dưới dạng thơ nghe hấp dẫn hơn. Đối với những câu chuyện có tính giáo dục như truyện ngụ ngôn, việc thể hiện dưới dạng thơ sẽ dễ dàng đi vào lòng người hơn.

Ngoài ra với hình thức thơ này, chúng ta có thể dựa vào những cốt truyện có sẵn, chẳng hạn như Truyện Kiều, tác phẩm kiệt xuất của Nguyễn Du, được thể hiện bằng thơ lục bát, dựa vào cốt truyện có sẵn của Trung Quốc, hoặc tác phẩm nổi tiếng "Chinh Phụ Ngâm” của Đoàn Thị Điểm, cũng được viết theo cốt truyện của Đặng Trần Côn.

Hiện nay, ở Việt Nam, thơ ngụ ngôn còn khá khiêm tốn, rút kinh nghiệm từ việc nghiên cứu khoa học, ông chọn con đường này để tạo nên nét riêng của mình, không bon chen vào những con đường ồn ào, đông đúc người và họ cũng đi đã mòn chân rồi.

Theo TS. KLG chia sẻ, sáng tác thơ ngụ ngôn khó hơn truyện ngụ ngôn, vì viết văn xuôi, hầu như ai cũng viết được, nhưng thơ thì không phải ai cũng làm được, nó còn đòi hỏi yếu tố về cảm xúc, bản năng và năng khiếu của cá nhân. Hơn nữa muốn sản xuất bài thơ ngụ ngôn, thì trước hết phải có cốt truyện có tính ngụ ngôn, mà điều này cần có vốn sống, sự trải nghiệm, chiêm nghiệm nhiều trong cuộc sống chứ không thể hời hợt được.

Thực tế, ông đã xuất bản 5 tập thơ ngụ ngôn, lúc đầu ông định làm một cuốn, lấy tên là Thơ Ngụ Ngôn, không đề tập, do NXB Lao động xuất bản năm 2010. Tuy nhiên, sau khi cuốn sách ra đời, ông lại sưu tầm được rất nhiều truyện ngụ ngôn trong và ngoài nước. Đồng thời, ông nhận thấy có nhiều câu chuyện dân gian, nhiều câu ca dao tục ngữ có thể hư cấu thành truyện ngụ ngôn được, ví dụ như " Thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm”, hoặc "Ông còng mà lấy bà còng”...Bởi thế ông vạch ra một chương trình dài hơi hơn, phân toàn bộ tư liệu có thành 4 tập.

Trong số những tập thơ này, ông đặc biệt dành nhiều trí tuệ, thời gian tâm huyết cho tập 4 (36 mưu kế và nghệ thuật xử thế) bởi lẽ ở tập này này viết trên cơ sở các cuốn sách nói về Binh pháp Tôn Tử, thường khó hiểu và ngôn ngữ thâm sâu. Hơn nữa, binh pháp như là những quy luật dùng binh vậy nên phải đọc hết sức cẩn thận và tra cứu nhiều tài liệu liên quan mới hiểu hết nội dung và giá trị của nó.

Những sự kiện, những nhân vật, minh họa trong Binh pháp Tôn Tử và 36 mưu kế, xẩy ra trong thời gian đã quá lâu, có trường hợp từ thời Nghiêu Thuấn. Phần nhiều tư liệu loại này được in ấn từ rất lâu. Đến nay đã qua quá nhiều lần sao chép, việc tam sao thất bản là không tránh khỏi. Do đó, khi chúng tôi biên soạn, phải đọc nhiều tài liệu đối chiếu để tránh sai sót.

Nhận định về vấn đề truyện và thơ ngụ ngôn phương Đông, phương Tây, ông cho rằng, giữa hai nền văn hóa đã có nhiều truyện ngụ ngôn có nội dung giống nhau, như "Truyện Ngư ông đắc lợi” – "Biện Trang đâm hổ”, "Đàn bà với bí mật”,"Cậu bé chăn cừu” (phương Tây), "Đánh trống đùa dân” (Trung Hoa), "Gã điên và nhà hiền triết”…

Với ngụ ngôn phương Tây ông đánh giá phong phú hơn và thực sự đã trở thành một thể loại văn học có tính phản biện xã hội cao hơn, đã kích mạnh mẽ tầng lớp thống trị, ví dụ truyện "Triều đình sư tử”, "Muôn loài bị bệnh dịch hạch”, "Đám cưới mặt trời”...

Còn về ngụ ngôn phương Đông (chủ yếu là Trung hoa) thâm thúy và nham hiểm hơn. Ví dụ truyện "Hai quả đào giết ba tráng sỹ”, " Cái mũi”, "Mất nước vì tham”... Có nhiều chuyện tàn ác, ví dụ: "Họ Hòa dâng ngọc”, "Võ Tắc Thiên bóp chết con”...

Trong thời gian từ năm 2010 đến 2012, tác giả Nguyễn Bá Trinh đã sáng tác trên dưới 1.400 bài thơ ngụ ngôn, quả thật phải là con người có trái tim dạt dào cảm xúc, sức mạnh tinh thần lớn và tình yêu dành cho nghệ thuật sâu sắc làm động lực để ông đem lại những tác phẩm khiến mọi người nể phục cả về số lượng và giá trị nội dung. Và chính con số này ông cũng đã xác lập kỷ lục tại Việt Nam với bộ sách “Thơ ngụ ngôn” có số lượng bài nhiều nhất.

Chia sẻ với chúng tôi, ông cho hay, sau khi nghỉ hưu, có thời gian nhiều hơn, lại vốn sẵn niềm đam mê thơ ngụ ngôn, nên ông quyết định "chơi lấn sân” sang khoa học xã hội, tuy nhiên, mọi thứ đã không hoàn toàn suôn sẻ, trôi chảy như dự định trước đó. Trong quá trình hoàn thành tập đầu tiên, ông đã phải vào bệnh viện ba lần do sức khỏe không tốt, sang các tập sau, ông rút kinh nghiệm, vừa sáng tác vừa nghỉ ngơi để giữ sức về lâu dài.

Bởi thế ông sắm một bộ máy ảnh chất lượng cao để đi chụp giải trí, cũng là cách ông bớt căng thẳng, mệt mỏi. Vào mỗi buổi sáng nào ông cũng duy trì phương thức chạy bộ tập thể dục, tắm nước mưa, nước lạnh…Sức khỏe dần ổn định trở lại khi bắt tay cho tập thơ thứ 2.

Để tạo thành một bài thơ ngụ ngôn không dễ làm chút nào, vì khi chuyển một câu chuyện ngụ ngôn thành thơ thì cần phải tóm tắt câu chuyện đến mức cô đọng nhất và tìm kiếm ngôn từ để đưa vào thơ, vừa hợp với vần và niêm luật thơ, vừa bảo đảm nội dung.

Nghệ sỹ nhiếp ảnh với tác phẩm Ảnh Minh Triết

Ngoài thơ ngụ ngôn, ông còn say mê nghệ thuật nhiếp ảnh. Sau hơn 10 năm săn lùng khắp các miền của đất nước, ông đã cho ra tập sách ảnh “Ảnh Minh Triết” do nhà xuất bản Mỹ thuật Hà Nội ấn hành năm 2017. Để ra tác phẩm này ông đã đọc nhiều về triết học, triết lý và minh triết cũng như các kiến thức về nghệ thuật nhiếp ảnh. Từ kiến thức đó ông cho rằng, trong thực tế cuộc sống, có những khoảnh khắc rất đáng nhớ, thể hiện một ý nghĩa minh triết. “Ảnh Minh Triết” là một tác phẩm độc nhất vô nhị, gắn kết phong cách tư duy phóng khoáng của nghệ thuật với phong cách tư duy hàn lâm của triết lý. Với những thành công đó ông đã trở thành nghệ sỹ nhiết ảnh Hà Nội.

.

Tác phẩm:

Với những tri thức tích lũy được trong suốt chặng đường nghiên cứu TS Nguyễn Bá Trinh đã xuất bản 15 đầu sách về khoa học công nghệ, về văn học và về mỹ thuật, sau đây là những tác phẩm tiêu biểu:

Về khoa học công nghệ:

- Ngưng tụ phân tử trong quá trình tiến hóa sinh học, NXB Nông nghiệp 1997

- Tiến hóa hấp dẫn trong sinh học phân tử, NXB Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam 2015

- Chuyển hóa các chất hữu cơ độc trong môi trường, NXB Khoa học và Kỹ thuật 2000.

- Công nghệ cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường. NXB Khoa học & Kỹ thuật 2010.

- Triết học hội tụ, NXB Khoa học xã hội, 2019

Về văn học nghệ thuật:

- Thơ ngụ ngôn, tập 1: Phỏng theo truyện ngụ ngôn phương Tây, NXB Văn học 2011

- Thơ ngụ ngôn tập 2: Phỏng theo cố sự và điển tích. NXB Hội nhà văn 2012

- Thơ ngụ ngôn tập 3: Phỏng theo Văn học dân gian. NXB Văn học 2013

- Thơ ngụ ngôn tập 4: 36 mưu kế và nghệ thuật xử thế. NXB Văn học 2014.

- Đường đến Chín Rồng (truyện ký). NXB Văn học 2014.

- Ảnh Minh Triết (Sách ảnh). NXB Mỹ thuật Hà Nội, 2017.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tích hợp Vật lý & Phật học?

    12/07/2014GS.TS. Cao ChiLiệu có thể tìm một dạng học thuyết mô tả được thống nhất các hiện tượng vật lý và những hiện tượng thuộc phạm vi tâm linh. Đó sẽ là một dạng lý thuyết thống nhất lớn mà con người có thể nghĩ đến. Trong hiện trạng những vấn đề tâm linh vẫn đang ở trong trong phạm trù triết học thì lý thuyết thống nhất đó có thể là một sự tích hợp giữa vật lý và triết học.
  • Tư duy hệ thống và đổi mới tư duy

    26/03/2014GS. TSKH. Phan Đình DiệuThế kỷ 20 vừa đi qua và những thành tựu khoa học to lớn mà loài người đạt được trong thế kỷ đó đã làm đảo lộn nhiều hiểu biết vốn có của chúng ta về những vấn đề cơ bản như không gian và thời gian, vật chất và vũ trụ, sự sống và con người, rồi tiếp đến là kinh tế và xã hội... Từ những hiểu biết mới trong nhiều lĩnh vực khác nhau dần dần đã hình thành một quan điểm mới, một tư duy mới về thiên nhiên cũng như về xã hội của chúng ta...
  • Lịch sử điều khiển học và khoa học hệ thống

    17/01/2014Bùi Quang MinhTheo Norbert Wiener, đối tượng nghiên cứu của Điều khiển học là cơ chế điều khiển các cơ thể sống và máy móc, dựa trên ý tưởng điều chỉnh hoạt động bởi vòng phản hồi ngược. Trong khi đó, Claude Shannon và Warren Weaver phát triển lý thuyết thông tin được coi là lý thuyết chung của tổ chức và quan hệ điều khiển trong các hệ thống khác nhau....
  • Cuộc tranh luận "Triết học có phải là Khoa học" không?

    17/12/2010Bùi Quang Minh thực hiệnTranh luận “Triết học có là khoa học hay không”
    chính là dịp tìm hiểu lại, làm rõ nét các nội hàm của khái niệm “Triết
    học”, “Khoa học” cũng như xem lại sự hình thành và phát triển của
    “Triết học”, “Khoa học” từ xưa đến nay. Kết luận “Triết học là khoa học không?” sẽ phản ánh, chịu chi phối và hoàn thiện quan điểm về triết học của mỗi người...
  • Thử tiếp cận Khối Óc - Trái Tim bằng cái nhìn điều khiển học

    15/12/2010Hà YênÓc và Tim thì động vật có xương sống nào cũng có. Nó đơn thuần chỉ thuộc phạm trù vật chất. Chỉ có Khối óc và Trái tim con người chúng ta ngoài thuộc tinh vật chất trần trụi, nó còn thuộc về một Thế giới siêu hinh học, ẩn giấu biết bao điều kỳ diệu, làm nên phẩm chất con người, phẩm chất Đời người và phẩm chất Người đời...
  • Cách mạng và sự hội tụ nhân tài

    21/08/2010Nguyễn Khắc PhêDịp hội tụ những người con ưu tú đã “có nhiều cống hiến trong lĩnh vực kinh tế, văn hoá, khoa học, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc” (Lời Đại tướng Võ nguyên Giáp) đã nhắc tôi nhớ lại một bài học về sự hội tụ nhân tài, từ một sự trùng hợp kỳ lạ 65 năm trước, mà anh Phan Tân Hội, con trai luật sư Phan Anh - người đã cùng GS. Tạ Quang Bửu thành lập TTNTTH nói với tôi sau cuộc gặp gỡ...
  • Triết học là gì?

    28/04/2010Hình như triết học không có một chủ đề xác định nào như trong các khoa học và các nghiên cứu kinh viện. Phải chăng triết học bao gồm mọi lĩnh vực tri thức? Hay nó chỉ đơn thuần là tư tưởng, không có một đối tượng riêng biệt nào? Triết học có phải là một khoa học mang đến cho ta tri thức chắc chắn và chính xác, hay chỉ là nghệ thuật suy nghĩ?
  • Tổng - tích hợp lý thuyết - một đóng góp quan trọng cho tiến trình phát triển tư duy lý luận

    16/09/2006TS. Tô Duy HợpGần đây, trong giới nghiên cứu triết học, ngày càng có nhiều tác giả quan tâm tớitrào lưu tổng - tích hợp lý thuyết. Chẳng hạn, trong bài viết Triết học phương Tây hiện đại:một cái nhìn kháiquát, Đỗ Minh Hợp đã ghi nhận các song đề lý thuyết trong triết học hiện đại:Triết học chống tôn giáo - triết học tôn giáo, Triết học thực chứng - triết học hiệnsinh, Triết học duy lý - triết học phi duy lý…
  • Triết học trong kỷ nguyên khoa học

    14/08/2006Khoa học đã cung cấp tri thức và công cụ để tạo ra một kỷ nguyên công nghiệp hiện đại. Nhưng triết học có thể giúp gì đượcchúng ta trong thời đại khủng hoảng ngày nay không?
  • Tư duy hệ thống

    25/04/2006Ngô Trung ViệtNhân loại đã thành công qua thời gian trong việc chinh phục thế giới vật lý và trong việc phát triển tri thức khoa học bằng việc chấp thuận phương pháp phân tích để hiểu vấn đề. Phương pháp này gồm bẻ vấn đề thành các cấu phận, nghiên cứu từng phần cô lập và rồi rút ra kết luận về cái toàn thể. Loại tư duy tuyến tính và máy móc này đang ngày một trở nên không hiệu quả khi đề cập tới các vấn đề hiện đại...
  • Những vấn đề triết học của Điều khiển học

    13/11/2005Sự phát triển của điều khiển học chứng tỏ rằng các lĩnh vực tổng hợp của các khoa học là những điểm hết sức quan trọng của quá trình hình thành nên cái quan trọng của quá trình hình thành nên cái quan trọng có tính chất cơ bản và cái mới có tính chất nguyên tắc trong các tri thức về thế giới.
  • Tổng - tích hợp lý thuyết, một trào lưu mới của tiến trình phát triển xã hội học

    20/10/2005Tô Duy Hợp...Hành vi con người rất phức tạp và nhiều chiều cạnh, và rất khó có khả năng rằng một quan điểm lý thuyết có thể bao trùm tất cả các khía cạnh của nó. Tính đa dạng trong tư duy lý luận cung cấp nguồn ý tưởng phong phú mà chúng ta có thể rút ra trong nghiên cứu, và nó kích thích năng lực sáng tạo là vô cùng cần thiết đối với tiến bộ trong công tác xã hội học...
  • Tư duy hệ thống: Quản lý hỗn độn và phức hợp

    27/09/2005Cái mới trong khoa học quản lý là quản lý tình thế hỗn độn và phức hợp, trên cơ sở quán triệt tư duy hệ thống. Nhà khoa học quản lý Jamshid Gharajedaghi cung cấp cho các nhà tổ chức và quản lý, cho giới kinh doanh và đông đảo độc giả những kiến thức cần thiết về tư duy hệ thống, bao gồm triết học hệ thống, các lý thuyết hệ thống và phương pháp luận hệ thống, đồng thời trình bày những ứng dụng cụ thể các lý thuyết nói trên vào việc nghiên cứu và thiết kế một số dự án ở các công ty và các cơ quan chính phủ nhiêu nước, mà bản thân tác giả đã tham gia và có vai trò tư vấn chủ chốt...
  • Những nguyên lý Hệ thống và Điều khiển học

    04/05/2003Những nguyên lý/định luật đóng vai trò mô tả những ý tưởng cơ bản nhất trong một khoa học, thiết lập phương pháp luận để giải quyết vấn đề, hướng dẫn cho tư duy nói chung...
  • xem toàn bộ