G.S Lê Văn Thiêm- Những điều mới biết

10:48 SA @ Thứ Hai - 29 Tháng Ba, 2010

Giáo sư Lê Văn Thiêm sinh ngày 25/3/1918 tại làng Lạc Thiện, xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình trí thức. Năm 1949, đáp lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch, ông đã từ châu Âu về Việt Nam qua đường Thái Lan. Sau đó ông đi bộ từ Nam Bộ ra Việt Bắc, tham gia xây dựng trường đại học đầu tiên ở chiến khu. Cùng các trí thức khác như Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa,... ông đã xây dựng nền móng cho khoa học Việt Nam. Với sự trợ giúp của GS Hoàng Tụy ông đã góp phần đưa nền Toán học Việt Nam trong thời kỳ 1960-1980 lên một vị trí cao trong khu vực được cả thế giới biết đến. Tới nay cuộc đời và sự nghiệp của ông đã trở thành một phần của lịch sử phát triển Toán học Việt Nam hiện đại. Tiếc rằng những hiểu biết về cuộc đời của ông vì nhiều lý do khách quan và chủ quan còn chưa đầy đủ, như ông có bảo vệ luận án tiến sỹ ở Đức năm nào? và có phải là tiến sĩ toán học đầu tiên của Việt Nam? ông có là học trò của Nevanlinna? Ông có nhận vị trí giảng viên tại Đại học Tổng hợp (ĐHTH) Zurich năm 1949 hay không?... đều chưa có câu trả lời.

Wikipedia bản tiếng Anh viết: Năm 1939, sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp một cách xuất sắc, Lê Văn Thiêm được học bổng sang học tại Trường École Normale Supérieure tại Paris. Việc học tập của ông bị gián đoạn bởi sự bùng nổ Thế chiến II, và chỉ được tiếp tục năm 1941. Ông tốt nghiệp bằng Thạc sỹ Toán học trong vòng 1 năm trong khi khóa học thông thường kéo dài 3 năm. Dưới sự hướng dẫn của GS Georges Val- iron ông bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ tại Đức năm 1945 và sau đó quay lại ĐHTH Zurich để làm việc với tư cách Giáo sư Toán học. Ở đó ông gặp và làm việc với RolfNevan- linna một vài năm.

Wikipedia tiếng Việt về Lê Văn Thiêm viết: Ông là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán học ở Đức năm 1944 về giải tích phức, Luận án Tiến sĩ Quốc gia ở Pháp năm 1948 và cũng là người Việt Nam đầu tiên được mời làm giáo sư toán học và cơ học tại Đại học Tổng hợp Zurich, Thụy Sĩ vào năm 1949.

Lời giới thiệu cuốn sách Các công trình tiêu biểu (Hà Huy Khoái sưu tầm và tuyển chọn), viết: Năm 1941 Lê Văn Thiêm thi đỗ vào trường École Normale Supérieure... Tốt nghiệp École Normale Supérieure... Lê Văn Thiêm tiếp tục làm luận án tiến sỹ tại Thụy Sĩ rồi luận án tiến sỹ quốc gia tại Pháp. Ông đã từng học với những người thầy giỏi nhất thời đấy như Nevan- linna, Teichmuller, Valiron... Nhờ những kết quả xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, năm 1949 Lê Văn Thiêm nhận được một ghế giáo sư tại trường ĐHTHh Zurich, Thụy Sĩ.

Ta thấy có một số mâu thuẫn trong các thông tin ở trên. Kết hợp các thông tin này chúng ta chỉ có thể đoán rằng Lê Văn Thiêm đã bảo vệ luận án Tiến sỹ tại Đức năm 1944- 1945. Tuy nhiên cũng không có các bằng chứng xác thực những điều này. Một số câu hỏi được nhiều người quan tâm từ lâu như: Tại sao ông lại sang Đức?, ông có bảo vệ luận án tiến sỹ ở Đức hay không?, ông có phải là học trò của Nevan- linna hay không?... đều chưa có câu trả lời.

Tháng 12/2008 một hội nghị quốc tế về Hình học phức đã được tổ chức tại trường ĐHSP Hà Nội. Tại hội nghị đã có nhiều nhà giải tích và hình học phức nước ngoài tham dự trong đó có hai Giáo sư H. Esnault và E. Viehweg đến từ ĐHTH Essen, Đức. Khi làm việc với Viện Toán học, họ rất ngạc nhiên và ấn tượng về cuộc đời và sự nghiệp của GS Lê Văn Thiêm.

Giáo sư Lê Văn Thiêm thứ hai từ trái qua

Sau khi trở về Đức, hai giáo sư Esnault và Viehweg đã sử dụng mọi quan hệ cá nhân cũng như uy tín của mình để tìm hiểu về GS Lê Văn Thiêm trong thời gian tại Đức. Sau nhiều cố gắng liên hệ với thư viện một số trường đại học của Đức, ngày 23/1/2009 họ đã nhận được Email của TS. U. Hunger từ phòng lưu trữ ĐHTH Gôttingen với nội dung sau: Tôi có thể chứng thực rằng Thiem Le Van (hoặc Le Van Thiem) đã bảo vệ luận án Tiến sỹ ở đây (hồ sơ bảo vệ số Math. Nat. Prom. 0728). Tên của luận án là “Về việc xác định kiểu của một diện Riemann mở đơn liên”. Các môn thi nghiên cứu sinh (cùng với tên người chấm thi vấn đáp) bao gồm: Giải tích (Wittich), Đại số (Herglotz), Toán ứng dụng (Kaluza) và Vật lý thực nghiệm (Kopfer- mann). Phán biện chính của luận án và cũng là thầy hướng dẫn, là Hans Wittich. Buổi bảo vệ được tổ chức vào ngày 4. 4. 1945, bằng Tiến sỹ được trao vào ngày 8.4.1946. Điểm đánh giá trung bình: giỏi.

Ngay khi nhận được thông báo từ GS Esnault, chúng tôi đã liên hệ trực tiếp với TS. Hunger để xin bản copy các tư liệu về GS Lê Văn Thiêm. Ông Hunger yêu cầu chúng tôi phải có giấy cho phép đọc tài liệu của GS Lê Văn Thiêm. Rất may là ông Hunger đã chấp nhận thông tin từ Wikipedia tiếng Anh về việc GS. Lê Văn Thiêm đã qua đời được hơn 10 năm là thời gian tối thiểu sau đó người lạ có quyền tiếp cận tư liệu. Nhờ các GS Esnault và GS Viehweg đóng lệ phí hộ, chúng tôi đã nhận được tất cả các tài liệu liên quan tới việc bảo vệ của GS Lê Văn Thiêm bao gồm:

-Toàn văn luận án tiên sỹ
- Đơn xin bảo vệ luận án tiến sỹ (ký ngày 29.3.1945)
-Lý lịch tóm tắt (viết tay, ký ngày 24.3.1945)
- Đơn xin tiến hành kỳ thi Tiến sỹ (ký ngày 29.3.1945)
- Nhận xét phản biện (của H. Wittich, ký ngày 31.3.1945)
- Biên bản buổi bảo vệ (bao gồm cả kỳ thi vấn đáp ghi ngày 4.4. 1945)
- Bản thống kê các tài liệu liên quan tới việc bảo vệ (ghi ngày cấp bằng là 8.4.1946)
- Bằng Tiến sỹ (trao cho Lê Văn Thiêm từ Lac Thien/Annam.

Khi nhìn thấy bằng tiến sĩ trong đó ghi trao cho Lê Văn Thiêm từ Lac Thien/Annam, trái tim chúng tôi như nghẹn lại. Tên nước Việt Nam lúc đó chưa có và đất nước chúng ta chỉ được thế giới biết đến là 3 miền thuộc địa Tonkin (Bắc bộ), An nam (Trung bộ) và Cochinchina (Nam bộ) của Pháp.

Bản Lý lịch tóm tắt của Lê Văn Thiêm cho chúng ta biết ông đã học các môn Phép tính vi phân và Phương trình vi phân, Vật lý thực nghiệm, Cơ học, Lý thuyết hàm, Giải tích cao cấp và tốt nghiệp Thạc sỹ năm 1943 tại Paris. Sau đó ông đã sang làm luận án Tiến sỹ tại ĐHTH Gottingen với học bổng của quỹ Alexander von Humboldt. Bản thống kê các tài liệu liên quan tới việc bảo vệ cho chúng ta biết Lê Văn Thiêm đã học 8 học kỳ ở Đại học Paris và 2 học kỳ ở ĐHTH Gottin- gen. Như vậy có thể nói rằng những câu hỏi về GS Lê Văn Thiêm trong thời gian 1939-1945 đã cơ bản được trả lời. Từ những tài liệu trên chúng ta có thể đưa ra một số kết luận về GS Lê Văn Thiêm trong khoảng thời gian đó như sau.

Lê Văn Thiêm sang Đức năm 1943 ngay sau khi tốt nghiệp thạc sỹ và có lẽ không làm việc hay học tập ở Thụy Sỹ như ta thường nghĩ trước đây ông được Quỹ Humbold (quỹ nghiên cứu khoa học danh tiếng nhất của Đức trước kia cũng như hiện nay) tài trợ và có lẽ là người Việt Nam đầu tiên được học bổng của quỹ này. Trong cơ sở dữ liệu của Quỹ Humboldt thì người Việt Nam đầu tiên được Quỹ tài trợ trong những năm 1950. Chúng tôi đã liên lạc với Quỹ Humboldt để hỏi thông tin về Lê Văn Thiêm tuy nhiên Quỹ không tìm thấy tài liệu nào cả, có lẽ do Quỹ ngừng hoạt động trong thời gian 1945-1953.

GS Lê Văn Thiêm nhận bằng tiến sỹ tại ĐHTH Gottingen, nơi được coi là trung tâm toán học thế giới trước Đại chiến Thế giới lần thứ II. Nhiều nhà toán học hàng đầu thế giới như F. Gauss, G. Dirichlet, R. Dedekind, B. Riemann, F. Klein, D. Hilbert, H. Minkowski, E. Noether, H. Weyl, R. Courant... đã làm giáo sư ở đây và đây cũng là nơi đào tạo ra nhiều nhà toán học nổi tiếng cho thế giới. Chúng ta có thể tự hào là người Việt Nam đầu tiên có bằng tiến sĩ toán lại bảo vệ tại trung tâm toán học nổi tiếng nhất thế giới thời bấy giờ.
Theo thông lệ nước Đức trước kia có thể coi ông Wittich là người hương dẫn luận án tiến sĩ của Lê Văn Thiêm. Trong Giải tích có Định lý Teichmuller-Wittich về ánh xạ tựa bảo giác rất nổi tiếng. Xem phả hệ các nhà toán học [1] chúng ta thấy ông Wittich làm luận án tiến sĩ với đề tài “Một tiêu chuẩn xác định kiểu các mặt Riemann” (giống vấn đề nghiên cứu luận án của Lê Văn Thiêm) và là “học trò trực hệ” của các nhà toán học nổi tiếng Leibniz, cha con Bernoulli, Euler, Lagrange, Fourier, Dirichlet, Kronecker, Hensel, Hasse (thầy của ông Wit-tich). Tuy nhiên trong danh mục các học trò của ông Wittich không thấy có tên Lê Văn Thiêm, có thể vì ông Wittich lúc đó mới là trợ lý khoa học của ĐHTH Gottingen. Một điều thú vị là trong số các học trò của ông Wittich ta thấy có ông R. Gorenflo là người đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp của nhiều nhà toán học Việt Nam. Ông Gorenno là nhà toán học nước ngoài có công trình viết chung với nhiều nhà toán học Việt Nam nhất (15 người) [2] và là người hướng dẫn luận án của GS Đinh Nho Hào, can bộ Viện Toán học.

Ngày bảo vệ của Lê Văn Thiêm chỉ cách 4 ngày trước khi quân Đồng minh chiếm được thành phố Gottingen [3]. Đơn xin bảo vệ của ông gửi cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đức chỉ trước ngày bảo vệ 5 ngày. Điều này nói lên sự hoàn hảo của bộ máy hành chính Đức ngay cả trong lúc chính quyền sắp tan rã. Có cái lạ là tên ông Thiêm không nằm trong danh sách các luận án tiến sĩ toán bảo vệ ở Đức trong các năm 1907-1945 [4]. Theo danh sách này thì không có ai bảo vệ năm 1945 và vì vậy ông Thiêm là người cuối cùng bảo vệ tiên sĩ Toán học ở Đức trong Thế chiến lần thứ II. Ngày cấp bằng tiến sỹ và các giấy tờ liên quan cho thấy có thể ông vẫn ở Đức cho đến năm 1946 (theo một số học trò của ông nói lại thì ông từng kể chuyện ở Berlin khi Hồng Quân Liên Xô chiếm thành phố này). Cho đến nay chưa tìm thấy tư liệu nào về các hoạt động của ông trong thời gian 1945 - 1946. So sánh nội dung luận án tiến sỹ của Lê Văn Thiêm với nội dung công trình đầu tiên của ông “Một số kết quả về vấn đề kiểu của các mặt Riemann (tiếng Đức)” đăng năm 1947 [5], chúng ta có thể khẳng định rằng công trình này mở rộng nội dung của luận án tiến sỹ. Đây cũng là công trình toán học đầu tiên của một người Việt Nam công bố trên một tạp chí quốc tế. Tìm hiểu kỹ hơn một chút về luận án có thể cho phép ta hiểu rõ thêm về thời kỳ này của GS Lê Văn Thiêm. Chẳng hạn tại trang 5 của luận án Lê Văn Thiêm có nhắc tới “Dấu hiệu Wittich” với trích dẫn tới công trình của Wittich đăng năm 1939, trong khi đó tại công trình nói trên, mục 6 trang 272, điều này được nêu là “Bổ đề Nevanlinna-wittich” với trích dẫn tới một công trình của Nevanlinna đăng năm 1940, công trình này không được trích dẫn trong luận án. Từ đây ta có thể dự đoán rằng Lê Văn Thiêm chưa hề gặp Nevanliuna cho tới năm 1945. Theo các tư liệu lịch sử thì Nevanlinna là giáo sư thỉnh giảng tại Gottingen năm 1936/37 và chỉ sang Đức một lần trong Đại chiến thế giới thứ hai vào tháng 4 năm 1943 để bàn với Chính phủ Đức về một số vấn đề quân sự [6]. Lúc đó Lê văn Thiêm chưa hoặc mới sang Đức. Tuy nhiên, trong tiểu sử tóm tắt của ông Wittich tại cơ sở dữ liệu của Hội Toán học Đức có ghi ông Wittich đã từng là trợ lý khoa học cho Nevan-linna [7]. Lê Văn Thiêm có lẽ không học với ông Teich- muller vì thời gian này Teichmuller làm nhiệm vụ giải mã cho quân đội Đức ở Berlin, xung phong ra trận đầu năm 1943 và chết cuối năm 1943 [8].

Cũng trong công trình nhắc tới ở trên Lê Văn Thiêm ghi địa chỉ là trường Đại học Zurich và ông cảm ơn Quỹ Jubilaumsstiftung của trường Đại học Zurich về sự hỗ trợ tài chính. Trang cuối của công trình ghi ngày gửi đăng là 2/1947. Vì vậy chúng ta có thể tin rằng Lê Văn Thiêm đã sang Thụy Sỹ trong năm 1946. Đây cũng là năm Nevan-linna nhận chức giáo sư tại Đại học Zurich. Chúng tôi không tìm thấy thông tin nào về quỹ Ju- bilaumsstiftung hiện nay để có thể liên lạc tìm hiểu thêm về GS Lê Văn Thiêm. Chúng ta có thể đoán rằng chính ông Wittich là người giới thiệu ông Lê Văn Thiêm sang Thụy Sĩ với Nevan-linna năm 1946 .

Sinh thời, GS Lê Văn Thiêm vẫn nói mình là học trò của ông Nevan-linna. Nevan-linna là một nhà toán học Phần Lan nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực Giải tích phức. Ông là Chủ tịch Hội Toán học thế giới nhiệm kỳ 1959- 1962. Nevan-linna là một trong những nhà toán học đầu tiên nhìn thấy tầm quan trọng của máy tính và đã cổ súy cho việc dùng máy tính trong các trường đại học ngay từ những năm 50. Vì vậy mà Hội toán học thế giới đã lập ra giải thưởng Nevan-linna, trao 4 năm một lần cho các nhà toán học xuất sắc nhất trong lĩnh vực Tin học lý thuyết.

Tóm lại chúng ta có một số tư liệu nói về GS Lê Văn Thiêm trong thời gian 1943-1945 nhưng lại chưa có nhiều thông tin về thời kỳ 1946-1949. Hiện nay vẫn còn những câu hỏi lớn về GS Lê Văn Thiêm như:

- Ông từ Thụy Sĩ quay lại Pháp khi nào?

- Ông có nhận vị trí giảng viên tại ĐHTH Zurich năm 1949 hay không?

Chúng tôi đã liên hệ với các đồng nghiệp ở ĐHTH Zurich và ĐHBK Zurich để tìm hiểu. Nhưng cho tới nay vẫn chưa tìm thấy một chứng cớ nào cho việc này. Nếu bạn đọc có các thông tin khác về GS Lê Văn Thiêm giai đoạn 1939-1949 xin vui lòng gửi Email về cho các tác giả: [email protected][email protected]. Cuối cùng chúng tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các GS Hélène Esnault và Eckart Viehweg vì sự giúp đỡ vô cùng quý báu trong việc xin các tư liệu về luận án của GS Lê Văn Thiêm.

Tài liệu trích dẫn

1 http://genealogy.math.ndsu.nodak.edu/id.php?id= 45002

2 http: //www.fracalmo.org/gorenflo/gor_publications.htm

3http://www.goest.de/kriegsende.htm

4 https//www.dmv.mathematik.de/m-die-dmv/m-geschichte/m- dissertationen-1907-1945/

5 www.emis.de/misc/articles/1ehto.pdf

6 Le-Van, Thiem, Beitrag zum Typenproblem der Riemannschen Flachen,Comment. Math. Helv. 20, 270-287 (1947).

7 https://www.dmv.mathematik.de/die-dmv/105-kurzbiogra phien/392-kurzbiographien-w-wi-wy.html

8 http://www-history.mcs.st-andrews.ac.uk/ Biographies/Teich- muller.html

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tạ Quang Bửu, "kiến trúc sư" của nền Toán học Việt Nam

    31/12/2009Hàm ChâuCó người cho rằng “Tạ Quang Bửu là một bộ óc Lê Quý Đôn thời nay”. Nhận định ấy cần có thêm thời gian để bình tĩnh kiểm chứng. Tuy nhiên, có thể nói ngay rằng đó không phải là điều thiếu căn cứ.
  • GS Ngô Bảo Châu và Bổ đề cơ bản Langlands

    14/12/2009Hàm ChâuTháng 12/2009, tạp chí Time (Mỹ), một tạp chí có uy tín quốc tế, đã xếp công trình toán học Bổ đề cơ bản của GS Ngô Bảo Châu thứ 7 trong số 10 khám phá khoa học nổi bật trên thế giới năm 2009. Công trình ấy được công bố năm 2007, sau đó, được giới toán học thế giới kiểm tra, phản biện, rồi công nhận vào năm 2009.