Hiện thực và nhân đạo

03:50 CH @ Thứ Ba - 02 Tháng Mười Hai, 2008

Có những cuộc thảo luận dai dẳng ở quy mô khổng lồ về định nghĩa chủ nghĩa hiện thực. Vào một thời đại mà hình thức nghệ thuật có sự đột phá ở nhiều khía cạnh, nhiều bình diện, sự cắt đứt với quá khứ, doạ từ bỏ không dựa lưng vào truyền thống, nhất định phóng ra ngoài cái bóng đổ vĩ đại của các nền văn hóa cổ… vấn đề này càng trở nên phức tạp. Một phái cho rằng chủ nghĩa hiện thực có từ thời cổ đại. Một phái nữa làm văn tự khai sinh cho nó vào thời Phục Hưng. Một phái thứ ba bảo chủ nghĩa hiện thực là một trào lưu của nửa cuối thế kỷ 19.

Người ta thường nói chủ nghĩa hiện thực dùng hình thức của chính đời sống để mô tả đời sống. F. Engels được tách đi trích lại ở một câu nổi tiếng về "tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình".

Trước hết phải phân biệt phẩm chất hiện thực với trào lưu xu hướng phong cách có tên là "hiện thực chủ nghĩa" của một giai đoạn lịch sử nào đó. Theo nghĩa thứ hai này chủ nghĩa hiện thực của Rembrandt ở Hà Lan hay D.Velázquez ở Tây Ban Nha thế kỷ 17 là một hiện tượng của lịch sử mỹ thuật nó hoàn toàn phụ thuộc vào lịch sử. G.Courbet, Repin, A.Menzel. . . đều đã đi vào dĩ vãng với tư cách là một trào lưu của thế kỷ 19. Chưa khi nào các xu hướng, trường phái này là toàn bộ nghệ thuật của một thời đại - dù có khi nó lan lấn rất rộng trong các phong cảnh nghệ thuật từng thời nào đó. Như vậy cũng không thể xâu các nhà điêu khắc Hy Lạp tạc tượng các võ sĩ và vận động viên điền kinh, các họa sĩ Phục Hưng vẽ gia đình thánh, chúa Jésu và các tông đồ, các họa sĩ Hà Lan vẽ cảnh trong nhà, người ăn mày, Goya vẽ cảnh "xử bắn những người nổi dậy", Courbet vẽ "Những người đập đá", Repin với cảnh kéo thuyền trên sông Vonga" và các họa sĩ Mê-hi-cô hiện đại, các họa sĩ Nga Xô-viết thành một chuỗi bằng một sợi chỉ đỏ có tên là "hiện thực chủ nghĩa". Mặc dù có những điểm giống nhau, các trào lưu xu hướng, phong cách của các tác giả này rất khác nhau, độc lập nhau, không phải là kết quả của cuộc chạy tiếp sức, "kiếp luân hồi", tái sinh vào hậu thế.

Trong nghệ thuật phương Đông ở các sách sử nghệ thuật không hề có vấn đề này. Nghệ thuật Đường, Tống, tranh khắc gỗ Nhật thế kỷ 18, 19, nghệ thuật Triều Tiên, Việt Nam… có những vấn đề y hệt, vĩnh cửu như nghệ thuật châu Âu. Bản chất sự phát triển nghệ thuật ở các nước "mặt trời mọc" này của thế giới cũng chứa đựng những vấn đề nội dung của cuộc tranh luận hiện thực hay không hiện thực, song rất ít khi và nhiều nơi chưa bao giờ có tranh chấp về xu hướng, phong cách như trong mỹ thuật Âu châu theo tinh thần trên. Tranh Đường, tranh Tống, phái văn nhân - họa với tranh sơn thủy sẽ không thể xếp vào xu hướng lãng mạn, siêu thực, hiện thực hay Baroque v.v... Ở các tác phẩm "Văn nhân - họa" có cái cô đơn dành cho những người ưu tú của nghệ thuật lãng mạn, có cái cách thể hiện tinh thần giàu biểu tượng sâu sắc kỳ ảo, nổi lên từ tiềm thức của siêu thực, có cái gần gũi, chân thực đến cảm động của phái hiện thực. Xếp đặt như vậy không khác nào xếp thể loại Hoa điểu hay Thảo trùng vào tranh phong cảnh hay tĩnh vật.

Các quan niệm về thời gian ra đời của chủ nghĩa hiện thực nêu trên gặp một mâu thuẫn: đó là sự không đồng nhất quan niệm suy xét. Đây là thế giới quan, là thái độ nghệ thuật hay hình thức thể hiện, hay là trào lưu nghệ thuật gắn bó với một trào lưu tư tưởng cụ thể nào đó của lịch sử. Và cả ba quan niệm trên đều muốn xâu chuỗi theo trục lịch sử những biểu hiện nghệ thuật mà họ cho rằng có điểm giống nhau.

Nếu nói chủ nghĩa hiện thực là một trào lưu nghệ thuật thì đó là sản phẩm lịch sử cụ thể của tiến trình phát triển của nghệ thuật Âu châu và gắn chặt với sự ra đời của chủ nghĩa tư bản. Nó là trường phái hiện thực thế kỷ 19 với Courbet, Repin… và việc truy tìm gốc rễ của trào lưu này xa xưa hơn nữa là vô ích. Raphael và Michelangelo không dính líu gì tới xu hướng này. Cả Rembrandt và Goya cũng vậy - Những người khổng lồ của Goya và những cảnh đầy bí ẩn, huyền hoặc không gần gũi gì với những cô gái và công nhân của Courbet bao nhiêu và sự ảnh hưởng của các bậc thầy với các thế hệ sau là tất nhiên.

Giới hạn trong một trào lưu một xu hướng nghệ thuật cụ thể ta mới có lý để bàn tới hình thức thể hiện của họ. "Mô tả đời sống bằng hình thức của chính nó" - Câu này chồng khít lên thực tế sáng tác của các tác giả thuộc xu hướng hiện thực này. Tuy nhiên đó chỉ là sự chồng khít theo nghĩa hẹp. "Còn tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình" chỉ có nghĩa với các tác phẩm và thể loại có nhân vật. Quá lắm thì nó đúng với một phần chân dung hay sinh hoạt tức hai thể loại có chất mô tả và cốt truyện có thể mô tả và kể lại bằng ngôn từ. "Tính cách" và "hoàn cảnh" không có nghĩa gì với tĩnh vật, phong cảnh hay thể loại bán thân trong điêu khắc chẳng hạn. Nhiều nhà lý luận tìm cách mở rộng đến cùng khái niệm "tính cách" và "hoàn cảnh" ra đến mỗi thể loại để cãi lấy được cho câu nói của F.Engels vốn chỉ nói về tiểu thuyết. Họ quên mất rằng hai khái niệm trên gắn với một suy đoán về quan hệ nhân quả mà khả năng bộc lộ quan hệ nhân quả của âm nhạc hay mỹ thuật là vô cùng hạn chế. Vẽ tranh sinh hoạt tả kể thực ra cũng là một vấn đề hình thức để bộc lộ tình cảm và tư tưởng nghệ thuật chứ cái "hoàn cảnh" và các "tính cách" chẳng bao giờ là mục đích và chức năng của mỹ thuật và âm nhạc.

Nếu coi chủ nghĩa hiện thực như một xu hướng tư tưởng mỹ học - nghệ thuật, một vấn đề của thế giới quan thì ta có thể bổ dọc lịch sử mỹ thuật và tìm nguồn gốc của nó từ xa xưa hơn thời Hy Lạp cổ điển rất nhiều. Những bức tranh hang động rõ ràng là hiện thực… Cảnh nhảy múa trên trống đồng Đông Sơn cũng rất hiện thực. Tại sao ta gọi chúng là hiện thực trong khi những hình hình học của họ, những hoa văn trừu tượng của họ - cũng do chính họ làm ra song không ai gọi là hiện thực.

Hiện thực hiểu theo nghĩa này có hai hạt nhân. Và hai tế bào mầm giống này cứ sinh sôi nảy nở suốt trong lịch sử mỹ thuật tạo ra nhiều bậc thầy vĩ đại (chứ không phải tất cả các bậc thầy vĩ đại) của lịch sử.

Đó là:

- Xu hướng chăm chú vào đời sống thực tại. Con mắt người ta nhìn xuống luống cầy, nhìn cái sân nhà, nhìn con chim, con nai mà họ săn bắt, nhìn người ăn mày và người đàn bà, nhìn vào những mâu thuẫn và cái khổ của kiếp người: cảnh tra tấn, xử bắn, treo cổ, cái tường nhà cũ, sự nghèo khốn, cái mũi quá to, bộ ngực quá lép kẹp của một thiếu phụ già trước tuổi… Sự chăm chú và đề cao đời sống của thế giới bên này - chứ không phải nhằm vào thiên đường hay cảnh "bờ xôi ao mật" trong tưởng tượng - làm cho chủ nghĩa hiện thực mở rộng tầm mắt vào cái kề cận chúng ta nhất. Nó phát hiện ra cái trước đây chưa được coi là đẹp nay được nâng lên thành cái đẹp. Nâng chính chúng lên chứ không phải tô vẽ thêm hoặc mở rộng thêm cho đôi giày rách, cái cửa sổ cũ, cái bình vỡ, cái mũi to, làn da nhăn nheo của một ông già, cái nạng gỗ của bọn què cụt… trở thành "đẹp". Chính những cái xấu xí đó được nhìn nhận là đẹp. Chủ nghĩa hiện thực có công nhất ở chức năng "biết cái xấu thành cái đẹp" này. Điều này làm cho các bậc thầy theo chủ nghĩa hiện thực hay dùng hình thức "của chính đời sống" với tư cách là phương tiện mô tả. Những câu chuyện kinh thánh ở Raphael biến thành nỗi dịu ngọt như trái cam chín của đời sống an bình, của tình mẫu tử bình dị nhất, ở Michelangelô chúng biến thành sự quằn quại đầy xung đột và cao hơn nữa thành một tổng thể hài hòa của các mâu thuẫn thời đại ông. Không có "các con người cụ thể" mà tranh của hai ông cho ta thấy rõ hai mặt đối lập của thời đại Phục Hưng thật rõ ràng. Goya đã dùng những ma quái khổng lồ để miêu tả cái nóng nực quằn quại của kiếp người và của lịch sử cụ thể thời ông để đạt cùng một hiệu quả như bức "Xử bắn những người nổi dậy" có hình thức của chính đời sống.

- Từ xu hướng quay về thế giới bên này - khẳng định giá trị của đời sống không bằng cách làm cho nó hấp dẫn hơn mà bằng cách phơi bày nó trần trụi nhất, bình dị nhất, chủ nghĩa hiện thực mang nội dung nhân đạo sâu sắc. Tính nhân đạo là tế bào mầm giống thứ hai của chủ nghĩa hiện thực. Từ các tranh hang động, tượng của các bộ lạc dã man, đến các bậc thầy hiện thực hôm nay, ta luôn thấy thái độ đề cao con người, khẳng định con người ở trạng này hay dạng khác. Đỉnh cao mà con người được đưa lên thành toàn cục, bóng của nó chồng khít lên vũ trụ vĩ mô là thời Hy Lạp cổ điển và thời Phục Hưng. Ở tranh Đường và tranh Tống con người chồng khít lên vũ trụ bằng cách hòa làm một với nó. Ở phương Tây con người tìm cách chế ngự, ở phương Đông họ tìm cách hòa hợp - cả hai đều chấp nhận sự tuần hoàn biến đổi luôn luôn là bản chất của vũ trụ. Tuy nhiên việc đề cao con người, cái con người của chủ nghĩa hiện thực không khi nào ràng buộc họ trở thành anh hùng, siêu nhân hay những người được tuyển lựa. Hướng về con người bình thường, vào đời sống bình thường tự tại, vào những khát vọng và mơ ước bình thường của họ là bản chất nhân đạo của chủ nghĩa hiện thực. Phần phát vọng và mơ ước của chủ nghĩa hiện thực hay bị các nhà lý luận thiển cận gạt bỏ mặc dù đó cũng là đoạn đường của chủ nghĩa hiện thực. Lấy thế giới bên này và con người làm xuất phát điểm là chủ nghĩa hiện thực. Xuất phát từ những cao vọng, lấy một cái gì đó ngoài đời sống bên này làm cứu cánh, lấy một cái siêu nhiên hay một đám người cô đơn, được tuyển lựa làm điểm tựa là chiều đi của nghệ thuật phi hiện thực. Phơi bày cái xấu xa hay đen tối của con người để hiểu biết nó, để biến cải nó là hiện thực chủ nghĩa.

Chính ở chỗ này ta thấy chủ nghĩa hiện thực không hạn hẹp và không gắn với hình thức hữu hiệu cụ thể nào. Ở mỗi thời hai tế bào giống nói trên kết hợp với nhau và đẻ ra các hình thức khác nhau, phong cách và xu hướng khác nhau. Những kẻ hẹp hòi gạt bỏ ước mơ và khát vọng của con người ra khỏi chủ nghĩa hiện thực và quên mất rằng giấc mơ, những mơ ước hão huyền nhất, bầu trời tầng sao và nỗi đau vũ trụ của nó cũng là một phần của đời sống hiện thực. Những kẻ tầm thường gắn chủ nghĩa hiện thực với một thứ tự nhiên chủ nghĩa tầm thường và thực chất là suy đồi và hàn lâm lạc hậu. Lối quan niệm này kìm hãm sự phát triển của chủ nghĩa hiện thực một cách tai hại - làm cho tác phẩm dính lưng với những biểu hiện bề mặt, tản mạn, tủn mủn và vô hồn - làm cho tác phẩm lạch bạch trên mặt đất thấp lè tè, nhốt chủ nghĩa hiện thực vốn rộng rãi và cao cả vào những khuôn sáo, sơ đồ cứng nhắc. Một quan niệm nữa tai hại không kém là coi chủ nghĩa hiện thực ngày nay là kẻ kế thừa trực tiếp xu hướng hiện thực thế kỷ 19. Quan niệm này dẫn đến việc mô tả tầm thường không đạt tới đỉnh cao như các bậc thầy kể trên vì nhiệm vụ của nghệ thuật, thực tại đời sống đã đổi khác.

- Những biến dạng èo ợt của nó đã dùng các thủ pháp của chủ nghĩa ấn tượng, của Cézạnne, Van Gogh hay P.Gauguin theo kiểu xu hướng hiện thực thế kỷ 19. Kết quả là các tác phẩm này càng vay mượn, sao chép hơn. Hình thức cũ hạn hẹp không chứa nổi nội dung mới và biến thành một thứ kinh viện nhạt nhẽo. Tất cả các phương pháp, vốn được các bậc thầy xa xưa hơn nữa sử dụng bị lãng quên. Mặt khác tất cả các thành tựu mới của nghệ thuật Âu châu sau cách mạng tháng Mười bị đẩy sang phía địch - bị ném vào cái xó "tư sản phương Tây". Nửa thế kỷ đã qua mà người ta còn tranh cãi là các thành tựu biểu hiện, vị lai, lập thể, dã thú, siêu thực, các nhà điêu khắc như A. Giacometti, Brancusi… có thuộc vào di sản văn hóa chung không? Có thuộc vào những truyền thống nghệ thuật có thể kế thừa và phát huy hay không?

Sự phát triển nghệ thuật đương đại đã chứng minh những quan niệm lầm lạc trên là ấu trĩ.
Lịch sử cũng đã chứng minh rằng vào những thời kỳ mà xã hội có nhiều biến động to lớn về đời sống vật chất và đời sống tinh thần thì tư tưởng nghệ thuật hiện thực cũng mạnh lên, cũng bao trùm thời đại. Thời của chúng ta là một thời như vậy.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Vị nhân sinh đúng hay sai?

    04/10/2016Đỗ Kiên CườngXin mọi người đọc thuật kỹ và thật bình tâm, đặt một ấm nước, lúc đọc xong là lúc nước sôi, pha bình trà, uống và ngẫm nghĩ về người Mỹ, về quan điểm đạo đức xem nó ra răng...
  • Thử bàn về giá trị và chuẩn mực nghệ thuật

    14/11/2008Trần DuyLịch sử nghệ thuật là quá trình phát triển cái đẹp, quá trình phát triển tính thẩm mỹ thông qua thị hiếu của con người, qua các thời đại. Vậy tiêu chuẩn của nghệ thuật là cái mà tự bản thân nghệ thuật có hay sở dĩ có tiêu chuẩn nghệ thuật là vì thị hiếu của con người?
  • Ghi chú về nghệ thuật

    25/10/2008Nguyễn QuânTâm trí tôi như một vùng đồi núi hoang vắng rộng rãi nhưng cũng chật hẹp vì không có cơ cấu hạ tầng của xã hội hiện đại. Sự học hành của tôi không cho phép mở những con đường lớn vào khoa học. Tuy vậy tôi cũng đã lần mò ở mọi ngõ ngách của các lĩnh vực và các ngành khoa học qua những cuốn sách dày, mỏng, Đông, Tây, cứ ngẫu nhiên rơi xuống tay mình...
  • Bàn thêm về thuộc tính của nghệ thuật

    08/05/2007Nguyễn Thị ThưMỹ học trước Mác đã đề cập đến các góc độ khác nhau về thuộc tính của nghệ thuật. Mỹ học duy tâm khách quan cho rằng nghệ thuật mang tính chất thần linh, huyền bí. Platôn, nhà triết học Hy Lạp cổ đại quan niệm nghệ sĩ là những người đặc biệt, do thần linh đầu thai xuống trần gian để làm bạn với cái đẹp.
  • Về đặc trưng của chân lý nghệ thuật và tính đặc thù trong sự tiếp cận nó

    21/05/2006TS. Nguyễn Văn HuyênThực chất quan điểm giá trị học hiện đại và cũng là quan điểm phổ biến hiện nay muốn nhấn mạnh rằng, khoa học gắn liền với chân lý, còn nghệ thuật gắn liền với giá trị, cái mà thiếu nó, loài người không thể trở nên văn minh, tiến bộ.
  • Nghệ thuật là gì?

    15/02/2006Nguyễn Đình ĐăngCâu hỏi Nghệ thuật là gì? kéo theo luôn hai câu hỏi khác: Cái đẹp là gì?Họa sĩ là ai?. Tổng quan 3 bài viết của Bart Rosier [1], Joseph A. Goguen [2]và Lev Tolstoy [3] chỉ nhằm làm sáng tỏ một phần những vấn đề tuy không mới nhưng vẫn rất nan giải đó...
  • Giá trị thẩm mỹ và chất lượng nghệ thuật

    20/12/2005Nguyễn Văn PhúcTrên bình diện đánh giá - giá trị, chất lượng nghệ thuật của một tác phẩm được hiểu là giá trị nghệ thuật của tác phẩm đó. Nhưng bản chất của giá trị nghệ thuật là gì ? Nói khác đi những yếu tố nào quy định giá trị của tác phẩm nghệ thuật, và do đó, như thế nào là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị? v.v... Đó là những câu hỏi không dễ giải đáp.
  • Bản chất của nghệ thuật có giống với kỹ năng không?

    21/07/2005Một lúc nào đó trong thế kỷ 19, từ “nghệ thuật” bắt đầu được dùng chủ yếu cho một loại hình nghệ thuật – cái gọi là “nghệ thuật tạo hình”. Người Hy Lạp và La Mã cổ đại không loại trừ những ngành như điêu khắc, âm nhạc, và thi ca khỏi danh sách các nghệ thuật của họ, nhưng họ cũng không tuyên dương những ngành nghệ thuật này như nghệ thuật tới mức loại bỏ hết mọi sự tạo tác khác của con người.
  • xem toàn bộ