Hồ Chí Minh với tiến trình lịch sử dân tộc

Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam
03:27 CH @ Thứ Sáu - 03 Tháng Tư, 2009

Tên sách: Hồ Chí Minh với tiến trình lịch sử dân tộc
Tác giả: Phan Ngọc Liên.
NXB: Chính trị Quốc gia Hà Nội
Năm xuất bản: 2008
Số trang: 682

Hồ Chí Minh là một nhân vật lịch sử lỗi lạc không chỉ của dân tộc Việt Nam, mà còn của nhân dân tiến bộ trên thế giới trong thế kỷ XX. Cuộc đời và sự nghiệp của Người gắn liền với cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội của nhân dân Việt Nam và của nhiều nước khác. Góp phần vào việc thiết thực hơn nữa cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia đã cho ra mắt cuốn sách Hồ Chí Minh với tiến trình lịch sử dân tộc của GS.TS, Nhà giáo nhân dân Phan Ngọc Liên.

Cuốn sách là sự tổng hợp và hoàn thiện những kết quả nghiên cứu của tác giả trong nhiều năm qua. Mục đích của cuốn sách là góp phần vào việc làm sáng rõ hơn nữa công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, một danh nhân văn hoá thế giới - đối với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa; đồng thời, đấu tranh chống lại những luận điệu sai trái nhằm hạ thấp vai trò của Hồ Chí Minh và chống phá cách mạng Việt Nam. Cuốn sách còn có ý nghĩa to lớn đối với việc nâng cao nhận thức và giáo dục thế hệ trẻ về cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chủ đề cuốn sách không mới nhưng đáng kể là, việc giải quyết vấn đề Hồ Chí Minh với tiến trình lịch sử dân tộc đã được đưa ra trên cơ sở phương pháp luận khoa học và một số tài liệu đã được hệ thống hoá, khái quát hoá. Nội dung cuốn sách được trình bày theo một lôgíc chặt chẽ.

Phần thứ nhất - Đất nước, dân tộc với Hồ Chí Minh giới thiệu quan điểm phương pháp luận về việc xuất hiện các anh hùng dân tộc trong những điều kiện lịch sử cụ thể, đáp ứng những yêu cầu nhất định của thời đại. Trên cơ sở đó, tác giả đã chứng minh rằng, cũng như các anh hùng dân tộc trước đây, Hồ Chí Minh đã ra đời và hoạt động trong bối cảnh lịch sử cụ thể, có kế thừa quá khứ, phát triển trong hiện tại và đặt cơ sở cho tiến trình tiếp theo. Với việc quán triệt quan điểm mácxít - lêninnít này, tác giả đã đấu tranh chống các luận điểm phản động, phi khoa học, muốn tách Hồ Chí Minh ra khỏi sự phát triển của dân tộc từ xưa đến nay.

Phần thứ hai là Những đóng góp của Hồ Chí Minh đối với sự phát triển lịch sử dân tộc. Thông qua các sự kiện về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh, tác giả trình bày những đóng góp của Người đối với cuộc đấu tranh giành độc lập và tiến lên chủ nghĩa xã hội của dân tộc ta. Đồng thời với việc nêu công lao của Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam, tác giả cũng đề cập đến những đóng góp của Người đối với nhân dân thế giới, với tư cách là một chiến sĩ cộng sản quốc tế. Tác giả đã phân tích một cách sâu sắc công lao to lớn của Hồ Chí Minh đối với dân tộc ta là ở chỗ, Người luôn gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới; khi Người hoạt động cho cách mạng thế giới cũng là khi Người hướng về cách mạng Việt Nam. Kết quả là, cuộc đấu tranh cho cách mạng Việt Nam lại góp phần vào thắng lợi của cách mạng thế giới. Theo tác giả, mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng về dân tộc và giai cấp, dân tộc và quốc tế, thời đại đã được Hồ Chí Minh giải quyết một cách khoa học, đúng đắn và hiệu quả.

Những tài liệu, sự kiện và khái quát lý luận ở phần thứ hai này đã làm sáng tỏ những vấn đề về dân tộc, Tổ quốc, giai cấp, Đảng, lòng yêu nước và tinh thần quốc tế chân chính trong tư tưởng của Hồ Chí Minh.

Phần thứ ba, Hồ Chí Minh sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam, trình bày lòng kính yêu vô hạn của đồng bào cả nước và nhân dân thế giới đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong phần viết này, tác giả đã đề xuất một số biện pháp giáo dục cho thế hệ trẻ lòng kính yêu và quyết tâm thực hiện con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, Đảng ta đã khẳng định và nhân dân ta đã và đang quyết tâm thực hiện.

Qua tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo chúng tôi, chúng ta có thể rút ra một số bài học quý báu như sau: Trước hết, chúng ta cần phải nhận thức đúng về mối quan hệ chặt chẽ giữa Hồ Chí Minh với dân tộc. Chỉ có gắn liền với lợi ích của nhân dân, Tổ quốc, Hồ Chí Minh mới làm nên sự nghiệp vĩ đại, có nhiều công lao to lớn đối với dân tộc. Thứ hai, chúng ta cần phải tiếp nhận, bảo vệ và phát huy truyền thống dân tộc,mà cốt lõi là tinh thần yêu nước, để có thể tạo nên được một sức mạnh to lớn trong hiện tại và tương lai, cùng nhau giải quyết những nhiệm vụ đang đặt ra cho đất nước và nhân dân. Thứ ba, chúng ta cần phải giữ vững nền độc lập dân tộcvới tinh thần “Thà chết chứ không làm nô lệ” với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Thứ tư, chúng ta cần phải bảo vệ sự đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, xem đó là cội nguồn của sức mạnh; đồng thời kết hợp nhuần nhuyễn, có hiệu quả sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại để giành thắng lợi trong đấu tranh cách mạng. Thứ năm, vững tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin, vào Đảng ta, vào Bác Hồ; vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trong nhận thức và hoạt động thực tiễn, tránh việc rập khuôn, giáo điều. Đồng thời, chúng ta cần học tập, làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Thứ sáu, chúng ta cần phải trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao văn hoá, bồi dưỡng chủ nghĩa nhân văn theo tư tưởng Hồ Chí Minh để trở thành người cách mạng, người cộng sản chân chính.

Thông qua nội dung cuốn sách, chúng ta có thể thấy rằng, việc tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp và công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc ta, với phong trào cách mạng thế giới sẽ “khơi dậy tiềm năng bị chôn vùi, phát huy sức mạnh sẵn có, làm nảy nở cái mới, cái hay, cái đẹp trong mỗi con người, trong sự nghiệp xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Có thể khẳng định rằng, nội dung cuốn sách rất hữu ích đối với bạn đọc và có những đóng góp nhất định vào việc nghiên cứu và giáo dục thế hệ trẻ về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đang được phát động trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.r

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Hồ Chí Minh với vấn đề con người

    06/12/2008Nguyễn KiênBắt đầu hoạt động cách mạng với những khái niệm “con người”, “quyền con người”, Hồ Chí Minh cũng khép lại cuộc đời mình với khái niệm “con người”, tuy với những nội dung có khác nhau…
  • Triết lý hành động Hồ Chí Minh

    04/03/2007PGS, TS Nguyễn Hùng HậuTriết lý hành động Hồ Chí Minh không chỉ kế thừa những tinh hoa của triết học Đông Tây kim cổ mà còn kế thừa những điểm tinh tuý của triết học Mác và đưa triết lý hành động lên tầm cao mới trong đó triết lý và hành động, nói và làm, lý luận và thực tiễn không tách rời nhau, tạo nên một khối thống nhất...