Hoài niệm chưa dứt

08:54 CH @ Thứ Ba - 27 Tháng Giêng, 2009

Năm nào cũng thế, khi đến giờ giao thừa, trong tôi lại trỗi dậy những cảm giác thao thức, bâng khuâng như bao lần. Đó là cảm giác về một sự kiện đang xảy đến ở quanh ta, mà ra chỉ e rằng mình không thể nắm bắt được và sợ nó vuột mất. Luôn luôn vẫn là như thế, giao thừa đã gieo vào lòng tôi những cảm giác khắc khoải kể từ thời tuổi nhỏ và cho đến mấy chục năm sau, cảm giác háo hức xen lẫn rạo rực đó còn hiện diện và vẫn mãnh liệt hơn bao giờ hết khi chiếc kim đồng hồ càng chuyển dần đến giờ khắc giao thừa.

Mặc dù bây giờ hoàn cảnh có khác xưa rất nhiều, bước qua tuổi trung niên đã lâu, tôi đã mất bố, ông bà nội ngoại, thầy tôi, cùng nhiều bạn bè thân quyến khác, và kể cả chính con người tôi của một thời nào đó nữa…

Có lần nhà văn Pháp Anotole France ngồi trên chiếc ghế đá ở vườn Luxembourg, ông nhìn thấy những đứa trẻ cắp sách đến trường đi ngang qua, mà chợt nhớ lại hình ảnh những mùa thu khai trường xa xưa, khi ông còn là một cậu bé cũng tập tễnh đeo cặp đi ngang qua khu vườn này. Nhà văn viết: “Cậu học trò đó là tôi ngày nào, nay đã mất rồi”. Mặc dù chúng ta vẫn đang hiện diện, nhưng đã có những lớp con người của chúng ta trong quá khứ xa xưa nay đã không bao giờ quay trở lạ nữa.

Làm thế nào sống lại được không khí của một thời dĩ vãng? Nhà văn Pháp đầu thế kỷ 20 Marcel Proust đã tìm lại được dĩ vãng qua tác phẩm Đi tìm thời gian đã mất (A la recherche du temps perdu). Proust đã “đi ngược thời gian” trở về với quá khứ bằng… mùi vị. Câu chuyện như sau, một hôm ông được người nhà dọn cho ăn món bánh Madeleine, theo thói quen nhà văn chấm cái bánh vào trong tách nước trà và ăn. Ngay lập tức, khi chiếc bánh tan dần trong miệng, ông chợt thấy quá khứ đang trở về. Cứ mỗi lần ông chấm bánh vào trà và cho tan dần trong miệng, Proust lại bắt gặp lại những hình ảnh kỷ niệm của thời thơ ấu đã xam ký ức không liền lạc cho lắm nhưng rất rõ nét. Tôi nghĩ trong chúng ta, ai nấy cũng đã có hơn một lần được trở về quá khứ qua những món ăn kiểu như Proust. Có khi chúng ta thích ăn một món ăn lâu ngày không được thưởng thức lại, không phải vì hương vị hấp dẫn của món ăn đó, mà “ăn để nhớ lại ngày xưa”, thế thôi.

Trong làn khói bốc lên cao, chao đảo theo chiều gió, trong ánh lửa đun bếp bập bùng, tia lửa than bắn ra nổ lách tách,mà chúng ta bắt gặp ở những nồi nấu bánh chưng nằm rải rác đây đó trên các con phố, cũng thấp thoáng những tình tự hoài cảm về quá khứ, xen lẫn với những háo hức, bâng khuâng khôn tả. Nhà thơ Huy Cận viết: “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”. Không chỉ riêng có nhớ nhà, hình tượng làn khói còn gợi lên biết bao nỗi niềm mông lung khác, trong một khoảnh khắc, chúng ta vẫn chưa kịp gọi tên được chúng.

Giao thừa ngày nay cũng thay đổi nhiều. Nhất là ở thành phố, nơi khó mà tìm được hình ảnh cây nêu trước ngõ, lũy tre đầu làng. Có chăng, vẫn còn cảnh cuối năm bày tế phẩm lên bàn thờ, thắp nén nhang tưởng nhớ ông bà, tiền nhân.

Giao thừa ở thành phố, nghe ở đầu ngõ cuối xóm vang lên các bản nhạc xuân Việt Nam pha lẫn với các bản nhạc Âu Mỹ ồn ào, hoặc bản Happy New Year của ban nhạc Abba buồn thấm thía, man mác. Giao thừa là như thế đó, một chút khắc khoải, một chút náo nức, một chút bâng khuâng, tựa như cô thiếu nữ đang thao thức chờ đón mùa xuân mới đang sắp đến với bao hứa hẹn, hy vong rằng năm mới sẽ đem lại những điều tốt đẹp hơn năm cũ.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tâm lý ngày Tết

    22/01/2020Phạm QuỳnhNhững dịp để cả một dân tộc được sống cùng nhau trong một tình cảm, một ý tưởng chung, cùng một xúc động tập thể, bao giờ cũng hiếm. Thường đấy phải là những sự kiện quan trọng, có liên quan ngay đến đời sống của cả cộng đồng, mới có thể tạo nên sự đồng nhất như vậy về ý nghĩ và rung cảm của mọi người.
  • Cô đơn đón Tết

    02/02/2014Doãn DũngCó một góc nhìn khác về Tết. Một người trốn chạy những lễ nghĩa của Tết, một người có trạng thái tâm lý dường như mâu thuẫn, không ăn Tết với người thân, mà một mình, giữa những nơi xa lạ… Lớp người trẻ bây giờ cũng vậy đó, họ tranh thủ đi đâu đó vào dịp Tết, không nhất thiết phải quây quần với gia đình theo truyền thống.
  • Bác Hồ và người gánh nước đêm giao thừa

    09/01/2011Bùi Dũng"Một Đảng cầm quyền mà để người dân mình nghèo hết còn chỗ để nghèo thì đó là lỗi của Đảng với nhân dân..." - điều Bác Hồ nói vào mùa Xuân cách đây 45 năm đến nay còn thấm thía...
  • Tết lại nhớ Tết

    25/01/2009Hồ Đình GiangSài Gòn cũ ăn Tết rất rộn rã. Tâm lý "hiện sinh" thấm nhuần cả chuyện ăn Tết. Chơi Tết cho đã đi vì quanh năm ngất ngư lo toan bao nhiêu chuyện. Nghe mấy bản nhạc ban QVT là đã thấy ra không khí tưng bừng
  • Nhàn nhã như Tết

    31/12/2008Nguyễn Vĩnh NguyênGiật mình vốn là cảm trạng có thật khi một năm đi qua. Giật mình là để được trở về. Trở về với góc sống, không gian và trạng thái thanh thản của mình. Giật mình là cái buốt nhói trống rỗng hoang lạnh tâm thức sau tháng ngày bươn bả rồi nhận ra cái vô nghĩa của thời gian nhân sinh thường nhật.
  • Tương lai nhìn từ Giao thừa

    13/02/2008Tô PhánGiao thừa là giây phút chuyển từ hiện tại cũ sang hiện tại mới, chuyển từ quá khứ sang tương lai. Tương lai là thời gian phía trước, là cái của ngày mai, của giờ phút tiếp nối. Tương lai là cái định hướng, cái mà con người hướng tới, nhưng tương lai không diễn tiến theo ý muốn chủ quan của con người...
  • Tết trong mỗi người

    16/02/2007Phan Triều HảiMùa xuân tuyết tan, cây đâm chồi nảy lộc. Chim hót líu lo. Mặt trời sáng bừng, và trời xanh. Câu này nghe quen, nhưng đó là mùa xuân ở đâu, chứ tôi nay thật sự đã được tận hưởng mùa xuân ở mọi miền đất nước rồi nên mới biết điều lẽ ra không cần đến gần bốn mươi năm để biết, rằng cả nước vào xuân nghĩa là miền Bắc đón những đợt rét tái tê người, miền Trung là những cơn mưa sụt sùi bất tận, còn miền Nam thì nắng như đổ lửa...
  • Thời gian với giao thừa

    16/02/2007Băng SơnThời gian là cái gì đó, hoàn toàn vô hình nhưng lại hết sức hữu hình. Nó như một nguyên tố không màu, không mùi, không vị, không đặc, không loãng, cứ lặng lẽ trôi nhưng bất biến...
  • xem toàn bộ