Học nói cho chuyên nghiệp

12:50 SA @ Chủ Nhật - 11 Tháng Mười Một, 2012

Trưởng văn phòng đại diện của một tập đoàn công nghệ cao tại Việt Nam sau hai lần tháp tùng, hỗ trợ các chuyến đi tìm hiểu và quảng bá môi trường đầu tư Việt Nam đã đưa ra vài nhận xét đáng suy ngẫm.

Ông kể rằng khi tổ chức đoàn sang Mỹ, ngoài vài quan chức có khả năng thuyết phục và gây ấn tượng với các nhà đầu tư, đa số quan chức đi cùng làm việc "rất thiếu chuyên nghiệp". Thiếu chuyên nghiệp ở đây thể hiện ở việc chuẩn bị bài giới thiệu về môi trường đầu tư, về khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh, cũng như khả năng trả lời các câu hỏi mà các công ty Mỹ đặt ra.

Chẳng hạn, khi muốn tiếp thị đầu tư vào một khu công nghệ cao, nhất thiết trong đoàn công tác phải có đại diện của những doanh nghiệp mạnh có khả năng thuyết phục người nghe về tiềm năng của mình. "Các bài thuyết trình của phía Việt
Nam chưa thuyết phục", nhà doanh nghiệp nói trên kể. Tiếng Anh nhiều lỗi đã đành, nội dung lại nặng tính chính trị và nặng liệt kê tên, số thứ tự... các nghị định, nghị quyết... trong khi cái chủ yếu mà nhà đầu tư muốn nghe là: Anh có cái gì để mời chào chúng tôi? Kết quả là khi phía ViệtNam trình bày, rất nhiều người tham gia bắt đầu... ngáp vì chán".

Nhà doanh nghiệp nói trên cho biết những công ty quan tâm đến Việt Nam trước khi đến họp bao giờ cũng nghiên cứu rất kỹ về Việt Nam để đặt câu hỏi, trong khi những người đi xúc tiến đầu tư lại rất chủ quan và không chuẩn bị kỹ bài trình bày của mình.

Nhà doanh nghiệp trên còn kể rằng ông đã nhận ra trong một số truờng hợp những người có khả năng thực sự thì lại ngồi vị trí thấp và không được sử dụng đến. "Trong một lần làm việc với các đối tác nước ngoài để giới thiệu về môi trường đầu tư, do không giỏi tiếng Anh và thực ra khả năng trình bày rất kém, nên quan chức có trách nhiệm không trực tiếp báo cáo mà cho chiếu một đoạn phim rất dở. Trong khi đó, tôi biết rõ người phụ tá của ông ấy có thể trình bày rất tốt. Có lẽ đã đến lúc các quan chức nên vì lợi ích chung mà dẹp bỏ tự ái, tạo điều kiện cho những người giỏi làm việc".

Một quan chức cấp cao của một công ty đa quốc gia khi đi tìm hiểu khả năng đầu tư ở các nước châu Á đã kể về ấn tượng của ông khi đến thăm các công viên công nghệ cao ở Trung Quốc: "Họ đều là người Trung Quốc, nhưng họ nói tiếng Anh như người Mỹ, họ làm việc như người Mỹ và nói trúng những thứ mà chúng tôi muốn. Họ biết chúng tôi cần gì!".

Walter Blocker, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (Amcham) tại Tp.HCM, có lần lật đi lật lại một ấn phẩm tiếp thị đầu tư của Tp.HCM một cách bức xúc. Đó là một tập gấp có hình một tòa công sở ở trang bìa và hàng loạt biểu đồ số liệu về tình hình kinh tế xã hội ở bên trong. Ông nói: "Bạn có xúc cảm gì không khi nhìn vào những hình ảnh này? Muốn bán cho ai cái gì đó, bạn phải khêu gợi ở người đọc những cảm xúc thực sự. Muốn nhà đầu tư đến Tp.HCM, bạn phải tạo cho họ những sự khát khao, và tôi tin chắc không phải là bằng hình ảnh vô tri vô giác như thế này".

Tiếp thu ý kiến của giới doanh nghiệp và các nhà tư vấn quốc tế, gần đây Việt Nam đang nỗ lực tổ chức các đoàn đi làm công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư nước ngoài, nói nôm na là "tiếp thị hình ảnh Việt Nam ra thế giới".

Nhưng để quảng bá hình ảnh ViệtNam ra thế giới không phải là điều dễ. Muốn quảng bá, trước tiên phải biết “nói”. Nói sao cho xuôi tai, trình bày sao cho xuôi mắt vẫn là điều mà Việt Nam phải học. Làm “chuyên nghiệp” vẫn chưa đủ. Nói “chuyên nghiệp” xem ra còn là bài vỡ lòng cần phải học trước tiên.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: