Hợp tác và chia sẻ

10:48 SA @ Thứ Tư - 09 Tháng Ba, 2016

Chúng ta đã và đang nói về rất nhiều việc khác nhau, không phải sao? Nhưng tôi không biết bạn có biết rắc rối là gì không? Nếu chúng ta cho phép rắc rối ăn sâu vào tâm hồn thì nó sẽ trở thành một gánh nặng cho tâm hồn. Tâm hồn tạo ra rắc rối và sau đó tâm hồn lại trở thành mảnh đất nuôi dưỡng rắc rối đó; một khi rắc rối ăn sâu vào tâm hồn thì chúng ta khó có thể trừ tiệt nó được. Điều quan trọng là tâm hồn cần phải nhận ra được rắc rối và đừng nuôi dưỡng nó nữa.

Một trong những vấn đề cơ bản mà thế giới đang đối mặt chính là vấn đề hợp tác. Từ ngữ “hợp tác” có nghĩa là gì? Hợp tác có nghĩa là cùng nhau làm việc, cùng nhau xây dựng, cùng nhau suy nghĩ, có một điểm chung nào đó để chúng ta có thể cùng nhau làm việc một cách tự do. Nhưng mọi người thường không có xu hướng làm việc cùng nhau một cách tự nhiên, một cách thoải mái, một cách vui vẻ nên họ làm việc cùng nhau vì một số điều kiện nào đó, qua một số áp lực nào đó: lo sợ, hình phạt, lợi thiệt… Đây là những gì đang diễn ra trên toàn thế giới. Dưới chế độ chuyên chế, bạn bị ép buộc phải làm việc cùng nhau, nếu bạn không “hợp tác” thì bạn sẽ bị giết chết hoặc sẽ bị đưa đến trại tập trung. Tại các quốc gia được gọi là văn minh bạn được thuyết phục rằng hãy làm việc cùng nhau qua ý niệm về “quốc gia của tôi”.

Chính kế hoạch, ý tưởng, uy quyền xúi giục người ta làm việc cùng nhau. Người ta thường gọi đó là sự hợp tác và trong sự hợp tác này luôn hàm ý đến sự tưởng thưởng và sự trừng phạt, điều này có nghĩa là phía sau cái được gọi là sự “hợp tác” này chính là những lo sợ. Bạn luôn luôn làm việc vì một cái gì đó – vì quốc gia, vì tổ quốc, vì tín ngưỡng, vì Thượng đế, vì sự hòa bình. Ý tưởng về sự hợp tác là làm việc cùng nhau vì một kết quả nào đó. Bạn có một ý tưởng – xây dựng một ngôi trường hoàn hảo, hoặc một ý tưởng nào đó – và bạn làm việc vì ý tưởng đó nên bạn nói rằng sự hợp tác là điều thiết yếu. Tất cả những thứ này đều hàm ý đến uy quyền, không phải sao? Bạn luôn nghĩ rằng nhất định có một ai đó biết được đâu là điều đúng cần phải làm nên bạn nói “Chúng ta cần phải hợp tác để thực hiện việc này”.

Xin đừng gọi đó là sự hợp tác. Đó không phải là sự hợp tác, đó là một hình thức của lòng tham, một hình thức của sự lo sợ, sự cưỡng bách. Ẩn phía sau đó là lời đe dọa rằng nếu bạn không “hợp tác” thì chính phủ sẽ không thừa nhận bạn, kế hoạch của bạn sẽ thất bại, hoặc bạn sẽ bị đưa đến trại tập trung, hoặc đất nước của bạn sẽ thua cuộc trong cuộc chiến tranh này, hoặc bạn có thể sẽ không lên thiên đường được. Luôn luôn có một sự xúi giục nào đó và nơi nào có sự xúi giục, nơi nào có sự khiên cưỡng thì nơi đó không có sự hợp tác.

Bạn và tôi có thể đồng ý xây dựng một chiếc cầu mới, hoặc xây dựng một tòa nhà mới, nhưng trong sự đồng ý này luôn tồn tại nỗi lo sợ về sự bất đồng, nỗi lo sợ rằng tôi có thể sẽ không hoàn tất phần việc của mình và để bạn phải làm tất cả. Khi chúng ta cùng nhau làm việc qua bất kỳ một hình thức khiên cưỡng nào thì đó nhất định không phải là sự hợp tác, vì ẩn phía sau đó là sự cố gắng đạt được một thứ gì đó hoặc tránh né một thứ gì đó.

Theo tôi, sự hợp tác đúng nghĩa hoàn toàn khác. Sự hợp tác là niềm vui khi cùng nhau làm việc – không nhất thiết đó là công việc gì. Bạn hiểu chứ? Trẻ con thường cùng nhau làm việc trong niềm vui, trong sự tự nguyện, bạn nhận thấy điều này chứ? Chúng sẽ hợp tác trong bất kỳ công việc nào. Khi chúng hợp tác thì không có sự đồng ý hay sự bất đồng, không có sự tưởng thưởng hay sự trừng phạt; chúng chỉ muốn giúp đỡ nhau. Chúng hợp tác theo bản năng, vì niềm vui trong sự chung sức. Nhưng người lớn đã phá hủy bản năng này, họ đã phá hủy tinh thần hợp tác tự nguyện nơi trẻ con bằng cách nói rằng “Nếu bạn làm việc này thì tôi sẽ cho bạn thứ đó; nếu bạn không làm việc này thì tôi sẽ không cho bạn đi xem phim”, chính điều này tạo ra sự thối nát.

Người chất vấn: Chúng ta phải làm gì để vứt bỏ mọi lo lắng nếu chúng ta không thể tránh được những tình huống tạo ra sự lo lắng?

Người chất vấn:
- Làm sao chúng ta có thể tự biết mình?

Krishnamurti: Bạn biết được gương mặt của mình vì bạn thường nhìn thấy nó được phản chiếu qua tấm gương soi. Có một tấm gương mà bạn có thể trông thấy toàn bộ con người mình – không chỉ gương mặt bạn, mà còn tất cả những gì bạn suy nghĩ, những gì bạn cảm nhận, động cơ của bạn, sự thèm muốn của bạn, những lo sợ trong bạn. Tấm gương đó chính là mối quan hệ: mối quan hệ giữa bạn và cha mẹ mình, giữa bạn và thầy cô giáo của mình, giữa bạn và thiên nhiên, giữa bạn và suy nghĩ của chính mình. Mối quan hệ là một tấm gương soi mà qua đó bạn có thể nhìn thấy rõ chính mình, nhìn thấy rõ thực tại về chính mình. Qua tấm gương soi tôi trông thấy sự thật về gương mặt của chính mình. Tương tự, qua mối quan hệ tôi có thể trông thấy con người thật của chính mình. Tôi có thể nhận thấy rõ cách tôi trò chuyện với mọi người: tôi tỏ ra vô cùng lịch sự với những người mà tôi nghĩ rằng tôi có thể nhận được thứ gì đó từ họ, tôi tỏ ra vô cùng thô lỗ với những người mà tôi nghĩ rằng họ chẳng giúp được gì cho tôi. Tôi rất quan tâm đến những người mà tôi sợ sệt. Tôi đứng lên khi một người quan trọng xuất hiện, nhưng khi người phục vụ của tôi bước vào phòng thì tôi chẳng hề bận tâm. Qua việc quan sát chính mình trong mối quan hệ cùng mọi người, tôi khám phá được những sai lạc của mình trong khi hành xử cùng mọi người, không đúng sao? Tôi cũng có thể khám phá chính mình qua mối quan hệ với cây cối, chim chóc, thiên nhiên, ý tưởng, sách vở.

Bạn có thể có mọi bằng cấp quan trọng trên đời, nhưng nếu bạn không biết được chính mình thì bạn là người ngu ngốc nhất trên đời. Tìm hiểu về chính mình chính là mục tiêu của nền giáo dục đúng nghĩa. Nếu không có sự tự biết mình thì mọi kiến thức, mọi kinh nghiệm cũng trở thành vô nghĩa. Bạn có thể trích dẫn nhiều điều tốt đẹp từ Kinh thánh, nhưng nếu bạn không tự biết mình thì bạn cũng chỉ là con vẹt biết nói. Trong khi đó, khi bạn bắt đầu tự khám phá chính mình thì đó chính là lúc bạn tạo nền tảng cho sự sáng tạo. Sẽ là một cuộc khám phá đầy bất ngờ khi bạn biết được sự thực về chính mình: tham vọng, cáu gắt, tức giận, ganh tị, xuẩn ngốc.

Qua sự tự biết mình bạn bắt đầu khám phá được Thượng đế là gì, sự thật là gì, trạng thái phi thời gian là gì. Giáo viên của bạn có thể truyền lại cho bạn những kiến thức mà ông ta đã nhận được từ thầy của mình và bạn có thể làm việc tốt trong mọi kỳ thi của mình, nhận được bằng cấp cao và vân vân. Nhưng, nếu không có sự tự biết mình thì mọi kiến thức này cũng trở thành vô nghĩa. Những người được gọi là “có học” mà lại không biết được chính mình là những người thực sự tối dạ; họ không biết được suy nghĩ là gì, cuộc sống là gì? Điều quan trọng là các nhà sư phạm cần phải được giáo dục một cách đúng đắn, có nghĩa là họ cần phải hiểu được sự vận hành của tâm hồn và con tim mình, biết rõ con người thật của chính mình. Sự tự biết mình là điểm khởi đầu của sự sáng suốt.

Người chất vấn:
- Chúng ta có nên quên đi bổn phận của mình đối với cha mẹ để thực hiện những gì mình yêu thích?

Krishnamurti: Bạn ngụ ý điều gì qua hai từ “bổn phận”? Bổn phận với ai? Với cha mẹ mình, với chính phủ, với xã hội chăng? Nếu cha mẹ bạn nói rằng bổn phận của bạn là phải trở thành một luật sư và nuôi dưỡng họ lúc về già, trong khi đó bạn lại muốn trở thành một tu sĩ, thì bạn sẽ làm gì? Tại Ấn Độ, việc trở thành một tu sĩ là việc an toàn và đáng được tôn trọng nên cha bạn có thể đồng ý. Khi bạn khoác lên vai chiếc áo choàng của tu sĩ thì bạn đã trở thành một người tuyệt vời, cha bạn có thể dựa vào việc này để kiếm tiền. Nhưng nếu bạn muốn làm việc bằng chân tay, nếu bạn muốn trở thành một người thợ mộc đơn giản hay một nhà điêu khắc nghèo thì khi đó bổn phận của bạn nằm ở đâu? Ai có thể nói cho bạn biết điều này? Bạn cần phải suy nghĩ thật cẩn thận, nhìn nhận mọi yếu tố tiềm ẩn phía sau, bạn có thể nói “Đây chính là công việc mà tôi nhận thấy thích hợp với mình và tôi sẽ làm thế bất luận cha mẹ tôi có đồng ý hay không”, bạn không cần phải làm thế sao? Không chỉ tuân theo những gì cha mẹ và xã hội muốn bạn phải làm, mà thực sự suy nghĩ về hai từ “bổn phận”; nhận thức rõ đâu là điều đúng và bám chắc lấy nó trong suốt đời mình, dù nó có thể đưa bạn đế với nghèo đói, đau khổ, cái chết – để làm được điều này đòi hỏi bạn phải có sự sáng suốt, sự sâu sắc và cả tình yêu bao la. Bạn thấy đấy, nếu bạn nuôi dưỡng cha mẹ mình chỉ vì bạn nghĩ đó là bổn phận của mình thì sự nuôi dưỡng của bạn cũng chỉ là một cái gì đó được bày bán nơi thương trường, không có ý nghĩa sâu sắc vì trong sự nuôi dưỡng ấy không có tình yêu.

Người chất vấn: - Dù tôi có muốn trở thành kỹ sư đến mức nào, nếu cha tôi phản đối điều đó và không trợ giúp tôi, làm sao tôi có thể trở thành kỹ sư được?

Krishnamurti: Nếu bạn khăng khăng muốn trở thành kỹ sư mặc dù cha bạn có thể đuổi bạn ra khỏi nhà, bạn có ý muốn nói rằng bạn sẽ không tìm cách khác để trở thành kỹ sư sao? Bạn sẽ tìm đến bạn bè. Thưa bạn, cuộc sống là điều kỳ diệu. Khi bạn hiểu rõ bạn thực sự muốn làm gì, khi đó điều kỳ diệu sẽ xuất hiện. Cuộc sống sẽ giúp đỡ bạn – một người bạn, một người bà con, một giáo viên, một nhà sư, một nhà từ thiện, một ai đó sẽ xuất hiện để giúp đỡ bạn. Nhưng nếu bạn e ngại không dám thử vì cha bạn có thể đuổi bạn ra khỏi nhà thì khi đó bạn không còn là bạn nữa, bạn đã đi sai đường. Cuộc sống không bao giờ giúp đỡ những ai chỉ biết đầu hàng vì sợ hãi. Nhưng nếu bạn nói “Đây là những gì tôi thực sự muốn làm và tôi sẽ theo đuổi nó” thì bạn sẽ nhận thấy rằng điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Bạn có thể phải lâm vào cảnh đói khổ, vật lộn với sự sống nhưng bạn sẽ là một con người đáng giá, không chỉ là môt bản sao, đó chính là điều kỳ diệu.

Bạn thấy đấy, hầu hết chúng ta đều sợ sự cô độc và tôi biết rằng trong khi bạn còn trẻ thì bạn gặp rất nhiều khó khăn trong sự tự do về kinh tế ngay tại đất nước này [Ấn Độ], ở đây chúng ta không có được sự tự do về kinh tế như ở Mỹ và châu Âu. Tại đất nước này dân số đã quá tải nên mọi người đều đầu hàng. Bạn nói “Điều gì sẽ xảy ra với tôi”? Nhưng nếu bạn khăng khăng bám chặt lấy niềm đam mê của mình thì nhất định sự trợ giúp sẽ xuất hiện. Khi bạn đạp đổ sự gò ép, khi đó bạn trở thành một cá nhân độc lập, bạn không còn là bản sao của bất kỳ ai cả, khi đó cuộc sống sẽ giúp đỡ bạn.

Trong sinh học có một hiện tượng được gọi là sự biến dị. Nếu khu vườn của bạn có một loài hoa biến dị, không giống bất kỳ loài hoa nào, thì mọi người sẽ tự tìm đến để chiêm ngưỡng nó, để nâng niu nó, để hỗ trợ nó. Cuộc sống cũng thế. Khi bạn trở thành một loài hoa “biến dị” thì cuộc sống sẽ nâng đỡ bạn. Cuộc sống sẽ đến với bạn theo nhiều cách khác nhau. Bạn có thể không thích cách xuất hiện của nó – nó có thể là sự đau khổ, sự đấu tranh, sự nghèo đói – nhưng khi bạn mời cuộc sống đến, mọi việc bắt đầu xảy ra. Nhưng bạn thấy đấy, chúng ta không muốn mời cuộc sống đến, chúng ta muốn chơi một trò chơi an toàn thì người đó sẽ chết một cách an toàn. Không phải thế sao?

LinkedInPinterestCập nhật lúc: