Huỳnh Thúc Kháng khí tiết người làm báo

10:02 SA @ Thứ Năm - 18 Tháng Sáu, 2009

Vừa qua các báo đã đưa tin hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi tổ chức lễ viếng mộ và tưởng niệm Huỳnh Thúc Kháng nhân kỷ niệm 60 năm ngày mất của ông (1947- 2007). Đây là ý kiến của riêng tôi: Lễ tưởng niệm một bậc chí sĩ như vậy lẽ ra nên làm ở tầm quốc gia, chứ không phải ở mức vài tỉnh lẻ. Huỳnh Thúc Kháng, cùng với Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp, là nhân vật của nhóm “Bộ ba Quảng Nam” nổi tiếng, chủ xướng phong trào Duy Tân đặc sắc trong thập kỷ đầu của thế kỷ XX, đưa đến cuộc Trung Kỳ Dân Biến chấn động năm 1908, một trong những cuộc nổi dậy bạo lực của quần chúng rộng rãi và quan trọng nhất trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Sau cuộc Dân biến này, Trần Quý Cáp bị chém ở Khánh Hoà. Phan Châu Trinh bị đày đi Côn Đảo, về sau thoát ra được do phong trào đấu tranh của các lực lượng tiến bộ trong nước và ở Pháp, là người đầu tiên chủ trương phải sang tận đất Pháp, tìm liên kết với các lực lượng tiến bộ ở chính quốc, để mưu đồ sự nghiệp cứu nước. Năm 1925 ông trở về nước, và chỉ 6 tháng sau qua đời ở Sài Gòn do kiệt sức suốt những năm bôn ba vì sự nghiệp dân tộc. Người duy nhất còn lại trong Bộ ba lừng danh này cho đến sau Cách mạng Tháng Tám là Huỳnh Thúc Kháng. Ông cũng bị đày đi Côn Đảo cùng với Phan Châu Trinh, ở Côn Đảo lâu hơn, sau được trở về cũng do đấu tranh của các lực lượng tiến bộ trong nước và quốc tế. Trở về, ông lập tức tiếp tục hoạt động với tư cách “một nhà cách mạng công khai”, như chính lời ông tuyên bố. Năm 1926, ông làm Chủ tịch Viện Dân biểu Trung Kỳ, nhưng chẳng bao lâu sau đó đã từ chức vì nhận thấy ở vị trí này không thể thực hiện được những điều mình vẫn đeo đuổi. Ông quyết định chuyển sang làm báo. Và vị nhà nho uyên thâm ấy lập tức trở thành một nhà báo hiện đại cực kỳ xuất sắc. Dường như từ những ngày ở tù, ông đã tự chuẩn bị mình cho công việc mới mẻ này. Người ta bảo rằng ở Côn Đảo, Huỳnh Thúc Kháng đã luyện tiếng Pháp bằng cách học thuộc lòng cả cuốn từ điển Larousse?...

Ngày 10 tháng 8 năm 1926, tờ báo Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng ra đời ở Huế. Ngay từ số đầu tiên, chủ bút Huỳnh Thúc Kháng đã viết lời tuyên ngôn súc tích mà vô cùng độc đáo và dõng dạc cho tờ báo của mình: “Nếu không có quyền nói thì ít ra cũng giữ được cái quyền không nói những điều người ta buộc nói”. Trong điều kiện xã hội của chế độ thực dân thời bấy giờ, quả như một tiếng súng sắc gọn mà vang lừng của một người chiến sĩ “cách mạng công khai”. Tôi thường tìm đọc các tác phẩm báo chí của Huỳnh Thúc Kháng, và rất ngạc nhiên một cách thích thú, hoá ra các cụ ngày ấy, hết sức thâm nho, nhưng khi chuyển sang chữ quốc ngữ thì lại viết chữ quốc ngữ rất hay, đặc biệt cô đọng, sắc sảo, chính xác sâu sắc, có lẽ hơn chúng ta ngày nay nhiều. Nói về tính chất độc lập tư tưởng độc đáo của người đồng chí thân thiết nhất của mình là Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng viết: “Tiên sinh đọc sách có con mắt riêng”. Lời tuyên ngôn cô đọng trên kia, vắn tắt đến không thừa một chữ mà thật đầy đủ và mạnh mẽ: tố cáo quyết liệt và công khai một chế độ không có quyền tự do, con người không có quyền nói đồng thời khẳng định một cách thách thức mà lại không thể bắt bẻ vào đâu được cái quyền riêng của mình, không ai tước đi được, quyền không nói những điều người ta buộc nói. Câu văn rất mới, rất Tây, mà hừng hực cái khí tiết không gì lay chuyển nổi của nhà nho. Hai năm sau, trong số báo ngày 1 tháng 5 năm 1929 ông lại nhắc lại, lần này khẳng định một cách rành rọt hơn cái quyền bị tước mất và cái quyền không ai tước đi được của mình: “Vì rằng ta không có quyền tự do nói những điều nên nói, mà ta lại có quyền tự do không nói những cái không nên nói”…

Tôn chỉ đó, khí tiết đó của người làm báo, Huỳnh Thúc Kháng đã kiên định giữ vững trong suốt cuộc đời làm báo của mình. Tờ báo Tiếng Dân của ông, chống chính quyền thuộc địa của Pháp và chính quyền Nam Triều rất quyết liệt, nhưng cũng lại là tờ báo tồn tại được lâu nhất trong thời kỳ thực dân ở Đông Dương, suốt 16 năm. Kỳ thực Huỳnh Thúc Kháng không chỉ nói những điều được cho nói, tờ báo của ông rất nhiều lần, mạnh mẽ mà khôn khéo, đã nói lên được bao nhiêu điều cần nói với đồng bào của mình. Tôi có một người cậu là bạn của Huỳnh Thúc Kháng, ông giữ được một bộ sưu tập gần như đầy đủ báo Tiếng Dân. Hồi nhỏ, cứ đến dịp hè, tôi lại đến nhà cậu, nằm lì ở đấy, lục bộ sưu tập quý ấy ra đọc. Chính ở đấy tôi đã đọc được toàn bộ tường thuật tỉ mỉ phiên toà xử Nguyễn Thái Học sau khởi nghĩa năm 1930. Đầy đủ chi tiết, những cuộc tranh biện căng thẳng, những lời khẳng khái của Nguyễn Thái Học trước toà, cả những lời nói cuối cùng của người anh hùng Yên Bái trước khi bước lên đoạn đầu đài.

Năm nay cũng là kỷ niệm 80 năm báo Tiếng Dân. Bài học khí tiết người làm báo của Huỳnh Thúc Kháng, quyết không nói một lời điều người ta buộc mình phải nói, quyết không bẻ cong ngòi bút, trước mọi cường quyền, còn sống động vô cùng trong cuộc vật lộn gian nan của người cầm bút cho sự thật và công lý hôm nay.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cách đây một thế kỷ, những người khổng lồ

    12/05/2009Nguyên NgọcQuả thực, hồi đầu thế kỷ XX, chúng ta từng có được một thế hệ vàng. Quả thật đấy là thời kỳ của những người khổng lồ. Để có được ngày hôm nay của đất nước, không phải chỉ có cách mạng và chiến tranh. Hoặc nói cho đúng hơn, chính những con người như vậy, vào một thời điểm chuyển động quan trọng của lịch sử, đã góp phần không hề nhỏ chuẩn bị tinh thần, trí tuệ, cả chí khí nữa cho dân tộc để có được cách mạng thành công và chiến tranh giải phóng thắng lợi.
  • Nhìn lại phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục

    05/07/2017Nguyễn Trọng TínBỏ lối học từ chương khoa cử, tập trung cho thường thức và thực nghiệm, dạy cả tiếng Việt, Pháp và Hán văn. Chủ trương này lại xuất phát từ tầng lớp nho gia cuối cùng của Việt Nam. Không chỉ thế, chấn hưng công thương, khai mỏ, lập đồn điền, cắt tóc, xuất dương du học… cũng là chủ trương của họ. Dù chỉ tồn tại trong 9 tháng (5.1907 – 1.1908), nhưng trường Đông Kinh Nghĩa Thục thực sự là đỉnh cao của cuộc cách mạng xã hội to lớn đầu thế kỷ 20 có tên là Duy Tân
  • Báo chí - nhà báo và sự hình thành tầng lớp trí thức hiện đại đầu thế kỷ XX

    21/06/2017Trần Văn ToànKhái niệm trí thức hiện đại ở đây được hiểu trong sự đối nghĩa với trí thức - kẻ sĩ trong xã hội Việt Nam truyền thống. Sự hiện diện của tầng lớp trí thức hiện đại, trên thực tế, mới chỉ xuất hiện ở giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Bài viết này sẽ tập trung làm sáng tỏ vai trò của báo chí - một thiết chế văn hóa có nguồn gốc phương Tây - đã đóng vai trò như một dung môi, một tiền đề vật chất cho sự xuất hiện của tầng lớp trí thức hiện đại như thế nào...
  • Việt Nam cần các tư tưởng Khai sáng

    12/05/2012Nguyễn Trang NhungTrong những bước đường đưa nhân loại tới nền văn minh hiện tại, một trong những cột mốc quan trọng là phong trào khai sáng bắt nguồn từ Âu châu, mà khởi đầu tại Anh quốc vào cuối thế kỷ 17, và tiếp sau tại Pháp, Mỹ và Nhật Bản vào các thế kỷ 18, 19.
  • Những “kỳ biến” trong làng báo đầu thế kỷ XX

    20/06/2009Trần Hòa BìnhVề cơ bản, đến những năm 30 của thế kỷ XX, các thể loại báo chí Việt Nam đã định hình khá rõ nét, có phần được chiếu theo những tiêu chí của báo chí phương Tây. Bên cạnh những thể loại cũ, một số thể loại mới xuất hiện, tạo nên những "kỳ biến" trong làng báo đầu thế kỷ XX.
  • Nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng: Học để làm người

    28/04/2007Đinh Ngọc VânTheo cụ Huỳnh Thúc Kháng: Cái trường học để "làm người" đó tức là cái cõi đời ta vậy. Bao nhiêu sự khốn khó ở đời, bao nhiêu sự kinh nghiệm người trước để lại đều là những bài dạy cho ta. "Làm người" ở đời đã khó như trên đã nói, thì "học làm người" chắc không phải chuyện dễ"...
  • Tân văn - Tân thư và ảnh hưởng của nó đến tư tưởng yêu nước ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX

    07/11/2006PGS, TS Lê Thanh BìnhTân thư góp phần giúp cho trí thức Việt Nam tiêu biểu thời đó học được phương pháp mà sau này người ta thường gọi là: “Tự thức tỉnh, tự phê phán" để nhìn nhận rõ các ưu khuyết, nhất là các nhược điểm trầm trọng của chính tầng lớp mình, của nhân dân mình, dân tộc mình đặng sửa chữa, khắc phục...
  • Tư tưởng triết học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX

    11/08/2006Võ Minh TâmXã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX là một xã hội đầy biến động. Từ chỗ là quốc gia phong kiến tự chủ, Việt Nam lúc này trở thành một nước thuộc địa, nửa phong kiến...
  • Viết tạp bút như cụ Huỳnh

    08/12/2005Thanh ThảoSuốt một đời đấu tranh cho độc lập dân tộc, cho dân sinh, dân chủ, cụ Huỳnh không chỉ nêu tấm gương một nhà yêu nước, mà trong lĩnh vực báo chí, cụ còn thể hiện được sức mạnh của một ngòi bút can trường, nhân ái, quyết liệt và năng động. "Tôi là một nhà cách mạng công khai", cụ Huỳnh đã tự nhận chỗ đứng của mình như thế. Và đó là chỗ đứng của người cầm bút, của người làm báo, của người đấu tranh bằng con đường ngôn luận...
  • xem toàn bộ