Kết luận phần thứ nhất

07:57 SA @ Thứ Bảy - 15 Tháng Mười, 2005

Có thể tóm tắt ý nghĩa triết học quan trọng của các thành tựu lớn về khoa học cơ bản đã trình bày ở phần thứ nhất này như sau:

1. Thuyết tương đối (hẹp và rộng) của Einstein đã thực hiện một cuộc cách mạng trong quan niệm về không gian và thời gian, những cái khung cơ bản nhất để mô tả các quy luật của thế giới hiện thực. Không gian và thời gian không còn là những cái gì có sẵn và ở bên ngoài của vật chất, mà là do sự vận động của vật chất sinh ra. Không gian và thời gian không phải là riêng biệt nhau. Không gian thay đổi thì thời gian cũng thay đổi và ngược lại. Cả hai đều thay đổi khi mật độ của vật chất thay đổi.

2. Cơ học lượng tử đã đem đến thêm một quan niệm lạ lùng về không gian và thời gian. Ở thế giới vi mô (tức là thế giới của các hạt cơ bản), một vật có thể vừa ở chỗ này vừa ở chỗ khác, vừa đi theo hướng này vừa đi theo hướng khác, và sự vật có thể biến đổi theo hai chiều thuận và nghịch. Đó rõ ràng là những điều kỳ lạ, còn kỳ lạ hơn cả những điều lạ trong thuyết tương đối của Einstein. Cả hai lý thuyết này đều được thực nghiệm xác nhận (hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp) và chưa có thực nghiệm nào phủ nhận. Nhưng các điều kỳ lạ của thuyết tương đối đã được giải thích rõ ràng và hợp lý nên tới nay không còn là kỳ lạ nữa. Còn các điều kỳ lạ của cơ học lượng tử cho tới nay chưa có được một sự giải thích như vậy nên thực chất của các điều kỳ lạ đó là gì, tới nay vẫn chưa có lời giải đáp nào được công nhận rộng rãi. Rõ ràng, việc giải đáp các điều kỳ lạ nói trên, ngoài ý nghĩa quan trọng của nó đối với việc phát triển khoa học, còn có một ý nghĩa triết học rất lớn.

3. Khoa học thế kỷ XX đã đi sâu vào thế giới vô cùng nhỏ để tìm hiểu các thành phần cơ bản của vật chất vô cơ và vật chất có sự sống, đã chứng minh được tính chất đa dạng cực kỳ phong phú của chúng, đồng thời cũng chứng minh được tính thống nhất rất kỳ diệu của thế giới vật chất, kể cả của sự sống.

4. Khoa học thế kỷ XX cũng đã chứng minh được rằng thế giới vật chất khách quan trong tất cả các dạng tồn tại và các hình thức thể hiện của nó đều luôn luôn biến đổi và tất cả đều có một lịch sử phát triển. Ở đây, khoa học thế kỷ XX đã đụng chạm đến một vấn đề rất lớn, rất khó và có ý nghĩa triết học cực kỳ quan trọng, đó là vấn đề nguồn gốc của vũ trụ; nói chính xác hơn là của phần vũ trụ mà khoa học quan sát được hiện nay với bán kính xa độ 15 tỷ năm ánh sáng và thời gian tồn tại cho tới nay là 15 tỷ năm. Vấn đề nguồn gốc này, cũng như các điều kỳ lạ trong cơ học lượng tử, là những vấn đề đang chờ đợi một lời giải đáp sâu sắc và đầy đủ hơn.

5. Khoa học thế kỷ XX đã nghiên cứu sâu, đã toán học hóa các kiểu suy luận của tư duy loài người, từ logic hình thức cổ điển đến các logic được gọi là phi cổ điển, đã tìm ra một định lý toán học nổi tiếng (định lý Godel) vạch ra một giới hạn luôn luôn có thể vượt qua nhưng lại luôn luôn xuất hiện của kiểu suy luận thuần tuý lý tính tức là kiểu diễn dịch bằng hệ tiên đề, thành tựu này cũng có ý nghĩa triết học rất lớn.

6. Nếu thế kỷ XIX đã xây dựng ra khái niệm năng lượng bao trùm và chi phối mọi hình thức vận động lý - hóa - sinh học của thế giới vật chất, kể cả của thế giới vật chất có sự sống, thì thế kỷ XX đã xây dựng thêm khái niệm thông tin cũng có tầm quan trọng tương đương trong việc tìm hiểu và mô tả các quy luật của thế giới tư duy (nói chung) và của sự giao tiếp giữa người với người, giữa người với thế giới vật chất, giữa sự sống với môi trường giữa người với các máy móc được gọi là thông minh có thể bắt chước được sự hoạt động của trí tuệ con người (nói riêng). Cũng như hai khái niệm không gian và thời gian là các khung cơ bản để mô tả sự vận động của thế giới khách quan (bao gồm cả con người) thì hai khái niệm năng lượng và thông tin là công cụ cơ bản để mô tả sự vận động đó. Với một trình độ khái quát rộng và sâu như vậy, nên cũng như hai khái niệm không gian và thời gian, hai khái niệm năng lượng và thông tin có một ý nghĩa triết học rất lớn.

7. Khoa học thế kỷ XX đã tấn công mạnh mẽ vào hai lĩnh vực khoa học mà sự nghiên cứu là khó nhất, chậm phát triển nhất nhưng cũng có ý nghĩa quan trọng nhất đối với con người: đó là lĩnh vực hoạt động của tâm lý, của ý thức con người mà cơ quan vật chất là bộ não; và lĩnh vực hoạt động của xã hội. Sự tấn công mạnh mẽ đó đã thu thập được rất nhiều hiểu biết cụ thể, tuy nhiên còn rời rạc, chưa đưa đến những sự hiểu biết bao quát và chắc chắn về hai lĩnh vực nói trên. Đây có lẽ sẽ là công việc của khoa học ở thế kỷ XXI.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: