Khi ta so sánh chuyện đời...

09:48 SA @ Thứ Năm - 25 Tháng Chín, 2008

(SVVN) Ở đời, khi ta làm những phép toán so sánh, cuộc đời sẽ có những đáp án khác nhau, có thể dẫn đến việc thấy mình "thiếu thốn" và "ganh tỵ" với người khác. Theo PGS.TS Trần Nam Bình, giảng viên Khoa Luật, Trường Thuế vụ Australia (Đại học New South Wales) thì "thiếu thốn tương đối" và "ganh tỵ" cũng là hai biểu hiện, hai trạng thái của một nền kinh tế. Nếu đẩy hai trạng thái này đến cực điểm sẽ gây ra tình trạng chênh lệch giàu nghèo, bất bình đẳng và vô số những bất ổn.


THIẾU THỐN TƯƠNG ĐỐI, GANH TỴ...

Thưa PGS, trong những diễn đàn gần đây ông hay đề cập đến khái niệm "thiếu thốn tương đối". Xin ông nói rõ về khái niệm này?

Trong kinh tế học, có ngành kinh tế học phúc lợi, bàn về sự phân phối của nguồn lực và các nguồn lực của các thành viên trong xã hội. Lối suy nghĩ đó thường dựa trên giá trị tuyệt đối của thu nhập (hay tiêu thụ) của cá nhân đó. Ví dụ, nếu một người có thu nhập (hay tiêu thụ) ngày càng cao thì phúc lợi được coi là cao hơn đối với cá nhân đó. Trong một cộng đồng nhiều thành viên, nếu một số người có phúc lợi tăng, một số nữa có phúc lợi không giảm... thì tình huống kinh tế này được coi là một sự cải tiến, vì không có ai kém đi hết, mà một số người có nhiều thu nhập (hay tiêu thụ) hơn.

Loại suy nghĩ đó là tiêu biểu cho ngành kinh tế học phúc lợi hiện nay, và nó được gọi là hiệu ứng Pareto. Nhưng nó quên đi một điều rất cơ bản là con người ta hay so sánh với nhau không phải chỉ là về cái mà tôi hưởng thụ được, mà họ thường có tâm lý so với người khác thì tôi đang hưởng thụ được cái gì. Từ đó người ta hình thành nên một ý niệm là thiếu thốn tương đối. Chẳng hạn sự thiếu thốn tương đối của một cá nhân A và một cá nhân B, A cảm thấy thiếu thốn so với B nếu thu nhập hay tiêu thụ của B lớn hơn của A.

Cụ thể hơn, nếu trong một làng xóm, các gia đình có thu nhập tương đối bằng nhau, nhưng đột nhiên một hôm có một gia đình nhận được tiền từ việc trúng xổ số, thì các gia đình khác sẽ thấy tự dưng mình kém đi. Tuyệt đối thì vẫn vậy, nhưng về tương đối thì họ cảm thấy bị thiếu thốn. Thiếu thốn tương đối là thiếu thốn so với những người xung quanh. Cộng tất cả các thiếu thốn tương đối của mỗi cá nhân cho ta kết quả là thiếu thốn tương đối của cả cộng đồng. Thiếu thốn tương đối này tác động tiêu cực lên phúc lợi của toàn xã hội.

"Thiếu thốn tương đối" hiểu đơn giản thì nó cũng đồng nghĩa với sự ghen tỵ, thưa ông?

Đúng vậy! Cá nhân này ghen tỵ với cá nhân khác vì cá nhân khác có thu nhập tốt hơn, thành ra cá nhân này cảm thấy mình kém đi. Phổ quát hơn, một cá nhân A ghen tỵ với cá nhân B, khi cá nhân A thích thu nhập hay "bó tiêu thụ" của cá nhân B, hơn là thu nhập hay "bó tiêu thụ" của chính mình. Do đó, chúng ta không chỉ nhìn vào số lượng tuyệt đối giữa thu nhập và tiêu thụ, mà còn phải lấy khoảng cách giữa các cá nhân nữa.

Nhưng có vô lý không, khi trong cơ chế thị trường thì ganh tỵ chính là động lực để thúc đẩy sự phát triển?

Người ta nói đến khái niệm ganh tỵ ở đây bỏ qua chuyện động lực để phấn đấu vươn lên, mà chủ yếu đề cập đến nó như một "tác nhân gây hại". Sự bất mãn của một cá nhân này đối với một cá nhân khác được coi là chính đáng nếu cá nhân đó có khả năng sẵn sàng sản xuất tương đương với cá nhân mà anh đang ganh tỵ. Còn nếu xét về sự chênh lệch của khả năng trí tuệ, khả năng sản xuất, kinh nghiệm làm việc... mà anh lĩnh lương ít hơn thì đó là hợp lý. Đó là bình đẳng kinh tế. Sự bất bình đẳng và dẫn tới ganh tỵ khi thu nhập không phản ánh được sự cố gắng của mình.

Ông đánh giá thế nào về sự thiếu thốn tương đối ở Việt Nam?

Theo tôi hiểu, trong một xã hội duy tình như ở Việt Nam, mọi người thường có đạo lý đùm bọc, chia sẻ lẫn nhau thì mức độ thiếu thốn tương đối không nhiều. Nhưng khi một xã hội chuyển đổi, từ một cơ hội nào đó - như Đổi Mới chẳng hạn, không ít người đã tăng sản lượng và thu nhập, dẫn tới việc họ giàu lên nhanh chóng. Còn một bộ phận khác, vì nhiều lý do, họ không theo kịp nhóm kia. Đó là nguồn gốc dẫn đến sự ghen tỵ. Trong một thời gian dài, những cơ hội tiệm cận đến việc đồng đều với nhau nhiều hơn, thì thiếu thốn tương đối sẽ giảm đi.

Tôi nghĩ điều này sẽ giảm đi, nếu con cháu của những người nghèo vẫn có khả năng đi học, vì đi học có thể góp phần rất lớn vào việc làm tăng năng suất. Vì những người đi học sẽ có bằng cấp và có mức lương tốt. Nếu có những chính sách làm bất lợi cho việc tiếp cận giáo dục của con cháu những người nghèo thì chắc chắn khoảng cách về sự thiếu thốn tương đối còn lớn, và sự ghen tỵ vẫn cao.

Tôi thấy, hiện nay, tính chất lũy thoái của hệ thống thuế có lợi cho người giàu hơn là người nghèo, trưng thu mua đất với giá không thoả mãn với giá thị trường... đang làm cho thiếu thốn tương đối sẽ trầm trọng hơn... Theo tôi suy nghĩ, tốc độ của thiếu thốn tương đối đang có xu hướng tăng lên ở Việt Nam, cũng giống như sự tăng lên của chênh lệch thu nhập mà chúng ta biết được qua những cuộc khảo sát gần đây.

... VÀ NHỮNG HỆ LỤY

Trên đây ông đề cập đến chính sách thuế lũy thoái. Nó có tác động bất lợi thế nào với việc giảm thiểu thiếu thốn tương đối?

Thuế lũy thoái có nghĩa là khi thu nhập của người ta tăng lên thì tỷ lệ đóng góp của người đó giảm đi. Còn thuế lũy tiến khi lợi tức (thu nhập) của người ta tăng thì tỷ lệ đóng góp của họ cũng phải tăng tương ứng. Tôi luôn tin vào thuế lũy tiến, những người có thu nhập cao hơn thì phải đóng góp cao hơn. Đó là cách hiệu quả để làm giảm bất bình đẳng trong xã hội và giảm sự bất mãn của những người thu nhập thấp. Tôi nghĩ rằng, Việt Nam cần cải cách việc thu thuế thu nhập cá nhân một cách hợp lý, để làm cho hệ thống thuế trở nên lũy tiến hơn. Theo số liệu của UNDP khảo sát, 20% những người trong nhóm thu nhập cao thụ hưởng rất nhiều từ hệ thống an sinh xã hội, còn rất ít người nghèo được tiếp cận với hệ thống này.

Trong giáo dục, thiếu thốn tương đối thể hiện thế nào, thưa ông?

Những chính sách giáo dục thường thường là hỗ trợ người giàu hơn người nghèo, vì người giàu đi học đến bậc cao hơn là người nghèo. Và thế là nghiễm nhiên những người giàu được hưởng thụ an sinh xã hội nhiều hơn là người nghèo. Dẫn đến thiếu thốn tương đối nặng hơn. Điều này xảy ra ở hầu hết các nước.

Một câu hỏi vui: Về cá nhân ông, thiếu thốn tương đối là gì?

Tôi cũng không biết nữa. Vấn đề là tôi nhìn vào đâu để so sánh. Có hai ví dụ như sau: Ở Hoa Kỳ, khi so sánh lính không quân và cảnh sát, người ta thấy rằng cơ hội thăng chức của lính không quân gấp đôi cảnh sát. Nhưng sự thiếu thốn tương đối của lính không quân Mỹ gấp đôi cảnh sát Mỹ. Điều đó hàm ý là không quân Mỹ không so sánh với cảnh sát Mỹ mà họ so sánh với nhau trong nhóm của mình.

Hay một ví dụ khác, ở Anh, người ta thấy có một điều "lạ" rằng, thiếu thốn tương đối của những người ở nhóm quý tộc lại cao hơn là những người công nhân, bởi đơn giản những người quý tộc so sánh với nhau trong nhóm của mình... Sự so sánh giữa các nhóm thành viên khác nhau (như cảnh sát với lính không quân, quý tộc với công nhân...) là sự so sánh dễ đi đến xung đột xã hội nhất. Vì nó phân cực hoá xã hội thành hai nhóm: (Tạm gọi là) nhóm CÓ và nhóm KHÔNG CÓ. Sự phân cực này sẽ lên đến cực đại khi mỗi nhóm là 50% dân số. Nếu dùng thuật ngữ của kinh tế phát triển thì đó là trường hợp mà hệ số chênh lệch kinh tế (Ghini) là 50%, đó là điểm mà xung đột xã hội lên đến kịch điểm.

Thực tế đã có trường hợp nào trên thế giới gặp khó khăn tận cùng của tình trạng chênh lệch cao như vậy không?

Có. Trong lịch sử, thời nước Anh có nhiều thuộc địa, đã có Pakistan và Banglades lập chung thành một quốc gia, với thủ đô nằm ở Pakistan. Pakistan đã tập trung tất cả các quyền lực kinh tế về mình, còn Banglades thì vẫn nghèo đói. Thiếu thốn tương đối đã ở mức cao, và đó là nguyên nhân dẫn đến sự tan rã thành hai nước riêng rẽ như ngày nay.

Trong lịch sử, chẳng hạn thời xã hội phong kiến, sự chênh lệch giàu nghèo là cực nhiều. Vậy nhưng tại sao xã hội này vẫn tồn tại lâu trong lịch sử?

Trong xã hội phong kiến, đa số người dân là nghèo. Quyền lực, của cải tập trung vào tay vua chúa và quan lại. Nhưng trong tổng quan về dân số, quan lại thì ít, và người dân thì chiếm đa số, nên họ so sánh với các thành viên trong nhóm thì thấy sự chênh lệch không đáng kể. Họ không so sánh với nhóm khác. Đó là lý do tại sao xã hội phong kiến tồn tại lâu đến vậy.

Các nhà xã hội học có một thuyết rất hay, gọi là thuyết đường hầm. Trong một đường hầm thường có hai làn xe, khi kẹt xe, người dân sẽ vui lòng chờ để hy vọng xe trước sẽ đi qua để đến lượt xe mình. Cũng như vậy, người ta hy vọng đến đời con cháu mình được sung sướng hơn, đỡ khổ hơn mình, và họ chờ đợi. Nhưng nếu họ chờ quá lâu, sự nghèo đói truyền từ thời này qua thời khác, thì sự va chạm sẽ xảy ra... Đó cũng là nguyên do mà hầu hết xã hội phong kiến bị diệt vong (như xã hội phong kiến Pháp chẳng hạn)...

Sự di truyền của nghèo đói là nguyên nhân tạo nên những vấn nạn của xã hội. Làm sao để người nghèo tiếp cận được an sinh xã hội đủ để thoát nghèo, thưa ông?

Chúng ta phải bảo vệ những người nghèo khó, và những người thu nhập thấp cần có cơ hội để bình đẳng với các dịch vụ về y tế và giáo dục... Để thế hệ sau của họ có cơ hội vươn lên...

Ở những nước tiên tiến, như Australia, có sự nhắm vào đối tượng để trao an sinh xã hội. Chỉ có những người nghèo khó, thì mới được nhận trợ cấp của nhà nước. Những người ăn lương, như tôi, thì không được nhận mà còn phải nộp thuế...

Ở Việt Nam, tôi nghĩ rằng, đảm bảo an sinh xã hội ngoài việc hiểu là trợ cấp tiền cho người dân nghèo, còn phải nghĩ đến việc hạn chế thu của người dân nghèo: Như việc thay vì tăng học phí thì phải tiến đến giảm và miễn, để con cháu của những gia đình người nghèo có cơ hội thoát nghèo bằng cách tiếp cận các cơ hội...

Xin cảm ơn ông!

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: