Không chỉ là bệnh của giống nòi

03:33 CH @ Thứ Tư - 04 Tháng Hai, 2009

Một người trẻ tuổi muốn trở thành một trí thức thành đạt phải cần đến những nỗ lực phấn đấu rất cao. Con đường ấy đi qua lộ trình sau: miệt mài học tập, từng nấc một, từng cấp một. Mỗi nấc, mỗi cấp lại khổ công nạp cho mình những kiến thức chuyên môn càng nhiều càng tốt càng sâu càng có nhiều cơ hội thành đạt. Những người xuất sắc hơn -và chúng ta đang nói đến đối tượng này-thì tiếp tục học lên nữa để trở thành nhà khoa học, chuyên gia giỏi, bác sĩ giỏi, nhà giáo giỏi, luật sư giỏi...và trong từng lĩnh vực nỗ lực tiếp để trở thành những người hàng đầu. Dù ở đâu họ cũng đều phải khổ công như vậy để được xem là bộ phận trí thức tinh hoa của xã hội. Đến đây thì xảy ra những tình trạng sau.

Tại các quốc gia tiên tiến

Bộ phận tinh hoa này đương nhiên có vai trò to lớn trong sự phát triển được săn đón với những ưu đãi vượt trội. Ngoài ra họ còn được tôn lên là những cố vấn hàng đầu đầy uy quyền trong việc hoạch định những chiến lược lớn về mọi lĩnh vực của quốc gia. Những đóng góp của họ luôn được đền đáp xứng đáng. Các chính khách khôn ngoan thường xuyên tham vấn họ và ý kiến của họ luôn được tôn trọng, đôi khi nhờ sự tham vấn ấy mà làm thay đổi cả một chính sách lớn nào đó.

Tại các quốc gia kém phát triển

Lương trả cho đội ngũ tinh hoa này thường là không xứng đáng, danh dự của họ không được coi trọng, vì thế họ quay sang làm việc cho các tập đoàn tư bản nước ngoài, thậm chí bỏ đất nước sang lập nghiệp ở quốc gia khác. Tại đó họ tìm thấy vị trí là những chuyên gia hàng đầu cho dù thay vì phục vụ tổ quốc, họ phục vụ người trả tiền.

Và ở nước ta...

Chúng ta được xem là dân tộc trọng sự học. Trên thực tế điều đó không sai. Nhưng suốt nhiều năm qua con đường trở thành nhà chuyên môn lớn ở Việt Nam chỉ là bước khởi đầu cho sự nghiệp một con người. Cả về mục đích vật chất lẫn vị thế tinh thần. Một chuyên gia giỏi đến đâu chăng nữa cũng thua xa mọi mặt một quan chức đôi khi tiến thân bằng nịnh nọt. Tiền bạc dù quan trọng, cũng chỉ là một phần. Cái chính là nếu cứ ở vị trí chuyên gia, anh ta hầu như cũng là kẻ vô danh. Tiếng nói của anh ta chả có mấy ai nghe. Thậm chí nhiều phen tài đi kèm với tai hoạ. Thế là vô hình trung cả từ phía quyền lợi cá nhân, cả từ phía cơ chế xã hội đều định hướng công dân xuất sắc của mình tới cái đích cuối cùng là một chức vụ nào đó trong bộ máy quyền lực. Khi có một chức vụ nào đó anh ta mới thực sự yên trí, nhưng đến đây, thay vì củng cố uy tín của mình bằng kiến thức - một điều mà anh ta có muốn làm cũng không được nữa rồi (sự vụ hành chính, thù tiếp họp hành, viết những bản báo cáo nhạt nhẽo... nghĩa là trăm thứ việc vô bổ cuốn anh ta vào) - anh ta sẽ tìm cách leo cao hơn bằng đủ thứ mưu mẹo, tuyệt nhiên không cần đến những gì phải dầy công và trên thực tế rất tốn kém mới có được. Thế là, đáng lẽ chúng ta có một nhà khoa học, một chuyên gia, một nhà văn, một nghệ sĩ... đầy khả năng đóng góp lớn cho đất nước thì lại có một ông quan ngô ngô, ngọng ngọng, ăn không nên đọi, nói không nên lời chỉ biết ngậm miệng ăn tiền hay tìm cách ngăn cản người khác tiến thân một cách chính đáng, tức là làm những việc của một người tầm thường thậm chí trở thành kẻ vô lại nếu lóa mắt trước quyền lực và tiền bạc.

Khi một bậc tiền nhân chua chát thốt lên rằng: hình như trong bụng mỗi người An nam đều có sẵn một ông quan là ông muốn nói đến căn bệnh của nòi giống. Nhưng nếu bậc tiền nhân đó sống lâu được chứng kiến thực trạng xã hội của chúng ta thì hẳn ông sẽ thấy nhận xét trứ danh kia cũng mới chỉ đúng một phần.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Trí thức và nửa trí thức: Đến cả sự nhợt nhạt cũng giống nhau đáng sợ

    16/05/2016Ngô Tự LậpTrích đăng từ bài “Giáo dục, Trí thức và nửa đường còn lại” của Ngô Tự Lậpbàn về trí thức và nửa trí thức.
  • Bàn về tính chủ thể của giới trí thức ở các nước thế giới thứ ba

    12/03/2014Nguyễn Trần BạtGiới trí thức nào cũng là sản phẩm của một hệ thống kinh tế, hệ thống chính trị, hệ thống văn hoá và hệ thống giáo dục. Trong tiến trình phát triển của một dân tộc, giới trí thức có vai trò rất quan trọng...
  • G.S Phan Đình Diệu: “Đừng vội nói chuyện đãi ngộ trí thức thấp, cao!”

    10/07/2008Thanh Phách thực hiệnTrao đổi về Đề án “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa- hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế” trình Hội nghị Trung ương 7, Giáo sư Phan Đình Diệu cho rằng, một khi chưa có quan niệm đúng đắn về trí thức và một cơ chế để tạo môi trường cho người trí thức phát huy hết năng lực thì rất khó bàn đến chuyện đãi ngộ thế nào là xứng đáng với những đóng góp của họ...
  • Trí thức Việt Nam

    19/05/2008GS Vũ KhiêuGS Vũ Khiêu day dứt, làm thế nào để ngày nay, trí thức Việt Nam có thể nhanh chóng vươn lên đỉnh cao của trí tuệ, đề ra được những kiến giải mầu nhiệm nhất cho mọi vấn đề lớn nhỏ, thực hiện được những hoài bão chung của cả dân tộc trên con đường tiến lên của đất nước...
  • Nhân tài và sử dụng nhân tài

    18/04/2007Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult GroupTrước khi bàn về việc làm thế nào để phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng nhân tài, cần xem xét lại quan niệm về nhân tài...
  • Thế nào là người trí thức?

    13/12/2005Paul Alexandre Baran (Phạm Trọng Luật dịch)Câu trả lời hiển nhiên nhất có lẽ như sau: đấy là người lao động với trí tuệ của mình, và kiếm sống (hoặc trong trường hợp không phải bận tâm vì sinh kế, thoả mãn lợi ích riêng của mình) nhờ bộ óc hơn là bằng bắp thịt. Tuy khá giản tiện và trực tiếp, nhìn chung, định nghĩa này vẫn không thích hợp. Đúng cho bất cứ ai không làm việc tay chân, rõ ràng là nó không ăn khớp với nghĩa thông thường của từ «trí thức».
  • xem toàn bộ