Kinh nghiệm học và đọc

03:51 CH @ Thứ Hai - 20 Tháng Bảy, 2020

Tôi viết bài viết này với ý định cung cấp cho các bạn đi sau một vài lời khuyên về việc học, đọc, viết bằng tiếng Anh đúc kết từ kinh nghiệm thực tế của tôi. Tôi hạn chế việc áp dụng những lời khuyên này trong môi trường đại học ở Mỹ, là môi trường duy nhất ngoài Việt Nam mà tôi biết đồng thời cũng là mục tiêu phấn đấu của phần lớn các bạn. Những gì tôi viết ra tôi đã từng nói hay nghĩ những lúc “trà đá, kẹo lạc” với các bạn ở Thư Viện Quốc Gia Hà Nội. Tôi tổng kết lại ở đây để các bạn đọc và chúc các bạn gặp nhiều may mắn trong con đường học tập của mình.

Khi ở Hà Nội, tôi thường lên Thư viện Quốc gia ở Tràng Thi để làm việc. Nói là để làm việc cho oai, nhưng thực ra là còn nhiều lý do khác nữa. Một trong những lý do đấy là để nói chuyện với các bạn khác lên học ở thư viện. Từ thời tôi còn đi học đại học đến nay cũng được vài năm rồi nên so với các bạn sinh viên vẫn lên thư viện để học hành chuẩn bị cho thi cử tôi bây giờ là thế hệ anh lớn. Anh lớn mà lại có chút thành đạt thì hay được các em hỏi han về kinh nghiệm học hành thi cử. Cả kinh nghiệm và thành đạt của tôi, như nhiều người quen tôi đều biết, gắn liến với việc thành công trong việc học tiếng Anh rồi sử dụng tiếng Anh để đạt được các mục tiêu thiết thực khác.

Các bạn sinh viên bây giờ quan tâm đến việc chuẩn bị để đi học ở nước ngoài nhiều hơn thời tôi còn đi học. Điều này cũng dễ hiểu. Ngày xưa, xin được học bổng đi học nước ngoài là một ý định mà thành công phụ thuộc nhiều vào may rủi và hoàn cảnh. Ngày nay, vai trò của may rủi và hoàn cảnh không còn nặng nề như thời trước. Có ý định, bạn sinh viên sẽ cần có thêm ý chí, quyết tâm và đường đi nước bước dần dần sẽ tự mở ra trước mặt. Việc có được học bổng tuy thế lại mới chỉ là một nửa thành công, nửa kia phụ thuộc vào việc bạn sẽ học như thế nào khi ở nước ngoài. Điều này, các bạn đã đi học như tôi đều hiểu là rất quan trọng. Việc học bằng ngoại ngữ trong một môi trường học vấn khác cơ bản môi trường học ở Việt Nam là một trong những trở ngại làm nhiều sinh viên Việt Nam học giỏi chưa phát huy được hết trình độ và khả năng của mình. Một vài lời khuyên từ những người đi trước sẽ có ích cho bạn.

Tôi viết bài viết này với ý định cung cấp cho các bạn đi sau một vài lời khuyên về việc học, đọc, viết bằng tiếng Anh đúc kết từ kinh nghiệm thực tế của tôi. Tôi hạn chế việc áp dụng những lời khuyên này trong môi trường đại học ở Mỹ, là môi trường duy nhất ngoài Việt Nam mà tôi biết đồng thời cũng là mục tiêu phấn đấu của phần lớn các bạn. Những gì tôi viết ra tôi đã từng nói hay nghĩ những lúc “trà đá, kẹo lạc” với các bạn ở Thư Viện Quốc Gia Hà Nội. Tôi tổng kết lại ở đây để các bạn đọc và chúc các bạn gặp nhiều may mắn trong con đường học tập của mình.


Cách học

1. Học như thế nào?

Như nhiều bạn quen đều biết, hiện nay (9/2001) tôi đang làm việc ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Xem xét dưới góc độ những vui buồn lịch sử, thì Bắc Kinh là một trong những địa điểm có thể để lại cho một người Việt Nam nhiều suy nghĩ về quá khứ và sự ràng buộc của nó với hiện tại.

Có thể nhiều bạn không đồng ý với tôi nhưng sau một thời gian sống ở Bắc Kinh và làm bạn với nhiều người Trung Quốc, ấn tượng của riêng tôi là Trung Quốc với Việt Nam giống nhau nhiều quá. Khi người ta nói hai địa điểm, hai quốc gia giống nhau, thông thường người ta chỉ so sánh những điểm tương đồng địa lý, ví dụ như khi nói Li Băng là Thụy Sỹ của Trung Đông là người ta so sánh đồi núi trập trùng và băng tuyết. Điểm tương đồng của Việt Nam với Trung Quốc tuy thế lại không hạn chế về mặt địa lý mà là về tổng thể con người (human landscape.)

Tôi sẽ bỏ qua không nói đến những nét tốt nét xấu trong tương quan so sánh tưởng như dĩ nhiên này mà chỉ tập trung nói về cách học của những người trẻ tuổi ở cả hai nước. Bất kể việc quan hệ Việt-Trung có một thời gian gần đây băng giá kéo dài, quan niệm về việc học (như thế nào, cái gì, khi nào, ở đâu) của thanh niên hai nước gần như là dập khuôn của nhau. Điều này, như các bạn có thể đã nghĩ trước một bước và nhận ra trước khi tôi kịp nói, có nguồn gốc từ những tương đồng văn hóa sâu sắc và lâu dài.

Những điểm tương đồng này phần nhiều đều bắt nguồn từ hệ tư tưởng và học vấn Nho Giáo mà hai nước chia xẻ. Đối với Việt Nam, ban đầu là bị ép buộc phải chấp nhận nó, về sau chúng ta đã yêu thương nó thái quá và biến nó thành của mình. Tư tưởng Nho giáo Việt Nam tuy có những khác biệt mang tính địa phương nhưng về tổng quan lại song hành từng bước một với cái gốc của nó là Nho giáo Trung Quốc.

Ngày xưa khi thế giới quan của chúng ta chỉ có Việt Nam và Trung Quốc là đáng kể, các cụ chúng ta làm thơ hay viết văn vẫn dùng điển cố Trung Quốc; từ cách hành văn, chấm bài, phạt phạm quy phạm húy đến cách mài mực, phạt học trò và vô số các thứ khác nữa mà các bạn có thể tự tìm ra đều trích ngang từ cách làm Trung Quốc. Do những tương đồng xã hội và chính trị thủa xa xưa, động cơ và phương pháp học, dù đặt ra bởi người dạy hay người học, ở Việt Nam hay Trung Quốc cũng giống nhau nốt. Tôi liệt kê ra một vài điểm thế này:

  • Học tập là con đường tiến thân duy nhất (nếu không biết võ)
  • Hành lễ quan trọng hơn kiến thức
  • Văn chương quan trọng hơn toán pháp
  • Chú trọng khả năng ghi nhớ
  • Áp đặt trong khuôn khổ

Chí ít là khi còn ở trong nước, hậu quả của những đặc điểm trên đối với việc học của chúng ta là:

  • Chúng ta học để tiến thân hơn là để có kiến thức
  • Chúng ta đặt hòa thuận lên trên tranh luận để tìm ra sự thật
  • Chúng ta coi trọng lý thuyết hơn là ứng dụng và thực hành
  • Mặc dù rất nhanh nhạy trong việc bắt lấy những thứ mới, về bản tính chúng ta thích dùng những thứ có sẵn, quen thuộc hơn là suy nghĩ tạo ra những thứ mới.
  • Chúng ta xuất sắc trong việc làm theo và quy tắc hóa những thứ có sẵn.

Tôi đã nghe nhiều bạn Trung Quốc và Việt Nam khoe rất mãn nguyện là mấy năm sau khi học xong đại học họ chưa đọc một quyển sách nào cả. Đây là ví dụ về việc học để tiến thân. Kiến thức chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích.

Trong các mailing list của người Việt, việc tranh cãi thường bị phe quản trị diệt luôn khi nó vừa xuất hiện với lý do làm mất đoàn kết. Tranh cãi tất nhiên có nhiều loại. Có những thứ thật sự là vô ích, nhưng phần lớn đều để tìm ra một câu trả lời đúng. Nếu chỉ vì đoàn kết mà không chịu tìm ra câu trả lời đúng thì dắt tay nhau trong bóng tối phỏng có lợi ích gì? Đây chính là lý do mà phương pháp học theo kiểu thảo luận lớp chưa có được chỗ đứng trong học đường cả ở Việt Nam cả ở Trung Quốc.

Nếu kiến thức chỉ là phương tiện thì miễn là nó đưa được mình đến chỗ mình cần đến là xong bất kể nó là kiến thức loại gì hay ai đặt ra. Nếu nhà trường đề ra 10 môn học cụ thể cho một năm học thì không cần biết mình có cần những kiến thức đó không, cứ học và thi cho qua là được. Đây là lý do mà nhiều bạn học đại học ở Việt Nam và Trung Quốc hay quên kiến thức chuyên môn ngay khi khóa học vừa xong. Cảm giác xúc động vì có thêm kiến thức chỉ vì nó là kiến thức đối với chúng ta khá là xa lạ.

Đã quen sống trong khuôn khổ, chúng ta sợ những vùng đất mới, sợ khám phá, sợ bị lên án là ngược đời, kiêu căng, tập tọng đòi hơn người. Trí sáng tạo vì thế bị suy giảm, sự ù lì nhờ đó tăng lên. Trong những bão táp của thế sự xoay vần, một sinh viên mới tốt nghiệp đại học ở Việt Nam hay Trung Quốc không khác mấy một ngọn nến lắt lay trong gió. Đã biết là đại học không chuẩn bị cho họ để đứng vững và có đủ tự tin nhưng nhiều người trong chúng ta vẫn hy vọng là kinh nghiệm thực tế từ nay có thể thay cho kiến thức. Nếu có học thêm cũng chỉ là để vượt vũ môn lần nữa. Nếu có sáng tạo ra gì cũng chỉ để tiến thân cao hơn. Người Trung Quốc rất giỏi trong việc sản xuất hàng loạt nhưng không giỏi trong việc chế tác hoặc nếu có cũng là những thứ không thực dụng. Ở Bắc Kinh, tôi có lần mua một cái phone card. Cái đồ dùng vài lần rồi bỏ này rõ ràng là không cần phải hoa mỹ làm gì, chỉ cần một mảnh giấy con cũng là đủ thế mà tôi nhận được một thanh plastic dầy khoảng 3mm, có một dãy đèn ở trên và hai nút bấm mà nếu bấm vào thì sẽ có tiếng điện thoại kêu nhiều kiểu lạ tai. Thử tính xem bao nhiêu nguồn lực vật chất (pin, đèn, nhựa) và tâm lực đã bị phí phạm vào việc sản xuất thứ đồ quái gở này.

Ví dụ về việc quy tắc hóa mọi thứ là về việc các bạn Trung Quốc đi thi các bài thi tiêu chuẩn như TOEFL, GRE, GMAT, vv. Như các bạn đều biết, sinh viên Trung Quốc luôn đứng hàng đầu trong các kỳ thi này, vượt qua cả người Mỹ bản xứ là nơi sản sinh ra loại hình thi cử này. Nhìn kết quả, ta nghĩ ngay là người Trung Quốc phải giỏi toán, lý luận và cả tiếng Anh hơn người Mỹ. Nếu không thế thì chẳng có lý nào họ lại được điểm cao như thế?

Tôi đã gặp với một người bạn của một người bạn Trung Quốc, nổi tiếng vì thi TOEFL, GRE, GMAT đều đạt điểm gần tuyệt đối. Tôi rất thất vọng vì anh này khi viết tiếng Anh trong email thì trình độ chỉ như trẻ con lớp năm bên Mỹ, đến lúc trực diện thì còn thất vọng hơn vì nói tiếng Anh chẳng câu nào ra câu nào, văn phạm thì còn có thể chấp nhận được nhưng cách sắp xếp lộn xộn các ý tưởng thì rất khó bỏ qua. Kết luận của tôi là anh này trí nhớ và khả năng tuân thủ và tạo mới quy tắc đều rất tốt nhưng ngoài những thứ này ra thì chẳng còn gì hơn.

Sinh viên Trung Quốc có những người cả đời chưa đọc một quyển sách tiếng Anh nào, chưa tiếp xúc với một người bản xứ nào và chỉ học tiếng Anh theo kiểu các quy tắc từ sách vở của người Trung Quốc soạn cho người Trung Quốc học, ví dụ một quyển tên là “5.000 mẫu câu tiếng Anh.” Cách học của những sinh viên “xuất sắc” là nhớ cho kỳ hết 5.000 mẫu câu trên, và mỗi câu lại được họ biến thành một quy tắc máy móc riêng biệt phải có bằng đấy từ, bằng đấy dấu chấm dấu phẩy. Lần sau khi nhìn thấy câu đấy hay tương tự thế thì họ nhận ra ngay, nhưng bảo họ tự viết ra một câu kiểu như thế thì họ thường rất lúng túng. Lúng túng cũng là phải, bây giờ biết lấy quy tắc nào để ghép vào quy tắc nào nếu các từ họ biết đều được biến thành những quy tắc riêng biệt.

2. Học như thế nào để có hiệu quả nhất.

Nếu đã đọc qua phần trên và hiểu giống như tôi hiểu, tôi mong các bạn nhớ giúp một vài điểm chính sau đây, sẽ có lợi cho việc học ở Mỹ:

Hãy học vì kiến thức. Hãy chọn những thứ mình muốn học, đừng chọn những thứ mình nghĩ sẽ làm mình có giá hơn trong mắt mọi người về sau. Nếu quan tâm đến ruồi trâu, cào cào, châu chấu, hãy cố đọc và học cho thật giỏi về những thứ tưởng như vô ích này. Nếu bạn thật giỏi, ở Mỹ sẽ có chỗ cho bạn học sâu hơn.

Đừng bao giờ bê trễ việc có thêm kiến thức và hiểu biết. Học tập phải là một quá trình cả đời, không chỉ kết thúc khi học xong đại học mà thục ra chỉ mới bắt đầu khi đó.

Nếu không hài lòng với một vấn đề kiến thức nào đó, hãy tìm chỗ để tham khảo và tìm ra câu trả lời đúng. Hãy tranh luận và tranh cãi, lục tìm và gạt bỏ. Đừng sợ mất bạn bè, mất thể diện, mất sự ưu ái của ai hết. Nếu bạn có trong tay sự thật, những thứ bạn có được nhờ nó sẽ có ích cho bạn hơn những thứ bạn phải mất để có nó.

Đừng mất thời gian làm tốt hơn những thứ đã sẵn có, hãy thử tạo ra những thứ mới. Kể cả nếu bạn thất bại, thất bại của bạn sẽ là mẹ đẻ của một hay nhiều thành công khác. Công lao này cũng có phần to lớn của bạn. Hãy thử nghĩ đã biết bao nhiều uống dấm thanh ăn lá ngón để chúng ta biết mấy thứ đó là độc. Nhờ có thất bại của những người đi trước, chúng ta mới có kiến thức của ngày hôm nay.

Hãy nhìn mọi thứ bằng con mắt động (Lời Lênin.) Hãy luôn cố mở rộng hệ quy tắc chuẩn của mình bằng cách thêm vào những quy tắc mới hay đưa những hiện tượng mới vào làm giầu thêm các quy tắc cũ. Luôn tìm cách áp dụng những quy tắc mình biết vào những hiện tượng mới, nếu được hãy tạo ra những hiện tượng mới nhờ những quy tắc đã có. Nói ngắn gọn là chú tâm vào thực hành và ứng dụng.
Nếu bạn coi kiến thức là quan trọng nhất, hãy có được thật nhiều cho mình rồi chia xẻ với người khác. Hãy học cho cả những người khác nữa.

3. Học cái gì?

Nếu đã hiểu cần phải học thế nào, thì việc học cái gì không còn quan trọng lắm. Nói là thế nhưng có một vài môn học ở ta hiện chưa có dạy hoặc chưa được học đúng cách nhưng nếu các bạn có thể đọc, học, hiểu trước khi đến học ở Mỹ cũng sẽ có lợi. Nói thế không có nghĩa bạn sẽ không thành công nếu bạn không có hiểu biết về chúng.

Triết học
Logic học
Lịch sử và đặc điểm xã hội Mỹ
Lịch sử và các hình thái kinh tế xã hội thế giới
Lịch sử và phát triển của các tôn giáo chính

Tuy mỗi bạn sẽ học một ngành khác nhau, hiểu biết về các môn nói trên là những hiểu biết chung mà các sinh viên Mỹ giỏi bất kỳ ngành nào ít nhiều cũng đều có biết. Nếu bạn cũng hiểu, cũng biết và lại giỏi nữa thì vị trí của bạn trong số bạn cùng học sẽ được đề cao tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập môn chuyên môn của bạn.

Triết học: Triết học không phải là môn phổ biến ở Mỹ nhưng là môn được đề cao đúng mức. Hiểu biết và năng lực tư duy triết học cũng được trầm trồ như khả năng nói đọc viết nhiều ngoại ngữ ở Việt Nam. Sự thán phục này tuy vậy lại là một sự thán phục kín đáo và gián tiếp. Kín đáo ở chỗ người ta sẽ không nhất thiết phải khen ngợi bạn hẳn ra ngoài, và gián tiếp ở chỗ người ta sẽ không khen bạn về kiến thức triết học cụ thể. Hiểu biết về triết học, đặc biệt là triết học phương Tây của bạn gợi ý cho người ta về khả năng tư duy tổng hợp, sự đọc rộng và sâu của bạn. Lợi ích của việc những người xung quanh thán phục năng lực cá nhân của bạn thiết tưởng không cần phải diễn giải nhiều ở đây. Cố gắng đọc chút ít về triết học Hy Lạp cổ, các trường phái Đức và Áo cận hiện đại. Một cuốn sách có thể giúp bạn quen mặt biết tên và nắm được những ý tưởng chính về triết học xưa nay là cuốn Sophie’s World của một tác giả Na-uy tôi không nhớ tên nhưng bạn có thể tìm dễ dàng trên các website bán sách.

Lý do triết học được coi trọng như đã nói ở trên là vì nó gắn liền với khả năng tư biện của bạn. Muốn tư biện giỏi chắc chắn phải có hiểu biết về logic. Nhiều bạn Việt Nam đã học toán logic ở đại học nhưng lại không được học cụ thể các cách áp dụng vào thực tế như thế nào. Môi trường đại học và khoa học Mỹ đặt tầm quan trọng lớn vào khả năng nghiên cứu độc lập của bạn mà điều này đòi hỏi bạn phải hiều và có thể tự sửa lỗi. Các quy tắc logic được thiết lập từ lâu nay giúp bạn không mắc những lỗi sai trong tư duy và nghiên cứu, đặc biệt trong những ngành không sử dụng nhiều con số để có thể kiểm tra bằng các phương pháp toán học thông thường. Logic còn giúp bạn nhiều trong thảo luận trên lớp cũng như trong các quan hệ xã hội và ra quyết định cuộc sống hàng ngày ở một môi trường coi trọng cá nhân và tính độc lập tự chủ.

Ba môn về sau giúp bạn có hiểu biết về Mỹ nói riêng và thế giới nói chung và cùng với môn chuyên ngành của bạn giúp bạn có một vốn kiến thức rộng và đầy đủ. Như bạn biết xã hội Mỹ được dựng lên trên những nguyên tắc cụ thể và những nguyên tắc này đến bây giờ vẫn là những nguyên tắc chi phối mọi mặt đời sống Mỹ. Hiểu biết lịch sử và các đặc điểm xã hội của Mỹ giúp bạn né tránh được những hậu quả của shock văn hóa và nhờ vậy bạn có thể bình tĩnh để chú tâm vào học chuyên môn được tốt hơn. Ngoài ra, trong một môi trường quốc tế, đa văn hóa, đa tôn giáo như môi trường đại học Mỹ, có hiểu biết về các nền văn hóa và các tôn giáo khác trên thế giới giúp bạn có được sự rộng lượng, tự tin, cởi mở với người khác cũng như tránh được tâm lý tự ty nhược tiểu của bản thân mình. Tất cả những điều này đều có ích cho việc học, học sâu và học cao hơn, của bạn.

Trước khi tôi chuyển sang phần sau, tôi muốn nói một lần nữa để bạn hiểu là các hiểu biết nêu trên không phải là bắt buộc khi đến Mỹ học. Chúng chỉ giúp đặt bạn vào giữa những thành viên xuất sắc nhất của trường học, giúp bạn nhiều thuận lợi trong việc theo đuổi học vấn. Có được kiến thức đòi hỏi phải có thời gian nhưng nếu ngay từ giờ bạn có ý tìm tòi và nghiên cứu, đọc học thêm thì một vài năm nữa khi đến Mỹ bạn sẽ nhận được ngay những lợi ích mà tôi đề cập ở trên.

Cách Đọc

Khả năng đọc là một trong những khả năng tuyệt vời của con người, là phát kiến thần kỳ và quan trọng có lẽ chỉ sau việc tìm ra lửa. Việc tìm ra lửa giúp biến thủy tổ của chúng ta từ loài vật thành loài người, việc phát kiến ra chữ viết và từ đó thiết lập nên một hoạt động mới của con người là đọc giúp biến con người “vớ vẩn” thành con người thông minh. Khác với suy nghĩ là một hoạt động có sẵn, đọc là một hoạt động cố ý và phải được huấn luyện được đúc kết từ khả năng quan sát và nhận biết thông tin. Nhờ có hoạt động đọc mà hiểu biết của chúng ta tăng lên và nhờ đó mà suy nghĩ của chúng ta được đẩy lên những tầm cao mới. Nói thế cũng có nghĩa là nếu không đọc thì suy nghĩ của chúng ta chỉ đứng yên ở những tầm cao cũ.

Có lẽ chính vì đọc là một hoạt động phải được rèn luyện và thực hành một cách cố tình nên nó cũng là một hoạt động mang tính lựa chọn. Người ta không trốn tránh được việc suy nghĩ nhưng có thể lựa chọn đọc hay không đọc. Người ta có thể không đọc vì không biết chữ hay không có gì để đọc nhưng phần nhiều những người còn lại không đọc chỉ vì không thích đọc, nói ngắn gọn là vì lười hoặc vì không nhìn thấy lợi ích thiết thực trong việc đọc. Nếu vì đọc làm ảnh hưởng đến việc mưu cầu sự sống thì có thể tha thứ được nhưng nếu không đọc chỉ vì lười thì là một điều rất đáng trách. Nếu bạn là một người như vậy thì khả năng suy nghĩ của bạn chắc chắn là sút kém và bạn đang tiến hóa lùi.

Khi có một cái ô tô thì bạn đã có phương tiện để đi xa. Nếu thay vì dùng ô tô để đi những khoảng cách hàng ngàn km bạn lai quyết định đi bộ thì bạn đang để phí những nguồn lực quan trọng. Khả năng đọc cũng là một phương tiên tương tự như ô tô có thể đưa bạn đến những nơi bạn chưa đến, làm những việc thú vị mà bạn chưa làm, gặp gỡ những người có thể làm thay đổi lộ trình của cuộc đời bạn. Không có lý do nào có thể biện minh cho việc bạn không sử dụng phương tiện này cả. Như hoạt động nhìn, hoạt động nghe, hoạt động đọc phải được coi là một hoạt động quan trọng mà bạn thực hiện đều đặn mỗi ngày.

Tại sao việc đọc lại quan trọng đến như vậy? Bạn thử hình dung lại khi chưa có chữ viết thì thông tin được truyền đạt từ đời này sang đời khác như thế nào. Thuần túy là bằng trí nhớ kiểu cha truyền con nối. Không chỉ nói đến văn học dân gian hay những thần thoại mang tính sử thi, những kiến thức mang tính sống còn với con người ví như loại quả loại cây nào ăn được cũng chỉ được truyền đạt lại cho người sau bằng cách này. Lời nói gió bay, độ chính xác của những thông tin truyền lại thường bị sai lệch đi nhiều. Chữ viết đã ra đời để giúp nâng cao độ tin cậy của thông tin đồng thời trở thành một phương tiện lưu trữ hết sức hiệu quả các thành tựu bất kể lớn bé của con người. Đa phần những kiến thức quan trọng ngày hôm nay đều đã được ghi chép lại dưói một dạng chữ viết này hay chữ viết khác. Thay vào việc tìm tòi và nghiên cứu lại từ đầu, người đời sau có thể sử dụng kiến thức của đời trước để phát triển hơn nữa. Để có thể làm được như vậy chỉ có một cách duy nhất là đọc.

Đọc vì thế có các chức năng thông tin và học. Đọc cũng có chức năng giải trí nhưng với bạn là người theo đuổi học vấn có mục đích thì chức năng này phải được coi như chức năng phụ. Việc bạn sử dụng chức năng nào của đọc phụ thuộc vào hai điềm sau: thứ nhất, bạn đọc như thế nào; và thứ hai, bạn đọc cái gì.

1. Đọc như thế nào?

Khi mới bắt đầu học đọc tôi thường chỉ đọc mà không ghi chép. Lúc còn trẻ con và sau này nữa trí nhớ còn tốt, đọc mà không ghi chép tôi vẫn có thể nhớ được nhiều và nhiều năm về sau vẫn có thể nhớ lại những thông tin đã đọc. Nhưng những thông tin quan trọng mà không nhớ được cũng rất nhiều. Chính vì để khỏi mất mát những thông tin quan trọng đã đọc được, tôi bây giờ ủng hộ việc đọc có ghi chép. Tuổi càng cao lên, trí nhớ của bạn càng sút giảm và lợi ích của việc ghi chép sẽ ngày càng tăng. Lời khuyên đầu tiên của tôi về việc đọc là nên ghi chép lại ngắn gọn những thứ bạn đọc. Cũng nên ghi chép chi tiết những thứ mà vào thời điểm đọc bạn coi là quan trọng.

Như vậy đọc để học và đọc để giải trí khác nhau ở một điểm đầu tiên này là tầm quan trọng của thông tin thu thập được. Khi đọc với chủ định học và ghi nhớ, bạn nên ghi chép; nếu đọc chỉ để chơi cho vui, đỡ buồn thì thôi.

Đọc bằng ngoại ngữ tuy thế lại có chức năng học kép, bạn vừa học ngoại ngữ lại vừa học kiến thức. Kể cả khi mà tài liệu bạn đọc không có gì quan trọng về nội dung, bạn vẫn có thể học được ngoại ngữ. Chính vì thế, nên ghi chép bất kỳ khi nào bạn đọc bằng ngoại ngữ.

Trái với quan niệm cổ truyền lạc hậu của chúng ta là đọc nhiều quá làm cho người ta bị bệnh về tinh thần, tôi đảm bảo với bạn là tôi đã gặp nhiều người cả đời chỉ có đọc và học mà trí tuệ hoàn toàn minh mẫn. Việc đọc và suy nghĩ không làm người ta lao lực mà ngược lại làm phát triển khả năng tư duy và góp nhặt tài sản tri thức. Chính hai thứ sau này khiến dân gian không được vừa lòng lắm với những tay “mọt sách.” Để tránh bị phê bình là odd-ball hay bookworm bạn chỉ cần để ý chút ít về các kỹ năng giao tiếp xã hội thông thường, nên tránh việc phô bày kiến thức ở những nơi mà bạn nghĩ nó sẽ không được đề cao lắm. Khiêm tốn bao giờ cũng là một đức tính đáng quý. Nếu bạn chưa là bạn của mọi người nhờ kiến thức thì lý do đầu tiên là kiến thức của bạn chưa đủ.

Chính vì đọc để học không có hại cho sức khỏe tinh thần của bạn như dân gian vẫn quan niệm, tôi khuyên bạn nên đọc bất kỳ khi nào có thể và bất kỳ cái gì có thể phục vụ cho mục đích học của bạn. Hãy đọc để học và đọc cả để nghỉ ngơi.

Rèn luyện được thói quen đọc nhiều, mọi nơi và đọc có ghi chép là tất cả những gì bạn cần để đọc thành công trong môi trường học ở Mỹ. Khác với học ở Việt Nam, việc đọc không được chú trọng lắm, một hai quyển sách giáo khoa đã là đủ thì ở Mỹ mỗi buổi học giáo sư có thể giao cho bạn đọc từ vài chục đến hàng trăm trang sách. Sự khác biệt này là hệ quả của một trong những nhược điểm của việc học ở Việt Nam và Trung Quốc tôi đã nói ở phần trên. Ở Việt Nam, quan niệm cho rằng kiến thức trong quyển sách giáo khoa kia đã là sự thật không thể thật hơn được nữa và để giỏi bạn chỉ cần biết đến thế. Ở Mỹ, cho sinh viên tiếp thụ thông tin trái ngược nhau là để sinh viên tự tìm lấy câu trả lời cho riêng mình đồng thời rèn luyện cho sinh viên khả năng tư duy chọn lọc (không tin ngay những gì bạn đọc, luôn đặt câu hỏi với thông tin, không hài lòng với những kiến thức có sẵn.) Học ở ta như thế sẽ khó tránh được việc phát triển cái cũ hay chỉ đơn thuần là hạn chế tư duy phá lệ thì ở Mỹ, sự va chạm của các nguồn thông tin trái ngược nhau hay sản sinh ra những cái mới, mở ra những chần trời học vấn mới.

Với lượng thông tin lớn như vậy phải nắm kịp trong một thời gian ngắn trước bài giảng, bạn sẽ cần những kỹ năng phải chuẩn bị ngay từ bây giờ. Phải thú thực là ít có người, kể cả và đặc biệt là sinh viên Mỹ, có thể đọc hết tất cả những thứ thầy giao cho đọc trước. Sinh viên nước ngoài thông thường do đọc tiếng Anh như ngoại ngữ nên lại đọc càng ít hơn. Nói thế không có nghĩa là bạn cũng sẽ như vậy. Có nhiều lợi ích trong việc đọc hết được các assigned readings. Nếu bạn làm được thì bạn sẽ học được rất nhiều nhưng để làm được thế bạn cần phải làm gì.

Muốn đọc được nhiều trong thời gian ngắn, bạn cần phải đọc nhanh. Đọc nhanh tuy thế chỉ có tác dụng khi bạn nhớ được nội dung của những gì bạn đọc. Nếu không nhớ được thì đọc nhanh mấy cũng chỉ là vô ích.

Trong thời đại bùng nổ thông tin thế này, việc đọc nhanh lại càng trở nên có ích. Các chương trình dậy đọc nhanh ở Mỹ khoe là có thể huấn luyện cho ngưới ta đọc nhanh đến 10.000 từ mỗi phút (khoảng 20 trang A4) với độ ghi nhớ (retention) đến 80%. Tôi e rằng các con số này chỉ là quảng cáo. Theo tôi hiểu người thường có thể đọc bản ngữ đến khoảng 200 từ mỗi phút với độ ghi nhớ cao khoảng 60% tức là mỗi phút đọc tiếng Việt bạn sẽ may mắn nếu nhớ được thông tin chứa trong 120 từ. Cứ cho như bạn đọc tiếng Anh với tốc độ của người bản ngữ thì để đọc 100 trang (~40-50.000 từ) cho một môn học thì bạn sẽ mất khoảng 3-4 tiếng. Bạn có làm được thế không?

Nếu bạn trả lời là Không thì tôi khuyên bạn nên khởi động ngay từ bây giờ và chuyển sang đọc tiếng Anh càng nhiều càng tốt. Không phải là người bản ngữ, để đọc nhanh hơn, trước tiên bạn cần phải vượt qua những rào cản ngữ pháp và từ vựng. Ngữ pháp thì dễ dàng hơn, từ vựng thì là việc học cả đời “chỉ nói là nhiều hay ít chứ không biết thế nào cho đủ.”

Không thể nói về việc đọc mà không đề cập đến tầm quan trọng của từ vựng. Từ, đơn vị ngữ pháp nhỏ nhất, là phương tiện quan trọng nhất chuyển tải ý tưởng (vehicles for ideas.) Để nắm bắt được nhiều ý tưởng hơn trong thời gian ngắn, bạn nhất thiết phải biết nhiều từ hơn mà không chỉ biết sơ qua, phải thật sự thân thiết. Từ vựng phải được coi như bạn thân để giữ cả đời (good friends to keep for life.)

Đọc câu trên tối viết, có lẽ bạn hơi nhăn mặt nghĩ rằng tôi đang hoa mỹ không cần thiết. Có thể là thế nhưng để tôi giải thích và bạn sẽ nghĩ lại là không phải thế. Do mỗi từ, ở đây tôi nói tiếng Anh, chuyển tải một ý tưởng riêng biệt-kể cả các từ đồng nghĩa cũng không hoàn toàn giống nhau-nên mỗi từ bạn biết thêm cho bạn khả năng diễn đạt một ý tưởng mới mà trước đây bạn có thế hoàn toàn không biết đến hay có biết thì để diễn đạt phải dùng cả câu dài. Nói không ngoa, mỗi từ lại thêm một chút ý nghĩa vào cuộc đời của bạn. Đây cũng đồng thời là định nghĩa cho những người bạn tốt. Như vậy, từ vựng và bạn tốt đúng thực là giống nhau.

Để đọc nhiều bạn cần đọc nhanh, để đọc nhanh bạn cần biết nhiều từ, việc bạn biết nhiều hay ít từ phụ thuộc vào việc bạn đọc cái gì.

2. Đọc cái gì?

Lúc khởi đầu, hãy đọc cái gì bạn thích. Đừng đọc những gì bạn bị bắt phải đọc.

Làm gì cũng vậy và đọc không phải là ngoại lệ, chúng ta làm tốt hơn nếu ham thích công việc đang làm. Đừng lo nếu ở lớp ngoại ngữ thầy cô giáo bắt bạn phải đọc một tài liệu do họ chọn, hãy cố tự chọn cho mình những tài liệu mà mình có quan tâm. Hãy đọc bầt kỳ cái gì bạn thích. Đừng ngại ngần nếu cái bạn đọc không có liên quan gì đến cái bạn học. Kiến thức có những cách kết hợp kỳ lạ ngoài tầm kiểm soát hay mong muốn của bạn.

Một quyển sách tiếng Anh hay đọc trong một tuần có giá trị hơn sáu tháng học ngoại ngữ trên lớp.
Khó tin nhưng là việc có thật. Một quyển sách hay vài trăm trang về bất kỳ vấn đề gì bạn thích là một bài học tổng hợp tốt nhất bạn có thể có. Sách sẽ dạy cho bạn cách hành văn, ngữ pháp, từ vựng, văn hóa, lịch sử, xã hội, đạo đức, triết học, tình yêu, vv. Xin thử cho tôi một ví dụ về sáu tháng học tiếng Anh trên lớp có thể mang lại cho bạn bằng đấy kiến thức.

Xin nhớ đừng quên ghi chép và đừng quên biến việc đọc thành một quá trình. Việc đọc sách nhiều trong thời gian đầu học tiếng Anh sẽ giúp bạn có thể thi TOEFL được điểm cao về ngữ pháp, từ vựng và đọc hiểu mà không cần phải học. Hãy đọc nhiều truyện hay, lãng mạn hay công an bắt gián điệp đều được cả miễn là bạn thấy thích. Ngày xưa tôi cứ đọc vài quyển sách là thấy tiếng Anh của mình đã lên cao hẳn lên một bậc.

Ở đây có hai điểm tôi muốn nói. Thứ nhất là khái niệm subliminal learning. Khái niệm này nói về việc học không có chủ ý. Đọc tiểu thuyết bằng ngoại ngữ là ví dụ như vậy, bạn học mà không biết là mình đang học. Khi tôi khuyên mọi người nên đọc bất kỳ cái gì, thông thường tôi thấy mọi người có vẻ đều nghi ngờ hoặc nếu có đồng tình thì chỉ để đó chứ không thực hiện. Về kỹ thuật mà nói, bất kỳ cái gì bạn đã nhìn thấy bạn đều nhớ. Việc bạn có biết là mình đã nhớ những gì hay có gọi lại những thứ bạn đã nhớ hay không lại là những việc khác. Học tiếng Anh bằng công thức trên lớp chỉ là một cách, thông thường hiệu quả kém nếu bạn không thích người dậy, thời tiết nóng bức, tài liệu học, người ngồi bên cạnh, vv. Đọc sách giúp bạn học thếm nhiều điều bạn cố ý học và song song là thu thập mọi thứ bạn nhìn thấy trong sách rồi lưu trữ lại trong đầu bạn khi nào ý thức yêu cầu bạn có ý kiến về một vấn đề có thể bạn hoàn toàn không biết nhưng đã trót nhìn thấy ở đâu đó trong một quyển sách bạn đã đọc, bạn sẽ thấy ngạc nhiên về hiệu quả truy cập thông tin trong tiềm thức. Bạn sẽ có ý kiến của mình mà đôi lúc không hiểu từ đâu ra.

Đây là một cách cực kỳ hiệu quả để học ngữ pháp tiếng Anh nếu ngữ pháp là thứ bạn sợ. Hãy đọc nhiều và bạn sẽ tự nhiên biết được ngữ pháp thế nào là đúng. Hãy đọc thật nhiều và bạn sẽ biết được ngữ pháp thế nào là sai. Bạn sẽ phát triển được con mắt thứ ba về các quy tắc ngữ pháp và hành văn tiếng Anh gần như chính xác tuyệt đối mà không bị mất nhiều công sức.

Điều thứ hai tôi muốn nói là về từ vựng. Ở đây tôi xin ghi lại nguyên văn 5 quy tắc học từ của tác giả Norman Lewis, một chuyên gia về huấn luyện từ vựng tiếng Anh cho người Mỹ. Xin gợi ý lại cho các bạn đang học thi GRE hay GMAT là người bản ngữ cũng thấy khó học từ hệt như bạn.

Phải cởi mở với từ mới một cách chủ động
Từ mới sẽ không đuổi theo để bạn nhớ, hãy đi tìm chúng
Hãy đọc thật nhiều (Hì hì, nhớ tôi nói gì ở trên không?)
Cố đọc một quyển sách và vài tạp chí mỗi tuần, không chỉ tuần này và tuần sau mà suốt cả đời.
Hãy thêm từ mới đọc được vào vốn từ vựng của mình

Lần đầu nhìn thấy từ mới, hãy dừng một chút để suy nghĩ đến ý nghĩa của từ trong văn cảnh cũng như “chiêm ngưỡng dung nhan của nó”. Bạn chưa chắc đã nhớ ngay nhưng sẽ nhận ra nó lần sau, vài lần như thế thì bạn không chỉ nhớ mà còn biết các nghĩa khác nhau của từ nữa.

Phải để tư tưởng cởi mở với các ý tưởng mới.
Từ là ý, nếu không muốn nhớ ý thì sẽ khó nhớ từ
Phải đặt mục tiêu cụ thể

Nếu không có mục tiêu thì trong vòng một năm tới may lắm bạn học được thêm vài chục từ mới. Nếu có mục tiêu bạn có thể học được vài chục từ mới trong vòng một tuần hay vài ngàn từ trong cả năm. Đừng sợ học hết từ, tiếng Anh hiện đại có ít nhất 500.000 từ và mỗi ngày đều có thêm những từ mới.


Tôi chưa từng đến Mỹ nhưng tôi muốn góp ý vài câu về bài viết này, tán rộng ra vấn đề tri thức, chứ không phải chỉ tập trung vào cách học anh ngữ.

1. Không nên phê phán cách học của người Trung quốc.
Đối tượng chủ yếu của những người đọc topic này là những sinh viên chưa từng đến Mỹ và đang mong muốn học tập tại Mỹ. Cửa ải quan trọng nhất mà họ phải vượt qua là Tiếng Anh để giành admission và học bổng.

Nếu phê phán mô hình học của người Trung Quốc thì phải đề ra được một mô hình nước khác có hiệu quả hơn hoặc một mô hình mới có khả năng áp dụng tại Việt nam. Điều quan trọng là giải thích được tại sao nó khả thi ở Việt nam. Cho rằng người Phương tây giỏi kiến thức tổng hợp, đặc biệt là anh ngữ hơn người Phương đông bởi từ bé họ đã chăm chỉ nhặt nhạnh các kiến thức hổ lốn hơn là sai lầm. Văn hoá giữa các nước phương tây, đặc biệt là ngôn ngữ có rất nhiều sự tương đồng, nên hiển nhiên đa số họ giỏi sinh ngữ và tri thức bách khoa hơn người phương đông.

Thêm vào đó họ lại được hưởng một nền giáo dục tiên tiến, kích thích sáng tạo và định hướng tích luỹ tri thức đúng đắn. Đòi hỏi một sinh viên Việt bình thường ngoài chương trình học phổ thông vất vả như của Việt nam hiện nay phải nhồi nhét thêm nhiều thứ lăng nhăng khác, không phục vụ trực tiếp cho việc học ở trường của họ là phi lý. Mặt khác những tri thức ấy chỉ được bản thân họ chọn lọc, không có sự hỗ trợ của chính nền giáo dục, rất có thể lệch lạc và không cần thiết. Một điểm quan trọng, đa số các nước phương tây và Mỹ không có kỳ thi đại học. Điểm tốt nghiệp phổ thông với sự coi trọng đồng đều các môn hết sức quan trọng quyết định việc học lên cao nên họ không bị mất thời gian và sức ép tập trung vào vài ba môn thi đại học như Việt nam ta.

Như chúng ta đều biết, Trung Quốc hiện là nước có sinh viên apply du học Mỹ thành công nhất, luôn dẫn đầu về điểm số TOEFL, GRE, GMAT và vì vậy có sức cạnh tranh rất cao để giành học bổng và cácơsuất TA, RA. Để đạt được kết quả ấy, TQ đã thành lập các trung tâm đào tạo anh ngữ chất rất lượng cao, thu thập tất cả các nguồn đề thi TOEFL, GRE, GMAT có thể để luyện cho sinh viên của họ theo kiểu luyện gà từ cấp hai. Theo quan điểm của tôi đấy là cách hiệu quả nhất để đưa được số đông sinh viên đến Mỹ.

Đa số sinh viên Việt nam muốn du học là những người trí tuệ bình thường, có quỹ thời gian luyện thi eo hẹp. Việt nam chưa có điều kiện để thành lập các trung tâm anh ngữ như TQ thì bản thân mỗi cá nhân phải tự gò mình theo cách ấy, nghĩa là cần cù làm bài test, chú trọng đến tính hiệu quả chứ không phải tích luỹ nhiều tri thức trang trí hào nhoáng mà mục đích quan trọng nhất vẫn loay hoay không làm sao không đạt được.

Còn đối với một thiểu số có khả năng đặc biệt về anh ngữ thì không cần ai phải tư vấn cách học như thế nào. Chính sự học hành mau tiến bộ là nguồn động lực thúc đẩy họ học say mê và chóng đạt kết quả cao.

2. Thế nào là kiến thức cần thiết ?

Theo như tôi hiểu thì bạn quan niệm kiến thức là mục đích sống nhưng lại không đưa ra một phép cân đo thế nào là đủ kiến thức và chất lượng kiến thức như thế nào là đạt yêu cầu?

Bể kiến thức vô cùng, ngay cả những người uyên bác nhất thế giới cũng chỉ có thể có hiểu biết sâu sắc về vài lĩnh vực trong hàng trăm ngàn lĩnh vực. Vậy thì chọn học cái gì, đọc cái gì, khi mà đa số chúng ta là những người bình thường, cái sự Muốn của chúng ta đôi khi chả liên quan gì đến Năng Khiếu của chúng ta. Sẽ ra sao khi cái chúng ta chọn học,đọc chỉ mất thời gian, chẳng ích lợi gì.

Học nhiều kiến thức hỗn hợp có giá trị gì?

a) Giá trị giải trí:

đồng ý nhưng trong khuôn khổ những người thích giải trí bằng kiến thức. Một thực tế đáng buồn, những người này thường nói chuyện với nhau theo kiểu “ông giơ chân giò, bà thò chai rượu” rồi gật gù tán tụng lẫn nhau, nhìn những kẻ tập thể thao, đi săn, làm vườn, câu cá như một lũ dốt nát, không biết giải trí
Những nguyên tắc kiểu như “Đừng bao giờ bê trễ việc có thêm kiến thức và hiểu biết” thực ra là thừa. Quan điểm của tôi: tất cả những ai đang sống, đang hít thở đều là những người đang tích luỹ kiến thức và hiểu biết, đa số các hoạt động hàng ngày, đi chợ, lang thang, ăn uống, tán gẫu, tập thể thao... đều chứa đựng việc học hỏi tri thức và đúc kết kinh nghiệm

b) Giá trị sáng tạo:
viết được một tác phẩm gì đấy, sáng tạo được cái gì đấy ngoài chuyên môn của mình, đoạt giải cuộc thi nào đấy, được xã hội công nhận, biết ơn. Số người này ít lắm lắm.

c) Các giá trị to tát khác cho cộng đồng kiểu như “học cả cho người khác nữa” :
Đây không thể là quy tắc của số đông. Bởi lẽ: thứ nhất, rất ít người có đủ trí tuệ để hiểu các vấn đề khoa học, xã hội một cách sâu sắc và đúng đắn. Thứ hai, ai cần người ấy học hộ?

Tôi nhắc lại là đa số sinh viên du học là những người bình thường với trí tuệ bình thường, quỹ thời gian hạn hẹp. Việc định hướng nhồi nhét tri thức hỗn hợp là một định hướng sai lầm và Nếu không hài lòng với một vấn đề kiến thức nào đó, hãy tìm chỗ để tham khảo và tìm ra câu trả lời đúng. , thì ta sẽ mất quá nhiều thời gian và không còn thời gian để hiểu biết sâu sắc về lãnh vực của mình.

Tôi nhớ ai đó từng nói “con chó thì mới đẻ ra con chó con”. Sáng tạo là đặc tính di truyền ở người Phương tây, còn người phương đông như người Việt ta điều dễ nhận thấy là đặc tính ấy rất kém. Sức sáng tạo của người Việt thấp là bởi khả năng sáng tạo thiên bẩm của họ kém và không được hưởng một nền giáo dục toàn diện, kích thích sáng tạo như người Phương tây, chứ không phải họ không cần cù tích luỹ tri thức. Chính sự cần cù học hỏi thái quá của người Việt đã làm mất thời gian dành cho sáng tạo, làm nghèo hoá bản thân bởi không giỏi bất cứ lĩnh vực gì đủ để kiếm ăn.

Nhiều tri thức không đồng nghĩa với Sáng tạo. Trong một cuộc tán gẫu, bàn chuyện có người dành cả đời để đi học và giành được 7 cái bằng Tiến sỹ, nhiều người trong chúng tôi thấy thật ngớ ngẩn và tự hỏi tại sao ông đấy không giành 1 cái thôi và tập trung sức lực để sáng tạo ra được nhiều thứ hay ho từ 1 lĩnh vực duy nhất mà ông ấy hiểu sâu sắc, đạt được những sáng chế và phát minh quan trọng đem lại vinh quang cho nước nhà.
Ngoài ra, tôi không tin những lời to tát kiểu như Phục vụ nhân loại trong khi bản thân người nói chưa là cái gì. Có thể họ nghĩ đúng như vậy nhưng chẳng lẽ họ không thấy lời nói là “Sự nguỵ biện buồn cười” mà bất cứ kẻ vô danh tiểu tốt nào, vì bất kỳ mục đích gì cũng có thể nói hay sao.

d) Các giá trị “tầm thường” hơn:

(Tỷ dụ như phấn đấu trở thành người thông thái để được mọi người tôn trọng, có thêm nhiều bạn bè). Sức mạnh của một người không chỉ cấu thành bởi tri thức mà chủ yếu bởi cách thể hiện tri thức, sự lịch lãm, duyên hài hước, lối sống lành mạnh, sự tôn trọng người đối thoại....

Từ bé tôi đã phải tiếp xúc với nhiều chú đầu to mắt cận, còn lưng học suốt ngày, nói chuyện hệt như “cuốn từ điển biết đi” nhưng nhạt nhẽo, khô khan hoặc trịnh thượng chứng tỏ một trí tuệ thiếu lịch lãm và thông minh. Tôi thấy họ chán ngấy và nhận thấy điều quan trọng nhất là phải sống lành mạnh, tự tin đúng mức. Sống lành mạnh bao gồm luyện tập thể thao, rèn luyện thân thể khoẻ mạnh, sống vì những sở thích của mình (tỉ như tập leo núi, nghe nhạc, sưu tầm, câu cá...) tự tin về cách sống của mình, không quan tâm đến những luận điệu xu thời. Bỏ ra nửa ngày nghe nhạc (cho dù những bản nhạc đã nghe rất nhiều lần) hoặc vẽ tranh cũng bổ ích chả kém việc dành chừng ấy thời gian cho đọc sách.

Khi người ta có năng khiếu làm gì đấy, nghĩa là dễ thành công trong việc ấy, người ta sẽ phấn khởi lao vào việc ấy. Khi không có năng khiếu gì mấy thì họ dành thới gian làm một việc dễ dãi hơn là đọc sách, đọc tạp nham, tả pí lù. (ở đây tôi không ám chỉ một thiểu số những người thực sự có năng khiếu đọc và hiểu sâu sắc vấn đề như đồng chí Gấu).

Mỗi giới đều tìm được những người bạn cùng sở thích với mình. Dân “mọt sách” hẳn đã chứng kiến lòng tự hào và đam mê của giới hoạ sỹ, ở họ học hàm nghĩa tích luỹ tri thức một cách từ tốn lai rai, qua những ngày bờ bụi dã ngoại, sáng tạo có ý nghĩa nhiều hơn việc học. Ai bảo rằng họ lãng phí thời gian và không biết sống? Tôi thích dân biết vẽ, biết chơi đàn, biết múa hơn dân chỉ biết nói xuông, tràn giang đại hải về hoạ, nhạc, vũ. Sống nhiệt tình say mê, sống đúng với sở thích quan trọng hơn là học hùng hục những thứ mình chẳng biết sẽ áp dụng ở đâu, khi nào, học chỉ bởi vì không có khả năng làm gì khác.

Nhồi nhét tri thức chỉ là một trong hàng vạn hoạt động của cuộc sống.

Tôi không phê phán chuyện tích luỹ kiến thức, tất cả chúng ta ở đây đều học hành không ngừng nghỉ đến suốt đời, cấp tập hoặc lai rai, bằng cách này hay cách khác, và đều có ít ra mục đích học-đọc để giải trí chứ không nhất thiết để tiến thân. Nhưng tôi không đề cao kiến thức như một cái gì đó quý hoá, xa xỉ bởi lẽ bể học như đại dương, vấn đề như hạt muối, biết hạt nào hơn hạt nào. Chắc các bạn đã hơn một lần khó chịu với ai đó rao giảng say sưa về một vấn đề cho dù mới nhưng chẳng logic gì hết, trình bày lung tung chứng tỏ người đó chả hiểu cái mẹ gì, tư duy có vấn đề nhớn. Hay thất vọng vì ai đó truyền đạt kiến thức, nhưng khi đọc lại ta thấy họ truyền đạt sai hoặc Input thế nào Output thế ấy, hiểu biết thiếu sâu sắc, sáng tạo. Đấy là những nguy hiểm của việc đề cao tri thức, khốn nỗi lại rất phổ biến ở xã hội VN ta hiện nay. Đa số chúng ta không khổ sở vì xung quanh có nhiều người kém hơn mình, không hiểu biết bằng mình mà chỉ khó chịu vì những kẻ chả hơn gì mình nhưng cứ thích lên lớp mình.

“Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, bản thân mỗi người phải giỏi 1 nghề chính để kiếm sống, để xã hội công nhận rồi mới nói đến những kiến thức hoa lá cành khác.

Những quy tắc vàng bắt chước kiểu giáo huấn của chủ tịch Hồ Chí Minh hay lãnh tụ Lê nin vỹ đại nghe có vẻ hay ho nhưng chẳng có giá trị áp dụng gì mấy. Hãy xem các đồng chí đang học ở Mỹ trong US guide, nhiều người trong họ rất giỏi giang nhưng trình bày vấn đề rất ngắn gọn, khúc triết, tận tuỵ và vô tư.

Điều cuối cùng, người ta không những biết nhớ mà còn phải biết quên nữa. Não người có 14 tỉ nơ-ron và nếu 1 người từ bé đến giờ chả bao giờ quên thì hoặc người ấy là siêu nhân hoặc người ấy chưa tích luỹ đầy bộ nhớ hữu hạn ấy. Lãng quên là quá trình tự nhiên thực ra không liên hệ gì đến việc học kỹ hay không. Quan trọng là ở chỗ khi cần sử dụng đến người ta biết cần tìm nó ở đâu và học nhanh với tốc độ như thế nào. Tôi nghĩ rằng nhiều người nói không thèm đọc một cuốn sách nào (chả có sinh viên nào không đọc một cuốn sách nào) chẳng qua để bày tỏ quan điểm đề cao Tư duy và Tốc độ cập nhật tri thức hơn bản thân tri thức.

Thêm một chút Vĩ thanh: Những thứ nên học mà bạn đã liệt kê (triết học, logic học, tôn giáo, lịch sử và đặc điểm xã hội Mỹ, lịch sử và hình thái kinh tế xã hội thế giới, lịch sử về sự phát triển các tôn giáo chính ) cũng rất cần thiết nhưng khái niệm to lớn hơn về Văn Hoá Mỹ và Thế giới bao gồm cả các ngành nghệ thuật, giao tiếp (communication) v.v... cũng quan trọng không kém. Ngoài ra tại sao không kể đến Tâm lý học, Đặc điểm địa lý - sinh thái Mỹ, Luật và các quy tắc xã hội, các thể chế chính trị, các công nghệ mới...Nói tóm tại, cái gì mà chẳng phải học


Em cũng xin bổ sung một ít về cách học.

Thường thì khi thấy một dạng toán mới, chúng ta đều bắt tay vào tìm hướng đi và lời giải cho nó. Theo em việc này là lãng phí thời gian. Nếu có lời giải thì việc đầu tiên là xem lời giải trước, từ đó dẫn đến hiểu được tại sao người ta lại làm thế, sau đó tự mình đưa ra một bài tương tự rồi làm lại, cách học như vậy sẽ giúp ta nhớ lâu hơn mà tiết kiệm thời gian.

Khi học ở trên lớp, điều quan trọng nhất là phải hiểu được bài ngay, chứ đừng có kiểu cứ chép xong rồi về nhà học lại, như thế có thể dẫn đến thiếu sót hoặc hiểu không kỹ bài. Sau khi học xong về cũng nên xem qua lại một lượt luôn, như thế sẽ nắm rất chắc kiến thức. Cách học này cũng giúp tiết kiệm thời gian học mà lại tăng hiệu quả.

Về tư duy sáng tạo, đúng là học sinh Việt Nam rất kém. Một phần lớn là do cách dạy của các thầy ở nhà. Cách học để dẫn đến khả năng sáng tạo tốt nhất là trình bày vấn đề theo một cách rõ ràng, mạch lạc, chi tiết nhất. Từ đó chúng ta sẽ có cái nhìn chính xác và rõ hơn về một vấn đề. Lấy ví dụ một đề toán, nếu là các thầy Việt Nam ra thì thường chỉ ngắn gọn với vài con số, nhưng nếu là thầy Mỹ ra thì nó lại là cả môt câu truyện, dẫn giải rất liên quan đến thực tế. Như vậy cách đặt vấn đề chi tiết, mạch lạc là một bước rất quan trọng dẫn đến sáng tạo.

Bên cạnh đó là khả năng tư duy, học sinh Việt Nam thường suy nghĩ khá máy móc, tư duy không thoáng, vậy cách giải quyết là gì? Các trường đại học ở Việt Nam chưa đưa bộ môn Luận sáng tạo vào giảng dạy, trong khi hầu hết trường đại học ở Mỹ đều có. Phương pháp luận sáng tạo giúp người học cùng lúc có thể tiếp cận vấn đề theo nhiều cách khác nhau, phân tích những khía cạnh nhỏ nhặt nhất, nhưng cũng thực tế nhất. Con người cần phải cởi mở trong suy nghĩ, không thể gò bó trong những khuôn khổ đã có sẵn, và nên tiếp thu và đánh giá những cái mới (có thể phản bác lai suy nghĩ của mình) một cách khách quan nhất.

Tóm lại, tiết kiệm thời gian tối đa cho việc học, nắm bắt ngay kiến thức khi học xong, cởi mở tư duy, tiếp cận vấn đề dưới nhiều hình thức khác nhau sẽ giúp việc học của bạn tiến bộ lên nhiều.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: