Kinh tế học siêu vĩ mô

08:38 SA @ Thứ Năm - 28 Tháng Tám, 2008

3b.1. Chủ thể điều hành kinh tế siêu vĩ mô

Trong thời đại của mình, Lênin đã chỉ ra sự câu kết giữa tư bản công nghiệp và tư bản tài chính với sự tập trung cao độ, thành các đầu sỏ tài chính. Lênin đã nhận xét rằng chỉ có ba, năm nhóm tư bản tài chính khống chế, thống trị toàn bộ nền kinh tế của một nước. Vậy trong thời đại ngày nay sự câu kết của tư bản đó có hình thái mới như thế nào? Các nhà tư bản đã có những mối liên kết chặt chẽ hơn hay lỏng lẻo đi?

Không phải ngẫu nhiên hiện nay có những bài viết về những tổ chức siêu mật đóng vai trò thống trị thế giới, như Tập đoàn bàn tròn của Anh, Uỷ ban ba bên và Hiệp hội quan hệ ngoại giao ở Mỹ, Thanh Thương hội, Hội Sư tử ở Đông Á, đặc biệt là Hội Tam điểm (Freemason) có truyền thống hàng trăm năm mà người ta nói rằng đó là tổ chức bí mật của các yếu nhân hiện diện ở hầu hết các nước trên thế giới. Dư luận cho rằng muốn trở thành tổng thống Mỹ thì trước hết phải là thành viên của Hội Tam điểm. Trong số 56 người ký tên vào Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ thì có 29 người là thành viên Hội Tam điểm.

Năm 2002, báo chí Mỹ có nói đến Hội Skull & Bones 322 mà các hội viên của nó hiện là những ông chủ thực sự của thế giới. Đó là một tổ chức siêu mật được thành lập năm 1832, và có siêu quyền lực trong các hoạt động kinh tế xã hội ở nước Mỹ và trên thế giới, mà những thành viên của nó có hai ứng cử viên tổng thống Mỹ năm 2004, Kerry là thành viên của Hội từ năm 1966, và Bush là thành viên của Hội từ năm 1968. Khi cho rằng Hội này nắm những quyền lực tuyệt đối về tài chính, chính trị, tình báo và thông tin đại chúng, cùng với việc đưa người vào các cương vị chủ chốt trong hệ thống chính trị và xã hội của nước Mỹ, đồng thời giữ vai trò chủ đạo trong tri thức và tư tưởng của nước Mỹ bằng việc thành lập hàng loạt hội nghiên cứu về tâm lý, lịch sử, kinh tế,... người ta đã không đánh giá hết tầm vóc và ảnh hưởng của Hội đối với nước Mỹ trong lịch sử, đặc biệt trong việc tổ chức và lãnh đạo xã hội Mỹ thích ứng với đà tiến triển như vũ bão của nền kinh tế hậu công nghiệp và sự bành trướng mạnh mẽ của tư bản hậu công nghiệp.

Những thành viên của tổ chức bí mật này, hay những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của nó, phải đóng góp một phần mười thu nhập cho các quỹ khác nhau, trong đó phần lớn vào các quỹ từ thiện, vào các hội đoàn phi lợi nhuận. Điều này lý giải vì sao người Mỹ, doanh nghiệp Mỹ, lại có nhiều lòng hảo tâm đến như vậy.

Không phải ngẫu nhiên mà báo chí lại nói đến các hội siêu bí mật như vậy trong tiến trình toàn cầu hoá đang diễn ra nhanh chóng. Nếu như trong quá khứ, có hội siêu bí mật đã lãnh đạo nền kinh tế Mỹ vững vàng tiến bước, thì trong điều kiện mới của tiến trình toàn cầu hoá, nhân dân Mỹ hãy vững tin vào những gì hội siêu bí mật đang làm và sẽ làm vì lợi ích của nước Mỹ.
Trong một nước, các trùm tư bản đã hợp nhất lại thành một khối duy nhất. Việc tạo ra các tạo phẩm phi vật thể đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ các đại tư bản lại với nhau, và có thể có những cách thức mà người ta không thể hình dung theo cách thông thường. Việc tạo ra các tạo phẩm phi vật thể đã đẩy đến tình trạng như vậy vì chỉ có như vậy, tư bản hậu công nghiệp mới có thể vận động đem lại hiệu quả cao. Sự thống nhất này là tiền đề để kiểm soát được sự phức tạp phát triển đến chóng mặt hiện nay của khoa học công nghệ và đời sống xã hội.

Chắc chắn các nhà tư bản Mỹ liên hiệp lại với nhau thành khối thống nhất, duy nhất, không còn tình trạng năm, ba nhóm đầu sỏ như trước, và tìm cách khẳng định địa vị, vai trò thống trị của tư bản Mỹ trong nền kinh tế thế giới. Với thuận lợi thu được qua hai cuộc đại chiến thế giới của thế kỷ hai mươi, tư bản Mỹ đã có ưu thế tuyệt đối so với các loại tư bản ở các nước còn lại trên thế giới. Các đại tư bản Mỹ liên kết chặt chẽ với nhau và điều hành nền kinh tế siêu vĩ mô trong tiến trình toàn cầu hoá. Tổ chức thống nhất của tư bản Mỹ thực sự tồn tại, và nó đóng vai trò "bàn tay bí mật-vô hình" điều hành nền kinh tế siêu vĩ mô, là chủ thể điều hành kinh tế siêu vĩ mô. Quá trình toàn cầu hoá khiến thế giới xuất hiện nền kinh tế siêu vĩ mô. Chỉ có một tổ chức đặc biệt mới có khả năng điều hành kinh tế siêu vĩ mô, và tư bản Mỹ đã đảm nhận vai trò đó. Tư bản hậu công nghiệp đòi hỏi tổ chức đó phải làm các công việc rộng lớn hơn nhiều những gì người ta gán cho các hội siêu mật, trong đó tạo ra các loại tư bản mới và giáo dục về tư bản mới là công việc then chốt để xã hội có cách hành xử đúng với tư bản hậu công nghiệp. Khi vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường đang được nhận diện lại vì nhà nước không thể tạo ra các loại tư bản mới và giáo dục cho dân cư về tư bản mới, không sáp nhập, mua bán các đại công ty nhằm mục đích cứu những tư bản cũ, mang lại hình thái tư bản mới cho tư bản cũ, khi không thực hiện được việc tạo ra được những thủ đoạn mới để giành được ưu thế với tư bản của các nước khác thì tổ chức bí mật này đứng ra làm các việc đó.

Một khi thừa nhận có tổ chức như vậy can thiệp vào nền kinh tế toàn cầu thì sẽ lý giải được hàng loạt nghịch lý đang diễn ra trong nền kinh tế thế giới hiện nay. Những vấn đề kinh tế phải được nhìn nhận khác đi. Vai trò của các chính phủ không còn được nhìn nhận như trước. Các dòng tiền của quốc tế luân chuyển theo những con đường mà chính phủ không kiểm soát được, nhưng tổ chức liên kết của các nhà đại tư bản hoàn toàn kiểm soát được. Tư bản Mỹ chiếm vị trí thượng phong, và họ lợi dụng quan niệm thông thường của các lý thuyết kinh tế hiện hành để che giấu ý đồ thực sự và thực hiện ý đồ lãnh đạo kinh tế thế giới của mình một cách dường như tự nhiên.

Chủ thể đó đã làm được nhiều việc phân công phân nhiệm các hoạt động của đời sống xã hội và định hướng hoạt động của xã hội và giành cho mình làm những công việc mà sự phát triển của tư bản hậu công nghiệp đòi hỏi. Chủ thể cũng có những biện pháp trừng trị, xử lý những người hay tổ chức đi ngược lại quyền lợi chung. Nếu những cá nhân lãnh đạo tập đoàn kinh tế lớn lại sử dụng quyền lực để mưu đồ lợi ích cá nhân, gian dối, làm phương hại đến quyền lợi chung thì chủ thể không ngần ngại đánh sập luôn tập đoàn đó và đưa các nhân vật lãnh đạo vào vòng lao lý. Các vụ phá sản của các đại công ty Enron, WorldCom, Tyco,... ở Mỹ thời gian qua là minh chứng. Nhưng tài sản của các đại công ty đó được mua lại và gia nhập tài sản của các hãng có tên tuổi khác, và giá trị của chúng sẽ được phục dựng lại.

Các quyền lực xã hội phải được bảo vệ để không thể bị xói mòn, phải có biện pháp hữu hiệu chống sự xói mòn thì quyền lực đó mới có cơ tồn tại lâu dài. Quyền lực đó có thể bị xói mòn theo nhiều cách khác nhau: do chính sách, do sức mạnh nền kinh tế, nhưng có điều là người ta có cách thức để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh với các nước khác. Người ta nghiên cứu tiền tệ theo cách phải làm nổi bật lên rằng có những thứ có tiền cũng không mua được, trong đó có khả năng sáng tạo. Quyền lực của đồng đô la Mỹ không những không bị xói mòn bởi nhiều loại tư bản trước đây vẫn đại diện cho sức mạnh của nó bị xói mòn, mà ngược lại còn gia tăng khi các tư bản mới xuất hiện và gia tăng. Mỗi loại tư bản làm tròn phận sự của mình, còn những thành quả của nó được các loại tư bản mới tiếp quản.

Sự tồn tại của các tổ chức siêu mật của các yếu nhân là điều khiến cho rất nhiều điều rắc rối phức tạp, bí ẩn trở nên đơn giản, dễ hiểu. Khi tổ chức đó đứng đằng sau mọi chuyện, sự sáp nhập và hình thành các tập đoàn kinh doanh, sự giầu có nhanh chóng của một số cá nhân với những nguồn vốn lập nghiệp đầy bí ẩn trở nên rõ ràng và đơn giản. Được sự hỗ trợ của các tổ chức siêu mật, các cá nhân đạt được tài sản kếch xù trong một thời gian ngắn, nhiều doanh nghiệp nhanh chóng trở thành đại tập đoàn trong thời gian ngắn. Đổi lại, các tổ chức đòi hỏi sự phục vụ của các cá nhân, các doanh nghiệp đó từ các nghĩa vụ tài sản đến các hoạt động phối hợp với nhau khi cần thiết.

Nhận thức được vai trò chủ thể điều hành kinh tế siêu vĩ mô là điều thiết yếu để hiểu được thực chất của những biến động trong nền kinh tế thế giới. Do vị thế lợi hại của các tư bản mới trong việc giành được sức mạnh kinh tế, nên những khám phá mới về những hoạt động, lộ trình và những gì mà các loại tư bản mới là những bí mật mà người ta không dễ tiết lộ. Một khi nhận diện được những tư bản mới, những người phát hiện ra chúng hầu như không công bố để nhằm độc tôn khai thác các thuộc tính của chúng. Người ta nghiên cứu sự vận động và tận dụng chúng để làm vũ khí giành được thắng lợi trong sự phát triển tư bản, phát triển kinh tế. Việc lột bỏ tính chất bí mật của những hình thái tư bản mới khiến cho người ta thu được cách lý giải thực tế cho những hiện tượng kinh tế rất lạ lùng đang diễn ra hiện nay.

3b.2. Công cụ điều hành kinh tế siêu vĩ mô

Sự cạnh tranh gay gắt của các thế lực kinh tế đã đạt được những hình thái tư bản mới giữa các nhóm tư bản với nhau, người ta không ngần ngại che giấu ý đồ thực sự, lừa nhau để che đậy thực chất điều gì đang diễn ra. Trong quân sự hay trong chính trị, việc đánh lừa người khác, thấy đối phương nhìn nhận tình hình không đúng với thực tế thì người ta lợi dụng ngay sai lầm của đối phương, đánh lừa đối phương, giành ưu thế về phía mình. Trong thực tiễn hoạt động kinh tế hiện nay, khi thương trường là chiến trường, người ta lợi dụng ngay sự không hiểu biết thực chất tình hình phát triển kinh tế xã hội của nước khác để thu lợi cho mình.

a. Tạo ra các loại tư bản mới

Tạo ra các loại tư bản mới của tư bản hậu công nghiệp là công việc trọng yếu của chủ thể điều hành kinh tế siêu vĩ mô. Khi tạo ra một loại tạo phẩm phi vật thể mới, người ta tìm cách tư bản hoá chúng. Đây là công việc không dễ dàng. Công việc này đòi hỏi nhiều trí tuệ, đòi hỏi sự huy động nhiều nguồn lực và cần phải có nhiều thủ đoạn và biện pháp đồng thời nhằm đưa những tư bản này ra thử nghiệm và làm cho xã hội chấp nhận. Một khi tư bản mới được tạo nên thì nó đòi hỏi những vấn đề thể chế đi kèm thì nó mới có môi trường hoạt động có hiệu quả. Một tư bản hậu công nghiệp khi được tạo ra cần thu hút được những nguồn lực để nó vận hành và tồn tại đến khi hoàn thành vai trò của nó, có làm được như vậy mới tạo được niềm tin trong xã hội về tính mới của tư bản đó. Tư bản đó cần được "chăm sóc, nuôi dưỡng" để nó có thể tái sản xuất được, trở nên vận hành thường trực, và phát triển đến mức tự khẳng định được mình đối với xã hội. Việc thường xuyên tạo ra được những tư bản mới là cách thức để tăng cường sự năng động của xã hội, khiến cho tư bản vượt qua được những cuộc khủng hoảng do những mâu thuẫn nội tại của các loại tư bản cũ mang lại. Tư bản mới có đi vào cuộc sống được hay không thì đòi hỏi phải có những thiết chế mới để tư bản đó vận động và tăng trưởng.

Việc tư bản hậu công nghiệp là công trình chung của xã hội đã đặt cho giáo dục vai trò to lớn. Các đẳng cấp tư bản khác nhau ăn sâu vào xã hội và có tính lan toả. Giáo dục có vai trò mới là đưa tư bản mới thâm nhập vào các tầng lớp xã hội. Không có giáo dục thì người ta không mua một cái áo có đính nhãn mác của một hãng tên tuổi ở các nước phát triển với giá gấp mấy chục lần cũng cái áo đó có nhãn mác của hãng không có tên tuổi. Không có giáo dục thì người ta sẽ mua một phần mềm sao chép với giá rẻ chứ không phải với giá cao chính gốc của hãng sản xuất. Không có giáo dục, người ta sẽ mua các bản sao trộm các tác phẩm âm nhạc, điện ảnh chứ không mua bản chính gốc. Không được giáo dục và đào tạo người ta không sử dụng được các phần mềm, không sử dụng hay tiếp nhận, truy cập các tạo phẩm phi vật thể trong khoa học, công nghệ và xã hội. Không có giáo dục và đào tạo thì không thể vận hành được tư bản hậu công nghiệp. Không được giáo dục, người ta không thấy được cơ hội mới đến, thấy được những gì cần phải tranh thủ để tạo nên những trào lưu của tư bản mới. Giáo dục đóng vai trò trọng yếu trong việc tạo ra thế hệ những người tiêu dùng mới, đào tạo lại những người tiêu dùng truyền thống, do đó tạo tiền đề để mở ra những nhu cầu hoàn toàn mới. Đây là công trình chung của xã hội có nhiều nhánh vận hành đồng thời.

Vấn đề là ở chỗ sự giáo dục đã mở rộng ra không còn là những thứ giảng dạy trên trường lớp nữa, mà có vô số hình thức giáo dục mới trực tiếp lẫn gián tiếp, chủ động hay thụ động. Giáo dục tạo ra chuẩn nhận biết, chuẩn đo lường về các loại tư bản mới được tạo ra, và hơn nữa, tạo nên những tính phổ quát của các giá trị mới trong toàn xã hội. Trong các thứ này, việc tạo ra được những tiền lệ là điều rất quan trọng, như việc một chủ tịch kiêm tổng giám đốc được bổ nhiệm ở một tập đoàn làm tăng giá trị cổ phiếu của tập đoàn đó sẽ là một tiền lệ khiến cho các công ty săn tìm những người mà có khả năng đem lại sự gia tăng về cổ phiếu khi họ được bổ nhiệm. Nhưng vấn đề ở đây là không thể để cho tình trạng này là một sự kiện ngẫu nhiên riêng biệt, mà phải là sự mở đầu cho một trào lưu mới, cuốn hút các nguồn lực của xã hội, và thường xuyên tái tạo, kích hoạt lại. Trong điều kiện tạo phẩm phi vật thể hàm chứa tư bản thì có những yêu cầu mới đặt ra cho giáo dục, khiến cho giáo dục phải có bước phát triển mới, và phải đa chiều, để người ta thấy được một hình thái cụ thể có những cách thức phát triển mới, nhiều đối tượng tiến hành theo nhiều kiểu khác nhau. Giáo dục bằng cách thuyết phục, bằng cách kích thích người học phát triển những khả năng tự mình rút ra những kết luận và bằng nhiều cách thức phi truyền thống khác như những trò chơi mà thể hiện những mối quan tâm trên bình diện rộng lớn như tập trận giả, trò chơi kinh doanh,...

Trong việc giáo dục về tư bản hậu công nghiệp cho xã hội, các hội đoàn, các tổ chức phi chính phủ có vai trò to lớn, thâm nhập vào mọi ngóc ngách của xã hội, với các biện pháp vô cùng phong phú, và để cho các hội đoàn này tồn tại và hoạt động có hiệu quả thì chủ thể điều hành siêu vĩ mô có cơ chế thu hút tiền từ các nguồn trong xã hội chuyển vào các hội đoàn, tổ chức này. Do nhận thức khác nhau về vai trò của giáo dục đối với việc đưa tư bản mới thâm nhập vào xã hội nên các xã hội có sự phát triển khác nhau về tạo dựng cơ sở nền tảng của nền kinh tế hậu công nghiệp.

b. Tập trung tư bản

Chủ thể điều hành kinh tế siêu vĩ mô đã thực hiện được công việc sở hữu thì phân tán, nhưng tư bản thì tập trung. Lúc bình thường thì tư bản phân tán, khi cần thiết thì tư bản được tập trung lại. Có sự điều phối hoạt động của các chủ sở hữu tư bản, thậm chí có kỷ luật thép.

Việc tập trung tư bản để làm những việc gì đó từ nhiều nguồn khác nhau đã làm cho tình trạng giá "ảo" trở thành thực. Việc nhiều người mua liên tục sẽ đẩy giá cổ phiếu nào đó tăng cao bất thường, từ đó có công cụ để những doanh nghiệp có triển vọng nhanh chóng trở thành đại công ty. Điều bí ẩn trong việc mua bán, sáp nhập các đại công ty, tình hình bên mua chịu thiệt bên bán được lợi diễn ra phổ biến thì có nghĩa rằng vụ mua bán đã được sắp xếp để cứu bên bán. Những vụ mua bán có giá hàng chục tỷ đô la Mỹ phải có động thái riêng của chủ thể.

Một khi tư bản được tập trung lại thì với lượng tư bản khổng lồ lên tới hàng trăm tỷ đô la, thậm chí hàng ngàn tỷ đô la, thì không một quốc gia nào, không một khối quốc gia nào có đủ sức mạnh ngăn cản nổi các tác động gây ảnh hưởng của chủ thể. Các cuộc khủng hoảng là cần thiết để tái cơ cấu lại nền sản xuất xã hội, là điều cần thiết để người ta đoạn tuyệt với cách suy nghĩ và lề lối cũ. Nhưng không một thế lực công khai nào lại dám phát động khủng hoảng trong nước mình. Để làm được điều này thì cần phải bí mật, rất bí mật. Nước Mỹ trong thế kỷ hai mươi đã trải qua hai mốt cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính, nhưng vẫn tiến bước và trở nên hùng mạnh. Trong những cuộc khủng hoảng này có khủng hoảng "tốt" và khủng hoảng "xấu". Việc tạo ra các cuộc khủng hoảng "theo đơn đặt hàng" ở các nước khác là việc nằm trong tầm tay của chủ thể.

c. Giành công cụ điều hành kinh tế vĩ mô của các nước khác

Chủ thể điều hành kinh tế siêu vĩ mô hoàn toàn làm được các công việc điều hành kinh tế vĩ mô của một nước, thậm chí tước quyền điều hành kinh tế vĩ mô của các chính phủ. Chủ quyền quốc gia là điều phải tính đến trong khi tình trạng đô la hoá hiện đang diễn ra ở nhiều quốc gia với mức độ khác nhau. Khi quỹ dự trữ đô la giảm xuống thì quỹ dự trữ của các đồng tiền khác tăng lên, có nghĩa là chủ thể điều hành kinh tế siêu vĩ mô có thêm các công cụ để kiểm soát các nền kinh tế khác vượt qua được những biện pháp can thiệp bằng hành chính của các nước khác. EU có thể thi hành các biện pháp hành chính với đồng đô la, nhưng khó có biện pháp hành chính với đồng Euro. Trong cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á, Malaysia đã sử dụng các biện pháp hành chính can thiệp vào mối quan hệ giữa đồng nội tệ và đồng đô la Mỹ và biện pháp này có kết quả. Thực tế này khiến cho chủ thể điều hành kinh tế siêu vĩ mô phải thay đổi cách hành xử, nhất là với khu vực đồng Euro có tiềm lực tài chính và kinh tế gấp bội tiềm lực của Malaysia.

Những kịch bản tương lai, những hành vi tương lai của chủ thể này mới là những điều quan trọng. Chủ thể siêu quyền lực hoạch định những gì các chính phủ được làm, những gì không được làm. Thông qua các hiệp định thương mại, chính sách tài chính của các nước bị hạn chế. Còn việc hạn chế chính sách tiền tệ của mỗi nước thì cần có những biện pháp và thủ đoạn đặc thù.

Cách thức chủ thể đó dùng đồng đô la để hạn chế chính sách tiền tệ của các nước khác như thế nào? Theo tiến trình thực hiện đầu tư bên ngoài nước Mỹ, chủ thể đã có thể kiểm soát một lượng tiền khổng lồ các đồng ngoại tệ. Nhưng đó chưa đủ để chủ thể có thể thực hiện việc điều khiển nền kinh tế các nước khác. Chủ thể cần phải thu hút thêm các đồng ngoại tệ nữa. Chủ thể bán ra khối lượng lớn các đồng ngoại tệ của chủ thể để lấy đồng đô la Mỹ. Điều này làm cho đồng đô la giảm giá mạnh so với các đồng tiền khác. Trong ba năm đồng đô la mất giá 50% so với đồng euro, vậy ba năm tới đồng đô la có lấy lại giá trị đối với đồng euro không? Hiển nhiên rằng dưới nhãn quan kinh tế học hiện nay, người ta thấy đồng đô la nhất định phải giảm giá để nước Mỹ có lợi. Chủ thể này còn có mục tiêu lâu dài hơn. Trong lúc này, nước Mỹ bán đồng euro để mua đô la, số lượng đô la ở ngoài nước Mỹ được mua vào. 100 euro mua được 150 đô la. Ba năm sau, 150 đô la mua được 150 euro. Như vậy hiện giờ chủ thể bỏ 100 đô la để thu về 150 euro sau ba năm nữa. Trong tiến trình 6 năm đó, có những vấn đề mới nảy sinh đem lại lợi thế cho đồng đô la Mỹ.

Kinh tế vĩ mô hiện nay của các nước phụ thuộc vào động thái của chủ thể. Khi chính sách tiền tệ thay đổi thì chủ thể điều chuyển tiền từ ngoài vào, hay rút bớt tiền đi. Sự phối hợp như thế khiến cho chính sách trở nên có hiệu quả, đáng tin cậy. Nhưng mục đích của chủ thể là đóng vai trò mồi đối với các luồng đầu tư đến và đi.

Thủ đoạn gây ra khủng hoảng đối với đồng bảng Anh đã được thực hiện đối với khủng hoảng Châu Á, nhưng lại đem lại sự thống trị của nước Mỹ. Chủ thể chờ đồng euro đi vào ổn định rồi mới ra tay. Đồng đô la mất giá làm cho các nước khốn đốn, và chủ thể trục lợi được từ hoàn cảnh này. Khi các nước buộc phải bán chính những đồng tiền của mình dự trữ đi để mua đồng đô la về thì chủ thể sẽ bán ra những đồng ngoại tệ của mình. Sức mạnh kinh tế của Mỹ buộc các nước khác phải bán đồng nội tệ của mình đi, như thế mở đường thâm nhập của chủ thể vào nền kinh tế, và nguy cơ khủng hoảng lại treo trên đầu các nước khác cao hơn, khi mà một số lượng lớn đồng tiền của họ lại do chủ thể chi phối.

Quan hệ kinh tế nội tại nước Mỹ vẫn diễn ra bình thường với đồng đô la bất chấp tỷ giá của nó với các đồng tiền khác. Nhưng hành động xuống giá của đồng đô la Mỹ so với các đồng tiền chính của thế giới tư bản như đồng Euro, yên Nhật, bảng Anh thúc đẩy sự hình thành một đồng tiền thực sự duy nhất của thế giới, chịu sự lãnh đạo siêu vĩ mô của tư bản Mỹ. Một khi có được đồng tiền thế giới thực sự duy nhất thì quyền điều hành siêu vĩ mô sẽ thuộc về tư bản Mỹ.

Người ta có cách thức dùng tiền để tập trung được các sức mạnh xã hội, dùng tiền vào những chỗ nhất định để thúc đẩy sự gia tăng sức mạnh của nền kinh tế mà người khác không thấy được. Nắm được khối lượng lớn đồng tiền của các nước thông qua các hoạt động đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp. Việc đầu tư cần đem lại sự phát triển cho các nước thì các nước mới mở của thu hút đầu tư, và tạo các điều kiện để hoạt động đầu tư diễn ra thuận lợi, được bảo đảm. Tại sao khối EU lại thúc đẩy sự ra đời của đồng EU nhanh đến như vậy, và đối trọng của nó với đồng đô la Mỹ đã được thực hiện đến đâu? Trước đây không lâu, với những lợi ích được người ta đưa ra, việc thành lập đồng tiền chung Châu Âu là điều gần như không tưởng, nhưng trước nguy cơ bị tước mất quyền điều hành kinh tế vĩ mô của mỗi nước do sự bành trướng đến mức lấn át của đồng đô la so với các đồng nội tệ như Franc Pháp, Mark Đức,...nên việc thành lập đồng tiền chung Châu Âu đã trở thành hiện thực nhằm để giành được quyền chủ động nào đó của các nước đối với điều hành kinh tế vĩ mô của mình.

Chủ thể này đã tạo ra những công cụ mới, phi truyền thống, để đạt được mục tiêu thống trị thế giới. Việc chủ động gây ra các cuộc khủng hoảng cho đối phương là một cách thức triệt hạ đối phương, để mua rẻ tài sản của đối phương, đưa tài sản của đối phương vào tay các chủ mới, mà chỉ riêng việc đó thôi đã đem lại những tạo phẩm phi vật thể mới vào tài sản đó, do đó làm gia tăng giá trị của các tài sản đó. Việc nhiều nước thực hiện đô la Mỹ hoá nền kinh tế của mình ở những mức độ khác nhau hay gắn sự biến động tỷ giá đồng tiền của mình với đồng đô la Mỹ đã làm tăng thêm sức mạnh của chủ thể đó trong việc giành các công cụ điều hành kinh tế vĩ mô của các nước có đồng tiền độc lập khác. Nước Mỹ chỉ phản đối lấy lệ khi đồng nhân dân tệ của Trung Quốc có tỷ giá ổn định với đồng đô la. Dù bị cho là được định giá thấp hơn giá trị của mình, sự ổn định tỷ giá của đồng nhân dân tệ với đồng đô la Mỹ đã làm gia tăng sức mạnh của đồng đô la Mỹ trong việc trở thành đồng tiền thống trị các đồng tiền khác.

3b.3. Tập đoàn kinh doanh

Các đại công ty phải đủ lớn để làm được nhiều việc. Trong một đại công ty có nhiều tư bản thuộc các đẳng cấp khác nhau cùng tồn tại. Những tư bản có đẳng cấp khác nhau có chiều hướng vận động khác nhau. Việc hình thành các tập đoàn kinh doanh mạnh là chủ đề đang được quan tâm, vì người ta thấy rằng nếu một quốc gia không có những tập đoàn kinh doanh mạnh thì không thể chủ động vươn lên nhanh chóng sánh kịp các nước phát triển. Vấn đề ở đây là phải hiểu rằng tập đoàn làm những công việc gì, chứ không phải là việc làm những công việc của một doanh nghiệp cỡ nhỏ và vừa nhưng với quy mô tăng lên gấp bội.

Công việc của tập đoàn chính là tạo nên những tạo phẩm phi vật thể mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa không làm được. Đó là làm cho giá trị của các thương hiệu cao hơn gấp nhiều lần giá trị tài sản hữu hình. Đó là vận động hành lang để có những quyết định của chính quyền ở những nước mà tập đoàn hoạt động ra những quyết định có lợi cho các hoạt động của mình. Đó là tiến hành các vụ mua bán và sáp nhập, để cứu cho các hoạt động của nhau, hay là khuếch trương các giá trị tư bản....

Tập đoàn kinh tế hiện nay đã phát triển lên một trình độ mới, khác rất nhiều những gì người ta vẫn hình dung về tập đoàn kinh tế, đặc biệt về những gì mà thực chất tập đoàn đang tiến hành. Sự hình thành các tập đoàn kinh tế lớn và sự sáp nhập mua lại các tập đoàn kinh tế lớn không diễn ra tự phát mà có sự điều phối của chủ thể điều hành kinh tế siêu vĩ mô. Khi người ta thấy rất nhiều tập đoàn khác biệt nhau về văn hoá, sáp nhập với nhau, điều khó khăn nhất là giải quyết vấn đề quyền lực của những người lãnh đạo cao cấp thì người ta thấy rằng có bàn tay nào đó sắp xếp để mọi chuyện kết hợp những điều tưởng chừng không thể kết hợp được diễn ra.

Các công ty đa quốc gia thực hiện sự thống trị của chúng bằng cách phát triển những quyền lực nào đó. Chúng không phải thực hiện những quan niệm thuần tuý về mặt lợi nhuận theo nghĩa thông thường mà chúng tạo dựng nên những tạo phẩm phi vật thể của chúng, trong đó có thương hiệu, mà điều đó làm cho các người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn đối với những sản phẩm của chúng hơn là các hãng khác không có được vai trò như thế. Đẳng cấp của thương hiệu là cái có ý nghĩa hơn tất cả những gì mà việc tạo ra các tạo phẩm của chúng mà có giá trị lớn hơn.

Nội dung liên quan

  • Lời thú tội của một sát thủ kinh tế

    03/05/201620 năm sau khi viết cuốn "Lương tâm của một sát thủ kinh tế", John Perkins - một cựu sát thủ kinh tế (EHM) - đã phải chứng kiến những sự kiện kinh hoàng trên thế giới. Bản thân tác giả đã có lúc bị níu chân bởi "những lời đe dọa hay những khoản đút lót"...
  • Wikinomics: Sự cộng tác đại chúng đã làm thay đổi thế giới như thế nào?

    27/08/2008Anthony D. Williams. Don TapscottViệc sáng tạo tri thức nảy sinh trong những mạng xã hội nơi mọi người học và dạy lẫn nhau. Wikinomics cho thấy hiện tượng này đi về đâu khi có thêm động lực thu hút các ý tưởng và năng lực của khách hàng, nhà cung cấp, và nhà sản xuất vào việc cộng tác đại chúng. Một cuốn sách bắt buộc phải đọc cho những ai muốn có một bản đồ của thế giới tương lai...
  • Kinh tế học siêu vĩ mô: Cơ sở khoa học của sự phát triển đuổi kịp các nước tiên tiến

    20/08/2008Vấn đề tiền ở đâu ra là vấn đề làm đau đầu toàn xã hội từ tầm vĩ mô cho tới vi mô, từ các nhà hoạch định chính sách cho tới chủ doanh nghiệp nhỏ và người dân bình thường. Những khó khăn về tiền gặp phải bế tắc không giải quyết nổi nếu chỉ xem xét và nhìn nhận chúng ở tầm vĩ mô và vi mô. Vấn đề này phải được xem xét và giải quyết ở tầm mức mới, tầm mức siêu vĩ mô...
  • Toàn cầu hóa và những mặt trái

    29/06/2008Minh Bùi (tổng hợp)Cuốn sách "Toàn cầu hóa và những mặt trái" của nhà kinh tế học từng được giải Nobel - Joseph E. Stiglitz đóng góp một cái nhìn nghiêm khắc đến nghiệt ngã về toàn cầu hóa, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của những tổ chức quốc tế như IMF, WTO, WB trong quá trình tất yếu không có cách nào cưỡng lại này...
  • Chiến tranh tiền tệ

    27/06/2008Minh Bùi (sưu tầm)Chủ đề cuốn sách là nói về sự ra đời của tư bản tài chính thế giới và quá trình bành trướng ra toàn cầu, thao túng và ảnh hưởng đến tất cả các nền kinh tế. "Chiến tranh tiền tệ" là khái niệm chỉ cách thức bí ẩn và tinh vi mà giới tư bản tài chính ngân hàng đó dùng các công cụ tiền tệ lũng loạn các nền kinh tế nhằm mục đích kiếm những món lời khổng lồ. Chiến tranh tiền tệ là cội nguồn của mọi cuộc chiến tranh trong lịch sử hiện đại...
  • Toàn cầu hóa văn hóa

    08/05/2008Ths. Phạm Ngọc HàSuy nghĩ về những điều kiện phát triển của toàn cầu hoá nhằm xây dựng khái niệm chung sống giữa các nền văn hoá để trên cơ sở đó, cho phép nghiên cứu mối quan hệ của tam giác bản sắc - văn hoá - truyền thông là hết sức quan trọng và cần thiết. Xuất phát từ thực tế đó, tác giả Dominique Wolton đã cho ra mắt cuốn sách Toàn cầu hóa văn hoá...
  • Đợt sóng Thứ ba

    25/02/2008GS. Nguyễn Hồng Phong (Viện sử học Việt Nam )Cuốn sách "Đợt sóng Thứ ba" (The Third Wave) do Viện Sử học Việt Nam tổ chức dịch và giới thiệu với bạn đọc là một cuốn sách có giá trị, rất nổi tiếng của nhà xã hội học và tương lai học Alvin Toffler. Để giúp bạn đọc rộng rãi thêm hứng thú để đọc tác phẩm, chúng tôi giới thiệu, nói đúng hơn là lược thuật tóm tắt những nội dung chính của tác phẩm...
  • Những đỉnh cao chỉ huy

    22/09/2006Trần Đình Thiên"Những đỉnh cao chỉ huy" cũng được coi như một công trình. Nó cũng bàn về vấn đề "Nhà nước thị trường". Như hàng ngàn cuốn sách khác, nó bàn về một trong những vấn đề lớn nhất, phức tạp nhất, gây nhiều "phiền hà" nhất do đó, cũng là thú vị nhất của lịch sử phát triển nhân loại...
  • Trái đất, tổ quốc chung - tuyên ngôn cho thiên niên kỷ mới

    29/08/2006Chu Tiến Ánh (dịch)Trái đất chính là một hệ thống tự tổ chức, "một khối tổng thể sinh học 1 nhân học phức hợp, trong đó sự sống nảy sinh từ lịch sử của trái đất và nhân loại nảy sinh từ sự sống của trái đất. Mối quan hệ giữa nhân loại với tự nhiên không thể bị hình dung theo cách quy giản hay tháo rời. Nhân loại là mộtthực thể mang tính chất hành tinh và sinh quyển. Con người vừa là tự nhiên, vừa là siêu nhiên, bởi lẽ mặc dầu bắt rễ trong tự nhiên vật lý và sống động, nhưng lại trỗi lên khỏi cái tự nhiên ấy và tự phân biệt với tự nhiên ấy bằng văn hóa, tư tưởng, và lương tâm, ý thức"...
  • Thế giới phẳng - Tóm lược lịch sử thế giới thế kỷ XXI

    27/08/2006Nguyên NgọcThomas L. Friedman là người giữ chuyên mục đối ngoại của tờ The New York Times, ba lần đoạt giải thưởng Pulitzer, tác giả cuốn sách nổi tiếng Chiếc Lexus và cây ôliu viết về toàn cầu hóa - mà bây giờ ta đã biết đấy là cuộc toàn cầu hóa lần thứ hai, từ khoảng năm 1800 đến năm 2000, theo như cách phân chia của ông...
  • xem toàn bộ