KKK - hội kín cổ xúy thuyết người da trắng thượng đẳng

09:48 CH @ Thứ Ba - 15 Tháng Tám, 2017

Trải qua nhiều biến tướng, KKK vẫn giữ tư tưởng kỳ thị chủng tộc, coi người da trắng là thượng đẳng, gây ra nhiều bạo lực ở Mỹ...


Các thành viên KKK tại Nam Carolina năm 2016. Ảnh: AP

Thuyết người da trắng thượng đẳng do hội kín Ku Klux Klan ở Mỹ cổ xúy bị coi là nguồn cơn sâu xa dẫn đến cuộc bạo động ở Charlottesville, Virginia, ngày 12/8 khiến ít nhất một người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bị chỉ trích không trực tiếp lên án tư tưởng người da trắng thượng đẳng mà đổ lỗi "nhiều bên" trong vụ bạo lực ở Charlottesville, người phát ngôn Nhà Trắng giải thích rằng lời lên án của Trump bao gồm các nhóm tân phát xít và Ku Klux Klan.

Ku Klux Klan, thường được gọi là KKK hay đơn giản là Klan, là tên gọi chung của ba phong trào trong ba thời kỳ ở Mỹ với các thành viên chủ yếu là nam giới da trắng ủng hộ các quan điểm cực đoan, chẳng hạn như thuyết người da trắng thượng đẳng, phân biệt chủng tộc, chống nhập cư, bài Do Thái, bài Công giáo.

Trong lịch sử, KKK thường sử dụng các hành động khủng bố bao gồm giết người bằng cách điển hình là treo cổ trên thánh giá và tấn công bạo lực nhằm vào các nhóm người và cá nhân mà họ kỳ thị. Phong trào này kêu gọi thanh lọc xã hội Mỹ và được xem là các tổ chức cực đoan cánh hữu. Trang phục đặc trưng của KKK là áo choàng trắng, mũ trùm đầu chỏm nhọn màu trắng, chỉ hở hai mắt.

Phong trào KKK đầu tiên (1865 - 1871)

KKK đầu tiên được thành lập ở Pulaski, bang Tennessee trong khoảng thời gian từ tháng 12/1865 đến tháng 8/1866 bởi 6 cựu sĩ quan của quân đội Liên minh Miền nam ủng hộ chế độ nô lệ. "Các nghi thức kết nạp kỳ dị, thách đố sự tò mò của công chúng và tạo thú vui cho các thành viên là các mục tiêu duy nhất của KKK", theo Albert Stevens, tác giả của cuốn Bách khoa toàn thư về các hội kín phát hành năm 1907.

Tên gọi Ku Klux Klan có lẽ xuất phát từ tiếng Hy Lạp "kuklosm" nghĩa là "vòng tròn". Mặc dù Klan đầu tiên không có bộ máy tổ chức nào cao hơn cấp địa phương, các hội kín tương tự mọc lên khắp miền nam Mỹ, đặt cùng tên và có cùng phương thức hoạt động. KKK phát triển như một phong trào nổi dậy cổ vũ thuyết người da trắng thượng đẳng và sự phản kháng trong suốt Kỷ nguyên tái thiết (1865-1877) sau cuộc nội chiến Mỹ.


Biểu tượng Ku Klux Klan

Chẳng hạn, cựu binh quân đội Liên minh Miền nam John W. Morton đã thành lập một nhóm KKK ở Nashville, bang Tennessee. Với tư cách là hội kín dân phòng, KKK tấn công những người da đen đã được giải phóng khỏi chế độ nô lệ và những người ủng hộ họ. Nhóm này tìm cách phục hồi vị thế thượng đẳng của người da trắng bằng những chiêu thức đe dọa và bạo lực bao gồm các hành động giết người nhằm vào người da đen lẫn người da trắng phe Cộng hòa ủng hộ bãi bỏ chế độ nô lệ. Trong thời kỳ này, phe Dân chủ bảo vệ chế độ nô lệ, thúc đẩy thông qua đạo luật phân chủng ở Mỹ.

Năm 1870 và 1871, chính quyền liên bang Mỹ thông qua ba đạo luật nhằm bảo vệ người Mỹ gốc Phi, đồng thời truy tố cũng như trấn áp các tội ác của hội kín Klan.


Những thành viên Ku Klux Klan tại Mississippi

Trước khi bị trấn áp, phong trào KKK thứ nhất đã đạt những mục tiêu nhất định. Nó cản trở con đường chính trị của người da đen thông qua việc sử dụng chiêu thức ám sát và đe dọa bạo lực, khiến một số người da đen phải rút khỏi chính trường. Mặt khác, nó cũng gây ra sự phản ứng mạnh mẽ với việc nhiều đạo luật liên bang được thông qua giúp "khôi phục trật tự, hồi phục nhuệ khí cho người Cộng hòa miền Nam và cho phép người da đen thực thi các quyền lợi của mình như là những công dân tự do", theo đánh giá của nhà sử học Mỹ Eric Foner.

George C. Rable, một nhà sử học Mỹ khác, cho rằng Klan là một thất bại chính trị, vậy nên nó bị ngay chính các lãnh đạo phe Dân chủ ở miền nam loại bỏ. Ông nói: "KKK suy yếu sức mạnh một phần do sự suy yếu nội bộ. Nó thiếu tổ chức trung ương và các lãnh đạo thất bại trong việc kiểm soát những phần tử tội phạm và những kẻ tàn bạo. Nó suy tàn vì không đạt được mục tiêu chủ chốt là lật đổ các chính quyền bang theo phe Cộng hòa ở miền nam".

Sau khi KKK đầu tiên bị trấn áp, các nhóm dân quân nổi dậy tương tự đã trỗi dậy nhằm đe dọa việc đi bầu cử của người Cộng hòa và khiến những người Cộng hòa phải rời khỏi các cơ quan chính quyền. Các nhóm này bao gồm Liên đoàn Da trắng (White League) được thành lập ở bang Louisiana vào năm 1974, hay Áo Sơ mi đỏ (Red Shirts) ở bang Mississippi và các hội kín khác ở hai bang Bắc Carolina và Nam Carolina.

Các nhóm này hoạt động như là cánh vũ trang của đảng Dân chủ và được cho là đã giúp đỡ nhiều ứng viên Dân chủ da trắng giành lại quyền kiểm soát ở hội đồng lập pháp các bang miền nam Mỹ. Có hàng nghìn cựu binh quân đội Liên minh Miền nam tham gia những hoạt động này.

Phong trào KKK thứ hai (1915-1944)

Năm 1915, phong trào KKK thứ hai được thành lập ở Atlanta, bang Georgia. Bắt đầu từ năm 1921, phong trào này áp dụng một hệ thống hoạt động hiện đại bằng cách sử dụng những người chiêu mộ thành viên được trả lương toàn thời gian và thu hút với thành viên mới với tư cách là một hội kín. Trụ sở quốc gia của phong trào KKK thứ hai kiếm lợi nhuận thông qua độc quyền buôn bán trang phục của các thành viên, trong khi đó nhà tổ chức được trả lương bằng phí nhập môn của hội viên.

Phong trào phát triển nhanh chóng trên toàn quốc. Nó lan rộng đến mọi bang và gây chú ý ở nhiều thành phố, phản ánh những căng thẳng xã hội giữa dân đô thị và nông thôn nước Mỹ.

KKK rao giảng về thuyết "chủ nghĩa Mỹ 100%" và yêu cầu thanh lọc nền chính trị, kêu gọi các giá trị đạo đức nghiêm ngặt và thi hành tốt hơn lệnh cấm sản xuất, vận chuyển và buôn bán đồ uống có cồn. Chính sách tuyên truyền chính thức của nó tập trung vào việc đe dọa Giáo hội Công giáo, sử dụng thuyết bài Công giáo và thuyết chủ nghĩa địa phương, cho rằng công dân sinh ra ở địa phương ưu việt hơn người nhập cư.

Lời kêu gọi của phong trào KKK thứ hai nhằm vào người theo đạo Tin lành da trắng. Phong trào này chống đối người da đen, người Công giáo, người Do Thái và những người nhập cư từ Nam Âu, chẳng hạn như người Italy.

Một số nhóm địa phương đe dọa bạo lực chống lại những người buôn lậu rượu và những người phạm các tội ác đạo đức nghiêm trọng. Các vụ bạo lực do KKK gây ra chủ yếu diễn ra ở các bang miền nam.

Phong trào KKK thứ hai là một hội kín quy củ với bộ máy cấu trúc toàn quốc và theo từng bang. Vào thời điểm hoàng kim giữa thập niên 1920, phong trào KKK thứ hai có số thành viên chiếm khoảng 15% cử tri nước Mỹ, tương đương 4-5 triệu người. Tuy nhiên, sự chia rẽ nội bộ, hành vi phạm tội của các lãnh đạo và sự chống đối từ bên ngoài đã khiến số thành viên của KKK sụt giảm mạnh xuống còn 30.000 vào năm 1930. Cuối cùng, phong trào Klan thứ hai suy tàn vào thập niên 1940.


Các thành viên KKK trong trang phục

KKK ngày nay

Vào thập niên 1950 và 1960, nhiều tổ chức địa phương độc lập đã lấy tên là KKK để chống đối phong trào dân quyền cho người da đen và phong trào xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc ở các trường học.

Số nhóm KKK hoạt động ở Mỹ từ năm 2000 đến 2016.Ảnh: splcenter.com

Một số thành viên của KKK bị kết tội giết người vì liên quan đến vụ sát hại nhà hoạt động dân quyền ở bang Mississippi vào năm 1964 và trẻ em trong vụ đánh bom Nhà thờ Baptist trên phố 16 ở Birmingham vào năm 1963.

Ngày nay, nhiều cơ quan chức năng Mỹ xem KKK là một tổ chức khủng bố, nổi dậy. Tháng 4/1997, các đặc vụ Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã bắt 4 bốn thành viên của một nhóm có tên Hiệp sĩ chân chính thuộc KKK ở Dallas vì âm mưu cướp bóc và đánh bom một nhà máy xử lý khí đốt. Năm 1999, hội đồng thành phố Charleston, bang Nam Carolina thông qua nghị quyết tuyên bố KKK là tổ chức khủng bố.

Theo thống kê của Trung tâm hỗ trợ pháp lý Southern Poverty ở Alabama năm 2016, có khoảng 130 nhóm KKK trên toàn nước Mỹ với khoảng 5.000-8.000 thành viên. Có nhiều nhóm KKK từ New Jersey cho đến Los Angeles. Trong những thập niên gần đây, KKK tấn công cả người nhập cư và người đồng tính luyến ái.


Bức tượng đại tướng châm ngòi cho cuối tuần bão tố ở thành phố Mỹ

(Trí Dũng, Vnexpress)

Tranh cãi quanh tượng đại tướng Lee trở thành nguồn cơn bùng phát bạo lực trong cuộc tuần hành cuối tuần qua ở Charlottesville.


Bức tượng đại tướng Robert E. Lee ở Charlottesville, Virginia. Ảnh: US News

Thành phố yên bình Charlottesville ở Virginia, Mỹ vừa chứng kiến một cơn bão tố kinh hoàng khi cuộc tuần hành bảo vệ một tượng đài ở trung tâm biến thành thảm kịch đâm xe và đụng độ khiến một phụ nữ thiệt mạng và hàng chục người bị thương.

Tâm điểm của cơn bão chính là bức tượng đại tướng Robert E. Lee, tư lệnh Liên minh miền Nam trong cuộc nội chiến Mỹ thế kỷ 19. Bức tượng khắc họa hình ảnh đại tướng Lee mặc quân phục, cưỡi trên một con chiến mã, tất cả đã ngả sang màu xanh đen theo thời gian, theo NYTimes.

Bức tượng cao gần 8 mét này được chế tác bởi Henry Merwin Shrady, một nhà điêu khắc ở New York, và được nghệ nhân người Italy Leo Lentelli hoàn thiện sau đó. Bức tượng được đặt ở trung tâm Charlottesville vào năm 1924, trong một hội nghị của các cựu chiến binh và con cái cựu binh Liên minh miền Nam với lễ khánh thành hoành tráng. Trong buổi lễ, những người tham dự ca ngợi "sự cống hiến bất tử" của các cựu binh đã chiến đấu cho "Chancellorsville và Gettysburg", giờ đây vẫn đang nỗ lực để "bảo vệ chủ nghĩa anh hùng của Liên minh khỏi những lời vu khống".

Bức tượng đã tồn tại ở Charlottesville gần 100 năm, nhưng vài năm gần đây, ngày càng có nhiều người dân và quan chức thành phố kêu gọi dỡ bỏ nó, cho rằng đây là một biểu tượng cho chủ nghĩa "da trắng thượng đẳng" cần phải bị xóa bỏ khỏi xã hội Mỹ.

Xóa bỏ những di sản của chủ nghĩa "da trắng thượng đẳng" là một xu thế ngày càng phổ biến ở Mỹ. Ngày càng nhiều bức tượng liên quan đến Liên minh miền Nam bị phá bỏ, những con đường mang tên đại tướng Lee bị đổi tên, các tượng đài bị di dời.

Ở New Orleans, Thị trưởng Mitch Landrieu vừa ra lệnh dỡ bỏ ba tượng đài liên quan đến Liên minh miền Nam và chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. "Những tượng đài này là một phần của sự khủng bố tinh thần, giống như cây thập tự bốc cháy của hội kín KKK trước nhà nạn nhân. Chúng được dựng lên để gửi thông điệp mạnh tới mọi người đi qua về quyền lực vẫn thống trị thành phố", Landrieu giải thích cho quyết định của mình.

Trong Ngày hội Sách Virginia năm 2012, bà Kristin Szakos, ủy viên Hội đồng Thành phố Charlottesville, đã châm ngòi cho một làn sóng tranh cãi dữ dội khi đưa ra gợi ý về việc phá bỏ tượng đại tướng Lee.

Phản ứng của dư luận Charlottesville ập tới nhanh chóng với bà Szakos, với những cuộc gọi và email tràn ngập lời đe dọa. "Tôi có cảm giác như mình vừa cắm một cây gậy xuống mặt đất, bên dưới là một bong bóng xấu xí đang sùng sục", bà cho biết.

Bình luận của bà Szakos được đưa ra chỉ một tháng sau vụ thanh niên da màu 17 tuổi Trayvon Martin bị bắn chết ở Florida, thổi bùng làn sóng biểu tình Black Lives Matter, đòi quyền bình đẳng cho người da màu.

Đến năm 2015, những cuộc tranh luận về cờ và tượng đài Liên minh miền Nam bắt đầu nóng lên ở các bang phía nam nước Mỹ, trong đó có Nam Carolina, Texas và Louisiana. Những người muốn loại bỏ các tượng đài này cho rằng chúng là biểu tượng của chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, trong khi những người phản đối tố cáo họ tìm cách xóa bỏ lịch sử.

Những người muốn bảo vệ tượng đài cho rằng đại tướng Lee là một anh hùng bởi ông đã quyết định đầu hàng để chấm dứt cảnh huynh đệ tương tàn, cũng như "thúc đẩy hòa hợp dân tộc khi nhận ra thất bại". Họ khẳng định bức tượng không khắc họa hình ảnh Lee cưỡi chiến mã ra trận, mà chỉ là đang trên đường đến Lexington để nhậm chức chủ tịch một trường đại học sau chiến tranh.

Lập luận này bị nhiều người phản đối, cho rằng hình ảnh tướng Lee mặc quân phục, cưỡi chiến mã không hề mang tính biểu tượng cho hòa bình hay hòa hợp dân tộc, mà chỉ là dấu vết của một phong trào, tư tưởng coi những người da màu chỉ là nô lệ mà tướng Lee từng dẫn dắt.

"Những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng ở Charlottesville hiểu rất rõ điều này. Họ biết tướng Lee được tôn thờ không phải vì đã tạo dựng hòa bình, mà do ông đã bảo vệ một xã hội được xây dựng trên nền tảng da trắng thượng đẳng", cây bút Yoni Appelbaum nhận định trên Atlantic.


Một thành viên phong trào chủ nghĩa dân tộc thượng đẳng tấn công người ủng hộ việc dỡ bỏ tượng tướng Lee. Ảnh: CNN.

.

Năm 2016, Wes Bellamy, ủy viên hội đồng Charlottesville và một phó thị trưởng thành phố phát động chiến dịch mới nhằm tìm cách tháo dỡ tượng đài đại tướng Lee. Trong một cuộc họp báo diễn ra trước tượng đài hồi tháng 3, Bellamy cho biết Hội đồng Thành phố sẽ chỉ định một ủy ban để thảo luận vấn đề này.

"Khi chứng kiến nhiều người ở đây muốn khắc phục điều mà họ cho là cần phải làm từ lâu, tôi thấy có động lực", ông nói trước đám đông. Một vài người vỗ tay, số khác la ó, cáo buộc ông Bellamy đang tìm cách gây chia rẽ.

Cũng trong tháng 3, học sinh trung học Zyahna Bryant nộp đơn kiến nghị lên Hội đồng Thành phố, yêu cầu dỡ bỏ tượng đại tướng Lee. "Tôi và các bạn thấy rất cần phải bỏ bức tượng này vì nó khiến chúng tôi cảm thấy không thoải mái và nó rất phản cảm", Bryant viết trong đơn kiến nghị được hàng trăm người ký vào.

Sau khi được Hội đồng Thành phố thành lập vào tháng 5/2016, ủy ban đặc biệt ra báo cáo đề xuất chính quyền di chuyển tượng tướng Lee tới nơi khác hoặc chỉnh sửa nó cùng với việc "bổ sung các thông tin lịch sử chính xác mới". Phương án bổ sung các thông tin mới cùng những lời giải thích về lịch sử và bài học của bức tượng được một số người bảo vệ tượng tướng Lee nhất trí.

Nhưng đến tháng hai, Hội đồng Thành phố bỏ phiếu nhất trí di chuyển tượng tướng Lee ra khỏi công viên trung tâm. Những người phản đối nộp đơn kiện vào tháng ba, cho rằng hội đồng không có thẩm quyền làm như vậy theo luật của bang Virginia.

Trong lúc chờ tòa án xử lý đơn kiện, bức tượng vẫn nằm nguyên vị trí, nhưng chính quyền thành phố đã đổi tên Công viên Lee, nơi bức tượng tọa lạc, thành Công viên Giải phóng. Công viên này thành điểm tập hợp cho những người biểu tình theo chủ nghĩa dân tộc da trắng hồi tháng 5.


Cảnh sát chống bạo động canh gác quanh tượng đài tướng Lee. Ảnh: Reuters.

.

Cuộc biểu tình nhằm phản đối quyết định tháo dỡ tượng tướng Lee hôm 12/8 được tổ chức bởi Jason Kessler, một thành viên mới gia nhập phong trào chủ nghĩa dân tộc da trắng nhưng đã khá nổi tiếng ở Charlottesville. Kessler là người thường xuyên phản đối chính quyền Charlottesville, cáo buộc họ cung cấp nơi ẩn náu cho người nhập cư.

Số phận bức tượng đại tướng Lee ở Charlottesville tùy thuộc vào phán quyết của tòa án, nhưng thảm kịch diễn ra ở thị trấn này hồi cuối tuần là một trong những biến cố đẫm máu nhất trong cuộc đấu tranh xóa bỏ và bảo vệ di sản của Liên minh miền Nam cũng như cuộc chiến cho bình đẳng sắc tộc ở Mỹ.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Vai trò của Hội Tam Điểm trong lịch sử chính trị Mỹ

    04/10/2016Hoàng Anh TuấnKhi tìm hiểu về lịch sử nước Mỹ, có một điều đáng chú ý là các nguyên tắc, sứ mệnh của Hội Tam Điểm (Freemasonry) có dấu ấn đặc biệt quan trọng từ việc đặt nền móng cho nước Mỹ từ thuở sơ khai đến sự phát triển sau này.
  • 5 hội kín bí ẩn nhất thế giới

    29/09/2016Phong Linh tổng hợpHội Tam điểm, Những hiệp sĩ dòng đền, Đầu lâu và Xương chéo… là những hội kín bí ẩn nhất trong lịch sử...
  • Giếng Khai tâm của hội kín bí ẩn nhất thế giới

    09/04/2016Lê HùngGiếng Khai tâm từng được Hội Tam điểm sử dụng nằm bên trong lâu đài cổ Quinta da Regaleira ở thị trấn Sintra, Bồ Đào Nha...
  • Hội kín Bilderberg- thế lực ngầm nổi tiếng thế giới

    03/11/2015Theo An Ninh thế giới cuối thángVừa qua, tờ The DailyMail (Anh) cho đăng tải một bài phân tích khá chi tiết liên quan tới câu lạc bộ nổi tiếng nhất thế giới - Bilderberg. Đây được cho là địa chỉ quy tụ các nhân vật giàu có và ảnh hưởng nhất hành tinh, như giới ngân hàng, chính khách, học giả, trùm truyền thông và các tỷ phú...
  • Thuyết âm mưu về chính phủ ngầm thao túng thế giới

    17/08/2015Thụy MiênGiả thuyết về những tổ chức bí mật nắm trong tay vận mệnh toàn cầu luôn thu hút những người ưa thích chuyện giật gân...
  • Hé lộ sự thật về hội kín bí ẩn nhất thế giới

    22/07/2015George Washington, Winston Churchill, Mozart, Henry Ford... là những thành viên của hội kín bí ẩn nhất thế giới- Hội Tam Điểm.
  • Hội Tam Hoàng và những biến thể ma quái

    20/07/2015Theo An Ninh Thế GiớiLà một hội kín bắt nguồn ở tỉnh Phúc Kiến thời Khang Hy, Trung Quốc, khi ấy Thiên Địa hội - hay còn gọi là Hồng Hoa hội (Hồng môn) hoặc Tam Điểm hội - được một nhóm nhà sư ở chùa Thiếu Lâm lập ra với mục đích "phản Thanh phục Minh" (đánh đuổi quân Mãn Thanh ra khỏi bờ cõi, khôi phục giang sơn của nhà Minh)...
  • Câu lạc bộ Bilderberg – một “chính phủ bí mật của thế giới”?

    15/07/2015Tổng hợpCái gọi là Câu lạc bộ Bilderberg được coi là nơi tập hợp của những nhân vật giàu có và có ảnh hưởng nhất hành tinh – từ lâu nay vẫn được bao phủ trong một lớp màn bí mật. Những ảnh hưởng đặc biệt của CLB này đối với nhiều vấn đề toàn cầu đã khiến nhiều người phải mệnh danh nó là “một chính phủ bí mật của thế giới”.
  • Vén màn hội kín và các nguyên thủ thế giới

    16/03/2014Hoài LinhNhiều nhân vật lừng danh, có ảnh hưởng lớn trên thế giới như Goethe, Plato, gia đình Bush và thậm chí là đương kim Tổng thống Mỹ Obama là thành viên các hội kín này...
  • xem toàn bộ