Lạm phát cần tăng liều “kháng sinh”

07:52 SA @ Thứ Sáu - 25 Tháng Bảy, 2008

Căn bệnh lạm phát đã quay trở lại nền kinh tế Việt Nam từ năm ngoái. Cùng một lúc, cơ thể còn non yếu của nền kinh tế vốn còn sẵn nhiều bệnh tật, gặp cơn trái gió trở trời của thị trường thế giới, đã bộc phát thành cơn sốt cao cấp tính trong sáu tháng đầu năm nay.

Cơn sốt ấy được chẩn đoán đã bùng phát là do yếu tố tâm lý của người tiêu dùng. Người ta lên án các thế lực đầu cơ, nhưng suy cho cùng đầu cơ cũng chỉ khai thác sức đề kháng yếu kém của lòng tin của người tiêu dùng trước những diễn biến xấu của thị trường.

Chính vì vậy, theo nhiều chuyên gia, để kiềm chế tốc độ gia tăng của lạm phát, thuốc điều trị chính là thứ “kháng sinh” lòng tin mà Chính phủ dứt khoát phải xây dựng cho nhà đầu tư và người dân.

Sau nhiều liều lượng khác nhau, có lúc bệnh bị sốc thuốc, một phác đồ “kháng sinh” thận trọng được xác lập. Những thông tin minh bạch và dứt khoát của Chính phủ đã chấm dứt các cơn hoảng hốt niềm tin về giá gạo, giá đô, giá tiền đồng. Tới tháng 6, cơn sốt đã bắt đầu hạ nhiệt. Thị trường đã có một số tín hiệu tích cực của sự hồi phục.

Để trị bệnh, nền kinh tế Việt Nam vừa một lúc phải cắt giảm cơn sốt cao về giá cả, vừa phải phẫu thuật những khối u làm dị dạng sức khoẻ của mình. Can thiệp vào thị trường bằng phương pháp bù lỗ trong nhiều mặt hàng chiến lược, trong đó có xăng dầu, một mặt, càng phá vỡ sức chịu đựng của ngân sách; một mặt, đã tạo ra một thị trường méo mó. Ở đó người cần được trợ giúp trong thực tế hầu như không tiếp nhận được với lòng tốt mà lòng tốt có thể là một thực phẩm gây béo phì cho một số cá nhân hay tổ chức trục lợi. Quyết định tăng giá xăng dầu với biên độ tăng kỷ lục 31%, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, là chuyện không thể tránh khỏi, không chỉ để cứu vãn ngân sách có thể phải bù lỗ 70.000 tỉ đồng trong năm nay, mà còn tạo lập một thị trường ngày càng giảm đi độ méo mó.

Đó là một quyết định cần thiết của Chính phủ.

Nhưng nếu “kháng sinh” của lạm phát là lòng tin, thì những quyết định điều chỉnh giá cả của Chính phủ mà không chuẩn bị về tâm lý cho người dân đón nhận, sẽ làm cho căn bệnh bị lờn thuốc.

Người dân không khỏi lo lắng, thậm chí hoang mang sau quyết định điều chỉnh giá xăng dầu hôm 21/7 là chuyện không thể tránh. Nhưng nếu để người dân biến hoang mang, lo lắng ấy thành áp lực bùng phát mức tăng cao của lạm phát là chuyện không thể chấp nhận. Cơn sốt gạo, cơn sốt đô la của mấy tháng trước có thể tái diễn, nếu như lúc này không có những cấp chính quyền sẵn sàng hướng dẫn và có hành động kịp thời, quyết liệt, đồng bộ.

Thách thức lớn nhất của Chính phủ hiện nay là phải rút ngắn độ cách biệt giữa mức tính toán tác động trực tiếp lên chỉ số giá cả từ quyết định tăng giá xăng dầu lần này là 0,7%, như công bố của bộ trưởng tài chính, và mức tác động gián tiếp, mà phần nhiều được quyết định bởi lòng tin của người tiêu dùng và trách nhiệm xã hội của nhà kinh doanh. Những lần trước khoảng cách của tính toán và diễn biến thực tế thường khá xa. Thực tiễn đó không nên lặp lại.

Tạo dựng lòng tin cho người dân trong lúc này là tăng liều “kháng sinh” cho nền kinh tế. Hơn lúc nào hết, Chính phủ cần xác lập một phác đồ “kháng sinh” mới cho căn bệnh lạm phát.

Ở đó, “thuốc” có lẽ cũng không nằm ngoài tính năng 8 nhóm giải pháp mà Chính phủ đã chọn lựa, nhưng phải với liều lượng và sự phối hợp thích ứng. Quan trọng hơn, “thuốc” phải là thuốc thật.

Một phác đồ như vậy trong lúc này phải ưu tiên làm cho dân tin, dân sẵn sàng hợp tác, chia sẻ. Đó là sức đề kháng mạnh mẽ nhất với mọi tin đồn, mọi yếu tố đầu cơ, khắc triệt mọi cơn sốt ảo đang sẵn sàng hoành hành, thách thức mọi lời tuyên bố.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Không thể "sống hai cuộc sống"

    27/03/2020Hải DuyCả nước đang vào cuộc chống lạm phát. Cắt giảm các hạng mục, công trình không thật sự cần thiết, tạm dừng hoặc dừng hẳn việc mua sắm các thiết bị đắt tiền, lãng phí là việc phải làm. Nhiều chuyện lẽ ra không cần phải đợi đến lạm phát mới cần "siết lại", ví như xây trụ sở "hoành tráng" và sắm ô tô đắt tiền...
  • Nhìn nhận và xử lý lạm phát hiện nay như thế nào?

    23/07/2008Đức Thành(thực hiện)Mục tiêu chung là kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế, tuy nhiên, kiềm chế được mức độ nào lại là vấn đề quan trọng và rất được quan tâm. Để giúp bạn đọc có thêm cái nhìn về vấn đề này, Lanhdao.net có cuộc phỏng vấn tiến sĩ Vũ Đình Ánh- Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học thị trường giá cả- Bộ Tài chính...
  • Lạm phát hay tăng trưởng: Con người và ý chí

    29/04/2008GS, TS Trần Ngọc ThơChống lạm phát bằn cách thắt chặt tiền tệ, giảm cung tiền, tăng lãi suất, dẫn tới giảm tổng cầu hàng hóa, giá hàng hóa và xuất khẩu giảm...