Liệu cơm gắp mắm

04:26 CH @ Thứ Bảy - 22 Tháng Năm, 2010

Câu chuyện về dự án đường sắt cao tốc không chỉ làm nóng nghị trường Quốc hội mấy hôm nay mà còn thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân.

Có người cho rằng đó là ý tưởng của những người thích đùa, có ý kiến nói rằng đầu tư dự án là vung tay quá trán.

Vì sao lại coi đó là ý tưởng của những người thích đùa, là sự vung tay quá trán? Những người đưa ra ý kiến cũng nêu những thông tin phản biện đáng suy nghĩ. Dự án đường sắt cao tốc có tổng mức đầu tư lên tới 55,8 tỉ USD. Con số này lớn đến mức khi quy ra tiền Việt, sẽ tương đương 1 triệu tỷ đồng, bằng một nửa GDP của cả nước.

Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cảnh báo về những phát sinh có thể thay đổi tổng mức đầu tư vì “hai năm trước, ước tính đầu tư cho dự án là 33 tỷ USD, đến nay đã ở mức 55,8 tỷ USD và sau 5 năm nữa có thể sẽ là 100 tỷ USD” Nếu coi những dự án hàng chục tỷ USD là siêu dự án hoặc dự án cực lớn thì dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam không biết sẽ phải gọi là dự án ở cấp độ nào?

Trong bối cảnh bội chi ngân sách còn lớn, dư nợ chính phủ tăng nhanh (dự kiến năm 2010 dư nợ chính phủ lên tới 44,6%- nghĩa là chỉ còn một khoảng cách ngắn là đến giới hạn an toàn cho phép: 50%) thì việc đầu tư dự án này, nếu được Quốc hội đồng ý triển khai, thực hiện vào năm 2010 sẽ đẩy mức dư nợ chính phủ lên bao nhiêu phần trăm?

Theo báo cáo đầu tư của dự án, hiện nhu cầu đi lại khoảng 195 triệu lượt khách/năm. Các phương tiện vận tải hiện tại mới chỉ đáp ứng được nhu cầu của khoảng 138 triệu lượt khách. Nếu được thực hiện, mỗi năm đường sắt cao tốc sẽ đáp ứng được nhu cầu của khoảng 57 triệu lượt khách còn lại. Có ý kiến đặt vấn đề về tính xác thực của con số nói trên và sự tính toán theo kiểu “đếm cua trong hang”.

Với mức giá dự kiến bằng 75% giá vé máy bay thì có cao quá? Người chấp nhận được mức giá này liệu có chấp nhận đi đường sắt cao tốc hay sẽ sử dụng máy bay hoặc phương tiện khác? Lấy gì để bảo đảm số khách hàng mà dự án tính toán trên sẽ sử dụng phương tiện là đường sắt cao tốc?

Bên cạnh đó, cũng cần tính đến việc triển khai thực hiện dự án cũng sẽ làm cho gần 10 nghìn hộ dân phải di dời tái định cư, thu hồi hơn 4.170 hécta đất.

Đất nước vẫn còn khó khăn và vẫn còn có nhiều việc sát sườn cần làm. Ai cũng biết việc đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc- Nam là cần thiết nhưng cần thiết đến mức nào, huy động vốn ra sao, đầu tư thời điểm nào để đem lại hiệu quả và sự bình ổn cao nhất là một câu chuyện đáng bàn. Câu của cha ông - “liệu cơm gắp mắm” - vẫn luôn đúng trong chuyện này.


Theo tính toán của Chính phủ, để làm một km đường sắt cao tốc, cần 35,6 triệu USD. Nếu làm theo phân kỳ hai giai đoạn, từ khi khởi công năm 2012 đến khi hoàn thành giai đoạn 1 năm 2020 (xong đoạn Hà Nội - Vinh, TP HCM - Nha Trang), mỗi năm cần 2,63 tỷ USD. Ảnh: treehugger.com


Nợ công - không chỉ là con số
H.P, Tiền Phong

Tại phiên họp của UBTV Quốc hội gần đây, báo cáo cho thấy nợ Chính phủ đang tăng theo từng năm, bằng 33,8% GDP năm 2007; 36,2% GDP năm 2008; 41,9% GDP năm 2009, và dự báo lên đến 44,6% vào cuối năm 2010. Từ những con số này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cảnh báo mức nợ Chính phủ đã tăng sát mức trần cho phép.

Tuy nhiên, nợ công không chỉ là những con số. Trên thực tế, nợ công không chỉ là nợ Chính phủ, mà còn bao gồm những khoản nợ Chính phủ bảo lãnh (như nợ nước ngoài của Vinashin) và nợ của chính quyền địa phương (như trái phiếu đô thị). Nếu cộng các khoản này, nợ công của VN còn cao hơn con số 41,9% GDP năm 2009, lên tới 44,7 GDP, như công bố của Bộ Tài chính.

Nói cho dễ hiểu hơn, ví dụ như năm nay cả nước làm ra 100 tỷ USD, thì đã nợ gần 50 tỷ USD. Một con số vẫn ở ngưỡng an toàn (dưới 50% GDP), nhưng không nên quá lạc quan như nhiều quan chức đã trấn an, vì việc sử dụng khoản nợ ấy ra sao, hiệu quả thế nào vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng.

Đáng nói hơn, khoản nợ này vẫn tăng đều đặn qua hằng năm và ngày càng nhanh, nhiều hơn. Và rạch ròi hơn thì toàn bộ khoản nợ ấy không phải thuộc về Chính phủ mà tất cả người dân VN phải gánh, năm này chưa trả hết sẽ kéo sang các năm sau, thế hệ này trả không xong sẽ đến thế hệ tiếp theo.

Hầu hết các quốc gia lớn nhỏ đều mang nợ, không ít thì nhiều, nhưng thái độ đối với khoản nợ và cách trả ra sao là điều mà không chỉ chủ nợ mà cả người dân nước đó cần được biết.

Lâu nay chúng ta vẫn vui mừng khi cho rằng uy tín VN cao nên vay được nhiều, năm nay vay cao hơn năm trước, thậm chí hoan hỉ khi phát hành thành công các khoản nợ qua trái phiếu. Nhưng những công trình xây bằng nợ ì ạch, phải vay thêm mới đủ trang trải, doanh nghiệp xài hoang từ nợ... lại thường đem những lý do khách quan, trách nhiệm chung ra để biện hộ.

Hàng loạt tỉnh thành, bộ ngành, doanh nghiệp Nhà nước... chi tiêu khá mạnh tay từ tiền nợ để đầu tư, thành công nhiều nhưng kém hiệu quả cũng không ít. Nhiều người dân cảm thấy xót xa khi nghĩ rằng họ không trả được nợ, doanh nghiệp cùng đường thì Chính phủ phải dùng ngân sách trả thay, mà đó chính là tiền thuế, đóng góp của toàn dân.

Hy Lạp vỡ nợ cũng vì vung tay quá trán vào đầu tư công, và dùng những đồng Euro vay nợ để thỏa mãn cơn khát những công trình hoành tránh. Tại VN, căn bệnh đó lúc bùng phát, lúc âm ỉ, nhưng không hẳn “chưa đáng lo”, “còn kiểm soát tốt” như nhiều ý kiến chủ quan. Nếu quản lý kém, sử dụng không hiệu quả, các khoản nợ công có thể dẫn đất nước đến nợ nần chồng chất và thế hệ con cháu phải gánh trách nhiệm trả nợ. Lúc đó nợ công không còn là những con số, mà đã đụng đến thể diện quốc gia cùng nỗi oán thán của lớp sau phải è lưng gánh nợ.


Thấy gì từ việc Hi Lạp nợ?
( Danh Đức,Tuổi Trẻ )

Với gói cứu trợ “kỷ lục” mới được Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hứa, Hi Lạp sẽ “sống sót” thêm ba năm nữa, bởi số tiền được vay vừa để trả số nợ đáo hạn. Sau ba năm, tổng nợ cũ cộng nợ mới, cộng lãi suất kèm theo, Hi Lạp lấy gì trả nợ?

Tín điều cơ bản trong thế giới phẳng của thị trường tự do là tự do lưu thông tiền tệ. Tiền tệ lưu thông hai chiều. Quốc gia này vay nợ của quốc gia kia và ngược lại quốc gia kia cho quốc gia này vay. Người có của ở nước này đưa tiền ra nước ngoài đầu tư, mua nhà, máy bay... Công ty nước kia vay tiền ngân hàng nước nọ. Trong nước, người không tiền được mời vay nợ mua nhà, mua xe, mua điện thoại... Các ngân hàng đứng giữa cho vay lấy lời.


Cảnh sát Hy Lạp triển khai để giải tán người biểu tình
phản đối chính phủ vì khủng hoảng nợ

Đền đài tôn vinh tự do lưu thông tiền tệ được trầm trồ nhất chính là châu Âu hợp nhất thành khối EU mà đỉnh cao là hợp nhất tiền tệ với đồng euro.Suốt thập niên 1990, ngay sau khi Đông Âu tan rã, việc Tây Âu (cũ) hợp nhất trong “ngôi nhà chung” này chính là giấc mơ lớn, đẹp nhất trong thập niên đó. Năm 1999, 11 nước đầu tiên bỏ đồng tiền cổ truyền của mình để sử dụng đồng euro. Hi Lạp đứng ngoài “thèm nhỏ dãi” mà hai năm sau mới được gia nhập.

Chính trong niềm hân hoan đó, cả chính phủ lẫn người dân Hi Lạp đã vay lấy vay để. Khi vung tay quá trán thì cứ thế mà vung tiền qua cửa sổ. Chính phủ Hi Lạp bị cái bệnh mê say vĩ đại (megalomania): đăng cai sẵn Thế vận hội 2004 từ trước, để đến 2001 cấp tập vay, xây dựng đủ thứ “đền đài” mới, sắm cả hệ thống tên lửa phòng không Patriot để bảo vệ an ninh cho Thế vận hội. Thật ra, tật xấu này không mới. Chưa kể là đam mê số tiền đục khoét được. Khi chính nhà nước đam mê vay, bảo sao dân chúng không ào ào “cào thẻ”! Và khi xuất khẩu chỉ là con số lẻ của số nợ vay, cán cân thanh toán cứ âm năm này sang năm khác, thì chuyện vỡ nợ chỉ là vấn đề của thời gian.

Đã vung tay vay như thế, thường lại có xu hướng lấp liếm, khai gian, che đậy số nợ với người dân trong nước để dân tình yên ắng. Mãi đến cuối năm ngoái, Thủ tướng Hi Lạp Papandreou mới chịu khai là đã chỉ công bố có phân nửa số nợ vay! Mặc cho có trượt dốc trong các đánh giá khả tín, những người có trách nhiệm cứ thản nhiên giải thích: ”chả sao”, “chưa sao”. Nay thì “có sao” và là sao quả tạ!

Còn các chủ nợ? Trong thế giới phẳng của các công ty đa quốc gia với việc thuê nước ngoài gia công, dời nhà máy sang nước nghèo sản xuất cho rẻ và kiếm lời cho nhiều..., khái niệm “dân tộc” có còn là gì? Rủi ro con nợ không trả? Đã có sao, như ở Mỹ chẳng hạn, trong khủng hoảng bong bóng cầm cố! Còn khi con nợ là các chính phủ thì dễ hơn nữa. Thử xem: món nợ của chính phủ được gọi là “sovereign debt”, trong đó hàm ý là đem chủ quyền ra cầm cố. Khi các chính phủ không trả nổi nợ thì chủ nợ siết chủ quyền (sovereignty) của nước nợ bằng cách bắt nước đó “triều cống” qua những hiệp định, nghị định thư...

EU họp khẩn cấp để ngăn khủng hoảng lan rộng

16 nhà lãnh đạo khu vực đồng euro đã họp thượng đỉnh khẩn cấp chiều tối 7-5 ở Brussels (Bỉ) để đưa ra thông điệp kiểm soát chặt chẽ ngân sách và tìm cách trấn an thị trường tài chính thế giới, hiện đang gây lo ngại cho Mỹ và các nước G-7.

Theo AFP, cuộc thảo luận tập trung vào việc cần lập tức đưa ra một cơ chế để bảo vệ đồng euro và các nước thành viên chống lại các cuộc tấn công trên các thị trường tài chính. Các bộ trưởng tài chính EU họp khẩn cấp chiều 9-5 để đưa ra chi tiết cho cơ chế bình ổn này.

Đến tối, lãnh đạo EU chính thức ký phê chuẩn gói cứu trợ 80 tỉ euro (trong gói 110 tỉ) cho Hi Lạp với cam kết chặn đứng cuộc khủng hoảng nợ trước khi thị trường chứng khoán mở cửa vào tuần tới.

Trong lúc này, thị trường tài chính thế giới kết thúc một “tuần lễ đen” và vẫn còn xáo động do cuộc khủng hoảng hậu Hi Lạp và những lo ngại.

Nguồn:Tiền Phong
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • An ninh tài chính quốc gia: Bảy dấu hiệu cảnh báo!

    29/09/2008Phạm Minh Chính - Vương Quân HoàngVới quá trình chuyển đổi kinh tế và hội nhập quốc tế mạnh mẽ, liên tục giám sát, kịp thời dự đoán sát thực các dấu hiệu và biến động của thị trường để từ đó xây dựng chính sách điều tiết thị trường tài chính và toàn bộ nền kinh tế một cách hợp lý là việc làm cần thiết bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững, đúng định hướng. Đối với nền tài chính của Việt Nam, hiện đang tồn tại bảy dấu hiệu cảnh báo cần được các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách quan tâm.
  • An ninh tài chính: Một khía cạnh xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ theo định hướng XHCN

    14/04/2008Nhà báo Trường Phước (Bình luận kinh tế năm 2003)Hệ thống tài chính - tiền tệ phải được xây dựng, vận hành theo những nguyên tắc của kinh tế thị trường, công khai, minh bạch...
  • Phản thân trong các Thị trường Tài chính

    12/11/2007SorosTôi đã đưa ra lời xác nhận rất táo bạo rằng lí thuyết kinh tế đã trình bày sai về căn bản các thị trường hoạt động thế nào. Giống như mọi lầm lạc màu mỡ, luận điểm này là cường điệu. Có ít nhất một lĩnh vực quan trọng nơi phân tích kinh tế đã tạo ra những kết quả sai lạc căn bản. Tôi nghĩ đến các thị trường tài chính ở đây.
  • George Soros: Nhà quản lý tài chính của thế giới

    02/08/2005Thu Hiền tổng hợpCái tên George Soros đã trở nên hết sức quen thuộc với Phố Wall. Người ta biết đến ông như một nhà tỷ phú thành công nhất trong lĩnh vực đầu tư tư bản. Phía sau những thành công đó, Soros là một nhà kinh doanh đầy cá tính và đã phải trải qua nhiều thăng trầm trong kinh doanh...
  • Tri thức quản lý tài chính – Phần quan trọng nhất trong tri thức cơ bản về đầu tư.

    24/10/2005Trong thực tế cũng có không ít người, họ hoàn toàn không được học hành đến nơi đến chốn, thậm chí không hề biết gì về Marketing, những lý luận về kinh tế nhưng họ vẫn trở thành những nhà doanh nghiệp giỏi, những nhà đầu tư thành công. ...
  • Tránh sai lầm trong quy hoạch tài chính

    02/07/2005Doanh nghiệp thường mong muốn lập được kế hoạch kinh doanh phù hợp với năng lực tài chính của mình. Các nhà chuyên môn chỉ ra 4 sai lầm và cách phòng ngừa nhằm tránh nguy cơ đổ vỡ về tài chính cho doanh nghiệp.
  • xem toàn bộ