Lố nhố một đám đông lộn xộn

03:04 CH @ Thứ Ba - 23 Tháng Hai, 2016

Nông thôn, làng quê, người nông dân… nghĩ tới xã hội Việt Nam là phải nói ngay tới cái bộ phận thiết yếu đó. Có lẽ bởi vậy mà trong truyện dài “Thiếu quê hương” ( in lần đầu năm 1940, Nhà xuất bản Hội Nhà văn tái bản năm 2006), mặc dù lấy đô thị hiện đại là địa bàn chủ yếu của các nhân vật, song cuối truyện nhà văn Nguyễn Tuân cũng phải một lần đưa họ về làng quê.

Ấy là khi Bạch – nhân vật chính – tính chuyện nhập vào một đoàn múa dân gian để đưa sang đấu xảo (như Hội chợ ngày nay) tận bên San Francisco nước Mỹ. Nhưng nông thôn xuất hiện thì cũng là lúc cái đình xuất hiện. “Bạch ướm chuyện mới gọi đến việc tuồng hát Xuân Phả có mấy câu thì ông lý đã nhanh nhảu mời chàng ra đình xem”.

Trong làng xóm xưa, hàng ngày dân chúng sống chủ yếu với cái gia đình của mình. Những thiết chế công cộng như sân chơi chung câu lạc bộ nhà văn hóa thường thấy ở các nước phương Tây, ở đây gần như không có. Trừ các phiên chợ, ngoài ra ở hầu như tất cả các làng xóm rất ít có những địa điểm để người ta gặp gỡ. Chỉ còn có đình.

Chức năng chủ yếu của đình là phục vụ cho các loại việc làng. Chúng ta hẳn còn nhớ cái đình từng được nhắc tới nhiều trong các tác phẩm của Ngô Tất Tố. Đó là nơi diễn ra những cuộc tranh cãi của một bộ máy lý dịch kém cỏi. Là nơi đám cường hào mưu đồ chống phá nhau.

Trong những buổi họp chung có tính chất chính thức ở đình, dân chúng chỉ làm nền cho đám lý dịch. Đây là khía cạnh đầu tiên của các sinh hoạt đình làng. Trước mặt chúng ta là một đám đông thụ động. Họ không hiểu gì lắm về các trật tự ngôi thứ do bọn cường hào lập nên. Trong đám đông, con người gần như lẫn vào nhau, tâm trí mỗi người bị thu hút cả vào chuyện quan hệ với người bên cạnh, khiến cho người ta càng thấy rõ là thực ra các nhân cách chưa thành hình, chỉ có cái phần bản năng trong mỗi cá nhân cựa quậy rồi lẫn đi ngay.

Tuy nhiên, ở làng nào cũng vậy, đình còn là địa điểm diễn ra các loại sinh hoạt tinh thần khác – gọi chung là việc đám. Ở đồng bằng bắc bộ, những ngày đám này, các làng thường gọi các gánh chèo về biểu diễn ngay trên sân đình. Nam Cao có một truyện ngắn mang tên “Mua danh”. Nội dung truyện là anh cu Bịch nhân được giàn trầu tốt, bỏ ra cả trăm đồng chân hương trưởng trong làng, dẫn tới cái cảnh cốt truyện, khi làng có đám, anh ta được ra đình làm chân “dẹp đám”( nói theo ngôn ngữ ngày nay tức là giữ trật tự). Và sự đời là như thế này: trong khi Bịch có vẻ hào hứng thì dân chung quanh buông ra đủ lời châm chọc khích bác. Họ lợi dụng ngay sự lúng túng của anh ta để chen lấn xô đẩy làm loạn xì ngầu ngay ngoài sân đình.

Nam Cao có thể là không cố ý, nhưng trong lúc nhân tiện nói về việc mua quan bán chức ở nông thôn cũ, đã vẽ ra một khía cạnh khác của sinh hoạt tập thể: từ chỗ nép mình trong một trật tự giả tạo, lúc này dân chúng đã trở thành một đám đông lộn xộn.

Nguyễn Tuân cũng có cảm nhận tương tự. Trong lần duy nhất viết về nông thôn hình ảnh các đám đông ở nơi công cộng để lại trong ông nhiều ấn tượng không lấy gì làm đẹp.

“Theo cái lối họp làng bàn chuyện lúc đã nói thì tất cả đều nhao nhao lên và lúc đã nói thì tất cả đều nhao nhao lên và lúc đã im thì tất cả đều nín thít…cả ba bản rượu đều lừng khừng kẻ hút thuốc người véo xôi, xoa kẽ chân hoặc nhìn lên rui kèo”.

Ta nhớ là lúc này những người dân được tập họp để bàn chuyện đi đấu xảo. Ngay lập tức thấy nổi lên những thắc mắc về quyền lợi. Ra cái vẻ thạo đời, một người đặt những câu hỏi nghi vấn chung quanh cái miếng lợi từ đâu mang tới. Và cả đám đông như bị kích động. Cái người thắc mắc lúc trước giờ tiếp tục tuyên ngôn tuyên bố hùng hồn:

“Đi một chuyến cho biết đó biết đây, và chuyến này là chúng ông đi Hoa Kỳ về mà đứa nào ở làng này còn giở lối hà hiếp chúng ông, tranh chỗ ngồi ngoài đình với chúng ông, ông đánh tan xương cho mà xem”.

Có cảm tưởng đây là lúc những oán thù cũ được khơi dậy. Sau những ngày dài sống nhẫn nhục chịu đựng, người ta có dịp thức tỉnh. Họ thấy lâu nay họ quá thiệt thòi và lại nép vế nữa. Họ tính chuyện trả thù.

Ấy vậy mà đấy chẳng qua chỉ là giây phút bốc đồng. Ngay khi con người hùng hổ nói trên đẩy hành động lên tới cao trào “quẳng một cái bát đèn ra ngoài sân, vỡ tan”, bị các cụ bàn giữa mắng, anh ta lại ôm mặt khóc hu hu “lạy các cụ con khổ lắm”.

Lâu nay sinh hoạt đình làng nói riêng và sinh hoạt cộng đồng nói chung, thường được miêu tả với màu sắc thơ mộng. Đến với thơ Nguyễn Bính chẳng hạn thì mái đình chỉ còn là tượng trưng của tinh hoa quê hương làng xã.

Nhưng nhiều tài liệu nghiên cứu xã hội học khởi đi từ Phan Kế Bính trong “Việt Nam phong tục”qua Đào Duy Anh trong “Việt Nam văn hóa sử cương”, Nguyễn Văn Huyên trong “Văn minh Việt Nam” cho tới cả những điều tra của Vũ Văn Hiền trên tạp chí “Thanh Nghị” (1945) … đều cho thấy những bức tranh đại khái như Nam Cao và Nguyễn Tuân vẽ ra ở trên là xác thực. Trước 1945, nhiều miền quê Việt Nam là những vùng nông thôn trì truệ. Sau cái bề ngoài lặng lẽ ẩn mình dưới lũy tre xanh là cả một thực thể ruỗng nát; những gì cựa quậy bên trong thực ra chỉ lồng bồng lửa rơm chóng cháy chóng tàn, cố nhiên là không đi tới đâu, chẳng dẫn tới cái gì.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Hoang vắng như nhau

    03/03/2009Nguyễn QuânLàng tôi chỉ có hai, ba ngàn nhân khẩu nhưng có một cái đình to thuộc loại to nhất xứ Đoài, to đẹp hơn bất kỳ nhà văn hóa huyện, tỉnh nào bây giờ. Nó được dựng vào đầu những năm 1840. Và dĩ nhiên, niềm tự hào lớn nhất của dân bất cứ làng nào cũng là cái đình làng mình.
  • Nếp sống làng quê giữa lòng phố xá

    03/03/2009Vương Trí NhànTrong khi người Hà Nội chưa đủ sức nâng mình lên, thì dân các vùng nông thôn chung quanh lại như là vẫn muốn kéo Hà Nội xuống, và đây mới thật là chuyện "hai lần thương khó". Có một lẽ công bằng mà không luật pháp nào quy định, song ai cũng thấy phải, ấy là Hà Nội chỉ trở thành đô thị thực thụ nếu nó có thể góp phần giúp cho cuộc sống các vùng chung quanh ngày một ổn định, người dân nông thôn thu nhập khấm khá tới mức nhìn về bà con của mình ở thành thị với con mắt thiện cảm và yên tâm ở lại quê hương "phục vụ" Hà Nội. Nhưng "ốc chưa mang nổi ốc" thì "làm cọc cho rêu" sao được?!
  • Vùng thương nhớ

    17/02/2009GS. Tương LaiLiệu có bao nhiêu dân thành phố không có một gốc gác nông thôn? Năm hết Tết đến, thật thú vị cho những người thành thị nào có được niềm vui về quê ăn Tết.
  • Chuyện hỉ, nộ, ái, ố về kiến trúc nông thôn

    16/01/2009KTS Phạm Thanh TùngChuyện về kiến trúc nông thôn trong thời kỳ mới là câu chuyện dài, nó có đủ cả hỉ, nộ, ái, ố như đời người vậy. Đi tìm một mô hình kiến trúc nông thôn mới đòi hỏi không chỉ tài năng, mà hơn cả là cái tâm, lòng yêu quê hương của các nhà quản lý, quy hoạch, kiến trúc sư, cùng sự tham gia, sẻ chia của toàn xã hội.
  • Chuyện dài đô thị và nông thôn

    21/10/2008GS. Tương LaiLiệu có người dân thành phố nào không có một gốc gác nông thôn? Người Hà Nội cũng vậy thôi. Chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, đã có nhiều công trình nghiên cứu Hà Nội miêu tả và phân tích kỹ về những dấu ấn của làng quê trên gương mặt phố phường Hà Nội, tưởng chẳng phải nói thêm...
  • Nông dân nghèo - mối nguy của xã hội

    05/06/2008TS Nguyễn Đức Truyến (Viện xã hội học)Sau hơn 20 năm đổi mới, lần đầu tiên hiện tượng đầu cơ gạo xuất hiện không chỉ làm giá gạo tăng vọt mà còn tạo nên cú sốc toàn xã hội.
  • Bờ xôi ruộng mật chính là hồn Việt

    06/05/2008GS, TS Nguyễn Lân DũngTừ chỗ không đủ ăn đến chỗ là nước đứng thứ nhì về xuất khẩu gạo, vào loại xuất khẩu hàng đầu về nhiều nông phẩm nhiệt đới như cao su cà phê, tiêu, điều và gần đây thủy sản cũng chiếm vị trí rất cao trong xuất khẩu... thì rõ ràng là nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đã có một bước chuyển mình rất lớn...
  • Mắc nợ nông thôn

    22/04/2008Nguyễn Mạnh QuânMình còn mắc nợ nông thôn những gì và phải làm gì để bù đắp cho những mất mát của làng quê Việt Nam trước những đổi thay của thời cuộc...
  • Sự biến đổi tâm lý của người nông dân trong quá trình CNH - HĐH ở nước ta hiện nay

    07/12/2005Ngọc LanCông nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn là cuộc cải biến cách mạng sâu sắc, triệt để về mọi mặt, nhất là trong đời sống tâm lý của người nông dân. Bài viết này góp phần tìm hiểu sự biến đổi tâm lý của người nông dân trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
  • xem toàn bộ