Chỉ cái lồng đèn không thể làm nên Tết Trung Thu

07:56 CH @ Thứ Sáu - 13 Tháng Chín, 2019

1. Bánh Trung Thu với lồng đèn Trung Quốc đã tràn ra phố. Bánh Trung Thu bây giờ, hình như, chỉ dành cho người lớn - có cớ làm quà hiếu hỉ cho nhau. Còn với trẻ con, Tết Trung Thu, chủ yếu, xoay quanh cái lồng đèn. Bởi vậy mà lồng đèn Trung Quốc được dịp trúng mùa...

Tôi không biết Trung Thu mỗi năm Việt Nam nhập bao nhiêu cái lồng đèn Trung Quốc. Có lẽ cả triệu. Cứ tính “bèo” nhất ba mươi ngàn một chiếc, thì sơ sơ cũng đến ba mươi tỉ đồng. Không nhỏ.

Mà tại sao phải nhập lồng đèn ngoại?

Tôi nêu câu hỏi này với bạn bè. Vài người, dân lọc lõi thương trường, nhìn tôi như thằng lẩm cẩm: “Thì tại lồng đèn ngoại đẹp hơn, ứng dụng công nghệ điện tử hiện đại hơn, tạo nên nhiều hiệu ứng ánh sáng và âm thanh hấp dẫn hơn, mẫu mã phong phú hơn, giá cả lại rẻ hơn... chứ sao! Nhập như vậy còn hơn mình làm...!”.

Thật buồn!

2. Tôi không ghét cái lồng đèn ngoại. Tôi không bảo thủ với cái lồng đèn Việt Nam. Tôi chỉ hơi nản lòng với cách tư duy phổ biến ở nhiều người Việt Nam. Hầu như chẳng có ai nghĩ lại từ cái điều đơn giản nhất: Liệu cái lồng đèn có làm nên nổi một mùa Tết Trung Thu?

Tôi có hai đứa con nhỏ. Năm nào đến Tết Trung Thu tôi cũng đưa chúng đi mua lồng đèn. Dĩ nhiên, chúng chọn lồng đèn Trung Quốc. Đứa nào cũng thích. Nhưng rồi, chúng làm gì với cái lồng đèn? Chẳng biết làm gì. Ở nhà, hai anh em săm soi với nhau một tí, cầm lồng đèn chạy quanh nhà một tí, rồi thôi. Có khi, chưa kịp vui đã bị người lớn quát vì cứ “mở nhạc ò í e nhức hết cả đầu!” Chưa kể, có lúc bị ăn đòn vì tội “phá của - chưa gì đã tháo tung tất cả!”... Còn ra đường, cả bọn trẻ con cầm lồng đèn cũng chẳng biết làm gì. Cũng chỉ chạy loanh quanh. Không ít lần, tôi nghe bọn chúng “gáy” với nhau: “Lồng đèn của bố tau mua đó, mắc lắm đó!...”. Rồi đứa vênh mặt, đứa ỉu xìu...

Những lúc này, tự nhiên, tôi đâm ghét cái lồng đèn ngoại!

3. Tôi lớn lên trong giai đoạn đất nước cực kỳ khó khăn về kinh tế. Cái gì cũng thiếu. Nhưng ký ức về tuổi thơ của tôi, đến giờ, vẫn đầy ắp kỷ niệm. Năm nào cũng vậy, từ đầu tháng 8 (Âm lịch), nhà trường tổ chức cho chúng tôi thi làm lồng đèn. Ở lớp, mọi người thi với nhau làm lồng đèn “Bánh ú”, lồng đèn “Ông sao”, lồng đèn “Cá chép”...; Ở cả trường, lớp này lớp kia thi làm lồng đèn “Kéo quân”... Cái không khí chào đón Tết Trung Thu này thật rộn ràng.
Niềm vui cộng lên từng chút, kỷ niệm cộng thêm từng chút - từ khi chúng tôi rủ nhau đi mua tre, mua giấy kiếng, giấy bóng mờ... rồi loay hoay tự làm cái lồng đèn của mình bên cạnh sự trợ giúp của bố mẹ, của anh chi lớn - và vỡ òa vào cái đêm Trung Thu, khi mà những chiếc lồng đèn mà chúng tôi tự làm đó được treo lên sáng rực cả sân trường với đủ hình dạng và sắc màu lung linh...

Hồi nhỏ tôi thuộc loại khéo tay, giỏi bắt chước, “cái gì cũng làm được”, nên mấy ngày làm lồng đèn, bạn bè kéo đến đầy nhà - đứa nhờ làm cái này, đứa nhờ chỉ cái kia... Vui! Đến giờ, tôi vẫn nhớ như in không ít gương mặt bạn bè từ những chuyện xa xưa như thế. Rồi năm nào tôi cũng đoạt giải. “Chuyện nhỏ như con thỏ!”, nhưng có lẽ, cũng đủ ươm mầm trong tôi những ước mơ khác...

Tôi già rồi ư? Bắt đầu sống với kỷ niệm rồi ư? Có cần phải lãng mạn hóa cái kiểu “tự làm, tự sướng” vậy không?

Tôi tin là không. Mấy năm sau này, đi Đông, đi Tây, nhìn khắp thiên hạ, và nhìn dưới góc nhìn chuyên nghiên cứu tầm ảnh hưởng của nghệ thuật thị giác, nghệ thuật cộng đồng, tôi tin rằng, cái kiểu “tự làm, tự sướng” kia vẫn cực kỳ hữu ích. Nó kích thích ý thức thể hiện bản thân bằng niềm vui và năng lực sáng tạo nơi mỗi người. Nó tạo ra một môi trường giao tiếp cởi mở nối kết cộng đồng. Nó là những sự kiện mang lại niềm vui sống và sản sinh kỷ niệm nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người...

Hãy thử tìm hiểu Lễ hội Lồng đèn ở khắp nơi trên đất nước Hàn Quốc vào dịp Lễ Phật Đản hằng năm. Xương sống của các lễ hội này, bao giờ cũng là những cuộc thi làm lồng đèn của các em học sinh phổ thông, của các hội đoàn tôn giáo. Người ta cũng luôn dành ra những không gian được chuẩn bị sẵn mọi thứ và cung cấp nguyên vật liệu, kể cả hướng dẫn kỹ thuật để bất cứ du khách nào cũng có thể làm ra cái lồng đèn, để đặt dấu ấn của mình tại Lễ hội...

Đặt vấn đề “Tại sao phải nhập lồng đèn ngoại”, tôi chỉ muốn lưu ý rằng, không thể nhìn cái lồng đèn Trung Thu như nhìn cái bóng đèn điện ai cũng thắp sáng trong nhà. Cần phải thấy, chỉ cái lồng đèn, không thể làm nên một mùa Tết Trung Thu. Ý nghĩa là ở những sự kiện, những câu chuyện xoay quanh chiếc lồng đèn. Và vui, là ở cái không khí “rước đèn đi chơi”, “rước đèn đi khắp phố phường”...

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Lễ hội du nhập cần lựa chọn

    31/10/2019Hải QuỳnhTrong những năm đổi mới, với chính sách đối ngoại rộng mở, với sự phát triển kinh tế - văn hóa trong tiến trình hội nhập, lễ hội của các nước trên thế giới càng trở nên quen thuộc đối với đông đảo người dân Việt Nam, nhất là đối với tuổi trẻ.
  • Lễ hội và sự lên ngôi của thói vụ lợi

    03/02/2020Vương Trí NhànKhông gì xa lạ với văn hóa bằng tinh thần thực dụng. Song đáng tiếc là tinh thần thực dụng ấy lại đang có mặt và chi phối cách tổ chức của một số lễ hội và trong chừng mực nào đó, làm hỏng các lễ hội thiêng liêng ấy...
  • Thói hư tật xấu của người Việt: Tình trạng dung tục ở các Lễ Hội

    02/03/2015Vương Trí NhànDưới đây là một đoạn ông nhận xét về không khí xô bồ, nhếch nhác thường thấy phổ biến ở lễ hội của người Việt - miếng ăn quá to, người ta chỉ nghĩ đến ăn, tranh giành ngôi thứ cũng chỉ vì ăn...
  • Hà Nội, di sản nghìn năm và tốc độ của đời sống hiện đại

    09/02/2015Nguyễn Trương QuýBắt đầu câu chuyện về Hà Nội, người ta thường nghĩ ngay đến kho "di sản gạch ngói" hay là những thứ "văn vật", thời thượng hơn thì dùng từ "văn hoá vật thể" để chỉ những cấu trúc xây dựng của đô thị, trong đó chủ đề phố cổ luôn nóng hổi và dù nghe đã nhàm tai, đã biết quá rõ những gì gọi là đẹp đẽ, những gì trầm kha của một khu phố luôn được nhắc đến hằng đầu trong những nghị quyết về văn hoá xã hội thủ đô hay những hội thảo chuyên đề về Hà Nội, nhưng hình như vẫn chưa ra được đáp số.
  • Phố cổ Hà Nội

    13/07/2009Nguyễn Văn VĩnhBài viết này được trích từ cuốn Lịch sử, sự thật và sử học (Tạp chí Xưa&Nay, Nhà xuất bản Trẻ, 12/1999) tập hợp một số bài viết trên tạp chí Xưa&Nay của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Bài viết nguyên bằng tiếng Pháp đăng trên tờ Annam Nouveau số 140 ngày 2/6/1932 của nhà báo-chủ bút Nguyễn Văn Vĩnh, đã được một bạn đọc dịch và gửi đến tòa soạn Xưa&Nay, góp phần giải thích về việc tìm hiểu khái niệm "Ba mươi sáu phố phường".
  • Nghi thức tâm linh - sự bi hài của đền chùa Việt

    12/02/2009Ngô Mai PhongĐã nói đến văn hóa lễ hội đền chùa, tất phải nói tới nghi thức tâm linh. Nhưng nghi thức tâm linh tại các đền chùa Việt như thế nào? - "Còn nhiều lộn xộn" - đó là nhận xét của nhà báo Hoàng Hưng - một người vốn để nhiều tâm căn nghiên cứu về văn hóa đền chùa.
  • Lễ, Hội, và Tết

    16/02/2007Nguyễn Tiến VănLễ – Hội – Tết lấy tự nhiên, vũ trụ làm trục dọc, và nhân sinh làm trục ngang, hòa hợp cả với trời đất và con người. Và đương nhiên, trong tiến trình phát triển của xã hội loài người, nhất là cuộc sống hiện đại ngày nay, có những lễ-hội-tết bị làm cho phai mờ đi, và cũng có những lễ-hội-tết được làm cho đậm nét hơn...
  • Thời đại tốc độ

    04/02/2007Nguyễn Tân KỷTrong thời đại công nghệ thông tin, việc rút ngắn được thời gian là một yếu tố sống còn cho các doanh nghiệp. Ngày hôm nay việc phải chọn lựa giữa hai yếu tố nhanh và tiết kiệm thì gần như yếu tố nhanh đang thắng thế...
  • Nối lễ hội vào... trụy lạc

    16/04/2006Vương Trí NhànCác cơ quan điều tra vừa phát hiện ra những đường dây đánh bạc khổng lồ, giám đốc nọ quan chức kia đánh bạc hàng triệu đô la. Nhưng có một sự thực tôi nghĩ còn tàn nhẫn hơn, đó là hành động đỏ đen muôn vàn kiểu đang trở nên phổ biến đến mức đáng sợ...
  • xem toàn bộ