Lư hương

06:11 CH @ Thứ Năm - 21 Tháng Hai, 2019

Người xứ ta, trải qua biết bao thế hệ, truyền từ đời này sang đời khác, coi việc thờ cúng, tưởng nhớ tiền nhân là điều thiêng liêng, không thể tùy tiện, càng không được xem thường, phỉ báng...


Lư hương trước tượng đài Lý Thái Tổ, một địa điểm tâm linh của thủ đô - Ảnh: Internet

.

Trên bàn thờ gia tiên, thứ không thể thiếu là bát hương (hay còn gọi bình hương). Người miền Nam gọi là bát nhang, nhưng sự kính trọng với đồ thờ cúng này thì dù Bắc dù Nam đâu cũng như nhau.

Cũng cần nói rõ một chút, người xứ ta thường có nhầm lẫn bát hương với lư hương. Lư hương cũng là đồ tế khí-linh khí, dùng để thờ cúng, còn có tên là bộ tam sự, gồm 3 món: chiếc lư và cặp chân đèn (2 chiếc). Tam sự thường được đúc bằng đồng, lư để đốt trầm hương, đặt chính giữa; chân đèn để thắp nến, đặt hai bên. Thường bàn thờ (ban thờ) luôn có cả tam sự lẫn bát hương.

Đồ để thắp hương, cắm hương (nhang) trên bàn thờ hằng ngày, hoặc khi kỵ nhật (ngày cúng giỗ tổ tiên, ông bà, cha mẹ), hoặc ngày lễ tết thường là bát hương. Chỉ ở những nơi đình chùa miếu mạo, chỗ đặt tượng đài, nơi thờ cúng công cộng thì đồ để cắm nhang gọi là lư hương. Có những lư hương rất to, nặng, phải mấy người, thậm chí chục người khiêng mới nổi.

Dù ở trong nhà, trong nhà thờ, trong đình chùa, hay nơi tượng đài, thì lư hương, bát hương luôn được coi trọng bậc nhất. Sự kính cẩn đối với trời đất, thánh thần, tổ tiên, tiền nhân, anh hùng… được thể hiện ở thái độ với đồ tế khí, cụ thể là với bình hương, lư hương. Ngoài vấn đề tâm linh, tôn giáo, đây còn là đạo đức, ý thức, nhân cách của con cháu đối với thánh thần, tổ tiên.

Người xứ ta, trải qua biết bao thế hệ, truyền từ đời này sang đời khác, coi việc thờ cúng, tưởng nhớ tiền nhân là điều thiêng liêng, không thể tùy tiện, càng không được xem thường, phỉ báng.

Chính vì vậy, trong sách Việt Nam phong tục, nhà văn hóa lừng danh Phan Kế Bính có viết rằng “Người xứ ta coi đồ thờ tự là đồ rất kính trọng, không ai dám đem cầm, đem bán bao giờ. Nếu nhà nào nghèo quá phải đem cầm bán thì ai cũng chê cười” (chương 4, Phụng sự tổ tông).

Những nhà nghiên cứu văn hóa, nghiên cứu tôn giáo, nhà phong thủy thường khuyên, nhắc nhở mọi người phải hết sức cẩn thận đối với đồ tế khí, nhất là không được để chúng uế tạp, dịch chuyển tùy tiện, đặt không đúng chỗ, lại càng không được tự ý thay đổi bát hương, nay cái này mai cái khác, nay có mai không. Nếu ta chịu khó để ý, quan sát sẽ thấy ở những ngôi chùa luôn có chỗ thu gom các bát hương, tượng thờ cũ (mà các gia đình thay đổi bằng đồ mới) để làm phép “xử lý” cho phải đạo, đúng với sự tôn kính, thiêng liêng.

Tôi có người nhà, một người trải đời, rất am hiểu lĩnh vực tâm linh. Anh ấy khuyên rằng đối với lư hương, bát hương, điều kỵ nhất là dịch chuyển. Bát hương, lư hương phải yên ổn, vững vàng. Nếu muốn lau chùi, làm sạch bát hương, cần chọn giờ giấc thích hợp, ngày tháng tốt lành, cúng lễ cẩn thận rồi mới được dịch chuyển. Theo quan niệm xưa, sự thay đổi vị trí bát hương, lư hương một cách tùy tiện thường gây ra những xáo trộn, suy sụp gia đạo, đời sống, làm ăn, sinh hoạt… Cứ như các cụ từng dạy “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, đừng phá bỏ những “nguyên tắc” của tổ tiên, nhất là những điều chưa thể dùng thực tiễn và khoa học để chứng minh sự đúng sai.

Chủ nghĩa duy vật, thái độ vô thần đã và đang tồn tại trong xã hội, trong cuộc sống con người. Không ai bắt ai phải có đức tin thế này thế kia, điều này điều kia. Vì vậy, cũng đừng vì vô thần, duy vật, vì lý do này nọ mà xâm hại những phong tục tốt đẹp, tín ngưỡng thiêng liêng, đặc biệt những vấn đề, những điều về cuộc sống tâm linh.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đi lễ - Tín ngưỡng người Việt

    03/02/2020Đặng Vân PhúcĐầu năm, mọi người đi lễ cầu may, người ta đi lễ Chùa cầu Phật, lễ Đền cầu Thánh, Mẫu, bà Chúa, Thần, thành hoàng thổ địa, anh hùng dân tộc, Đức mẹ, Chúa, v.v. Tín ngưỡng như một nơi giúp hóa giải và giúp người ta tĩnh tâm, gửi gắm, ước nguyện...
  • Có tín ngưỡng nhưng không được dị đoan

    28/03/2019Lưu PhongVừa là một chiến sĩ cách mạng với nhiều hoạt động thực tế, Phan Bội Châu còn là một nhà tư tưởng dân chủ lớn với nhiều tác phẩm xuất sắc để đời. Trong bài báo nhỏ này, chúng tôi chỉ muốn đề cập tới một số trích đoạn di thảo (chữ Hán viết tay) của Phan Bội Châu viết về những cái hại của thói mê tín dị đoan....
  • Thói hư tật xấu của người Việt: Nông nổi, hời hợt, tín ngưỡng xen hoài nghi

    01/12/2018Vương Trí NhànNhững phong trào ở nước ta, bất cứ phong trào gì, đều có một tính chung là nông nổi, hời hợt bề ngoài. Cái mà chúng ta thiếu nhất là sự sâu sắc. Bởi ta không chịu phân tích và suy xét kỹ nên bất cứ vấn đề gì chúng ta cũng không biết được rõ ràng và chu đáo, biết một cách thấu suốt...
  • Đọc lại Hịch Tướng Sĩ của Đức Thánh Trần

    30/09/2018Dương Danh DyTôi đã được nghe mẹ tôi đọc cho nghe Hịch Tướng Sĩ từ khi chưa biết chữ và sau này được thầy Trần Bá Tuyền, một thày giáo dạy văn hiếm có, giảng giải bài này...
  • Hiện thực ba điều của tín ngưỡng

    20/02/2018Nguyễn Tất ThịnhSau Tết Âm Lịch, chúng ta bắt đầu một thời gian phản tỉnh để hành trình bằng Tín Ngưỡng, trong đó : niềm tin, lòng tin, đức tin... ai cũng có ít nhiều và khác nhau, thuộc về phạm trù tự do cá nhân cần được tôn trọng!
  • Hãy dựng tượng Đức Thánh Trần tại Trường Sa và Hoàng Sa!

    21/11/2017Nguyễn Tất ThịnhHãy làm pho tượng Đức Thánh Trần Vĩ Đại ! Đặt ở chính giữa Biển Đông, nơi chúng ta đã tuyên bố chủ quyền về biển đảo !
  • Đối thoại giữa Tôn Giáo và Tín Ngưỡng

    07/08/2017Nguyễn Tất ThịnhTôi đã đi trong đời sống để trải qua những Tín Ngưỡng. Tôi cũng từng đọc và nghiên cứu nhiều quan điểm của các nhà khoa học, chính khách và các nhà tu hành chính quả để hiểu thêm sâu hơn về Tôn Giáo!
  • Tín ngưỡng

    07/08/2017Nguyễn Trần BạtLà một vấn đề vô cùng phức tạp, thực ra tín ngưỡng không phải là hiện tượng mê tín thuần tuý theo cách hiểu thông thường. Lịch sử cho thấy rằng các loại tín ngưỡng khác nhau có sức sống dai dẳng và ảnh hưởng lâu dài mà khó có hệ tư tưởng nào sánh được...
  • Tín ngưỡng hướng về con người

    10/05/2016Nguyễn Hào HảiCon người trong đời sống có cần đến những niềm tin, đức tin để sống không? Pascal, nhà triết học Pháp đã cho rằng: "Con người sống không có niềm tin, không có đức tin sẽ trở thành một quái vật"...
  • Nguồn gốc và bản chất của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên

    21/09/2013Trần Đăng SinhThờ cúng tổ tiên là một hiện tượng mang tính lịch sử - xã hội, tồn tại phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Mặt tốt của hiện tượng này là ở chỗ, nó nhắc thế hệ những người đang sống phải nhớ đến nguồn, “ăn quả nhớ người trồng cây”, biết kính trọng, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ lúc sinh thời và thờ phụng khi mất. Sự thanh cao, tinh khiết của nó đã trở thành đạo lý, lẽ sống, trở thành nét đẹp trong truyền thống văn hoá của nhiều dân tộc. Song, nó cũng là sự phiền toái, nặng nề khi mang màu sắc mê tín, dị đoan, vụ lợi.
  • Tục thờ cúng tổ tiên ở nước Nam

    15/05/2009Phạm QuỳnhNhân loại gồm nhiều người chết hơn là người sống, Auguste Comte đã nói ở đâu đó như thế. Ở nước Nam câu nói ấy của nhà triết học thực chứng Pháp càng đúng hơn ở bất cứ nơi nào khác. Quả vậy, việc thờ cúng tổ tiên có một vị trí quan trọng trong đời sống gia đình và xã hội của chúng ta. Nó đã trở thành một thứ giáo lý tôn giáo, và, theo một nghĩa nào đó, một tôn giáo quốc gia thực thụ.
  • xem toàn bộ