Lương tâm

12:40 CH @ Thứ Tư - 26 Tháng Hai, 2020

"Có lẽ ta cần khôn hơn, nhanh tay hơn người khác để tồn tại", tôi nói với vợ ở cao điểm của dịch. Vợ tôi trả lời: "Nếu vậy thế giới lại có thêm một kẻ ác".

.


Đoàn người xếp hàng chờ mua khẩu trang - Ảnh chụp màn hình Chosun Ilbo

Ngày Bộ Y tế Singapore nâng cảnh báo về dịch bệnh, hầu hết các chợ, siêu thị bị mua hết hàng nhu yếu phẩm. Hệ thống ứng phó dịch bệnh truyền nhiễm đã được chính phủ nâng lên mức "da cam", cận kề mức cao nhất là "đỏ" vào đầu tháng hai, khi có những bệnh nhân đầu tiên mắc virus corona tại quốc đảo Sư tử. Hàng người trước quầy thu ngân các chuỗi siêu thị lớn như NTUC Fairprice, Sheng Siong, Giant bắt đầu dài thêm.

Từ quầy thu ngân, người mua rồng rắn nối qua gian hàng hóa mỹ phẩm, bánh kẹo, tới khu đồ uống, đồ hộp, đồ tươi sống. Ai cũng tỏ vẻ ngao ngán, sốt ruột vì phải đợi lâu, một số người tức tối bỏ đi, để lại vài giỏ hàng chưa tính tiền. Trưa hôm đó, các nhu yếu phẩm như gạo, mì gói, rau quả và cả giấy vệ sinh biến mất trên các kệ.Tới ngày 8/2, tin tức về tình trạng dự trữ lương thực bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội, càng nhiều hơn số người đổ tới các chợ, siêu thị từ nhỏ tới lớn. Báo Straits Times chạy dòng tít "Các siêu thị hết hàng".

Sống ở đây bảy năm, tôi và nhiều người đều khó ngờ rằng Singapore, thị trường phát triển bậc nhất Đông Nam Á và thế giới, luôn được ca ngợi vì nền kinh tế và xã hội ổn định, trật tự lại có lúc rơi vào trạng thái bất thường như vậy. Dịch bệnh đã khuấy động nhịp sống hàng ngày. Các công ty bắt đầu chia nhân viên ra các văn phòng nhỏ và xa trung tâm. Một số gia đình phải đưa trẻ đi học gần văn phòng cũ, rồi cha mẹ chạy tới văn phòng mới làm việc, mỗi ngày tốn thêm hai giờ đồng hồ trên đường.

Đồng nghiệp tôi, một chị người Singapore phải tất tả ngược xuôi mua khẩu trang giá đắt vì bố cô ấy có bệnh mãn tính, cụ phải vào bệnh viện thường xuyên và cần đeo khẩu trang để tránh bệnh tình chuyển nặng. Khi hàng nghìn người tranh nhau mua và tích trữ cả trăm chiếc khẩu trang, ông cụ 80 tuổi thực sự cần nó lại không có.

Kể cả chị trưởng phòng khá giả, hàng ngày chỉ cần nhấp chuột là thực phẩm được giao tới tận nhà, nhiều khi tiền giao hàng còn đắt hơn cả tiền thức ăn, cũng tất tả chạy ra siêu thị vét nốt những gì có thể mua cho sáu người trong nhà. Chị nhắn tin cho tôi chua chát: "Nếu không mua bây giờ thì sợ sẽ chẳng còn gì để mua sau khi bị người khác lấy hết".

Tôi nhớ lại, cơn bấn loạn khẩu trang diễn ra trước thực phẩm, bắt đầu khoảng một tuần sau khi những ca bệnh do virus corona được phát hiện ở Singapore. Chưa tới một tuần sau ca bệnh, đảo quốc thiếu nguồn cung khẩu trang, mọi người lại càng sốt sắng mua tích trữ hơn. Tôi đang về Việt Nam ăn Tết cũng được hai ông anh vợ sống ở Singapore nhắn tin nhờ mua cho mỗi người 200 chiếc khẩu trang từ Việt Nam. Lúc đó, toàn bộ Singapore, Kuala Lumpur và Tokyo đã không còn mặt hàng khẩu trang loại ba lớp.

Đó là lúc tôi bàn với vợ về việc nhanh tay vun vén cho gia đình. Nhưng cô - một phụ nữ Singapore - gạt đi, vì thế giới không cần thêm "kẻ ác". Cô bảo nhà mình có đủ thực phẩm cho hơn một tuần. Tới lúc đó thị trường sẽ bình ổn được nguồn cung. Mình không cần tạo thêm sức ép cho các nhân viên siêu thị và vận chuyển phải gồng mình để phục vụ nhu cầu bất chợt của đám đông. Tôi cảm thấy áy náy sau lời cô ấy nói. Chúng ta luôn chăm chăm vào việc vun vén mọi thứ tốt hơn về cho mình, còn người khác thì thế nào, chẳng lẽ họ không cần khẩu trang, không cần phòng bệnh, đồ ăn thức uống? Nhưng chúng ta vốn bận rộn với ham muốn của mình quá, trí óc ta làm sao còn chỗ nghĩ cho những người khác, dù chỉ là hàng xóm ngay bên kia bức tường.

Tôi biết vợ tôi đúng, nếu ai cũng muốn mặc kệ người khác để tồn tại thì chẳng mấy chốc xã hội sẽ thế nào? Chẳng khó gì hình dung ra cảnh đến lúc nào đó, vì quá sợ người khác chiếm mất nguồn sống, chúng ta phải hành xử không ra con người đôi khi chỉ để có thêm một chiếc khẩu trang hay vài đồng tiền, một cân thịt.

Nếu ai từng sống ở Nhật Bản, có thể từng thấy cảnh không cần phải báo chí tuyên truyền, chính phủ nhắc nhở hay kêu gọi, người dân trong các tình huống eo hẹp luôn lựa chọn chỉ mua, nhận, lấy đủ phần nhỏ thức ăn, nhu yếu phẩm cho mình, còn lại để phần người đến sau. Nếu bạn muốn mua quá nhiều để tích trữ, người bán cũng không bán mà nhắc nhở, hãy mua tạm đủ dùng bởi còn phải san sẻ. Một khi họ phải thốt ra lời nhắc đó, tình huống trở nên rất đáng xấu hổ với người nghe. Nhưng ta cũng biết, rất hiếm quốc gia có được văn hóa đó. Đạo đức tiêu dùng, cũng như đạo đức bán hàng của từng cá nhân trong xã hội, nhiều khi đến từ nền giáo dục và hệ giá trị họ được hưởng từ khi còn là đứa trẻ.

Khi không thể kêu gọi lương tâm và sự tự giác của người bán, mua trong những tình huống thị trường đổi chiều, giới hạn số lượng hàng bán cho mỗi cá nhân, đơn vị cũng là một biện pháp bình ổn thị trường của chính phủ. Singapore đã làm như thế. Chính phủ ngay sau cơn khan hiếm thực phẩm đã áp đặt hạn mức được mua của dân chúng. Thông báo được đăng trên báo chính thống và các siêu thị. Mỗi người chỉ được mua không quá hai bao gạo (mỗi bao có thể lên tới 15 kg), bốn bịch mì ăn liền (từ 20 tới 24 gói) và số lượng rau củ tương đương 50 SGD (khoảng 800.000 đồng) mỗi ngày.

Lượng "quota" này được tính toán cao hơn nhu cầu thông thường một chút và vẫn đảm bảo đủ nguồn cung trong trung hạn. Có ai cần mua hai bao gạo mỗi ngày trong bảy ngày đâu cơ chứ. Vì vậy, có lẽ sau đó ai cũng hiểu họ đã mua đủ những thứ mình cần và chẳng nên cực nhọc đi mua đồ tích trữ ở 10 siêu thị khác nhau làm gì, thị trường Singapore sau ba ngày đã yên ổn trở lại.

Tôi thấy những bài học từ dịch bệnh không vô ích nếu ta chịu nhìn và suy ngẫm về cách chúng ta sống, hành xử, vận hành các nền kinh tế hôm nay. Đó là bài học của cả chính quyền lẫn người dân về việc vun đắp lương tâm của thị trường, bao gồm đạo đức của cả người tiêu dùng và người bán hàng trong cơn biến động. Thái độ và hành động ứng xử của các bên đúng lúc, với liều lượng thích hợp sẽ khiến "lương tâm" của thị trường nảy nở.

Riêng cá nhân mình, tôi biết virus corona nguy hiểm với người có tuổi và có tiền sử bệnh lý, trong khi bản thân lại là thanh niên, dân thể thao, ít khi ốm vặt. Chưa kể, các chuyên gia khuyên không cần đeo khẩu trang mọi lúc. Tôi nhường một phần khẩu trang mua giùm cho hai ông anh vợ tặng người bố 80 tuổi của chị đồng nghiệp, người cần chúng hơn cả. Mua ít và tiêu thụ ít đi, ngay cả khi bạn không thiếu tiền, đơn giản vì đó là điều nên làm.

Nguồn:Vnexpress
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Lương tâm là gì?

    05/04/2018Lương tâm, như từ này cho thấy, là sự ý thức. Nó là loại ý thức đặc trưng – ý thức đạo đức, một cảm thức nội tại về cái đúng và cái sai. Và nó là ý thức có sức mạnh bắt buộc. Chúng ta cảm thấy bị nó thúc ép. Nó ra lệnh cho chúng ta. Nếu chúng ta không vâng phục nó, chúng ta cảm thấy ăn năn hay lo sợ. ...
  • Lương tâm và luật pháp

    11/06/2017Giáp Văn DươngCon tôi hay hỏi những câu như "con không muốn thế, nhưng quy định phải thế, thì con chọn cái nào?". Thay vì lảng tránh những câu hỏi này, tôi thường chọn cách phân tích rốt ráo cho con hiểu và để con đưa ra lựa chọn. Vì tôi cho rằng, sau khi đã hiểu thì phải chọn, đó là lựa chọn cá nhân, tôi không can thiệp...
  • Amartya Sen: Lương tâm của kinh tế

    05/03/2016GS. Trần Hữu DũngĐa số người ngoài ngành (và cả nhiều người trong ngành) thường nghĩ đến kinh tế như một khoa học giúp hoạch định những chính sách để quản lý, để phát triển, để tăng trưởng, để bình ổn. Những người có thiên kiến này sẽ ngạc nhiên khi đọc Amartya Sen, nhà kinh tế gốc Ấn Độ, người được trao tặng giải Nobel Kinh tế năm 1998. Ông là người châu Á đầu tiên được Nobel về ngành này...
  • Dọn rác đạo đức - Spa lương tâm

    04/03/2016Thu NguyệtTa luôn chú ý làm đẹp hình thức bên ngoài mà không quan tâm đến chuyện làm đẹp cho lương tâm mình. Một vài động tác tự “chăm sóc” nhỏ thôi như thế nhưng cũng sẽ giúp mình như đi spa cho lương tâm vậy.
  • Không mặc cả với lương tâm

    13/11/2014Phạm Anh TuấnTrong thâm tâm họ biết là tôi đúng. Nhưng nếu họ cứ tiếp tục bênh vực ý kiến của họ thì chưa chắc đã không gặp rủi ro. Và nếu không ai dám chấp nhận rủi ro thì chuyện gì sẽ xảy ra? Cậu biết tại sao họ không ưa tôi không? Tôi thường buộc họ phải thú nhận là họ đã mặc cả xong với lương tâm của chính họ…
  • Sự chung thủy nằm ở lương tâm

    07/11/2013Phùng Nguyên (thực hiện)Tâm Phan - một hot blogger, công dân toàn cầu đã sống tại gần 100 thành phố trên thế giới, chia sẻ với PV Tiền Phong về phong cách sống của giới trẻ phương Tây: Sự chung thủy không nằm ở trinh tiết mà nằm ở lương tâm...
  • Ở đâu, đạo đức và lương tâm của giới trẻ?

    07/07/2005Tuyết Thanh, Viện Văn họcTôi thấy có một mặt của thanh niên đang tụt hậu, có thể dùng khái niệm suy thoái. Nghĩa là các thế hệ ông cha đã từng có rồi mà thanh niên ngày nay (một bộ phận lớn) đang làm mất đi, suy yếu đi. Đó là đạo đức và lương tâm nghề nghiệp.
  • xem toàn bộ