Mặt bằng xây dựng...và người hưởng thụ

08:25 SA @ Thứ Ba - 19 Tháng Bảy, 2005

Mặt bằng xây dựng

Người thiết kế toà nhà phải có trong tay các cứ liệu của mặt bằng, gồm có phần lộ thiên (diện tích, danh giới, phương hướng...) và phần chìm sâu trong lòng đất, độ rắn của chất đất.

Mặt bằng cho toà nhà giáo dục có phần lộ thiên là nền sản xuất hiện đại (kinh tế tri thức) có tính toàn cầu và phần chính trị hội nhập. Phần chìm của nó là nền văn hoá bản địa và chất nhà trường hiện hành.

Thừa kế nguyên vẹn (về nguyên lý) của nhà trường cổ truyền, nhà trường hiện hành hao hao như nhà thơ, thầy giáo hao hao như thầy tu, học sinh hao hao như tín đồ.

Thầy giảng như giảng đạo (của thánh hiền). Trò ghi nhớ như ghi nhớ Kinh thánh.

Cứ liệu xã hội – chính trị

Ngày trước, 95% dân cư không cần đi học cũng có thể sống bình thường.
Ngày nay, để sống bình thường trong xã hội hiện đại, tất cả 100% dân cư phải đi học.

Bước chuyển từ nền giáo dục cho 5% dân cư sang nền giáo dục cho cả 100% dân cư là một bước chuyển về chất (về nguyên lý).

Người thiết kế toà nhà giáo dục hiện đại tính toán trên cứ liệu ấy.

Tính xã hội – chính trị của một nền giáo dục là một cứ liệu vững chắc ở ngay trong lòng cuộc sống thực, độc lập với các cá nhân, cho dù đó là các nhà hoạt động xã hội – chính trị xuất sắc đương thời.

Cuộc sống là cuộc sống của 100% dân cư, của trời đất sông núi...từ bao giờ đến bây giờ và mãi sau này. Còn các nhà hoạt động xã hội - chính trị lại có đời sống ngắn hơn và nhiệm kỳ đương chức còn ngắn hơn nữa...

Cứ liệu nghiệp vụ

Ngày trước, kinh nghiệm cá nhân hoàn toàn đủ cho cuộc sống bình thường.

Ngày nay, kinh nghiệm cá nhân chẳng còn mấy giá trị so với những việc phải xử lý bằng khoa học.

Bước chuyển từ kinh nghiệm sang khoa học là một chuyển về chất (về nguyên lý).
Người thiết kế toà nhà giáo dục hiện đại phải tính toán trên cứ liệu ấy.

Kinh nghiệm tự nó lần mò đến với các cá nhân quanh nó, cùng cảnh như nó.
Khoa học chỉ có thể khẩu phục tâm phục người lạ nào dám tìm đến nó, phát hiện ra nó, vạch ra bản chất của nó (trong khi số đông xung quanh sống ngàn đời với nó mà không biết gì).

...Và người hưởng thụ

Một nền giáo dục trong qúa trình thay đổi nguyên lý, cả về mặt xã hội – chính trị lẫn mặt chuyên môn – nghiệp vụ cùng có mục tiêu: Vì lợi ích của người hưởng thụ là Học Sinh. Lợi ích cơ bản nhất (vừa trực tiếp vừa lâu dài) của học sinh là sự phát triển tự nhiên của bản thân nó, tức là mỗi người trở thành chính mình một cách tự nhiên (không phỏng theo ai, không ép theo khuôn mẫu nào).

Học sinh muốn trở thành chính mình cách duy nhất là tự mình làm ra sản phẩm giáo dục cho chính mình.

Làm nhiều, làm ít, làm tốt, làm chưa tốt...được bao nhiêu thì sẽ có bấy nhiêu.

Chỉ có điều, quá trình này không phải chỉ phụ thuộc vào cá nhân học sinh, mà còn trông chờ vào cách dạy của nhà trường, cách giáo dục của gia đình.

Hegel đã nói lên chân lý này: con người tự sinh ra mình bằng lao động.
Marx bổ xung và đính chính: con người tự sinh ra mình bằng lao động tự do.

Lao động tự do hiểu là lao động cho chính mình, đối lập với lao động tha hoá, lao động làm thuê... khi sản phẩm thuộc về người khác.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: