Mấy giải pháp cấp bách về Giáo dục

03:51 CH @ Thứ Bảy - 08 Tháng Hai, 2003

Vừa qua, GS. Hoàng Tuỵ có gửi Hội đồng Quốc gia về Giáo dục và Bộ giáo dục Đào tạo bản kiến nghị: "Mấy giải pháp cấp bách về giáo dục". Dưới đây là bài lược trích nội dung bản kiến nghị đó.

Nhìn vào thực trạng giáo dục hiện nay, có thể thấy một số khó khăn phức tạp thật ra không đáng có, đã nẩy sinh và trở nên trầm trọng chủ yếu do cách quản lý và điều hành chưa tốt.

1) thi cử nặng nề quá mức cần thiết, gây nên một áp lực tâm lý và vật chất không thể chấp nhận được cho xã hội, cho mọi gia đình;
2) dạy thêm, luyện thi tràn lan, ảnh hưởng tệ hại đến uy tính nghề giáo và chất lượng giáo dục
3) chi phí cao so với hiệu quả sử dụng, mỗi năm đều in mới sách giáo khoa, rất tốn kém mà không có điều kiện cải tiến nội dung lẫn hình thức.

Cả ba vấn đề này đã được nêu lên từ nhiều năm nhưng cho đến nay vẫn chưa được xử lý thoả đáng, dần dần trở thành những lực cản khiến giáo dục tiến lên chậm chạp, không đáp ứng nhu cầu và không tương xứng công sức và tiền của đầu tư cho nó (trong đó phải kể cả sự đóng góp to lớn của dân).

Cần phải nói thêm rằng, dù giáo dục còn nhiều yếu kém nhưng không ai có thể đánh giá thấp sự hy sinh và những cố gắng của các thầy, cô giáo, những người thường lo lắng cho sự nghiệp giáo dục và hơn ai hết, mong đợi những chuyển biến tích cực của ngành.

Xuất phát từ sự trân trọng đối với các thầy cô giáo, các bậc cha mẹ mong rằng những kiến nghị sau đây sẽ được sự quan tâm của các cơ quan có trách nhiệm đối với sự học của thế hệ trẻ, cũng là tương lai của đất nước.

Cải cách thi cử

Thi cử là việc bình thường trong quá trình học tập. Song thi cử mà đến mức theo ước tính hàng năm tốn phí mấy chục nghìn tỷ, sinh ra bao cảnh nhọc nhằn, đau khổ, căng thẳng toàn xã hội và phơi bày bao thủ đoạn gian lận đáng xấu hổ như ở nước ta mấy năm qua thì quả là hiếm thấy.

Để khắc phục tình hình đó tôi nghĩ cần kiên quyết thực hiện các biện pháp sau đây:

1. Giảm bớt số kỳ thi.

Bỏ hẳn thi tiêu học và thi trung học cơ sở. Học sinh học hết năm cuối tiểu học (hay trung học cơ sở), nếu đủ điểm trung bình thì được cấp chứng chỉ học hết tiểu học (hay trung học cơ sở). Đồng thời thi học kỳ nghiêm túc, ở lớp 5 và lớp 9. Trước đây ta có thời kỳ dài làm như vậy, và phần đông các nước cũng làm như vậy.

2. Phân tán tổ chức thi.

Giao cho từng Sở chịu trách nhiệm tổ chức thi tú tài ở địa phương mình (cả ra đề, chấm thi và công bố kết quả), với sự giám sát của Bộ. Các nước đều làm như vậy, nước ta trước đây cũng làm như vậy mà có sao đâu. Thi tuyển vào đại học cũng không tập trung ở một số thành phố lớn, mà tổ chức thi ở các địa phương, chỉ tập trung bài thi để chấm tại hội đồng từng trường.

3. Thu hẹp diện thi tuyển vào các cấp học.

Đối với trung học phổ thông, học sinh xuất sắc lớp 9 được tuyển thẳng (xuất sắc được hiểu là lọt vào số 10% giởi nhất trong lớp; ví dụ lớp 50 học sinh thì 5 trò giỏi nhất lớp được coi là xuất sắc; xếp hạng học sinh căn cứ điểm thi hai học kỳ năm lớp 9). Ngoài số ấy, chỉ những học sinh có kết quả học tập trên trung bình ở lớp 9 mới được dự thi vào lớp 10, số còn lại nên thu hút vào các trường dạy nghề (sau này cũng sẽ đào tạo cơ hội học lên đại học nếu muốn).

Đối với đại học, học sinh xuất sắc ở từng địa phương được tuyển thẳng (xuất sắc là lọt vào số 10% giỏi nhất lớp và số 10% có điểm trung bình cao nhất trong kỳ thi tú tài ở đại phương đó). Dĩ nhiên, tuỳ tình hình, tiêu chuẩn xuất sắc có thể chặt chẽ hơn, chẳng hạn 5-7% chứ không phải 10% và có quy định riêng đối với các lớp chuyên và học sinh đoạt các giải quốc gia.

Định nghĩa xuất sắc như trên sẽ không phụ thuộc việc cho điểm rộng hẹp khác nhau của các địa phương, hay đơn vị (dù cho điểm rộng hẹp gì chỉ được lấy 10% giỏi nhất). Thông thường, về kiến thức, 10% giỏi nhất ở các địa phương nghèo có thể chưa bằng được ngay 10% giỏi nhất ở các thành phố lớn là nơi điều kiện học tập tốt hơn, nhưng về tiềm lực trí tuệ thì đại để có thể coi như ngang nhau, cho nên về lâu dài số 10% học sinh giỏi nhất ở các địa phương sẽ không thua kém số ở các thành phố lớn (cũng vì lẽ tương tự mà những học sinh giỏi trong nước khi ra các nước ngoài vẫn có thể hoc giỏi được). Vả lại cách chọn như thế mới công bằng, cho học sinh giỏi ở địa phương nghèo khỏi bị thiệt thòi chỉ vì điều kiện học tập kém hơn, và tạo cơ hội ngang nhau cho học sinh giỏi ở các địa phương khác nhau. Ngoài 10% đươợ tuyển thẳng thì chỉ 20% tiếp thep được dự thi tuyển vào đại học. Như vậy chỉ 1/5 số đỗ tú tài từng năm sẽ dự thi vào đại học (cộng thêm một số ít tồn động từ năm trước mà xét có lý do chính đáng), số còn lại sẽ cố gắng thu hút vào các trường kỹ thuật ngắn hạn.

Làm được những việc trên thi cử sẽ nhẹ nhàng, ít tốn kém, học sinh sẽ chú trọng nhiều hơn đến việc học bình thường hàng ngày. Đồng thời nguồn tài chính tiết kiệm được nhờ giảm nhẹ thi cử có thể dùng tăng cường công tác thanh tra chuyên môn ở các cấp và các địa phương.

Chìa khoá giải quyết việc dạy thêm, luyện thi

Do áp lực thi cử và đồng lương quá thấp của giáo viên nên việc dạy thêm, học thêm tràn lan và luyện thi vô tội vạ đã thành một nét đặc trưng của nền giáo dục Việt Nam từ nhiều năm nay. Đặc trưng vì khó tìm thấy ở đâu khác, và phải nói rõ chẳng đẹp đẽ gì. Không những nó làm hao tốn tiền của cho cả thầy, trò và cha mẹ học trò mà nó còn có hại nhiều hơn có lợi cho việc rèn luyện con người.

Tiếc rằng việc dạy thêm, học thêm tràn lan tuy đã bị phê phán, nhưng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, mà chỉ mới được chấn chỉnh cho có trật tự hơn (cấp giấy phép và theo dõi quản lý, cũng giống như trường chuyên nay biến tướng thành trường chất lượng cao). Với cách giải quyết hình thức như vậy còn lâu giáo dục mới thoát khỏi cảnh sa lầy.

Theo kinh nghiệm, không thể cấm dạy thêm hay luyện thi bằng một chỉ thị hành chính. Chìa khoá giải quyết vấn đề này ở chỗ khác: phải cải cách thi cử để luyện thi không còn là nhu cầu phổ biến, và phải trả lương đàng hoàng cho thầy cô giáo để họ không phải kiếm sống bằng dạy thêm.

Làm sao để trả lương đàng hoàng cho giáo viên? Có thể đề nghị 4 giải pháp như sau:

1. Đóng học phí thay cho mọi khoản đóng góp.

Trên thực tế, học sinh ở mọi cấp hiện nay đều phải đóng góp nhiều khoản khác nhau. Cộng mọi khoản cho trường, lớp và thầy, mỗi trò hàng tháng phải đóng góp trung bình bằng lương tháng một công chức trung cấp. Mặt khác giờ học thêm mới thật là giờ học quan trọng. Vậy nên chăng gộp hết mọi khoản đóng góp thành học phí, thu thống nhất cho mỗi cấp học (mức thu ở thành phố cao hơn ở nông thôn) và thu vào ngân sách nhà nước, chứ không để từng trường quản lý. Mọi khoản chi tiêu của nhà trường lâu nay dựa vào đóng góp của phụ huynh sẽ được cấp từ ngân sách.

2. Trả lương chính thức cho giáo viên bằng tiền ngân sách, đủ bảo đảm cho họ mức sống ngang với mức sống trung bình mà hiện nay học đang có được nhờ thu nhập dựa vào các lớp dạy thêm và luyện thi. Sau khi thu học phí và nộp vào ngân sách thì thực hiện trả lương như thế không phải là khó khăn vì tổng số tiền nhà nước phải chi từ ngân sách vẫn như trước.

3. Trên cơ sở bảo đảm mức sống ổn định, xứng đáng với vị trí nghề giáo trong xã hội, sẽ cấm hẳn mọi lớp dạy thêm, luyện thi (ít nhất tạm thời, sau này khi hoạt động giáo dục trở lại bình thường có thể xét một số ngoại lệ). Đồng thời yêu cầu giáo viên lên lớp các giờ chính thức với trách nhiệm tối đa, và tăng cường thanh tra chuyên môn để đảm bảo thực hiện đúng đắn các chế độ đã quy định.

4. Sử dụng một phần thì giờ trước đây dành cho các buổi dạy thêm để tăng cường những hoạt động ngoại khoá hoặc tự học của học sinh dưới sự hướng dẫn của giáo viên, đồng thời tổ chức có hệ thống việc bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho bản thân giáo viên theo những phương thức khác nhau, nhằm đáp ứng yêu cầu hiện đại hoá giáo dục.

Thực hiện được giải pháp trên cũng có nghĩa là sòng phẳng với dân (các khoản “đóng góp” lâu nay khác gì “học phí”), và công bằng đối với thầy, cô giáo (xoá bỏ sự giả tạo đồng lương). Nhà trường sẽ không còn là cái chợ để mua bán chữ, ở đó cả người bán và người mua đều cảm thấy xót xa cho sự sa đoạ của một nghề cao quý lẽ ra phải được tôn vinh. Cả thầy và trò sẽ cảm thấy thoải mái hơn, có nhiều thì giờ hơn để dạy dỗ dìu dắt nhau theo nghĩa tốt đẹp, văn minh nhất, để nhà trường thực sự là nơi rèn đúc nhân cách, một nơi mà suốt đời mỗi người sẽ mãi mãi nhớ đến với lòng kính trọng và biết ơn.

Sách giáo khoa

Chương trình giảng dạy ở các cấp học của ta đã lâu ít thay đổi, hiện có nhiều phần không còn thích hợp nữa.

Nhưng có điều lạ là tuy chương trình ít thay đổi mà sách giáo khoa thì năm nào cũng in lại, in mới, khiến sách năm trước không dùng được cho năm sau và trong mỗi gia đình em không dùng được sách của anh để lại, thật là một sự lãng phí lớn. Không có nước nào kể cả các nước giàu, xài sách giáo khoa ngông như vậy.

Do hàng năm phải bỏ sách cũ, in sách mới nên rất tốn kém, không đủ tiền đầu tư cải tiến cả nội dung lẫn hình thức, khiến cho nội dung đã yếu mà hình thức luôn luôn mang vẻ tạm bợ, in và trình bày thiếu hấp dẫn, không tiện lợi khi sử dụng. Điều đau khổ là vì sách đắt nên trẻ em nhà nghèo, nhất là ở các vùng nông thôn, không mua nổi. Nghe nói có nơi, học sinh không có sách, thầy giáo đến lớp phải đọc cho học sinh chép bài từ đầu đến cuối giờ. Có thể nào tưởng tượng nổi một lớp học như thế ở cuối thế kỷ 20 trên đất nước ta.

Tôi không nghĩ vì nước nhà đã thống nhất mà nhất thiết cả nước chỉ được phép dùng một bộ sách giáo khoa duy nhất. Hơn nữa, khi trên thực tế đã có hai bộ sách rồi mà loại bỏ một, thì sự lãng phí đó không đáng. Đất nước còn nghèo, mỗi đồng bạc đều thấm đậm mồ hôi và nước mắt của dân, tiết kiệm cũng là một ý thức chính trị (nhân đây xin nói ở nhiều nước Âu, Mỹ phát triển học sinh không mặc đồng phục, không hiểu vì sao ta nghèo mà các trường cứ đua nhau bắt học sinh sắm đồng phục, lại còn muốn đồng phục thống nhất).

Trên tinh thần đó, xin có mấy đề nghị.

1. Trong 5 năm tới, tạm giữ ổn định chương trình và sách giáo khoa. Do đó cần in sách như thế nào để phân phối đủ cho các trường và đầu năm học mỗi học sinh có thể thuê một bộ sách (với giá rẻ) cuối năm trả lại để dùng cho học sinh năm sau. Hàng năm không in lại toàn bộ mà chỉ in một số nhỏ bổ sung những sách hư hỏng, mất mát hoặc để dùng cho số học sinh tăng thêm. Vì sách phải dùng lâu nên phải bền chắc hơn (bìa cứng), in tốt hơn, trình bày đứng đắn nhưng hấp dẫn (hình vẽ, chữ màu...), dễ dùng, dễ đọc, hợp với tâm lý đối tượng. Về một số môn như toán, vật lý, sử, địa.... nên in gộp 1 cuốn cho cả cấp về môn đó chứ không chia ra từng lớp vì trong thực tế học sinh thường phải xem lại những phần đã học ở năm trước. Sách không nhất thiết phải sát đúng chương trình 100% mà có thể rộng hơn phần nào, để sau này còn dùng được khi chương trình thay đổi không nhiều, và học sinh giỏi có thể tự học thêm.

2. Ngay bây giờ tổ chức việc nghiên cứu, biên soạn chương trình và sách giáo khoa mới cho giai đoạn sau 2004, huy động được sự đóng góp trí tuệ và kinh nghiệm của các nhà giáo dục và khoa học ưu tú trong cả nước. Tham khảo đầy đủ kinh nghiệm các nước, sử dụng những tiến bộ khoa học, công nghệ mới, để có được một bộ chương trình và sách giáo khoa về cơ bản có thể dùng ổn định trong khoảng 10 năm sau này. Vì đây là giai đoạn công nghệ tiến cực nhanh, nên cần theo dõi sát kinh nghiệm các nước để khỏi lạc hậu, nhưng cũng không nên cầu toàn quá.

3. Đi đôi với chương trình và sách giáo khoa cần nghiên cứu nghiêm túc để đổi mới phương pháp giảng dạy và giáo dục trong nhà trường, loại bỏ lối dạy nhồi nhét, hiện đại, theo kịp trào lưu thế giới, phục vụ tốt hơn cho sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.

Những giải pháp trên không đòi hỏi tăng đầu tư (dù của nhà nước hay của dân) mà chỉ là sử dụng hợp lý hơn các nguồn tài chính, nhân lực, các phương tiện trong tầm tay để tháo gỡ những ách tắc kinh niên tự ta dựng lên trong những năm qua. Song việc thực hiện đòi hỏi quyết tâm và can đảm, vì về ý thức phải thay đổi tư duy giáo dục, và về thực tiễn cần giải quyết đúng đắn chế độ đãi ngộ giáo viên, một bộ phận của vấn đề tiền lương công chức, điều bất hợp lý lớn đang đẻ ra nhiều ách tắc tiêu cực trong xã hội.

Dầu sao cũng không thừa nếu nhắc lại rằng sự tụt hậu về giáo dục sẽ có hậu quả không lường đối với sự phát triển mọi mặt của đất nước, và đó là cái giá đắt không nên buộc các thế hệ sau phải trả cho sự thiếu trách nhiệm hôm nay của chúng ta.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: