Một số quan niệm về phát triển

10:55 SA @ Thứ Tư - 09 Tháng Năm, 2007

Có nhiều quan niệm về phát triển nhưng có thể nói ý muốn "bay lên", "bứt phá", "cất cánh", "đi tắt", những băn khoăn xem ra "lớn hay nhỏ" sẽ là rất tốt để thể hiện nguyện vọng của nhân dân (mặc dù mang nặng tâm lý nóng vội). Nhưng đó không nên là mục tiêu để các nhà hoạch định chính sách kinh tế, những doanh nhân hướng tới trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới. Thay vào đó, họ cần có một số thay đổi trong suy nghĩ, quan niệm và hành động dựa trên các dữ kiện thực tế, đề ra những phương án mang tính khả thi hơn là những dự án "tô hồng" nhưng khó lòng hoàn tất.

Về nền Kinh tế quốc dân

So với nền kinh tế đóng, nền kinh tế mở (hội nhập) có cách tính toán và cân đối nền kinh tế quốc dân phức tạp hơn nhiều. Lúc đó sẽ có các mối liên kết kinh tế giữa các đơn vị trong nước với bên ngoài và các mối liên kết này đòi hỏi có phương pháp riêng để thống kê. Nhà nước cần có mô hình chuyên biệt cho việc cân đối quốc gia. Việc quản lý theo ngành của các bộ cần được thiết kế lại vì rất nhiều hoạt động kinh doanh của các công ty (thuộc bộ hoặc không thuộc bộ) không mấy liên quan đến chức năng của ngành mà thuần túy chỉ là các mắt xích cho những chuỗi cung ứng bên ngoài. Việc tạo ra giá trị gia tăng cho chuỗi giá trị của sản phẩm của thế giới đóng góp thế nào cho nền kinh tế quốc dân cũng cần được xem xét kỹ.

Khái niệm "cân đối" của nền kinh tế quốc gia cũng cần được quan niệm lại vì sự "mất" cân đối trong phạm vi quốc gia (khi đóng) có thể lại là sự cân đối trong bối cảnh hội nhập. Quan niệm rằng ta có quá nhiều người tốt nghiệp đại học, cao học so với khả năng thu hút của nền kinh tế (khi chưa hội nhập sâu) có thể trở thành sai khi những người này làm việc cho các chuỗi cung ứng, trung tâm R&D của nước ngoài trong thời gian tới. Việc "lập kế hoạch" (mà chủ yếu dựa trên các cân đối, chiến lược tính toán cho quốc gia) sẽ không thích hợp (thậm chí trái) với tư duy, phương thức hoạt động của các chuỗi cung ứng đang hoạt động ngoài ý muốn của bất kỳ một quốc gia nào.

Hiện nay doanh nghiệp Việt vẫn trông chờ quá nhiều vào Nhà nước và Nhà nước vẫn hay "chỉ ra" cho doanh nghiệp phải làm gì, làm thế nào. Một bản chiến lược tổng thể của một bộ, ngành mà không "chỉ ra" được một vài sản phẩm, bước đi cụ thể để cho doanh nghiệp thì bị coi là chưa đầy đủ, chung chung. Nhưng khi hội nhập sâu và vốn từ bên ngoài đổ vào nhiều hơn vốn trong nước, lúc đó, Nhà nước không (và không thể) đưa ra chiến lược sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp được nữa mà các doanh nghiệp cần tự làm lấy. Trong các liên doanh, bên nước ngoài thường nắm các quyết định quan trọng. Lúc này, doanh nghiệp Nhà nước cần thay tính chủ động bằng khả năng phản ứng. Tức là ta phản ứng tùy theo các động thái của họ.

Chiến lược Công nghiệp hóa

Lý thuyết về công nghiệp hóa đã được xây dựng chủ yếu dựa trên bối cảnh trước hội nhập, khi mà các nước còn tách biệt về kinh tế thế giới, khả năng bảo hộ thị trường nội địa và bao cấp cho doanh nghiệp nội địa rất cao so với thời kỳ hội nhập. Nếu áp dụng các kinh nghiệm, chính sách công nghiệp hóa của Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia... một cách máy móc sẽ không những không thích hợp gây lãng phí lớn. Những bao cấp cho các ngành công nghiệp trong nước trong bối cảnh hội nhập có thể sẽ như rót nước vào cái thùng không đáy và nước (đầu tư) sẽ không bao giờ tới ngưỡng. Lãng phí càng lớn hơn trong các dự án, chương trình quốc gia lớn, ví dụ: xây dựng các ngành công nghiệp, cụm công nghiệp. Khi đó, các doanh nghiệp có thể dùng bao cấp của nhà nước vào các mục đích khác và không liên quan gì đến thiết lập cụm theo dự kiến. Chương trình mía đường, xi măng, thép, ôtô, cơ khí... đã không tính đến các yếu tố hội nhập dẫn đến thiệt hại cho nhà nước, nông dân trồng mía.

Kinh nghiệm công nghiệp hóa của các nước nay đã phát triển thì nhiều. Nhưng kinh nghiệm công nghiệp hóa trong bối cảnh hội nhập thì không nhiều. Vì vậy, cần xem xét, tính toán lại toàn bộ vấn đề công nghiệp hóa của chính chúng ta trong bối cảnh hội nhập. Khi hội nhập, một nước nông nghiệp lạc hậu rất khó có thể xây dựng được ngành công nghiệp ôtô, điện tử... khi bao cấp của Nhà nước không sánh được với lợi nhuận của các doanh nghiệp khi làm việc khác với bên ngoài. Có thể nói công nghiệp hóa không chỉ là phát triển những ngành công nghiệp (theo quan niệm kinh điển) mà là phát triển sản xuất kinh doanh bằng phương pháp công nghiệp. Ví dụ: không phải là trong CNH, sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp, thủ công nghiệp sẽ giảm đi mà là việc sản xuất-kinh doanh của các ngành trên được tiến hành chủ yếu bằng phương pháp công nghiệp.

Quan điểm về tạo dựng cụm công nghiệp



Trên thế giới có một số cụm đơn lẻ mang tính tập trung cao và chuyên ngành rất sâu, đồng thời với rất nhiều các cụm phân bổ rộng khắp trên thế giới tạo ra các mạng lưới toàn cầu.Thung lũng Silicon (Mỹ) là một cụm địa phương mang tính tập trung rất cao và chuyên ngành rất sâu về công nghệ cao của cả thế giới trên một diện tích tương đối nhỏ ở một nước. Các cụm phân bổ khắp nơi trên thế giới tạo ra các mạng lưới toàn cầu. Ví như các cụm sản xuất phần cứng hoặc phần mềm tạo thành những mạng lưới phân bổ trải dài từ Đông Á, châu Âu và Mỹ. Các chuyên gia hoạch định công nghiệp lưu ý là: các cụm đơn lẻ với độ tập trung, chuyên ngành cao thì rất ít, việc xuất hiện đòi hỏi nhiều yếu tố ngoại cảnh và thường ít do kết quả của việc lập kế hoạch. Người ta nói: "Chỉ có Silicon Valey là không lập kế hoạch xây dựng một khu công nghệ cao" là nhấn mạnh về tính ngẫu nhiên của việc hình thành Silicon Valey. Nhưng con người lại có thể chủ động hơn nhiều trong việc tạo ra các cụm để hòa vào các mạng lưới toàn cầu. Ví dụ: Phần Lan chủ động tạo ra nhiều cụm sản xuất phần cứng cho CNTT, chuỗi cung ứng toàn cầu của tập đoàn WalMart, các cụm sản xuất phần mềm ở Ấn Độ, Israel, Iceland.

Vì vậy, trong bối cảnh hội nhập, các nước nhỏ, yếu không nên lập các cụm chuyên ngành của mình căn cứ vào yếu tố địa phương, vì nó sẽ trở nên quá nhỏ bé trong vòng xoáy của các yếu tố bên ngoài dẫn đến cụm thất bại. Thế nhưng các nước này có thể dễ dàng hòa vào các mạng lưới, chuỗi cung ứng đang tồn tại trên thế giới và trở thành một mắt xích cho các chuỗi này.

Phòng, ban Hợp tác Quốc tế

Một tổ chức có phòng, ban hợp tác quốc tế (gọi tắt là phòng HTQT) thường có nghĩa: tổ chức đó chưa thực sự hòa nhập quốc tế. Một tổ chức thực sự hội nhập sẽ không có phòng HTQT vì tất cả các phòng nghiệp vụ nghiễm nhiên đã tính toán các vấn đề nghiệp vụ trên bình diện quốc tế. Các công ty, các tổ chức, cơ quan nhà nước ở các nước phát triển hầu như không có phòng HTQT. Có phòng HTQT tức là vẫn cần một bộ phận làm cầu nối giữa tổ chức đó với bên ngoài. Nói cách khác là các phòng của tổ chức đó chưa tính đến yếu tố bên ngoài khi tác nghiệp, tức là còn "tách" với thế giới bên ngoài. Khi hội nhập thế giới, các phòng của một tổ chức cần giao dịch trực tiếp (kể cả theo ngành dọc và quan hệ ngang) với thế giới. Phòng HTQT (nếu có, trong một giai đoạn ngắn để hội nhập) cần tính toán, thiết kế lại tất cả các hoạt động nghiệp vụ trên bình diện hội nhập và đưa ra các điều chỉnh về cơ cấu và hoạt động của tổ chức cho phù hợp với hội nhập như khi hội nhập, cần tính toán hàng hóa nước ngoài tràn vào thì sản phẩm A, B của mình còn có thể bán được không và ta có thể đem sản phẩm đi bán ở nước nào, sản xuất cả sản phẩm hay làm gia công cho hãng nào để có lợi... Thay vì làm phiên dịch, đặt vé máy bay, đặt khách sạn, tổ chức tiếp khách nước ngoài... như hiện nay, phòng HTQT cần phải biết được: thế giới đang làm các công việc tương tự của mình như thế nào, khi hội nhập, sản phẩm gì, công đoạn gì ta có thể hoặc không thể cạnh tranh được, cái gì ta nên làm thuê cho bên ngoài, cái gì ta nên thuê khoán bên ngoài làm... Ví dụ: trong công nghiệp, trước ta chỉ biết các sản phẩm, công nghệ trong nước, nay phải biết một khối lượng khổng lồ về các sản phẩm, công nghệ của ngành mình trên thế giới.

Không gian văn hóa, bản ngã

Văn hóa có liên quan chặt chẽ với Kinh tế. Khi Kinh tế gắn chặt (hay là mắt xích hữu cơ) với các chuỗi cung ứng nước ngoài thì sẽ dẫn đến nền Văn hóa cũng sẽ bắt rễ, sẽ gắn kết với các nền Văn hóa bên ngoài. Nói cách khác, nền Văn hóa sẽ trở nên đa dạng hơn khi nền kinh tế có thêm yếu tố nước ngoài. Vấn đề "lựa chọn" văn hóa, ý thích, cách sinh hoạt, cách sống, quốc tịch và việc "lựa chọn" bản ngã là những vấn đề tất nhiên và thuộc vào quyền của con người. Trước đây, Con người sinh ra là đã "gắn chặt" vào một nền Văn hóa. Khi thế giới đã phát triển, con người có thể chọn cho mình một nền văn hóa phù hợp. Có nhiều người nước ngoài đến Việt Nam, thích văn hóa Việt và muốn ở lại, lập gia đình với người Việt. Họ đã lựa chọn Văn hóa Việt. Tương tự như vậy, có người Việt phù hợp, tiếp nhận và lựa chọn văn hóa khác (họ có thể ở nước ngoài hay ở Việt Nam). Ta đón chào, yêu mến người nước ngoài thích văn hóa Việt thế nào thì cũng nên trân trọng, quý mến người Việt với văn hóa nước ngoài như vậy. Ông Trần Văn Thình - chuyên gia kinh tế cao cấp của EU, Ông Ngô Cao Phong - người điều phối viên thân cận thu xếp các chuyến công du của TT Bush là những người đáng trân trọng, kính nể khi họ quan niệm rằng cả Pháp, Mỹ và Việt Nam đều là quê hương máu mủ của họ. Ngoài ra, Văn hóa, cũng như Kinh tế ở trong trạng thái động, tức là không bất di bất dịch mãi mãi.

Định hướng duy lý


Để phát triển Kinh tế chủ yếu có hai động lực. Một là, dựa trên tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc, nặng về Duy Tình (định hướng "cây Ôliu" theo Friedman trong "Chiếc Lexus và cây Ôliu"), Hai là, dựa trên định hướng toàn cầu, dựa trên thành tựu chung của cả loài người (cái gì tốt thì theo), cân nhắc và thẩm định khách quan, nặng về Duy Lý. Thường các dân tộc lớn, các cường quốc dễ theo định hướng quốc gia, dân tộc. Các nước nhỏ, dân tộc nhỏ, thuần túy theo quy luật vật lý và quy luật giá trị, sẽ thiên về sự Hợp, lôgic của định hướng Duy Lý. Tuy nhiên, các nước dựa vào tinh thần dân tộc để phát triển cũng chỉ áp dụng trong một giai đoạn nhất định, rồi cũng phải đi vào hướng Duy Lý như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc vì nó mang tính bền vững. Anh hô khẩu hiệu để kích động tinh thần cũng chỉ trong thời gian ngắn, chứ không thể lấy đó làm kế sinh nhai lâu dài được. Để phát triển Kinh tế quốc gia mà dựa quá nhiều vào ý chí chủ quan và yếu tố tinh thần thì thường mất tính duy lý, dẫn đến bỏ qua các yếu tố và quy luật khách quan. Như vậy sẽ không thể duy trì sự nỗ lực được lâu dài.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan