Một số việc phải chấn chỉnh để nâng cao chất lượng đại học

03:51 CH @ Thứ Hai - 20 Tháng Mười, 2003

1. Đào tạo nguồn nhân lực là nhiệm vụ trọng yếu của hệ thống giáo dục. Nhân tài qua đó được phát hiện, định hướng và bồi dưỡng, chứ người ta không dùng chữ "đào tạo" nhân tài. Khác với các nước, ở ta, việc thả nổi đào tạo nguồn nhân lực với khẩu hiệu "đa ngành, đa lĩnh vực" và đại học mẹ, đại học con lồng ghép vào nhau, theo mô hình doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường là sự thách thức lớn. Các "trường chuyên, lớp chọn" tràn lan ở bậc phổ thông, nay lại mở rộng đến bậc đại học và sau đại học với cử nhân khoa học "tài năng", "chất lượng cao", "danh dự", "chọn lọc", "chuyên", "năng khiếu", kể cả "nghiên cứu sinh chất lượng cao" là không khoa học và không sư phạm. Chứng chỉ văn bằng các loại được chuyển đổi lại không dựa vào cùng trình độ (cùng thi) và dẫn đến nhiều hiện tượng nhức nhối, như chợ phao, chợ luận văn, thi thuê, học thuê, viết thuê luận văn từ đại học đến thạc sĩ và tiến sĩ.

2. Thực tế lịch sử phát triển giáo dục đã minh chứng: Quy mô phát triển của nó được quyết định bởi mức độ phát triển kinh tế. Thu nhập bình quân đầu người GDP có chu kỳ sau 10 năm được tăng gấp đôi, đang là mục tiêu nỗ lực của Việt Nam. Vậy mà chưa kể hệ tại chức, chỉ tiêu tuyển sinh năm 2000 so với năm 1995 (chỉ trong 5 năm) đã tăng hơn 2,2 lần. Các trường đại học công lập do Nhà nước về cơ bản vẫn được bao cấp; vậy mà mức thu học phí so với đại học dân lập cũng không quá khác biệt(?). Để giáo dục đại học thích hợp với người dân xuất phát từ bản chất của chế độ, rõ ràng việc thu chi và quản lý tài chính cần xem lại.

3. Theo chuẩn mực chung tại các nước tiên tiến, tại thư viện mỗi một môn học ở bậc đại học có ít nhất từ 5 đến 10 đầu sách khác nhau. Sự tập trung trí tuệ để xây dựng chương trình và biên soạn sách là một nguyên tắc chung cho mọi quốc gia. Viết sách cho một môn học, nước Mỹ tập hợp 10 nhà khoa học nổi tiếng do một người được giải Nobel; Trung Quốc tập hợp 100. Khác với các nước, ở ta nhìn chung sách và giáo trình để các trường tự lo. Sau 15 năm đổi mới chương trình và biên soạn sách tài liệu ở bậc đại học, mặc dù nhiều kinh phí đã được đầu tư, hàng nghìn cuộc họp và hội thảo các loại đã được tổ chức, tại sao sách vẫn chưa đủ?

4. Theo chuẩn mực chung quốc tế, giữa sinh viên (SV) và giáo viên (GV) phải có một tỉ lệ hợp lý: 5-10SV/1GV cho trường danh tiếng; 10-15 SV/1GV cho trường khoa học kỹ thuật; 20-25SV/1GV cho khoa học xã hội và nhân văn. Ngược lại, ở ta tỉ lệ giữa sinh viên và giáo viên vào hạng cao nhất thế giới: trung bình là 30 SV/1GV; đối với khoa học xã hội và nhân văn 50 SV/1GV; kinh tế 70SV/1GV; thậm chí có nơi 100SV/1GV. Mặt khác, tỉ lệ cán bộ quản lý ở các nước phát triển khoảng (1-3)%, còn tại nước ta tỉ lệ trung bình là 10%.

***
Trên cơ sở phân tích ở trên thì giải pháp đúng duy nhất là tất cả những gì sao chép vội vã du nhập vào nền giáo dục của chúng ta, trái với truyền thống văn hoá, trái với Hiến pháp, trái với công cuộc cải cách hành chính của Đảng và Chính phu, trái với các điều kiện kinh tế xã hội nước ta, các chuẩn mực quốc tế, cần phải chấn chỉnh hoặc mạnh dạn bỏ. Tất nhiên ta phải cân nhắc và tiến hành một cách thận trọng vì động đến giáo dục là động đến con người!

Nguyễn Minh Ngọc, Báo Lao Động

LinkedInPinterestCập nhật lúc: