Một "tư duy kinh tế" cho Việt Nam?

03:35 CH @ Thứ Ba - 23 Tháng Mười Hai, 2008

Giáo sư Đặng Phong được coi là "cuốn từ điển sống" về kinh tế Việt Nam, là giáo sư mời của nhiều trường đại học danh tiếng thế giới, và cũng là tác giả của cuốn "Tư duy kinh tế Việt Nam" (NXB Tri thức, 2008). Ông đã trò chuyện với SVVN về vấn đề tư duy kinh tế và vai trò của người trẻ...

NGOÁI NHÌN....

Khi cuốn "Tư duy kinh tế Việt Nam" ra đời, ông thấy phản hồi gì từ những người đọc trẻ?

GS Đặng Phong: À, đó là việc nhiều người trẻ không hiểu được: tại sao thế hệ cũ lại sùng bái nào là "kế hoạch hóa tập trung", nào là "công hữu xã hội chủ nghĩa"... Có người thắc mắc: tại sao các "cụ già nhà mình" lại làm thế? Và tôi đã giải thích rằng, thế hệ đó không hề thua kém đâu.

Trước 1945, thực dân Pháp bóc lột dân Việt Nam vô cùng tàn bạo. 80 năm bóc lột đến mức để cho 90% dân ta mù chữ, 80 năm bóc lột để người Việt phải chịu đói triền miên, đất nước khi ấy kiệt quệ... Và từ đó mới có Nguyễn Ái Quốc, mới có những thanh niên tuấn tú đi tìm con đường đưa đất nước ra khỏi bế tắc...

Tôi nói kỹ điều này là để các bạn trẻ hiểu rằng, đó là những người thông minh và kiên cường nhất của dân tộc Việt Nam thời kỳ đó. Và sự lựa chọn đó là có lý của nó.

Tôi rất mong các bạn trẻ hiểu được, để kính trọng những người đi trước. Kể cả khi họ có sai lầm, mình vẫn phải nhìn nhận bằng một sự kính trọng. Sự sai lầm ấy là việc trả giá cho những cái đúng. Sai lầm là không tránh khỏi, nhưng cơ bản là đúng. Đó là một cách nhìn sòng phẳng.

Làm sao để người trẻ hạn chế tối đa những sai lầm?

GS Đặng Phong - tác giả cuốn "Tư duy kinh tế Việt Nam" (NXB Tri Thức, 2008)

GS Đặng Phong: Các bạn rồi cũng sẽ già như tôi, do vậy, hãy cảnh giác với... chính mình. Có khi trẻ làm được nhiều việc rất tốt, nhưng đến một giai đoạn nào đó, tình thế đổi khác, mà mình vẫn dùng phương pháp cũ thì rõ ràng là không ổn. Điều đó đã xảy ra với thế hệ của chúng tôi.

Tôi có 3 cái xe máy, một cái xe phân khối lớn Rebel - rất to, khoẻ, để leo núi, nhưng đi ra phố bằng Rebel giờ cao điểm thì thật là một sự trớ trêu, những lúc đó tôi sẽ đi xe đạp điện hoặc xe máy bình thường...

Từ chiến thắng của chúng ta vào năm 1975, đã làm cho cả một thế hệ, trong đó có tôi, nghĩ rằng mình có thể trở thành một cường quốc nếu đi tiếp mô hình kinh tế đó. Nhưng chúng tôi đã vấp, mô hình kinh tế đó vào thời bình không thích ứng nữa, và gây ra những ách tắc như sau này chúng ta đã biết và thừa nhận.

Đó là một bài học: Đến năm 30 tuổi thì đừng có nghĩ và làm như khi ta 20 tuổi. Đừng có chủ quan và duy ý chí...

Nhưng trong tư duy phát triển của Việt Nam, người trẻ đã được coi trọng và cất nhắc...

GS Đặng Phong: Thời chúng tôi, những người trẻ dường như có rất ít vị trí. Một thế hệ mà lãnh đạo ở tuổi 60-70, thì những người 40 tuổi vẫn bị coi là trẻ. Trong khi đó, ngoài 40 tuổi người ta có thể làm Tổng thống Mỹ... Như vậy, trong lịch sử, có một giai đoạn người trẻ chưa được trọng dụng nhiều.

Bắt đầu đổi mới kinh tế Việt Nam, thì đã có một sự đổi mới về nhân dụng. Xuất hiện nhiều chuyên gia trẻ, có chỗ đứng do chính năng lực của họ.

Từ ngày có Đổi mới đến nay, giới trẻ đã có nhiều cơ hội đóng góp rất quan trọng, họ đã làm nên một cuộc cách mạng thực sự về tư duy...

VÀ "CỨ ĐI SẼ THẤY ĐƯỜNG"...

Ông thấy người trẻ thời nay và người trẻ thời ông còn trẻ, khác nhau như thế nào?

GS Đặng Phong: Người trẻ bây giờ không bị cản trở bởi một tâm lý "kính lão". Tôi đi xe bus, người trẻ nhường ghế, thì đó là kính trọng. Và chỉ ở góc độ đó thôi, chứ không phải "kính" kiểu tôi bảo gì anh ta phải nghe. Anh ta có quan điểm của anh ta, anh ta có cách giải quyết của anh ta.

Người trẻ có điều kiện thu nạp kiến thức để có chỗ đứng trong xã hội, không cần phải bon chen.

Theo ông, điểm yếu về mặt tư duy của người trẻ hiện nay là gì?

GS Đặng Phong: Nói là "điểm yếu tâm lý" thì đúng hơn. Không ít người trẻ nóng vội quá. Nhiều người học được những kiến thức mới từ nước ngoài về, sốt sắng để áp dụng ngay, nhưng thực tế ở Việt Nam rất khác... Do vậy, không phải việc gì cũng làm đơn giản như việc quét một cái nhà, không phải bê một cái bàn hay dịch chuyển một cái ghế đâu...

Trong nghiên cứu về tư duy kinh tế Việt Nam những thập niên gần đây, điều gì là điểm nổi trội?

GS Đặng Phong: Tư duy kinh tế bây giờ có thể gọi là một dạng tư duy kinh tế pha tạp, giữa nhiều lý thuyết khác nhau. Một thời ta theo sách của Liên Xô, nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ, ta lại thay đổi chính sách kinh tế; Những năm 1992-1993, chúng ta đã xem tư duy kinh tế ứng dụng của người Nhật, nhưng sau đó tư duy đó của Nhật cũng không hẳn phù hợp.

Do vậy, có thể nói rằng người Việt Nam vẫn chưa hình thành rõ một hệ thống tư duy kinh tế.
Điều đó chẳng có gì đáng trách cả. Vì để hình thành rõ một hệ thống tư duy kinh tế thì phải có những nhà kinh tế học thực thụ, có thể đưa ra những lý thuyết cho sự phát triển kinh tế của đất nước mình. Một học thuyết như thế rõ ràng là chưa có.

Cách của người Việt Nam là cứ đi sẽ thấy đường, và chúng ta đã có những thành công. Chúng ta đang làm, vừa thi công vừa thiết kế. Nếu để vẽ một đường nét về tư duy kinh tế Việt Nam, tôi sẽ vẽ một ngôi nhà mà vừa thiết kế, vừa thi công. Để có một tư duy kinh tế rõ ràng và chắc chắn, thì người trẻ có một sứ mệnh rất quan trọng... Thời gian và cơ hội sẽ chứng minh điều đó.

Tư duy kinh tế có bị chi phối bởi những yếu tố khác không, thưa GS?

GS Đặng Phong: Tôi thấy rằng, đến bây giờ tư duy kinh tế không hẳn chỉ phụ thuộc vào nhận thức, mà nó đã phụ thuộc cả vào lợi ích. Rất nhiều nhóm lợi ích đã hình thành trong xã hội, và những nhóm lợi ích này đã tác động đến mặt này, mặt kia của những biện pháp. Có một số đại gia có thể tác động đến những lãnh đạo tỉnh này, tỉnh kia. Một số quan chức cấp tỉnh đã ra tòa vì những nhóm lợi ích chi phối. Lúc đó sẽ không phải là chuyện đúng sai trong tư duy kinh tế, mà là có lợi - hay không có lợi?!

Xin cảm ơn GS!

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tư duy địa kinh tế - địa chính trị

    23/05/2016Nguyễn Trần BạtGần 30 năm trôi qua kể từ khi chiến tranh kết thúc, khoảng thời gian đủ dài để một đất nước phát triển tới tầm cao mới về chất, nhưng Việt Nam vẫn không thể phát triển, trái lại vẫn mắc kẹt trong những tình thế kinh tế - chính trị bất lợi. Nguyên nhân của tình trạng này có phần rất lớn thuộc về trách nhiệm của công tác hoạch định chiến lược phát triển kinh tế...
  • Khắc phục chủ nghĩa chủ quan, duy ý chí

    03/11/2010Nguyễn Thế NghĩaĐể thực hiện sự nghiệp đổi mới, một nguyên tắc hết sức quan trọng - nguyên tắc nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật và rút ra bài học kinh nghiệm bổ ích "xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan"...
  • Tiếp tục đổi mới tư duy về kinh tế xã hội

    28/09/2006GS. Phan Đình DiệuLiên tục đổi mới tư duy với những cách nhìn mới, cách hiểu mới trên cơ sở những phát hiện khoa học mới, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học hệ thống, khoa học kinh tế, khoa học tổ chức và quản lý... đồng thời không nuối tiếc những kiểu tư duy không còn phù hợp với điều kiện hiện đại là nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với việc xây dựng kinh tế tri thức ở nước ta...