Mùa xuân và văn chương trẻ

02:26 CH @ Thứ Bảy - 28 Tháng Giêng, 2006
Xuân Bính Tuất đã về. Và như là thói quen nghề nghiệp, tôi nghĩ tới những người viết văn trẻ - những người tôi vẫn thường đọc, thường chuyện trò, đôi khi còn hào hứng tranh luận giữa "bãi bia" hay quán cà-phê.

Tranh luận, thậm chí phê phán, song tôi quý trọng họ, bởi giữa cuộc mưu sinh hối hả, bởi vào lúc những tiêu chí thuần túy vật chất đang chi phối hành vi hằng ngày của không ít bạn bè cùng thế hệ với họ..., thì vẫn có những chàng trai, cô gái sống với văn chương và vì văn chương - thứ công việc khó có thể nhanh chóng đem lại một chiếc lap-top hay một xe máy Future.

Vậy nhưng, họ dám chấp nhận thiệt thòi. Họ làm việc cật lực. Và nếu làm một thống kê sơ bộ, năm 2005 những người viết văn trẻ đã "trình làng" hàng trăm tác phẩm, trong đó có không ít tác phẩm mà tôi nghĩ văn giới không thể bỏ qua.

Lại nữa, thường khi nhắc tới những người viết trẻ, tôi cho rằng chỉ có "văn hay" hoặc "văn không hay", và tuổi tác chỉ là một trong rất nhiều yếu tố làm nên tác phẩm. Song nếu nhìn văn chương trong tính quá trình, lại không thể không nhắc tới câu chuyện "trẻ - già" và khi ấy, những người viết văn trẻ tuổi lại trở thành niềm hy vọng của văn chương tương lai.

Với các cây bút trẻ, ấn tượng nhất với tôi trong năm 2005 là đã được đọc ba cuốn tiểu thuyết lịch sử, hai cuốn mới xuất bản là Mắt đêm của Dương Ngọc Hoàn (Trần Ngọc Linh) và Nam chí toàn đồ truyện (Phần một: Ðường về Hà Tiên) của Nguyễn Thị Diệp Mai; còn một cuốn sắp ra mắt ở NXB Kim Ðồng là Trần Quốc Toản của Lưu Sơn Minh.

Không hẹn mà nên, Dương Ngọc Hoàn và Lưu Sơn Minh cùng "lao" vào hai đề tài các nhà văn đi trước đã ít nhiều thành công. Nếu như trong Mắt đêm, Dương Ngọc Hoàn phải "đối mặt" với Nguyễn Tuân, Hồ Dzếnh khi viết về cuộc sống của lớp đào nương ca ở Việt Nam đầu thế kỷ 20, thì sừng sững trước Lưu Sơn Minh là Lá cờ thêu sáu chữ vàng của Nguyễn Huy Tưởng.

Dương Ngọc Hoàn và Lưu Sơn Minh đã thành công, tôi tin là như vậy nếu ai đó đã đọc Mắt đêmTrần Quốc Toản. "Cái bóng" của người đi trước đã không che khuất hai anh trong một thể loại, một đề tài ngay cả nhà văn lớn tuổi chưa chắc đã muốn "dấn thân".

Còn Nguyễn Thị Diệp Mai, cây bút nữ Kiên Giang, sau tiểu thuyết Trả hoa hồng cho đất (Giải B cuộc thi văn học của NXB Thanh niên 2004) tôi ngỡ chị sẽ "chung sống" với các đề tài hiện đại, nhưng không, bộ sách mới nhất của Diệp Mai - dự kiến khoảng 1.000 trang, lại là tiểu thuyết lịch sử.

Nam chí toàn đồ truyện viết về một thời kỳ cách chúng ta khá xa, thời người Việt "mang gươm đi mở nước" và ở Hà Tiên quê chị, cha con Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích đặt những nhát cuốc đầu tiên, vun xới nên vùng đất Tổ quốc.

Khoan nói tới sự hay - dở của ba cuốn sách, qua đây tôi muốn bày tỏ sự trân trọng đối với các tác giả, ít nhất cũng là niềm say mê và sự nghiêm túc. Với tiểu thuyết lịch sử, người viết không thể "ăn xổi ở thì" viết từ vốn sống hay sự trải nghiệm và cứ muốn là được. Phải bỏ công sức đọc, tra cứu, tìm hiểu, suy ngẫm... mới có thể "tiểu thuyết hóa lịch sử" trong tính lịch sử tương quan tính hiện đại. Về phương diện này, cả ba tác giả đều khá thành công. Và tôi chúc mừng họ.

Trong bối cảnh văn chương năm 2005, có một vài cây bút trẻ thu hút sự chú ý của dư luận không phải do thành tựu mà chủ yếu do các yếu tố "bất thường" trong tác phẩm thì truyện ngắn Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư trở thành một điểm sáng không cần tới bất kỳ sự lăng-xê nào.

Vẫn đó "chất văn" Nam Bộ dung dị, vẫn đó sự thấm đẫm tình người... nhưng ở Cánh đồng bất tận, tôi gặp một Nguyễn Ngọc Tư hoàn toàn khác, với một đề tài nếu không chắc tay, nếu không hướng thiện, người ta có thể vẽ nên một "bức tranh ảm đạm, tối mầu".

Trước Cánh đồng bất tận, trong thâm tâm tôi dự đoán nếu tiếp tục với những gì đã có, Nguyễn Ngọc Tư sẽ nhanh chóng lặp lại mình. Nhưng xem ra dự đoán chỉ là dự đoán. Với Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngọc Tư đã chứng tỏ một nội lực, một cố gắng tìm tòi đổi mới để không lặp lại như một số người viết trẻ đương đại sau một vài thành công. Còn tài năng ư? Với Nguyễn Ngọc Tư, có lẽ không còn là điều khiến phải nghi ngờ, ngay cả với một người "kỹ tính" như tôi!

Nhắc tới các cây bút nữ trẻ, không thể không nhắc đến Ðỗ Bích Thúy - cây bút nữ trẻ duy nhất luôn trung thành với đề tài miền núi. Ðỗ Bích Thúy không "tạt qua" cuộc sống của người Mông, người Tày, người Nùng... ở vùng cao Ðông Bắc, chị sống với họ, hiểu họ, viết về họ với tấm lòng sẻ chia của người trong cuộc. Văn trong sáng và giàu cảm xúc, sau các tập truyện ngắn khá hay như Sau những mùa trăng, Những buổi chiều ngang qua cuộc đời, năm 2005, Ðỗ Bích Thúy có tiểu thuyết Bóng của cây sồi, vẫn là chuyện vùng cao, nhưng với không gian rộng, với sự phức tạp của số phận nhân vật..., dường như đã có một Ðỗ Bích Thúy của thời kỳ sáng tác mới?

Với các cây bút thơ nữ trẻ, năm 2005, Vi Thùy Linh xuất hiện trở lại trên thi đàn với Ðồng tử - tập thơ cho thấy chị đã "đằm" và "chín" hơn.

Vẫn là một Vi Thùy Linh sôi sục tình yêu cuộc đời, tình yêu con người, tình yêu lứa đôi..., song Ðồng tử lại như một tầng cấp mới mà tôi coi đó mới là "tạng" thơ của Vi Thùy Linh, như thời chị viết Thiếu phụ và con đường, Ðôi cánh của mẹ...

Thông minh và tài năng chưa đủ, vấn đề còn là lựa chọn, là tìm một hướng đi, phải chăng đây là điều quan trọng cần quan tâm ở cây bút thơ này?

Với tập Những trò đùa có lỗi, Trần Hoàng Thiên Kim lại mang tới một giọng thơ khác. Cũng là thơ tình, nhưng có một cái gì da diết, trầm lắng và sự đan xen phức tạp của cảm xúc giữa "quê" và "tỉnh" trong thơ Trần Hoàng Thiên Kim. Rất tiếc bài thơ Chiều qua sông Ngàn Phố đã không có mặt trong tập thơ, hẳn là người viết muốn "để dành"?

Tương tự như thế là thơ của hai người viết trẻ cùng có bút danh Nguyễn Thúy Quỳnh. Nghe nói một người ở TP Hồ Chí Minh, một người ở Thái Nguyên. Một người đậm nét suy tư và không nệ kỹ thuật, còn một người thì đằm thắm, nền nã. Ngoài thơ, tôi chưa biết gì về họ, có lẽ đó lại là điều hay đối với người viết phê bình...

Còn nhiều lắm những cây bút văn chương trẻ tuổi đang có mặt trên mọi miền đất nước. Ðó là anh bộ đội Ðỗ Tiến Thụy từ Tây Nguyên đến với Trường viết văn Nguyễn Du đã kịp "giắt lưng" tập truyện ngắn Gió đồng se sắt như là nhịp cầu văn chương giữa Hà Tây - quê hương anh với Tây Nguyên - nơi anh trưởng thành.

Ðó là Nguyễn Ngọc Thuần - cây bút mà đọc Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ và mới đây là Một thiên nằm mộng, tôi hiểu mục đích viết văn với điều anh tâm niệm: "Tôi luôn mơ ước cái đẹp từ những mối giao cảm giữa người và người... Tôi gửi gắm nhiều tình cảm khi viết cho thiếu nhi. Tôi muốn viết để sau này cho con tôi"..., không phải là những lời làm đẹp. Muốn viết cho con, hiển nhiên người ta phải hướng tới cái đẹp và sự lành mạnh...

Dẫu thế nào thì nền văn chương của một dân tộc bao giờ cũng là một dòng chảy không ngừng nghỉ, là sự nối tiếp thế hệ, văn chương ngày mai được bắt đầu từ văn chương hôm nay.

Tôi không mong đợi gì nhiều từ các sự kiện ầm ĩ quanh một vài người viết trẻ. Tôi tin vào số đông cây bút đang cần mẫn sống và cần mẫn viết, vì tôi nghĩ chính họ mới là những người làm nên văn chương ngày mai.

Và cuối cùng, tôi đồng tình với điều Nguyễn Thị Diệp Mai đã nói trong một lần trả lời phỏng vấn: "Chúng tôi lao động rất nghiêm túc. Chúng tôi yêu quý văn chương như yêu quý cuộc sống. Chỉ có điều chúng tôi thể hiện sự sáng tạo, sự cống hiến cũng như tình yêu văn chương theo cách riêng của mình. Mong rằng điều đó sẽ được chia sẻ, đừng nhìn chúng tôi như những kẻ rong chơi, hãy nhìn chúng tôi như những người làm việc".
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Lý tưởng xã hội và người viết trẻ

    25/01/2015Hồ Sĩ VịnhTrong xã hội ta hôm nay, thường có một thiên kiến dai dẳng: Tuổi trẻ đồng nghĩa với sự non dại, non dại đến độ vấp ngã. Một bộ phận cha anh thường nhìn họ với cặp mắt hoài nghi và tâm trạng bất an. Đó là một sự thật, dù nghiệt ngã. Thế mà trong văn học, tình hình lại khác. Hầu hết các tác phẩm của các nhà văn bậc thầy đều được sáng tạo ở tuổi 25-35. Ma lực sáng tạo, điện năng văn chương của họ hình như được tích tụ và phát sáng ở thập niên đầu tiên của nghề cầm bút ở nước ta cũng có tình hình tương tự...
  • Suy ngẫm và Tự luận

    13/11/2010GS. Nguyễn Văn Hạnh... Người Việt Nam không chỉ hôm qua mà cả hôm nay nữa đã gửi vào văn chương cả kinh nghiệm sống, cả tình yêu và khát vọng, cả đạo đức, triết học và tín ngưỡng của mình. Cho nên, muốn biết cha ông ta đã sống như thế nào, đã nhắn gửi gì cho các thế hệ tương lai ...
  • Chuyện văn học – văn hóa – và những thứ khác

    28/01/2006Phan ViệtBài viết này của tôi có mục đích tổng kết những điều đáng buồn nổi cộm trong văn học, dịch thuật và những thứ liên quan tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Tôi viết bài với tư cách là một người đọc và quan tâm tới văn học...
  • Ðề tài hay không đề tài?

    26/01/2006Vũ LâmThực tế sáng tác hiện nay đặt cho chúng ta một câu hỏi: đề tài cần thiết hơn hay tài năng và trách nhiệm của người nghệ sĩ cần thiết hơn...
  • Cái hậu văn… chương

    23/01/2006Kính xin hương hồn các nhà văn Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tô và Nguyên Hồng xá lỗi..
  • Văn chương 2005 - tín hiệu vui và “giấc mộng bất thành”

    19/01/2006Nguyễn Hòa (nhà phê bình văn học)Văn chương năm 2005 còn nhiều chuyện để bàn và một cá nhân khó lòng bao quát hết. Hướng đi mới có sớm được xác định hay không, chắc chắn đây không phải là công việc của một người hay một nhóm người, đấy là công việc của số đông.
  • Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu

    30/11/2005Nguyễn Thanh SơnSo sánh Đỗ Hoàng Diệu với Vệ Tuệ không chỉ là một sự khập khiễng - nó là cả một sự lố bịch. Chỉ có những ai chưa đọc Vệ Tuệ hay Đỗ Hoàng Diệu, hoặc chưa đọc cả hai, mới có thể đưa ra những nhận định như vậy. Hai nhà văn nữ này đi trên những con đường hoàn toàn khác nhau, cảm nhận thế giới bằng những giác quan khác nhau, dựa trên những phông văn hoá khác nhau, và sáng tạo ra những tác phẩm có những giá trị hoàn toàn khác nhau...
  • xem toàn bộ