Nền văn hóa bong bóng

03:19 CH @ Thứ Ba - 05 Tháng Giêng, 2010

Bộ phim hoạt hình Up (Bay lên) của Mỹ là một tác phẩm cảm động kể chuyện một ông già góa vợ khát khao tìm đến vùng đất nơi ngày xưa ông bà từng hò hẹn. Ông đã buộc hàng ngàn quả bóng bay vào ngôi nhà gỗ của ông, để cho chúng bay lên kéo ngôi nhà và một cậu bé tình cờ đến chơi đã cùng ông lang thang trong một cuộc phiêu lưu kỳ thú. Xem phim này khán giả có thể liên tưởng đến tình trạng giá cả đất đai, nhà cửa, ô tô, vàng, chứng khoán và bao nhiêu thứ khác ở Việt Nam cứ theo nhau tăng vọt, như đang bị hàng ngàn quả bóng bay kéo lên bay lơ lửng trên trời, xa cách dần với cuộc sống người dân!

Chắc chắn người nghĩ ra cụm từ "nền kinh tế bong bóng" chưa xem phim Up, vì khái niệm này ra đời trước bộ phim kia gần hai thập kỷ. Nhưng cái cảnh ngộ mà hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam đã gặp phải trong thời điểm giá cả đua nhau tăng vọt có cái gì giống như ông lão nghèo trong bộ phim hoạt hình trên. Họ cùng bị những quả bóng-bay-giá-trị- ảo kéo họ xa dần những giá trị thực để phiêu lưu trong vào thế giới ảo, cho đến khi những quả bóng bốc đồng ảo tưởng nổ tung ném thẳng họ trở về mặt đất. Có khác chăng, những bong bóng trong nền kinh tế Việt Nam có vẻ sặc sỡ hơn và cũng mỏng manh hơn, như bong bóng xà phòng vậy. Nó dường như được thăng hoa từ một nền văn hóa bong bóng có mầm mống từ ngàn xưa, khi thằng Bờm khốn khó có chiếc quạt mo được phú ông thổi phồng giá cả ngang với ba bò chín trâu.

Có lẽ phú ông trong bài ca dao Thằng Bờm là kẻ đầu tiên tạo ra cuộc đảo lộn giá cả trong thị trường mua bán trao tay, gợi cho người ta những suy nghĩ băn khoăn về giá trị Việt. Có điều gì đó giống nhau trong việc phú ông đẩy giá quạt mo lên cao ngất trên với việc giá đất ở Hà Nội có những lúc cao hơn giá đất ở Paris. Người ta biết đó là những giá cả phi lý, những giá trị ảo, nhưng không thể ngăn giá cả tiếp tục vọt lên. Vì đua nhau xông vào một lĩnh vực theo kiểu phong trào, vì sĩ diện sẵn sàng vung tiền ra mua bán bằng mọi giá, vi máu mê kiểu cờ bạc ăn thua... Rốt cục, tất cả những yếu tố bắt nguồn từ tâm lý và văn hóa dân tộc đó đã trở thành những quả bóng bay sặc sỡ liên tục kéo giá cả trên thị trường Việt vọt lên.

Khi thằng Bờm quyết không bán cái quạt mo để kiên định giá trị của con người “phú quý bất năng di”, thì phú ông tăng giá vô tội vạ cho chiếc quạt mo chỉ để quật ngã cái nhân cách gàn dở ấy! Rốt cục, giá trị của chiếc quạt mo kia không nằm ở giá trị sử dụng, cũng không nằm ở giá trị trao đổi. Phú ông đã nâng vọt lên cho nó, mà nằm ở cái khát vọng chiến thắng trong cuộc đối đầu của hai bản lĩnh. Suy cho cùng, giá trị của những giá cả ảo được thị trường Việt Nam đẩy lên cao chất ngất nhiều khi là giá trị của nhân cách mà người ta muốn thể hiện qua mua bán. Việc đặt giá cao chỉ là trò chơi trội, gây sốc, nhằm tạo thêm uy lực và danh tiếng. Cũng có khi máu phiêu lưu bạt mạng nổi lên người ta sẵn sàng ôm hàng, mua cổ phiếu hay đầu tư bằng mọi giá theo kiểu đỏ đen cờ bạc được ăn cả, ngã về không. Có thế nói, thói sĩ diện thích khẳng định mình và máu đỏ đen chảy trong huyết mạch người nông dân Việt Nam bao đời nướng thời gian rỗi rãi trong bạc, chiếu tổ tôm - đó là những quả bóng bay ngày ngày kéo giá cả lên cao.

Một nhân vật trong vở hài kịch "Lễ nhận huân chương" do Nhà hát Tuổi trẻ vừa dàn dựng đã chua chát nhận xét về thói đời “Phú quý sinh lễ nghĩa” trong xã hội thời nay: “Một con chó chết chúng nó cũng biến thành lễ hội”. Quả thực, con người Việt Nam có máu ham vui. thích hội hè đình đám. Dù nghèo khổ đến đâu, vào những thời khắc thiêng liêng, thăng hoa của cả cộng đồng, ai ai cùng sẵn sàng dốc hầu bao mua sắm bằng mọi giá không hề tính toán. Trong đêm chung kết Sea Games của đội tuyển Việt Nam, giá một lá cờ Tổ quốc, một quả pháo hoa có thể tăng vọt lên tới hàng chục lần mà vẫn bán đắt như tôm tươi, vì giá ấy thể hiện khát vọng chiến thắng của người hâm mộ. Giá cả thật khó ổn định khi cuộc sống của người Việt luôn luôn là một chuỗi những khoảnh khắc thăng hoa.

Với người Việt Nam thì giá trị của giá trị đất đai, nhà cửa, vàng bạc, ô tô, chứng khoán... không chỉ là giá trị sử dụng hay trao đổi, mà còn bao gồm cả giá trị son phấn tô đẹp thêm cho diện mạo cá nhân và giá trị thiêng liêng của đồ cống nạp cho nghi lễ cộng đồng. Những giá trị tinh thần hư ảo ấy làm nên một nền văn hóa bong bóng luôn luôn có xu hướng thoát ly giá trị thực để bay lên bằng đôi cánh bạt mạng của con bạc, đôi cánh đảo điên của con đồng và đôi cánh hân hoan hãnh diện của nhà thơ.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Hình mẫu

    15/06/2015Nguyễn Hữu TháiHình mẫu là gương tiêu biểu về nhân cách và hoạt động của những con người mà ta có thề lấy làm chuẩn noi theo để tiến lên trong cuộc sống. Thường thì họ là những người thành công và hoạt động chân chính trong các lĩnh vực sinh hoạt khác nhau trong đời thường và là các nhân vật xuất sắc mà các phương tiện truyền thông đại chúng hay đề cập đến...
  • Cần biết xấu hổ

    02/11/2014Nhà thơ Hải NhưNhìn ra xã hội hôm nay, chúng ta có nên "báo động” với nhau về một lớp người đã không còn biết liêm sỉ, không còn biết xấu hổ?
  • Thân phận công dân thế giới hạng hai!

    27/03/2014Nguyễn TrungCông dân thế giới hạng hai, đấy là cái cùm đang xích vào chân dân tộc Việt Nam ta sau khi giành được độc lập thống nhất đất nước năm 1975. Tên gọi của thân phận này dấy lên trong tôi hình ảnh cái triện sắt nung đỏ thời trung cổ xa xưa thường được đóng vào trán kẻ nô lệ - để phân biệt với những người không phải là nô lệ. Khác chăng, là thời nay cái triện sắt nung đỏ ấy vô hình!
  • Luật thừa trừ

    18/08/2008Đỗ NguyễnĐạo và việc người xưa nay hơn về phía này, tất kém về phía kia - Đó là luật thừa trừ tức là san sẻ cho đều. Tạo hóa sinh ra con người và mọi vật hình như ít khi tạo ra hình mẫu vẹn loàn. Đến cây hoa cũng chịu chung luật đó...
  • Chạy…

    15/05/2007Nguyễn Quang ANgười ta chạyđua, còn chúngta thì chạy chọt. Nếu bắt những "tiếnbộ" mà các ông quankhoe làcó chút xíu phải chạy đua thậtsự, nếu trả lại cho chữ “chạy" cái nghĩa lànhmạnh củanó thì tiếng Việt cảm ơn các quan nhiều,nhiều lắm.
  • Ở đời ai chẳng muốn “rau”

    23/03/2007Tân NhânĐây không phải loại rau được trồng trên những cánh đồng bát ngát ở VânNội (Đông Anh). "Rau sạch" ở đây là một từ nóng ám chỉ những mối quan hệ "già nhân ngãi, non vợ chồng" đang nở rộ trong xã hội hiện đại.
  • Hạnh phúc rất đơn sơ…

    01/01/1900BS. Đỗ Hồng NgọcBuổi sáng, mở tờ báo, mọi người chưng hửng, rồi tủm tỉm cười: Việt Nam mình hạnh phúc nhất Châu Á, xếp thứ 12 trên thế giới. Trong khi đó, Singapore - một "thần tượng” của mình lâu nay lại đứng hạng bét Châu Á và hạng thứ 131 của thế giới! Mỹ còn tệ hơn, hạng 150, rồi Anh 109, Pháp 129, Nhật 95 và Đức 85...Ai đó lên tiếng bên tách cà phê sáng vỉa hè Sài Gòn, giữa những ngày bão rớt, với dồn dập những tin động đất, lũ lụt, sóng thần, núi lửa, dịch bệnh, chiến tranh...
  • Khoa học theo “mốt”

    10/02/2006Nguyễn HoàMốt nào rồi cũng qua đi, mãi mãi còn lại là con người với khát vọng làm đẹp mình, làm đẹp xã hội. Tuy nhiên, khi khoa học chạy đua theo mốt thì chuyện không hoàn toàn như vậy. Phải chăng đây là một trong những nguyên nhân đẩy tới nghịch lý: đất nước nhiều giáo sư tiến sĩ song vẫn thiếu các nhà khoa học đích thực, thiếu các chuyên gia đầu ngành?
  • Đấu tranh giành vị thế

    28/01/2004Các chuyên gia tiếp thị cho rằng thuật ngữ "vị thế dùng để chỉ vị trí khác nhau của các mặt hàng các công ty trong tâm lý của người tiêu dùng. Có vị thế trên thị trường đồng nghĩa với việc có được tình cảm của người tiêu dùng, với ổn định sản xuất kinh doanh, và phát triển.
    Một doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển nhất thiết phải chạy đua với thời gian để xác lập cho sản phẩm, dịch vụ của mình một vị thế nhất định trên thị trường...
  • xem toàn bộ