Ngân hàng Northern Rock

01:25 CH @ Thứ Sáu - 26 Tháng Chín, 2008

Ngân hàng Northern Rock: chỉ có thể quốc hữu hoá

18 / 02 / 2008 11:06:00 AM

Anh mới đây thông báo sẽ quốc hữu hóa ngân hàng đang lâm vào khủng hoảng Northern Rock, sau khi Bộ Tài chính nước này cầu cứu các tập đoàn tài chính lớn, mà không nơi nào dám mạo hiểm chi tiền trong bối cảnh những bất ổn trên thị trường tín dụng thế giới ngày một lan rộng.

"Chính phủ đã quyết định đưa ngân hàng Northern Rock vào chương trình quốc hữu hóa lâu dài", Bộ trưởng Tài chính Anh Alistair Darling thông báo trong một cuộc họp báo bất thường do cơ quan này tổ chức.

Đây là vụ quốc hữu hóa đầu tiên ở Anh từ những năm 1970 trở lại đây, và được đánh giá là một sự kiện không mấy vẻ vang đối với chính phủ của tân Thủ tướng Anh Gordon Brown, nhất là khi ông Brown có tiếng là người giỏi giải quyết các vấn đề tài chính.

Quốc hữu hóa là biện pháp cuối cùng, khi Chính phủ Anh không còn tìm được giải pháp nào khác cho Northen Rock. Trước đó, đích thân Bộ trưởng Tài chính Alistair Darling đã lên tiếng mời các tập đoàn tài chính lớn đầu tư vào quá trình cải tổ ngân hàng này, song đều bị từ chối.

Thậm chí khi kêu gọi Goldman Sachs cung cấp một khoản hỗ trợ tài chính cho Northern Rock, ông Darling đã thừa nhận đó là nỗ lực cuối cùng để cứu vãn tình hình.

"Tỷ phú thất học" Richard Branson cũng đánh tiếng mua lại Northern Rock, song Bộ Tài chính Anh cho rằng, mức giá do tập đoàn Virgin của ông này đưa ra quá thấp.

Trước khi lâm vào khủng hoảng, Northen Rock là một trong những nhà băng hàng đầu của Anh và có trụ sở tại Newcastle. Tuy nhiên, vào tháng 9 năm vừa qua, hàng nghìn khách hàng ồ ạt rút tiền khỏi tài khoản tại ngân hàng này do lo sợ rủi ro và lập tức làm nhà băng mất khả năng chi trả.

Northern Rock được ví như "vật tế thần" cho cuộc khủng hoảng tín dụng. Sự kiện tại nhà băng này báo hiệu cho những bất ổn lan rộng. Ngân hàng trung ương Anh khi đó đã phải chi ra gần 50 tỷ USD, vụ việc mới tạm thời lắng xuống.

Bất ổn trên thị trường tín dụng thế giới bắt nguồn từ khủng hoảng cho vay thế chấp tại Mỹ và ngày càng lan rộng, khiến cơ quan điều hành tài chính các nước lo ngại. Năm ngân hàng trung ương lớn trên thế giới mới đây đã phải chi hàng trăm tỷ USD nhằm dập bão tín dụng, trong đó riêng Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) đã tung ra tới 500 tỷ USD.

  • Theo Nguyễn Minh (VnExpress)

Anh bơm thêm tiền cứu Northern Rock

Thứ Năm, 07/08/2008, 08:37 (GMT+7)

TT - Bộ Tài chính Anh phải bơm thêm 3 tỉ bảng (khoảng 5,86 tỉ USD) để cứu Ngân hàng Northern Rock trước tình hình nợ xấu của ngân hàng này tiếp tục tăng lên tới 191,6 tỉ USD. Tờ Independent cho biết ông Ron Sandler, giám đốc điều hành ngân hàng, thừa nhận "môi trường xung quanh đã xấu đi nhiều và hậu quả đối với Northern Rock là tình trạng tổn thất tín dụng tăng".

Northern Rock, một trong những ngân hàng lớn đầu tiên chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tín dụng trong tuần trước, đã phải công bố cắt giảm 1.300 trong tổng số 7.000 nhân viên. Tháng 9-2007, Ngân hàng Trung ương Anh đã bơm 27 tỉ bảng để cứu Northern Rock khỏi bị sụp đổ.

Tuy vậy, ông Sandler cũng thông báo tin lạc quan rằng ngân hàng đã trả được 9,4 tỉ bảng lại cho Ngân hàng Trung ương Anh. Ông Sandler thừa nhận việc thua lỗ có thể còn tiếp tục trong quá trình tái cấu trúc ngân hàng giữa lúc môi trường tín dụng còn nhiều khó khăn hiện nay. Tuy vậy, ông này cho rằng các nền tảng cho hồi phục đã được định hình tốt.

  • Phan Lâm (Tuổi trẻ Online)

Kinh tế thế giới qua một năm "sống trong sợ hãi"

Thứ năm, 17/7/2008, 08:56 GMT+7

Gần một năm kể từ khi cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp tại Mỹ bùng phát, thế giới chứng kiến cảnh chứng khoán sụt giảm, các ngân hàng thua lỗ nặng và giá dầu tăng gấp đôi. Giới chuyên gia cho rằng, kinh tế toàn cầu cần thêm chút may mắn mới vượt qua giai đoạn này.

>>Mỹ đóng cửa một ngân hàng vì khách đòi rút hết tiền

Khi cuộc khủng hoảng tín dụng lan đi, nhiều người đã hy vọng, kinh tế thế giới chỉ đang trải qua một thời kỳ gián đoạn trong cả quá trình tăng trưởng của Mỹ và kinh tế thế giới.

Song những người kỳ vọng như vậy đã phải thất vọng. Việc 2 đại gia cho vay thế chấp hàng đầu thế giới là Fannie Mae và Freddie Mac suýt phá sản mới đây, thị trường chứng khoán thế giới chao đảo và giá dầu leo thang đã cho thấy, việc kinh tế thế giới trở lại ổn định còn là tương lai xa. Thậm chí, giai đoạn khó khăn mới chỉ đang bắt đầu.

Việc kinh tế thế giới sẽ đi về đâu phụ thuộc 2 yếu tố: thị trường tài chính thế giới và giá dầu thô diễn biến ra sao.

Cổ phiếu ngành ngân hàng sụt giảm là dấu hiệu đầu tiên cho thấy khủng hoảng tài chính đang diễn ra ở nhiều nước. Tại Mỹ, "tâm bão" của khủng hoảng tín dụng, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã mất đi một nửa giá trị thị trường so với cách đây một năm.

Giá dầu tăng vọt, ngân hàng chao đảo, đôla mất giá - những khó khăn đối với kinh tế thế giới vẫn chưa có điểm dừng. Ảnh minh họa: Financial Times

Các nhà đầu tư không phải là đối tượng duy nhất lo lắng về "sức khỏe" của các ngân hàng. Chính các nhà băng cũng rất quan ngại. Lãi suất liên ngân hàng của đồng đôla, euro và bảng Anh hiện tăng nhanh hơn trong tháng 3 vừa qua, và có khả năng lãi suất cơ bản trong 3-6 tháng tới sẽ biến động.

Đây không chỉ là biểu hiện của khủng hoảng thanh khoản tại các nhà băng. Các ngân hàng còn đang lo lắng về khả năng thanh toán của khách hàng. Trước đây, chất lượng tín dụng trong lĩnh vực bất động sản vốn dĩ đã không tốt, và có nguy cơ trở thành nợ xấu.
Thị trường chứng khoán mới đây cũng có phản ứng mạnh với việc 2 đại gia cho vay thế chấp là Fannie Mae và Freddie Mac, vốn cung cấp đến 70% các khoản cho vay thế chấp tại Mỹ, suýt phá sản. Trước tình hình này, chính phủ Mỹ phải đứng ra hỗ trợ Fannie Mae và Freddie Mac.

* FED bơm thêm 100 tỷ USD cho các ngân hàng

* Chiếc ghế của Bernanke bị hun nóng

* Kỷ lục giá dầu 147 USD mỗi thùng

Trong khi đó, hiện giá dầu thô đã ở gần ngưỡng 150 USD mỗi thùng. Trong vòng một năm qua, giá "vàng đen" đã tăng gấp đôi. Nếu tính cả tốc độ trượt giá của đồng đôla, giá dầu hiện nay cao hơn 25% so với năm 1979, thời kỳ thế giới trải qua cú sốc giá dầu thứ hai.

Việc giá dầu và một số mặt hàng khác tăng vọt được coi như một câu đố chưa có lời giải, vì thực tế kinh tế đang tăng trưởng chậm lại. Dự báo, kinh tế thế giới năm nay sẽ tăng trưởng khoảng 2,9%, giảm so với mức 3,8% của năm ngoái. Thông thường, khi kinh tế chậm lại thì giá nhiên liệu sẽ sụt giảm, vì cầu với mặt hàng này không còn lớn.

Lý giải được nhiều người đưa ra nhất cho việc giá dầu tăng mạnh từ đầu năm đến nay là đầu cơ. Song trên thực tế, đầu cơ từ trước đến nay vẫn tồn tại trên thị trường quốc tế, nên không thể là nguyên nhân duy nhất khiến giá dầu tăng mạnh. Mặt khác, đầu cơ chỉ phổ biến trong các giao dịch tương lai. Nhưng với các mặt hàng không áp dụng hình thức giao dịch này như quặng sắt, giá cũng tăng nhanh trong nửa năm vừa qua.

Nhiều người cũng cho rằng, đồng đôla suy yếu khiến dầu trở nên đắt hơn. Song lý do này cũng không giải thích được tại sao giá dầu trong các giao dịch bằng euro cũng tăng rất nhanh.

Khách hàng của ngân hàng Northern Rock (Anh) kéo đến rút tiền gửi tại nhà băng do lo ngại rủi ro. Đây là một trong những sự kiện báo hiệu khủng hoảng tín dụng lan ra toàn cầu. Ảnh: elperiodico mediterraneo.

Theo chuyên gia Daniel Gros thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách châu Âu, tình trạng đầu cơ luôn tồn tại trong việc nhà sản xuất quyết định có làm ra hàng hóa hay không. Bản thân các nhà sản xuất cũng là những người đầu cơ, có điều họ đầu cơ trên chính giá trị tương lai của các nguồn lực mà họ đang có.

Các nhà sản xuất dầu sẽ không mặn mà với việc khai thác nếu họ thấy rằng giá dầu sẽ còn tăng nhanh hơn so với lợi nhuận từ việc sản suất các tài sản khác. Điều quyết định giá dầu hiện nay chính là kỳ vọng về giá trong tương lai.

Yếu tố tác động đến giá dầu hiện nay là viễn cảnh các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ tiêu thụ rất nhiều dầu, và chưa có nguồn năng lượng nào có thể thay thế. Dự báo trong năm nay nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ tăng 10% và năm 2009 là 9%.

Kinh tế thế giới đang đối mặt hàng loạt thách thức, như khủng hoảng tài chính và giá nhà đất sụt giảm tại Mỹ cũng như nhiều nước phát triển khác, giá hàng hóa tăng vọt, áp lực lạm phát gia tăng, đặc biệt tại các nền kinh tế mới nổi. Kinh tế thế giới sẽ chậm lại trong một thời gian nhất định.

Đến nay các chuyên gia cũng chưa thể nói chắc kinh tế thế giới tới đây sẽ diễn biến theo chiều hướng nào. Song chắc chắn guồng máy kinh tế chưa thể quay trở lại ngay với tốc độ tăng trưởng nhanh như thời gian trước.

Mặt khác, có thể những rủi ro sẽ kết hợp lại với nhau tại nên những nguy cơ lớn hơn. Trong trường hợp Iran, quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ tư và khí đốt thứ hai thế giới, bị tấn công, giá dầu thô có thể vọt lên 200 USD mỗi thùng. Còn nếu Mỹ tăng trưởng chậm lại, khiến người dân nước này tiếp tục cắt giảm tiêu dùng, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ rơi vào suy thoái sâu. Thâm hụt tài chính của Mỹ khi đó sẽ tăng mạnh, khiến lãi suất dài hạn tăng vọt.

Các chuyên gia cho rằng, hiện có một tin tốt và một tin xấu về kinh tế thế giới. Tin tốt là đến nay nền kinh tế vẫn chống đỡ tốt một cách đáng ngạc nhiên trước các rủi ro đang xảy ra trên thị trường. Tin xấu là những rủi ro này đang đe dọa kéo cả thế giới đi xuống. Có thể sẽ cần thêm chút ít may mắn để kinh tế toàn cầu vượt qua giai đoạn này.

  • Thu Nga (Vnexpress)

Các ngân hàng châu Âu chao đảo

Thứ tư, 19/9/2007, 09:54 GMT+7

Ngày 18/9, giá cổ phiếu ngân hàng nhiều nước châu Âu sụt giảm do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tại Northern Rock - Ngân hàng cho vay thế chấp hàng đầu của Anh.

>> Hỗn loạn tại ngân hàng lớn thứ 5 của Anh

Khách hàng của Northern Rock xếp hàng chờ rút tiền. Ảnh: SGGP.

Trong 3 ngày liên tục, 72 chi nhánh của Northern Rock đã trở nên hỗn loạn khi hàng nghìn khách xếp hàng từ sáng sớm đòi rút tiền sau khi nghe tin cổ phiếu của ngân hàng bị sụt giảm đến 40%.

Hiện giá cổ phiếu của các ngân hàng Tây Ban Nha bị sụt giảm khá mạnh, như Bankinter giảm 5,1%, cao nhất trong danh sách các cổ phiếu mất giá trên chỉ số Ibex của Madrid. Cổ phiếu BNP Paribas tại Paris giảm 1,9%. Tại Frankfurt (Đức), cổ phiếu Deutsche Bank giảm 1,7%.

Theo các nhà phân tích thuộc công ty Global Insight, Thủ tướng Anh G.Brown sẽ phải đối mặt với sự chỉ trích cho rằng ông đã tạo ra nhiều năm khó khăn trên thị trường tiền tệ, đang có nguy cơ biến thành một cuộc khủng hoảng tín dụng, đe dọa làm chậm lại sự tăng trưởng của nước này. Nếu những vấn đề của Northern Rock không nhanh chóng được giải quyết, nguy cơ ảnh hưởng lớn đến lòng tin của khách hàng và giới đầu tư sẽ trở thành hiện thực.

(Theo SGGP)


7 sự kiện kinh tế thế giới 2007

Thứ ba, 1/1/2008, 01:02 GMT+7

Giá dầu thô lên xấp xỉ 100 USD, đồng đôla sụt giảm xuống mức kỷ lục trước euro. Các đại gia tài chính khốn đốn với cơn bão tín dụng xuyên quốc gia. Đó là những nét chính trong bức tranh kinh tế thế giới năm qua.

Dưới đây là những sự kiện kinh tế thế giới đáng chú ý trong năm 2007.

Giá dầu tiến sát 100 USD

Diễn biến giá dầu trên thị trường New York tính từ tháng 5 đến ngày 20/11, trước khi chạm mốc kỷ lục 99,29 USD vào ngày hôm sau. Nguồn: DOE/AP.

Giá dầu cuối năm 2006 mới ở ngưỡng 50 USD mỗi thùng, song sang đến năm 2007, giá mặt hàng sống còn đối với mọi nền kinh tế này liên tục leo thang và lên đến mức kỷ lục 99,29 USD vào ngày 21/11. Mốc 100 USD luôn treo lơ lửng trong các phiên giao dịch của những tháng cuối năm, khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào miền bắc Iraq để đối phó với lực lượng Đảng công nhân người Kurk, đe dọa cắt đứt nguồn cung từ một trong những vựa dầu lớn nhất thế giới.
Mức giá 100 USD cũng làm bùng lên những lo ngại về tình trạng lạm phát tại các nền kinh tế lớn. Trên các trang tin kinh tế thế giới, giá dầu xuất hiện với mật độ dày dặc và liên tục được cập nhật từ các thị trường từ Mỹ, Anh, tới Singapore.

Đến cuối năm, tình hình tại Iraq bớt căng thẳng và nhu cầu tại Trung Quốc, nền kinh tế đang "ngốn" nhiều dầu nhất thế giới giảm bớt, đã giữ mặt hàng chiến lược này không leo lên 100 USD. Song khi được hỏi, các nhà phân tích đều dùng cụm từ "đầy biến động" để miêu tả tình hình thị trường vàng đen trong tương lai.

Đồng đôla mất giá

Ảnh: BusinessWeek.

Tính từ đầu năm, đồng tiền của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã sụt 13% so với các đồng tiền chủ chốt khác, trong đó giảm 5% so với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Đồng đôla sụt giá đồng nghĩa với tỷ lệ lạm phát tại Mỹ tăng cao, khiến sức tiêu thụ hàng hóa của người dân giảm sút và những người vay thế chấp để mua nhà cũng không có khả năng trả nợ cho ngân hàng.

Để đối phó với tình trạng này, Cục Dự trữ liên bang (FED) Mỹ phải liên tục bơm vào thị trường những dòng tiền mặt lớn và hạ lãi suất cơ bản của đồng đôla tới 3 lần. Những động thái này lại càng kéo giá đồng đôla đi xuống. Cho đến cuối năm, đôla vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục so với các đồng tiền chủ chốt, khi có lúc một EUR ăn tới 1,474 USD.

Trong khi đó, cơn bão tín dụng đe dọa các nền kinh tế lớn khiến ngân hàng trung ương của các nền kinh tế lớn bơm hàng trăm tỷ đôla vào thị trường. Một lượng tiền mặt lớn đổ vào lưu thông càng khiến giá trị đồng đôla có nguy cơ tuột dốc.

Trung Quốc và Ấn Độ trên đường tiến lên siêu cường

Trung Quốc và Ấn Độ lần lượt đứng thứ hai và thứ năm trong danh sách 10 nước có GDP lớn nhất thế giới. Ảnh: Economist.

2007 là năm thứ năm liên tiếp Trung Quốc tăng trưởng 2 con số, với tốc độ tăng GDP đạt 11,5%. Thặng dư thương mại ngày càng lớn cũng góp phần đưa tổng dự trữ ngoại tệ của đất nước đông dân nhất thế giới lên mức khổng lồ 1.400 tỷ USD. Cũng nhờ nguồn dự trữ ngoại tệ lớn, các doanh nghiệp nước này có cơ hội mở rộng ra nước ngoài và thâu tóm các doanh nghiệp khác. Một loạt tên tuổi lớn như hãng xe Chery, tập đoàn PetroChina và người khổng lồ trong ngành thép Baosteel đều đang vươn ra khỏi biên giới và chiếm lĩnh thị trường toàn cầu.

Nền kinh tế Ấn Độ cũng đang phi nước đại. Theo BusinessWeek, tốc độ tăng trưởng cao của nước này đang tạo ra động lực cho một kế hoạch tham vọng hơn của đất nước đông dân thứ hai thế giới - cất cánh trong lĩnh vực sản xuất, có lực lượng quân đội hiện đại, giành được một vị trí trong Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và thiết lập các mối quan hệ chặt chẽ hơn trong châu lục.

Dow Jones chạm mốc 14.000 điểm

Một nhà môi giới chứng khoán trên thị trường phố Wall. Ảnh: Xinhua

Vào ngày 19/7, lần đầu tiên chỉ số công nghiệp Dow Jones đạt đến mức điểm 14.000. Tuy nhiên, hàn thử biểu quan trọng bậc nhất thế giới trụ được trên ngưỡng này chỉ một ngày rồi lại bước vào đợt tụt dốc kéo dài hàng tháng. Thậm chí có phiên giao dịch, chỉ số này giảm tới gần 10%.

Tròn 3 tháng sau ngày Dow Jones chạm mốc 14.000 điểm, sự kiện kỷ niệm 20 năm sau "Ngày thứ hai đen tối" của phố Wall vào 19/10 lại nhắc nhở giới đầu tư về những cú sốc với thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới. Hai mươi năm sau khi Dow Jones để mất 23% điểm, chỉ số này lại sụt tới 360 điểm trong một phiên.

Một sự kiện chứng khoán tươi sáng và đình đám bậc nhất trong năm là đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của PetroChina, hãng dầu khí hàng đầu Trung Quốc. Đại gia này hút về gần 1.000 tỷ USD, và vượt mặt các doanh nghiệp lâu đời khác như Exxon Mobil, General Electric, để trở thành doanh nghiệp có quy mô vốn hóa lớn nhất thế giới. Hiện trong top 5 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất thế giới, Trung Quốc sở hữu tới 3 công ty, gồm China Mobile, Bank of China và PetroChina.

Giá vàng cao nhất trong gần 30 năm

Ảnh: bullion.org

Ngày 7/11, vàng trên thị trường thế giới chạm mức giá 846 USD mỗi ounce, cao nhất kể từ tháng 1/1980, khi mặt hàng này lên tới 870 USD. Giá kim loại quý xoay quanh mốc 840 USD trong gần nửa tháng và dần hạ nhiệt vào giữa tháng 11. Tuy nhiên, trong những ngày cuối năm, thị trường này lại leo dốc và có lúc giá đã vượt 840 USD khi đồng đôla sụt giá mạnh.

Mỗi lượt cắt giảm lãi suất cơ bản của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) luôn đi cùng những đợt tăng giá vàng mới. Đồng đôla sụt giá khiến vai trò của vàng như một kênh đầu tư thay thế được khẳng định. Những diễn biến trên thị trường dầu mỏ cùng những bất ổn chính trị trên thế giới, đặc biệt tại các vựa dầu của thế giới như Iran, Iraq càng làm giá vàng đội lên. Mỗi khi xảy ra bất ổn về địa chính trị, giới đầu tư đều quay sang vàng như một kênh rót vốn an toàn và hiệu quả.

Năm vận hạn của các đại gia tài chính

Dòng người đợi rút tiền tại Northern Rock, đẩy ngân hàng này đến bờ vực phá sản. Ảnh: elperiodico mediterraneo

Khủng hoảng trên thị trường thế chấp nhà đất Mỹ kéo dài từ năm 2006 mở rộng sang thị trường tín dụng nước này và lan sang các nền kinh tế lớn khác. Về cuối năm 2007, một vài hãng thông tấn quốc tế đã thay từ "bất ổn" bằng "khủng hoảng" khi nói về thị trường tín dụng Mỹ.

Sự kiện đầu tiên cho thấy vấn đề trên thị trường tín dụng thế giới đang trở nên nghiêm trọng là vào tháng 9, hàng nghìn khách hàng của nhà băng Northern Rock (Anh) đổ xô đi rút tiền do lo sợ ngân hàng này phá sản. Ngay sau đó, vận hạn đến với Merrill Lynch khi hãng đầu tư tài chính số một thế giới để lỗ tới 2,24 tỷ USD, cao nhất trong lịch sử 93 năm hoạt động. Chủ tịch kiêm CEO Stan O'Neal phải trả giá bằng chiếc ghế lãnh đạo của mình.

Một tập đoàn tài chính khác cũng phải trải qua năm 2007 trong sóng gió là Citigroup. Chủ tịch hãng Charles Prince cũng phải đệ đơn từ chức sau khi lợi nhuận sụt giảm tới 60% trong 3 quý đầu năm và nợ xấu lên tới 6 tỷ USD. Hoàng tử Ả Rập Saudi Alwaleed Bin Talal, cổ đông lớn nhất của Citigroup, cũng mất đứt 4 tỷ USD sau khi cổ phiếu tập đoàn này sụt tới 31%.

Sáp nhập để phình lớn và lớn hơn nữa

Tỷ phú truyền thông Rupert Murdoch, tác giả của một trong những vụ sáp nhập đáng chú ý nhất năm 2007. Ảnh: Forrbes.

Năm 2007 chứng kiến nhiều phi vụ sáp nhập đình đám, trong đó việc tập đoàn thép Mittal bỏ ra 39,5 tỷ USD để mua lại đối thủ Pháp một thời là Arcelor, và ông trùm gốc Australia Murdoch mua lại hãng tin Dow Jones với hơn 5 tỷ USD thu hút được nhiều sự chú ý.

Tỷ phú truyền thông Rupert Murdoch, sau nhiều tháng ròng rã thương thảo, đã thâu tóm được hãng tin Dow Jones, chủ quản tờ Wall Street Journal danh tiếng. Về phía Mittal, sau khi mua lại đối thủ Acelor, tập đoàn của tỷ phú Ấn Độ Lakshmi Mittal nghiễm nhiên trở thành nhà sản xuất thép số một thế giới. Ngoài những thương vụ này, Ngân hàng Barclays PLC của Anh cũng chi ra 91,16 tỷ USD để mua về nhà băng lớn nhất Hà Lan ABN Amro, tập đoàn viễn thông Mỹ AT&T mua lại đối thủ BellSouth với 83,4 tỷ USD, Reuters về tay Thomson, Acer mua lại Gateway hay Microsoft thâu tóm Aquantive...

Tăng tính cạnh tranh, giảm chi phí và nâng khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ đa dạng là những lý do hàng đầu khiến các tập đoàn tìm mọi cách thâu tóm các doanh nghiệp khác. Sáp nhập tạo ra nguồn tài chính lớn cho các tập đoàn đa quốc gia, song cũng thường đồng nghĩa với việc cắt giảm nhân lực và thay thế ban lãnh đạo tại các công ty bị thâu tóm, do yêu cầu giảm chi phí và tái cơ cấu ở các doanh nghiệp này.

  • Nguyễn Minh ( Vnexpress)
Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: