Nghĩ về chúng ta: Hiện đại và dân tộc tính

10:09 SA @ Thứ Tư - 13 Tháng Hai, 2008

Phát triển kinh tế và uy tín quốc tế trong những năm qua của nước ta, cộng với tiện nghi trong đời sống do công nghệ tiên tiến đem lại, đã gây ra những biến chuyển chóng mặt trong sinh hoạt và nhận thức của hầu hết mọi người Việt Nam. Mặt khác, chúng ta cũng bị bao phủ bởi bao nhiêu chuyện hàng ngày: từ những vụ tham nhũng khủng khiếp, những vấn đề bức xúc trong giáo dục, y tế, giao thông, những tệ nạn xã hội, cho đến những sự cố trọng đại về chủ quyền, về lãnh thổ... làm tâm thức chúng ta khó thể không chao đảo.

Phải nghĩ sao? Bắt đầu từ đâu? Nhìn từ một góc cạnh căn bản thì dường như có sự căng thẳng giữa “cái bây giờ” – tạm gọi là tính hiện đại – và “cái của ta”, nói gọn là dân tộc tính. Phải nghĩ về liên hệ giữa hai phạm trù này như thế nào? Có thể chăng một sự hòa hợp giữa hai phạm trù ấy?

I. Hiện đại và thời thượng

Khi nói về hiện đại, có lẽ điều trước hết là phải tách nó ra khỏi những khẩu hiệu thời thượng. Cần cưỡng lại phản xạ dùng những cụm từ “thế giới phẳng”, “toàn cầu hóa”, “hội nhập”...

Tất nhiên, những cụm từ này không là vô ích, nếu ta thực sự ý thức tính phức tạp của chúng và vâng, hành trang ý thức hệ của chúng nữa. Trong mọi trường hợp, chúng chỉ nên là khởi điểm cho những suy nghĩ sâu sắc hơn, nhất là nhìn từ nước ta. Nguy hiểm là, quá nhiều khi, chúng được dùng như những khẩu hiệu thế chỗ cho phân tích, một cách che lấp sự lười biếng trí thức. Thực vậy, nên nhớ rằng những cụm từ này xuất phát từ phương Tây, và tuy những người đặt ra chúng (như nhà báo Thomas Friedman với ý niệm “thế giới phẳng”) là nhiều thiện chí, chúng không thoát khỏi một phạm trù căn bản: đó là những ý niệm nhìn qua lăng kính văn hóa (và quyền lợi kinh tế!) tây phương. Chẳng hạn, thử nghĩ xem: “Hội nhập” là gì? Phần nào là tích cực, phần nào là một tiến trình không cưỡng được? Hội nhập, theo nhiều người, không những có nghĩa là mở cửa rộng rãi để buôn bán với nước ngoài, đón nhận đầu tư, nhưng còn là chấp nhận những “giá trị của thế giới”. Nên nhớ rằng quốc tế là một cộng đồng với nhiều hệ thống giá trị. Hội nhập là mở cửa với thế giới, nhưng đó là cái cửa hai chiều: vào và ra. Hội nhập đúng nghĩa phải gồm một sự chọn lọc những giá trị tốt từ bên ngoài (không nhất thiết phải từ phương Tây), đồng thời là một cố gắng đầy tự tin để quảng bá giá trị của ta (những giá trị tiềm ẩn trong dân tộc tính) với thế giới. Thiếu cảnh giác, những mỹ từ đó sẽ ru ta vào một giấc hoang mơ...

Tương tự, nhiều người nghĩ đến “hiện đại” như một cuộc đua giữa các quốc gia, hoặc là thứ hạng của Việt Nam trên thế giới. Tất nhiên, ai cũng mừng khi thấy chỉ số cạnh tranh của ta năm nay cao hơn năm ngoái, cũng buồn khi tham nhũng ngày càng bị quốc tế cho là nhiều. Tuy nhiên, nghĩ cho cùng, điều quan trọng không phải là những con số thống kê, hay kết quả của vài cuộc thăm dò doanh nhân nước ngoài, nhưng là hiện trạng mà mỗi người trong chúng ta nhận thấy ràng ràng trong đời sống hàng ngày của bản thân. Về tham nhũng chẳng hạn, mọi người dân Việt Nam đều biết nó là đến bực nào, đã lên hay xuống trong thời gian qua. Ta không cần dư luận nước ngoài mới biết (dù rằng những cuộc thăm dò ấy có ích trong chừng mực chúng ảnh hưởng đến quyết định làm ăn của người nước ngoài ở nước ta).

Chúng ta nhìn quốc tế để biết khả năng một xã hội, nhất là những quốc gia có nhiều tương đồng với ta, để học hỏi, để biết cái gì mà một nước như ta có thể làm được. Chúng ta nên nhìn nước khác để nhận ra những hụt hẫng của mình, nhưng đó là những bài học vi mô, và ta phải nhìn chúng để tìm giải pháp cho các vấn đề cụ thể chứ không chỉ để buồn bã so bì (hay tự mãn!). Khi có những tiến bộ vi mô như vậy thì chắc chắn chúng ta sẽ rất ngạc nhiên vì sự tiến bộ vĩ mô của mình. Tất nhiên giữa các quốc gia chẳng bao giờ là không có những cạnh tranh, thậm chí tranh chấp ... song mục tiêu căn bản của chúng ta phải là tạo cho dân ta một đời sống ấm no, hạnh phúc... Ta không thể để mình bị “choáng mắt” “hoảng lọan” vì những con số tuy giật gân nhưng ít ý nghĩa, và nhất là khi chúng không giúp ta tìm giải pháp nào cho một vấn đề cụ thể.

II. Cái hiện đại của ta

Nên nhớ rằng, nếu không để ý, ta sẽ định nghĩa “hiện đại” theo cái nhìn của một nền văn hóa khác. (Gần đây, triết gia Pháp Bernard-Henri Lévy đã phải nhắc lại điều này để phản bác một bài trên tuần báo Time của Mỹ cho rằng “văn hóa Pháp đã chết”!). Không khéo, chúng ta sẽ lẫn lộn hiện đại hóa và tây phương hóa.

Thực vậy, hiện đại hóa mà thiếu dân tộc tính sẽ là tha hóa. Hiện đại không có nghĩa là xóa bỏ tính cá biệt của nhân thân, hay rộng hơn là của dân tộc. Dù sẽ trở thành công dân của thế giới, chúng ta đến từ lịch sử, quê hương ta, cũng như người quốc gia khác đến từ lịch sử, quê hương họ. Sự phong phú của đời sống hiện tại không phải có được bằng cách đồng nhất hóa mọi người (một thế giới như thế sẽ nhạt nhẽo biết bao!), nhưng bằng sự mỗi người đóng góp cái cá biệt của mình vào cái chung của nhân loại, và nhìn nhận (thậm chí tôn vinh) cái cá biệt của người khác. Hiện đại hóa dân tộc tính (nếu có thể nói như vậy) là một hành trình gay go, cần nhiều suy nghĩ thấu đáo, khách quan. Ta không sô vanh cuồng tín nhưng cũng không chấp nhận vô điều kiện những lề lối ngoại lai như tấm vé để “hội nhập”.

Có quả là chúng ta (như thế giới “hiện đại”) đang chạy theo vật chất quá đáng mà quên đi những giá trị nhân văn (không nhất thiết cá biệt của Việt Nam) – những giá trị thiết yếu cho “chất lượng đời sống”? Chúng ta có thói quen nói những điều đó như là nghĩa vụ, như trách nhiệm của chúng ta (đối với thế hệ trẻ, chẳng hạn), nhưng thật ra nó còn hơn thế nữa. Nó là nghĩa vụ của chính chúng ta đối với chúng ta, của con người đối với con người. Lịch sử, cần khẳng định, là một cấu tố của chính đời sống hôm nay, không phải là “cái khác”, mà là “cái này”, của cá nhân ta, hôm nay.

Trần Hữu Dũng là giáo sư kinh tế học của Đại học Wright State tại Dayton, Ohio, Mỹ. Ông chuyên về nghiên cứu kinh tế vùng Đông Á, đặc biệt là Việt Nam.

Giáo sư Dũng cũng là biên tập viên quản lý của cổng web nổi tiếngArts & Letters Daily

Riêng về Việt Nam, ông là tác giả của websiteViet-studies cập nhật thường xuyên các bài báo, báo cáo nổi bật trong và ngoài nước về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội Việt Nam.

Xem trang tác giả...

Hiện đại cũng không phải là một đặc tính của thế hệ, của tuổi trẻ. Ấn tượng thiển cận này, nếu có, hẳn là xuất phát từ sự đánh đồng phong cách hiện đại với sự quen thuộc với văn hóa giải trí, với sự thông thạo sử dụng những máy móc, trò chơi điện tử. Bất cứ xã hội hiện đại nào, bất cứ lúc nào cũng là sự chung sống của nhiều thế hệ “gối đầu” lên nhau, Hiện đại, ở thế hệ đi sau, nằm ở cách họ đối xử với thế hệ đi trước (mà chính họ sẽ trở thành!), và cũng là ở thế hệ đi trước đối với thế hệ sau. Tùy theo độ tuổi, tính hiện đại có thể khác nhau chút ít về bản chất, nhưng không nhất thiết ở cường độ, và chắc chắn là không xung khắc. “Lớp già” cũng đóng một vai trò thiết yếu trong ký ức của dân tộc, họ là tích tụ của những kinh nghiệm sống, lịch sử hình thành của nước ta... Tính hiện đại của một xã hội là gom nhập tính hiện đại của mọi thế hệ, mọi thành phần trong xã hội ấy. Nói cụ thể hơn, một xã hội mà thế hệ này xem thế hệ kia là không quan trọng, thành phần này coi rẻ thành phần khác, là một xã hội ... không hiện đại, trong cái nghĩa tốt đẹp của danh từ này.

Tính hiện đại của dân tộc cũng không dừng lại ở biên giới địa lý bởi vì nó bao gồm cả người Việt trong nước lẫn ở nước ngoài. Người Việt ở nước ngoài đóng góp vào sự nghiệp hiện đại hóa của quê hương, không chỉ ở “chất xám”, hoặc “kiều hối”, nhưng còn trong vai trò viễn thám văn hóa. Mặt khác, họ cũng đặt nhiều vấn đề (mà lắm lúc họ cũng không ý thức) về dân tộc tính, cần suy nghĩ.

III. Văn hóa và trí thức

Rõ ràng, xã hội hiện đại đặt ra nhiều vần đề bức xúc, cần suy nghĩ, và chính nhu cầu này làm nổi bật một sự hụt hẫng trầm trọng hiện nay của chúng ta, đó là sự nghèo nàn sinh hoạt văn hóa mà giới trí thức phải gánh chịu phần lớn trách nhiệm. Đặt bên cạnh những sinh hoạt kinh tế sôi nổi, những phồn vinh về vật chất, những thắng lợi trên chính trường quốc tế, thì đời sống văn hóa của chúng ta hầu như thiếu tiến bộ tương xứng, thậm chí nghèo nàn, ít nhất cũng là quá tĩnh lặng. Đó là một tĩnh lặng đáng lo, bởi vì, khi mà tiến trình “hiện đại hóa” đang vùn vụt như vũ bão, và khi mà đầu máy của tiến trình ấy là thương mại, thì trách nhiệm của người trí thức để chấn chỉnh, tạo một đối trọng cho văn hóa tiêu dùng bằng một nền văn hóa khác, “hướng thượng” hơn, là không gì cần thiết bằng. Chính sự thiếu vắng một kháng thể mạnh mẽ cho thứ văn hóa tiêu dùng, hưởng thụ, là một trong những nguyên nhân của sự rệu rã xã hội hiện nay.

Văn hóa dân tộc không chỉ là di sản mà còn là những sinh hoạt đương thời. Và tuy nó là thành quả chung của cộng đồng, những người được coi là “trí thức” có một trách nhiệm đặc biệt trong sinh hoạt này. Trọng trách ấy người trí thức phải nhận lãnh, nhưng nó cũng đòi hỏi nhà nước mở rộng, và xã hội khuyến khích, “không gian” sáng tạo, phát biểu, tranh luận. Những sinh hoạt ấy phải được xem như là cốt yếu để huy động nội lực cho phát triển, và thành quả của chúng chính là nhằm bảo tồn dân tộc tính, xương sống của thế đứng quốc gia trong bang giao quốc tế.

Trách nhiệm trí thức là đặc biệt quan trọng đối với tuổi trẻ. Ở bất cứ xã hội nào thì tuổi trẻ bao giờ cũng bị cuốn hút vào luồng văn hóa đại chúng, thời thượng. Nhưng đừng trách họ (như thói quen của mọi thế hệ già), và cũng đừng giảng luân lý. Tuổi trẻ phải được hướng dẫn không qua những bài giảng luân lý khô khan (và chiếu lệ!) nhưng mà do sự truyền lại kinh nghiệm của người đi trước, cụ thể là những tấm gương trong tác phong, trong sinh hoạt trí thức, trong cảm quan nghệ thuật. Muốn thế, người trí thức ở thế hệ đi trước phải tự vấn, chính họ phải luôn luôn trau giồi, cập nhật hóa kiến thức, theo dõi biến chuyển thời sự, sinh hoạt tư tưởng.

IV. Độc lập, phồn vinh và bền vững

Hiện đại là một tiến trình, một cách sinh hoạt, hơn là một trạng thái. Đó là một tư duy chấp nhận thay đổi, tôn trọng cái cá biệt của người khác, nhưng phóng đi từ ý thức rất rõ về mình, về cộng đồng và lịch sử của mình. Tuy nhiên, cần nhớ rằng hiện đại không có nghĩa là những tranh chấp quốc tế không còn nữa (như những mỹ từ “thế giới phẳng”, “hội nhập”... thường làm ta quên). Chủ nghĩa dân tộc vẫn còn là động cơ đằng sau thương mại, bang giao quốc tế. Bất cứ nước nào cũng bảo vệ quyền lợi, sự tự do, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của mình. Chúng ta hiếu hoà nhưng qua những năm hi sinh xương máu để giành độc lập, thống nhất đất nước, ta không bao giờ quên được điều ấy.

Hiện đại phải đi trong tinh thần dân tộc. Dân tộc tính, cụ thể là sự đoàn kết quốc gia, không chỉ là một nội lực cốt yếu để bảo vệ độc lập và chủ quyền của đất nước (và không có độc lập và chủ quyền thì mọi thứ khác đều vô nghĩa) nhưng, thực tiển hơn, còn là một yếu tố để phát triển kinh tế, để giao lại cho những thế hệ tương lai một nước Việt Nam mà chúng ta không hổ thẹn.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Ta là ai?

    12/08/2016TaLaWhoHãy để cho tầm nhìn vươn cao, vươn cao nữa. Trái đất to lớn của chúng ta lúc đó sẽ là gì trong hệ mặt trời, và hệ mặt trời sẽ là gì trong cái vũ trụ mênh mông, vô thủy vô chung? Có buồn cười không chuyện con người cứ cho mình là chúa tể của muôn loài, nhưng mới chỉ nhìn xuống từ một Toà nhà hai chục tầng đã thấy mỗi người chỉ giống như hạt vừng, hay như con kiến gió bé tí ti...
  • Chúng ta ngủ quên trên kho báu trí tuệ của nhân loại!

    10/06/2015TS. Nguyễn Xuân XanhHay chúng ta hỏi ngược lại, Việt Nam có được bao nhiêu sách, bao nhiêu thư viện cổ, so với thế giới? Tại sao một dân tộc được cho là hiếu học mà lại ít sách như thế? Tôi chợt nghĩ ra, có lẽ dân ta hiếu học, nhưng thực sự chỉ một “giai cấp” nhỏ nào thôi...
  • Chúng ta buộc phải sắc sảo

    12/10/2014Khánh DũngÔng Nguyễn Trần Bạt là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Investconsult Group - Công ty Tư vấn hàng đầu Việt Nam. Ông là một người nghiên cứu sâu sắc và rộng khắp các lĩnh vực về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam. PV Nguyệt san Doanh nghiệp đã trao đổi với ông về nghề tư vấn tại Việt Nam....
  • Tốc độ đổi mới của thế giới hiện đại

    13/04/2008Nguyễn Trần BạtThay đổi nhanh chóng và không ngừng là một trong những đặc điểm dễ nhận thấy nhất của thế giới hiện đại. Con người trong thời đại mới buộc phải không ngừng vận động để thích nghi với các thực thể khác...
  • Từ hiện đại đến hiện đại hóa

    09/04/2008Bùi Văn Nam SơnỞ các nước đang phát triển, “hiện đại hóa” hiểu như một tiến trình phát triển độc lập về không gian và thời gian - có sức hấp dẫn của một sự “đi tắt đón đầu” để phồn vinh nhanh chóng và nhất là, một lần nữa, được giải phóng khỏi ách thống trị tinh thần sau khi thoát khỏi ách thống trị hiện thực của thực dân phương Tây...
  • Cách mạng thông tin đã thay đổi chúng ta như thế nào?

    21/12/2007Minh BùiDường như có một sự chờ đợi nặng nề đặc sánh lại ở các quán café, quán bar, khi những người khách cô độc ngồi bên ly café mong chờ một bước chân bước qua ngưỡng cửa. Lặng lẽ sưởi ấm lòng mình bằng những gương mặt mới, những gương mặt có thể anh sẽ chỉ gặp một lần trong đời, những ánh nhìn của họ đau đáu một niềm hy vọng hiếm khi thành sự thật, mong người khách không quen biết sẽ nhoẻn miệng cười hay ngồi xuống cạnh họ, đem lại cho họ sự bình yên chân thành của một tình bạn không vụ lợi…
  • Chúng ta thừa kế di sản nào?

    05/10/2007Tuấn Đông (lược thuật)Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc cho thấy, việc kế thừa và phát huy những di sản truyền thông có vai trò vô cùng quan trọng trong việc góp phần đưa đất nước phát triển. Vấn đề là ở chỗ, ở những thời điểm lịch sử khác nhau, giá trị của di sản cũng có thể được nhìn nhận khác nhau. Việc xác định đâu là di sản cần phải phát huy, đâu là di sản cần phải cân nhắc, hạn chế hoặc loại bỏ... là một vấn đề phức tạp mang ý nghĩa cấp thiết
  • Phê phán tính hiện đại

    13/11/2006Alain Touraine (Huyền Giang dịch)
  • Diễn đàn: Ta là ai!

    17/08/2006Thu PhươngTự nhận và tự vấn những tật xấu của bản thân không còn là điều xa lạ, và hàng loạt các cuốn sách như "Người Trung Hoa xấu xí" ,"Người Mỹ tự trào", "Những tật xấu của người Nga"… Đó chính là một cách để con người tự vươn lên: Còn ở nước ta thì sao? Chúng ta có những ưu điểm nổi bật gì, những tật xấu gì? Đã khi nào dám khám phá mình, nhìn thẳng vào đó để tu dưỡng?
  • “Thế giới phẳng” và Việt Nam chúng ta

    31/03/2006Nguyễn Trung“Thế giới phẳng” của Thomas L. Friedman giống cái bánh mỳ nóng mới ra lò, người mua háo hức như đã từng háo hức với “Chiếc xe Lexus và cây ô-liu” cũng của ông ta cách đây dăm năm. “Phẳng” với ý nghĩa quá trình toàn cầu hóa kinh tế kéo theo quá trình toàn cầu hóa mọi mặt đời sống xã hội loài người trên hành tinh này đi vào “luật chơi chung”...
  • Chúng ta muốn gì?

    18/10/2005Xuân DungĐồng hành với sự thay đổi về vai trò của bằng cấp (chứ không phải sự thay đổi nhận thức về vai trò của học vấn) là hàng loạt vấn đề mới về giáo dục - đào tạo: Chương trình quá nặng nhưng lại bất cập so với nhu cầu thực tiễn cải cách và tính hiệu quả của cải cách, lạm thu và tận thu tới mức chi phí giáo dục trở thành một gánh nặng mà người nghèo khó kham, dạy thêm và học thêm tràn lan, thể lực và trí lực của học sinh suy giảm…
  • Tài sản của chúng ta: nỗi nhục nghèo khó!

    06/10/2005Trương Bảo ChâuTự nhận tài sản lớn nhất của mình là sự nghèo khó, thấy “nhục khủng khiếp” khi xin visa đi dự hội nghị đều nhận được câu hỏi: “Anh có tính ở lại luôn không đấy?”. Bức xúc, ray rứt… anh viết thư cho Thủ tướng để chia sẻ “nỗi nhục của thanh niên một đất nước nghèo”
  • Chúng ta đang sống trong một Thế giới của thông tin

    30/11/2006Khi đọc cái gì, cũng không nên quá để ý đến chuyện tác giả "thực sự nghĩ gì", mà cần quan tâm chủ yếu đến cái thông tin mình đọc được hay thu nhận được, sao cho mình có thể khai thác tối đa từ đó để rồi vận dụng. Tôi cho rằng, thế giới xung quanh là một "thế giới của thông tin", thậm chí là thông tin ngẫu nhiên, vấn đề là mình lấy nó thế nào...
  • xem toàn bộ