Vì hạnh phúc Người Việt: Cần cam kết một “khế ước văn minh”

12:01 CH @ Chủ Nhật - 08 Tháng Sáu, 2014

Điểm tựa nào cho hạnh phúc ?

Một năm mới lại đến. Ta lại chúc nhau hạnh phúc và thịnh vượng. Ước gì hạnh phúc cũng dồi dào như lời chúc.

Nhưng hạnh phúc không rơi từ trời xuống. Loài người vẫn chưa thôi mơ về những phép lạ. Cứ tiếp tục mơ, nhưng điều trước hết, phải hành động. Cần một hệ thống những cam kết và cố gắng. Lại cần bắt kịp thời cơ. Nàng tiên Hạnh phúc chạm tay vào cửa sổ nhưng nàng sẽ bị đẩy ra khỏi cửa chính, khi cánh cửa vẫn đóng chặt và bên trong cánh cửa là những hung thần.

Muốn có hạnh phúc, để người này không tước đoạt hạnh phúc của người kia, để một cộng đồng cùng chung xây lợi ích, điều cấp bách phải làm là cùng nhau cam kết một Khế ước văn minh để làm điểm tựa và thực thi nó. Một hệ thống văn minh nằm trong bản chất, trong hệ thống hành xử mọi mặt, chứ không phải là sự vỗ ngực thậm xưng.

Xã hội văn minh bao hàm một thiết chế vận hành trong hệ thống hành vi minh bạch, công bằng, và tôn trọng cái đẹp từ tinh thần tới vật chất.

Hệ thống văn minh đương nhiên đối lập với chuẩn ứng xử mang tính dã thú, trong đó người ta chỉ tính đến lợi ích của riêng mình và sẵn sàng tước đoạt, hãm hại kẻ khác để mưu lợi.

Muốn có văn minh, hạnh phúc, đương nhiên phải kiên quyết loại bỏ tính dã thú. Mỗi chậm trễ là mỗi tổn thương theo cấp số nhân.

Xã hội nào cũng có nguy cơ bị tính dã thú xâm lấn, không chỉ riêng dân tộc nào, quốc gia nào. Để thành công hơn, để hạnh phúc hơn, thể chế xã hội cần được thiết kế sao cho đủ năng lực giám sát và loại bỏ tính dã thú, dọn chỗ cho nền văn minh.

Để không tổ thương thêm nữa vì chậm chân, bên cạnh việc ghi nhận và phát huy những thành tựu đã đạt được, chúng ta hãy thẳng thắn bàn đến việc làm thế nào để loại bỏ tính dã thú trong cộng đồng và trong mỗi con người.

Với thời đại mang vận tốc chóng mặt như hiện nay, nếu để tính dã thú tự do khuynh loát, thì không khác gì ta mua chiếc máy bay phản lực rồi đặt một dã thú lên ghế điều khiển bay.

Dã thú cưỡi máy bay đi đâu

Nếu khoa học – kỹ thuật phát triển, bất kỳ người nào vật gì có tiền hoặc được cho mượn tiền đều có thể chễm chệ trên máy bay để di chuyển với vận tốc cả ngàn ki-lô-mét.

Nhưng con người ngồi máy bay hay dã thú ngồi máy bay là chuyện một trời một vực. Để dã thú ngồi chung với con người trong máy bay là nguy hiểm.

Không thể thờ ơ với những biểu hiện của tính dã thú trong đời sống hiện nay. Hãy xen thực trạng xuống cấp về đạo đức: cha con vợ chồng bạn bè đánh giết nhau, trò tạt axít thầy, trò dùng thắt lưng quất thầy bị bất tỉnh 3 tiếng đồng hồ trong lớp học. Những vụ hiếp dâm trẻ em, thậm chí trẻ ba tuổi. Có kẻ đi nhậu về, thấy người là xông vào đánh giết chỉ để “cho vui”…

Rồi những công ty kinh doanh vì lợi riêng mà đầu độc cả một dòng sông, một vùng đất, bất chấp các thủ đoạn che giấu gây hại chết người. Hậu quả là cả nước ra đường phải che mặt, là nhiều làng ung thư, bệnh viện chật ních, có khi năm sáu bệnh nhân phải chen chúc trên một giường. Nhiều tấn mỡ bẩn, rau quả độc, mứt có dòi, lạm dụng phóng đại cảnh báo phòng dịch để kiếm tiền trên ngân sách vốn đã ít ỏi của đất nước.

Một sự ô nhiễm lớn khác, là nhiều người Việt Nam có một “năng lực đặc biệt” trong việc làm xấu đi những ân sủng do thiên nhiên ban tặng. Quy hoạch đô thị từ mấy chục năm nay vẫn là manh mún và chắp vá. Lãng phí do thiếu hiểu biết trong quy hoạch và xây dựng không thể tính đếm nổi. Đâu đâu cũng thấy những ngôi nhà xấu xí, như những vết lở ghim chặt cả mấy trăm năm vào cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của đất nước.

Thói ăn xổi ở thì, thiếu tính cộng đồng, tham lam dối trá, thói tham quyền cố vị, sự tục tĩu, thô bỉ ngay cả trong giới trí thức, văn nghệ sĩ và cán bộ công chức. Tính chụp giật trong giới kinh doanh hoặc bất kỳ lĩnh vực nào, kể cả trong văn hóa, y tế và giáo dục, khiến cho người lương thiện và có tự trọng bị thiệt hại.

Đó chỉ là những thực trạng hành xử mang tính dã thú ở bề nổi, mà gây tác hại nghiêm trọng đến môi trường sống và đạo đức, cũng như phẩm giá người Việt Nam. Nhưng tảng băng chìm của tính dã thú lại bao hàm những vấn đề lớn hơn. Tác hại của những tảng băng chìm này có thể làm thủ đáy con thuyền nền kinh tế và làm băng hoại lâu dài một đất nước.

Phần chìm của tảng băng, là tình trạng tham nhũng, lãng phí, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Lực lượng tham nhũng, dù ít về số lượng so với đông đảo dân lành, nhưng lại nắm thực quyền sinh sát, cấu kết chặt chẽ, bảo vệ nhau bằng mọi giá. Chúng dùng mọi cách để ngăn chặn, bao che và trả thù bất kỳ ai tố cáo. Đó là những kẻ thuộc tầng lớp giặc nội xâm vô cùng nguy hiểm mà Đảng đã cảnh báo.

Cam kết một Khế ước văn minh

Nói cho cùng, mọi nguyên lý, mọi hành động, mọi phương tiện cũng chỉ để đạt đến ấm no hạnh phúc, tự do, nhân quyền, giàu mạnh cho mỗi người dân.

Hồ Chủ tịch từng nói: đất nước độc lập nhưng dân không tự do, hạnh phúc thì độc lập ấy không ý nghĩa gì… Karl Marx khẳng định: phát triển tự do của mỗi con người tạo nên tự do của cả cộng động nhân loại.

Nếu xã hội không kiềm chế được tính dã thú, thì mọi nỗ lực của cộng đồng sẽ bị vô hiệu hóa và mỗi ngày qua là lùi một bước. J. J. Rouseau – nhà văn, nhà triết học thuộc trào lưu khai sáng ảnh hưởng đến cuộc Cách mạng Pháp 1789, ngày từ năm 1762 đã cay đắng mà viết rằng: “Những tâm hồn thấp kém thì không thể hiểu các bậc vĩ nhân. Cũng như những kẻ nô lệ thì nhe răng cười nhạo khi nghe hai tiếng Tự do…

Để đạt mục đích cuối cùng là tự do, ấm no, hạnh phúc, đất nước nào cũng cần loại bỏ tính dã thú trong mọi phương diện. Không phải cứ những cường quốc là không có tính dã thú. Nhưng quốc gia này chỉ mạnh hơn quốc gia kia khi hành trình phát triển đồng thời cũng là quá trình giám sát chặt chẽ để loại trừ tác hại của sự mông muội và tính dã thú.

Không loại trừ tính dã thú, làm sao có thể nói đến chuyện con người có tự trọng, có danh dự, tự do, hạnh phúc và văn minh, và theo kịp thế giới trong vận tốc toàn cầu hóa!

Vậy trụ đỡ của hạnh phúc cho mỗi công dân cũng như của mỗi quốc gia, chính là cam kết một Khế ước văn minh.

Trong quá khứ, cha ông ta rất cần cù lao động, nhưng đã để lỡ cơ hội đuổi kịp đà tiến của những nước như Nhật Bản. Nhật Bản đã từ một nước kiệt quệ, phong kiến bảo thù, lệ thuộc giáo lý Khổng Tử và Trung Quốc, trở nên một cường quốc về kinh tế, xã hội cũng như các phát minh sáng tạo, tự do dân chủ và phúc lợi cho người dân. Có được điều đó là nhờ tinh thần khai sáng quyết liệt, mang tên “Thoát Á luận” mà Nhật Bản đã tận dụng rất hiệu quả trong những năm đầu thế kỷ XX…

Như thế, nhờ những cam kết văn minh, nhìn thẳng vào thực trạng của chính mình và nhận thức rõ những điều kiện và thách thức của thời đại mà Nhật Bản đã thoát khỏi cái vỏ chật hẹp, vươn mình lớn dậy thành người khổng lồ. Cũng chỉ cần một lần quyết liệt khai sáng như vậy, cả trăm năm nay, Nhật Bản đã vững bước tiến trên con đường phát triển, nằm trong tốp các nước tiền phong nhất của thời đại.

Trong khi đó, rất nhiều nước trong phần con lại của thế giới, cho đến nay, vẫn tiếp tục trong mớ bòng bong tự mãn của mình, chưa thôi bị giam hãm trong những chiếc “túi da” chật hẹp, luôn sợ hãi và chỉ trích kẻ khác chỉ để cố thủ, chỉ loay hoay cố gắng trong việc bắt chước, mô phỏng công nghệ, bán sức lao động rẻ mạt hoặc cho thuê, bán đất đai tài nguyên ngày càng cạn kiệt. Càng sợ hãi càng cố thủ, những đất nước phát triển theo kiểu ấy càng dễ mất danh dự, thời cơ, biến thành bãi thải công nghệ của các nước phát triển, hoặc bằng mọi giá cung cấp hàng hóa và sức lao động giá rẻ nhưng kém phẩm chất, mang tính lừa đảo, cho đến lúc bị thế giới tẩy chay.

Ngày nay, sau một phần tư thế kỷ thực hiện chủ trương Đổi mới, thực hiện mở cửa, thể chế quản lý xã hội và sự đa phương hóa của chúng ta đã được cải thiện. Sự thay đổi này cũng có thể đánh giá như một hành vi khai sáng ban đầu được áp dụng ở tầm quốc gia.

Thực tế cho thấy, tác động rất to lớn của việc khai sáng về mặt thể chế. Chỉ cần xoay chuyển một số quan niệm thôi, mà đã khác rất nhiều. hãy thử hình dung, giả sử cho đến nay, nếu những người lãnh đạo đất nước, vẫn hoàn toàn quay lưng ngoảnh mặt khước từ xu hướng tất yếu của tự nhiên và thời đại, không thực hiện chính sách đổi mới thì dân ta vẫn còn đói khổ thế nào?

Năm 2010 và những năm tiếp theo là một năm có những bước ngoặt quan trọng, khi thế giới thoát khỏi khủng hoảng kinh tế và bắt đầu tăng trưởng trở lại. Khi thế giới thấy ớn lạnh trước thiên tai và những rủi ro tựa ngày tận thế ở những vùng miền, quốc gia và bắt buộc phải xích lại gần nhau hơn.

Có những vận hội mới. Nếu biết tận dụng, sẽ đem lại hạnh phúc và danh dự cho người Việt Nam.

Cần tiếp tục cải cách một cách mạnh mẽ để giám sát và loại bỏ tính dã thú và những ung nhọt trong xã hội, để xây dựng một đất nước ngày càng minh bạch, công bằng, khuyến khích sự do sáng tạo hơn.

Cần một thể chế hữu hiệu để các nhà lãnh đạo ở mọi cấp quyết liệt cam kết trước dân một Khế ước văn mình.

Trong Khế ước ấy, đương nhiên loại bỏ mọi sự vờ vịt để che giấu những mưu đồ lợi quyền ích kỷ kéo dài lịch sử lùi lại. Khế ước ấy sẽ để đẩy chủ trương đổi mới tư duy lên một chất lượng cao hơn.

Trên đường tới Khế ước đó, đòi hỏi mỗi chúng ta cần tự nhìn lại, dũng cảm thoát khỏi chiếc túi da nô lệ từ trong tư duy để cầu an, trốn tránh trách nhiệm trước đất nước, trước nhân dân của mình.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Con đường dẫn đến sự thịnh vượng

    16/08/2014Nguyễn Trần BạtCó một khát vọng giống nhau giữa các cộng đồng dân tộc là khát vọng về sự thịnh vượng. Mỗi một dân tộc lại được hình thành bằng một lịch sử riêng, do vậy, mỗi dân tộc lại có một con đường riêng đi tìm kiếm sự thịnh vượng nhưng trong bối cảnh quá trình toàn cầu hoá đang diễn ra mạnh mẽ thì có gì chung giữa các con đường đi đến sự thịnh vượng của các dân tộc? Và nếu có thì con đường ấy như thế nào?
  • Thúc đẩy sự thịnh vượng

    12/05/2009Nguyễn Trần Bạt - Chủ tịch kiêm TGĐ Investconsult GroupCó thể nói, trên thế giới có bao nhiêu quốc gia, có bao nhiêu dân tộc và có bao nhiêu con người là có bằng ấy ước mơ, bằng ấy khát vọng. Mỗi một ước mơ, mỗi một khát vọng đều xuất phát từ những hoàn cảnh lịch sử riêng. Nhưng mơ ước về sự thịnh vượng luôn là mục tiêu chung của con người. Và nơi khởi nguồn cho sự thịnh vượng chính là tầng lớp đặc biệt trong xã hội - tầng lớp trí thức.
  • Thịnh vượng sẽ đến nhanh hơn, nếu...

    10/10/2006TS Nguyễn Sĩ Dũng13 tháng 10 - ngày của các doanh nhân VN, một ngày lễ mới tròn một tuổi. Ngày lễ này được xác lập như vậy là rất muộn, nhưng có lẽ, cũng không thể sớm hơn. Bởi vì rằng trái cây cần thời gian để chín, con người cần thời gian để vượt qua những định kiến của mình...