Chữ tín không quan trọng

03:44 SA @ Thứ Ba - 11 Tháng Mười Một, 2003

Người Việt Nam mạnh về nghĩa mà yếu về tín. Lời ấy dễ khiến người nghe giật mình vì sự nặng lời. Ai cũng cảm thấy mình như là bị "sốc", mặc dù vẫn lờ mờ hiểu rằng điều đó không phải là không có lý.

Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh: Để trả lời trước hết cần đặt thêm một câu hỏi, chữ tín cần cho ai?

Kinh tế nông nghiệp không cần. Trong nông nghiệp, lao động không phải sản xuất, lao động chỉ tác động lên quá trình sinh học của vật nuôi và cây trồng. Người lao động trong nông nghiệp không làm chủ được kết quả lao động, nhiều khi công sức bỏ ra rất nhiều nhưng thiên tai một cái là trắng tay...

Còn trong công nghiệp, tôi bỏ từng này sắt, từng này thời gian, nhiệt độ, tôi biết sản phẩm của tôi thu được sẽ như thế nào. Đó chỉ là một ví dụ.

Do tính chất không đồng bộ của lao động và sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp nên tư duy co dãn, tính toán co dãn hình thành. Từ đó đẻ ra một tập quán du di, mười cũng như chín, xấu một chút cũng được, hôm nay cũng được mà mai cũng được, hôm nay không làm cỏ thì mai sẽ làm... Chữ tín ở đó không quan trọng. Một nền kinh tế hàng hóa thật sự thì hoàn toàn khác. Yêu cầu của kinh tế thương nghiệp là sự chính xác về số lượng, chất lượng và thời gian.

Nền kinh tế hàng hoá thật sự luôn đặt chữ tín lên hàng đầu

Nền kinh tế hàng hoá thật sự
luôn đặt chữ tín lên hàng đầu

Trong bối cảnh mà quan hệ giữa các cá nhân đòi hỏi chữ tín tới cái mức chữ tín có ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động kinh tế hay lợi ích vật chất của họ, thì chữ tín đặc biệt sẽ nổi lên như một chuẩn mực. Người Việt Nam trong chiến tranh rất "tín" - chữ tín đó được quy định bởi kỷ luật quân đội. Nhưng kỷ luật quân sự tự nó cũng là một chuẩn mực xuất phát từ một thực tế là hoạt động của nhiều người với nhau, đòi hỏi một sự phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp giữa các cá nhân, các nhóm người và điều đó ảnh hưởng tới sự thành bại, sống chết...

Nhà văn Sơn Nam: Vì sao người ta thất tín, vì tham cái vụn vặt, chỉ thấy cơ hội trước mắt, không thấy cơ hội lâu dài. Tôi đã từng thấy nhiều người, trẻ không lo học hỏi, đương chức đương quyền không lo làm hết trách nhiệm, đến lúc về già hết quyền hết chức mới nói đến trách nhiệm, mới lo đến dân đến nước thì còn lợi ích cho ai, mà biết là vì ai. Nói được mà không làm được khi có thể làm cũng là một sự bội tín.

Sự chụp giựt, lý luận mỗi lúc một khác, thiếu một chính sách một cách lâu dài (ngay từ những việc nhỏ như chuyện đặt tên đường, chuyện giải toả...) cũng là một cách đối xử không đúng với chữ tín.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung khác