Nguyễn Văn Huyên – Nhà Việt Nam học uyên thâm

12:00 CH @ Chủ Nhật - 03 Tháng Tư, 2011

... ông Nguyễn Văn Huyên còn có ưu thế vô song là nắm được các sự kiện xã hội Việt Nam bằng kinh nghiệm bản thân và bẩm sinh, có khả năng tiếp cận trực tiếp và tức thì với chất liệu xã hội học và có thể đi sâu tiến hành những khảo sát mà những nhà nghiên cứu châu Âu không thể nào thực hiện nổi. Những con chủ bài đó đã cho phép ông tiến hành và hoàn thành tốt đẹp nhiều nghiên cứu về đời sống tôn giáo, tinh thần, xã hội của dân quê Việt Nam...

Rất mực hiếu học và cần kiệm

GS Nguyễn Văn Huyên sinh ngày 16/11/1908 tại phố Thuốc Bắc, Hà Nội; quê chính ở làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, nay thuộc ngoại thành Hà Nội, trong một gia đình viên chức nhỏ. Mồ côi cha từ năm tám tuổi, cậu bé Huyên được mẹ cho đi học chữ Hán với niềm hy vọng sau này cậu sẽ theo nghề ông nội làm thuốc Đông y.

Nho học lụi tàn, “Nào có ra gì cái chữ Nho/ Ông nghè, ông cống cũng nằm co”, cậu Huyên cùng người chị gái là Nguyễn Thị Mão và người em trai là Nguyễn Văn Hưởng được mẹ cho chuyển sang học “trường Tây”.

Mặc dù vậy, mấy năm học chữ Hán không phải là vô ích. Sau này, viết những công trình nghiên cứu Việt Nam học, lúc cần thiết, Nguyễn Văn Huyên thường chú thêm chữ Hán, chữ Nôm Việt, chữ Nôm Tày... để bảo đảm tính chính xác cao và tiện cho việc tra cứu.

Tiến sĩ khoa học nhân văn Nguyễn Văn Huyên trở về Hà Nộisau khi bảo vệ thành công luận án tại Đại học Sorbonne,Paris


Sau khi thi đỗ tú tài phần 1, Nguyễn Văn Huyên cùng Nguyễn Văn Hưởng được mẹ cho sang Pháp học tiếp. Ngày 2/12/1926, hai anh em đến nước Pháp. Thi lấy bằng “tú tài Tây”, Nguyễn Văn Huyên ghi tên theo học tại Đại học Sorbonne,Paris, một trong những trường đại học lâu đời nhất châu Âu.

Hai anh em Huyên và Hưởng sống rất cần kiệm. Mùa đông, không có áo dạ khoác ngoài hợp mốt, phải mặc áo bông cũ mẹ khâu từ trong nước gửi ra. Buổi tối, ăn ở một quán nhỏ, có khi mười ngày liền không đổi món, khiến cho cô chủ quán người Pháp rất đỗi ngạc nhiên!

Ngày nghỉ, hai anh em mỗi người một xe đạp đi dạo xem nông dân hái nho, rồi cùng hái với họ, được ăn nho thoải mái, nhưng không có tiền công! Quen đi xe đạp từ dạo ấy, cho nên về sau, trong kháng chiến chống Pháp, Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Nguyễn Văn Huyên có thể đạp xe từ Tuyên Quang vào Thanh Hoá chỉ đạo công tác giáo dục Khu 4, rồi lại đạp xe quay trở về Tuyên Quang qua bao nhiêu đèo dốc, ổ gà.

Ở trong nước, người chị gái Nguyễn Thị Mão trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp môn toán ở Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương. Bà dạy toán nhiều năm tại Trường Nữ Trung học Đồng Khánh (Trường Trưng Vương, Hà Nội hiện nay), hưởng lương theo ngạch Tây nên rất cao, nhờ vậy mới có tiền gửi sang Pháp giúp hai em trai du học.

Nhưng rồi bà Mão kết hôn với ông Phan Kế Toại, có gia thất riêng, không còn giúp hai em được nhiều. Sau khi đỗ cử nhân luật, Nguyễn Văn Hưởng trở về nước. Nguyễn Văn Huyên vừa tiếp tục học lên cao vừa kiếm sống bằng cách dạy tiếng Việt ở Trường Ngôn ngữ Phương Đông.

Tiếng vang của một công trình khoa học lớn

Ngày 17/2/1934, Nguyễn Văn Huyên trở thành người ViệtNamđầu tiên bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ văn khoa tại Đại học Sorbonne,Paris. Luận án chínhHát đối của nam nữ thanh niên ở ViệtNam, và luận án phụNhập môn nghiên cứu nhà sàn ở Đông -NamÁ.

Chủ tịch Hội đồng chấm luận án, GS Vendryès, coi đây là “một sự kiện đáng ghi nhớ trong lịch sử Sorbonne”.

Hai bản luận án được Chủ nhiệm Khoa Văn Đại học Paris R. Delachoix và Chủ tịch Viện Hàn lâm Paris S. Charléty tự mình xem lại và duyệt in, ngay sau đó, được Nhà xuất bản Paul Geuthner in thành sách, và nhận được sự hoan nghênh nồng nhiệt của các tạp chí nhân văn ở Pháp, Đức, Hà Lan...

Thi hào và là nhà toán học Pháp nổi tiếng Paul Valéry đánh giá rất cao công trình của nhà nghiên cứu ViệtNamtrẻ tuổi. Ông viết:

“Tôi thấy trong cuốn sách của ông những thí dụ hình thành thơ ca ở trạng thái nảy sinh. Tôi tìm thấy ở đấy trạng thái bài hát và sáng tác bằng bái hát và bằng nhịp điệu, và tôi nghĩ đến Ronsard đã làm thơ bằng cách dựa vào một cây đàn luth. Tôi cũng nhớ đến bản thân mình đã từng làm nhiều bài thơ xuất phát từ hình tượng nhịp điệu chợt đến và ám ảnh tôi, những hình tượng đó xác định dần dần những “từ” và cuối cùng một “ý”.

Tất cả những gì Nguyễn Văn Huyên nói về đối xứng, cân bằng, những nhóm gây cho tôi hứng thú đến cao độ (nhưng tôi không hiểu tiếng Việt cho nên chỉ có thể thu hoạch được một cách nông cạn từ các phân tích của ông).

Nhờ những gì ông viết về các nhà thơ Việt Nam, tôi lấy làm vui lòng được đọc những gì mà tôi tin là đúng đối với mọi thơ ca, nhưng ở đất nước chúng tôi lại rất ít biết đến hoặc hiểu thấu. Khi tôi đánh bạo nói về những điều đó thì có người cho là chuyện chướng tai, lại có kẻ bảo tôi là đầu óc quá tế nhị và phức tạp. Thế nhưng tôi cảm thầy mình đã làm một việc là chú ý đến ngọn nguồn.

Xin ông tin ở lòng quý mến và sự tận tâm chân thành của tôi.”

Trên tờ tạp chíAnthropos(tập 30, số 5-6, 1935), GS Christoph Furer-Haimendorf dành nhiều dòng để tóm tắt công trình của Nguyễn Văn Huyên, rồi đưa ra nhận xét:

“Không nghi ngờ gì nữa những lễ hội được tổ chức theo mùa, có hát đối và tỏ tình thuộc về những nền văn minh nông nghiệp ở Đông Dương và Hoa Nam (...). Xét về toàn bộ tính chất của chúng thì các lễ hội đó là sự tự do phóng khoáng cho cả hai bên, tức là cả người con gái trong việc lựa chọn người chồng. Vì vậy, xét cho cùng, chúng có nguồn gốc trong các nền văn minh mang sắc thái mẫu hệ.”

Trên tờOrientalische Literature Zeitung(Tạp chí Văn học phương Đông) số 11, 1935, H. Jensen viết:

“Công trình mà tác giả của nó là một người ViệtNamđã từng làm giảng viên Trường Ngôn ngữ phương Đông ởParislà một đóng góp rất có giá trị để hiểu biết về ViệtNam. Ý nghĩa của nó là ở trên hai lĩnh vực: Một mặt, nó cung chấp cho các nhà dân tộc học và fôn-clo học một chất liệu phong phú, có chú ý đến cả các chi tiết, để hiểu biết đời sống yêu đương, trước hết là tập quán tỏ tình và đính hôn của người Việt Nam. Mặt khác, nó chứa đựng nhiều điều đáng biết đối với nhà ngôn ngữ học…”.

H. Jensen cho rằng công trình mang lại nhiều điều mới mẻ cho các nhà dân tộc học, fôn-clo học và ngôn ngữ học.

Tuy nhiên, theo GS Hà Văn Tấn, thì người đánh giá cao nhất đối với công trình này là Jean Przyluski trong một bài viết trên tờ Journal de Psychologie normale et pathologique(Tạp chí Tâm lý học bình thường và bệnh lý) số 9-10, 1934. J. Przyluski nhận xét:

“Ở phương Tây ngôn ngữ thông thường khác xa với thơ ca, ngôn ngữ đó đã trở thành một công cụ phân tích và ở một số người, nó hướng tới sự chặt chẽ, chính xác của những ký hiệu khoa học. Ở ViệtNamkhoảng cách giữa câu thơ và lời nói không lớn đến như thế.

Người Việt Nam nói ra và làm cho câu nói của mình có nhịp điệu, và trong mọi trường hợp, người ấy lắp ráp các từ của mình thành những nhóm đối xứng có thể không cần sửa đổi mà trở thành những yếu tố của câu thơ (…). Sau khi nhận ra rằng câu thơ Việt là do những nhóm từ đối xứng hợp thành, ông Nguyễn Văn Huyên nghiên cứu kết cấu của những nhóm đối xứng ấy và cách lắp ráp chúng như thế nào.”

Bản luận án phụNhập môn nghiên cứu nhà sàn ở Đông-Nam Á cũng gây tiếng vang rộng rãi trong giới học thuật quốc tế.

Trong mục điểm sách trên tờAnthropos, Rudolf Rahman đã lưu ý người đọc về cuốn sách mới rất có giá trị của Nguyễn Văn Huyên.

Dưới nhan đềMột loại hình cư trú mới: nhà sàn, nhà nghiên cứu Jules Sion cho đăng trênAnnales d’Histoire économique et sociale(Niên giám Lịch sửkinh tếvà xã hội) một bài bình luận dài về cuốn sách của Nguyễn Văn Huyên.

Những nghiên cứu người châu Âu không thực hiện nổi

Trở về nước sau khi tốt nghiệp cử nhân luật khoa và tiến sĩ văn khoa, Nguyễn Văn Huyên không nhận làm quan, mà dạy học rồi tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu khoa học tại Trường Viễn Đông Bác Cổ (1938).

Năm 1941, ông được cử làm Uỷ viên Thường trực của cơ quan nghiên cứu Đông phương học nổi tiếng này. Ông tiếp tục công bố hàng loạt công trình mới rất có giá trị. Giám đốc Trường Viễn Đông Bác Cổ Georges Coedès viết về Nguyễn Văn Huyên với lòng cảm phục:

“Cùng với sự đào tạo đại học vững chắc mà ông đã nhận được ở Pháp tại Khoa Văn và Khoa Luật của Đại học Paris, ông Nguyễn Văn Huyên còn có ưu thế vô song là nắm được các sự kiện xã hội Việt Nam bằng kinh nghiệm bản thân và bẩm sinh, có khả năng tiếp cận trực tiếp và tức thì với chất liệu xã hội học và có thể đi sâu tiến hành những khảo sát mà những nhà nghiên cứu châu Âu không thể nào thực hiện nổi. Những con chủ bài đó đã cho phép ông tiến hành và hoàn thành tốt đẹp nhiều nghiên cứu về đời sống tôn giáo, tinh thần, xã hội của dân quê ViệtNam.”

Chỉ trong vòng hơn mười năm (1934-1945), Nguyễn Văn Huyên đã công bố 46 công trình, hầu hết bằng tiếng Pháp, gần đây, mới được dịch ra tiếng Việt và, vào năm 2000-2001, mới được Nhà xuất bảnGiáo dụcxuất bản thành bộNguyễn Văn Huyên toàn tập, hai tập đầu dành cho các công trình nghiên cứu khoa học xã hội (khoảng 2.000 trang).

Trong hai tập này, ta được đọc nhiều bài nghiên cứu có tính hàn lâm cao nhưng đồng thời vẫn gây hứng thú cho độc giả, như tục thờ cúng thần tiên, thờ thành hoàng ở Việt Nam, lễ hội Phù Đổng, các bài cúng trong lễ tế Nam Giao, rồi những khúc ca đám cưới Tày ở Lạng Sơn và Cao Bằng, sự ra đời của Nội Đạo Tràng ở Việt Nam, Tết Trung Thu, Tết Đoan Ngọ, lễ Xá tội vong nhân, tiết Thanh Minh và việc giữ gìn mồ mả, hay cả một tập sách được soạn ra để dạy trong nhà trường về Văn minh Việt Nam.

Ngay từ trước Cách mạng Tháng Tám, Nguyễn Văn Huyên đã cho rằng môn học cổ điển Á Đông phải được phổ cập ở bậc trung học. Ông cũng đánh giá vai trò rất lớn của “ông đồ nho” tức tầng lớp sĩ phu trong xã hội ViệtNamxưa.

Năm 2000, Nhà nước ta truy tặng GS Nguyễn Văn Huyên Giải thưởng Hồ Chí Minh về công trìnhGóp phần nghiên cứu văn hoá ViệtNam(hai tập).

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: