Sửa chữa những khuyết tật qua chuyện Vinashin

11:06 SA @ Chủ Nhật - 01 Tháng Tám, 2010
1. Câu chuyện Vinashin là lỗi của cả hệ thống

Phải thấy rằng câu chuyện Vinashin là do sơ xuất của cả hệ thống chính trị. Bởi vậy, để sửa chữa những khuyết tật của mô hình tập đoàn thời gian qua thì cả hệ thống phải thống nhất ý chí và hành động – Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt, TGĐ Invest Consult nhận định.

- Những vấn đề của Tập đoàn Kinh tế Vinashin đang làm tốn không ít giấy mực của báo chí. Là người đã từng cảnh báo từ cách đây khá lâu về những nguy cơ trong mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước của Việt Nam, theo ông, sự việc vừa qua bắt nguồn từ đâu?

Tất nhiên không có sai lầm nào không có dấu hiệu cá nhân, nhưng một sai lầm ở quy mô Vinashin thì dứt khoát không chỉ có nguồn gốc cá nhân. Bởi vì một cá nhân dù tài đến mấy, dù "độc ác" đến mấy cũng không có khả năng phá hoại đến 80.000 tỷ trong vòng vài ba năm. Cho nên đây không phải chỉ là sản phẩm của cá nhân.

Thử đặt vấn đề, nếu chúng ta có một hệ thống kiểm soát thật tốt thì cũng có thể thua lỗ, tai họa cũng có thể đến, nhưng đến trong một vài nghìn tỷ đầu tiên. Còn để kéo dài tới tỷ thứ 80.000 thì có nghĩa là hệ thống có vấn đề. Phải nói rằng đất nước của chúng ta không có nhiều 80.000 tỷ mà chỉ có độ vài ba chục lần 80.000 tỷ thôi, do đó hệ thống an ninh kinh tế - tài chính phải phát hiện được, phải báo động ngay (an ninh ở đây không phải là công an, mà là trật tự kiểm soát xã hội nói chung về chuyện này).

Chúng ta không có trong hệ thống nhà nước của mình một cơ chế báo động đủ nhạy cảm để có thể ngăn chặn tai họa ở một giai đoạn đầu tiên. Cho nên, dứt khoát phải khẳng định rằng không có lỗi cá nhân tuyệt đối trong sai lầm này, mà đây là một lỗi có chất lượng hệ thống, và lỗi hệ thống ấy chính là thiếu hệ thống báo động về các tai họa tài chính. Hiện tượng Vinashin bộc lộ cho Đảng, Chính phủ, Quốc hội của chúng ta hiểu rằng, nếu có những tên kẻ trộm thông minh hơn thì nó có thể khoắng hết tài sản quốc gia, bởi vì chúng ta không có hệ thống báo động như vậy.

- Nhưng những vấn đề, nguy cơ của Vinashin đã được nhìn ra từ cách đây 2 năm và cũng có rất nhiều tiếng nói cảnh báo từ thời điểm ấy rồi cơ mà?

Đó là bệnh thành tích. Chúng ta tưởng rằng nếu tăng trưởng kinh tế đến 7-8% thì vinh hạnh của nhà nước là lớn. Chúng ta buộc phải cấu tạo ra một số thành tích, mà thành tích sẽ không được cấu tạo nếu không có cơ cấu để tạo ra nó. Các tập đoàn là một trong những cơ cấu để cấu tạo ra thành tích. Cho nên tôi mới nói phải khắc phục căn bệnh thành tích là vì như thế.

Bệnh sốt ruột tạo ra những cơ cấu không có nội dung


- Vậy câu chuyện Vinashin để lại cho chúng ta những bài học gì?

Bài học là chúng ta không thể duy ý chí được. Việc hình thành tập đoàn Vinashin hay nhiều tập đoàn khác đều có chung một vấn đề, đó là chúng ta cưỡng bức quy mô phát triển của các tập đoàn.

Chúng ta sốt ruột, chúng ta muốn ngay một đêm trở thành những con khủng long, những con hổ, trở thành một nền kinh tế có kích thước. Bệnh sốt ruột như vậy tạo ra một hiện tượng hình thành những cơ cấu không có nội dung.

Phải nói rằng những tập đoàn kinh tế với những cơ cấu không có nội dung kinh tế chính là tai họa cơ bản. Tai họa này không chỉ diễn ra với Vinashin đâu, nếu không khắc phục và không ngăn chặn ngay từ bây giờ thì nó sẽ diễn ra với tất cả các tập đoàn kinh tế còn lại. Đấy là một lỗi có thật, một căn bệnh thực thể, nó không phải là căn bệnh tưởng tượng chính trị hoặc kinh tế đối với các loại đối tượng như thế này.

- Ý ông muốn nói bài học rất lớn từ câu chuyện Vinashin là bệnh duy ý chí trong tư duy, và sự nóng vội muốn kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, muốn đất nước ta có những tập đoàn kinh tế lớn để làm đầu tàu?

Không, ở chỗ này chúng ta phải nói cho công bằng. Không phải tất cả các nhà lãnh đạo của chúng ta đều muốn kinh tế nhà nước là chủ đạo. Có những động cơ hơi khác nhau trong câu chuyện này. Có những người muốn khẳng định kinh tế nhà nước là chủ đạo, nhưng cũng có những người muốn nền kinh tế của chúng ta trở nên chóng có kích thước, cũng có những người muốn chúng ta phải có những đại diện kinh tế để đối thoại. Bởi vì nói cho cùng một ông Thủ tướng hay một ông Chủ tịch nước không thể đối thoại về những vấn đề kinh tế cụ thể được, mà phải có các đại diện của nền kinh tế. Các tập đoàn được xem như là người đại diện của một nền kinh tế.

Sự sốt ruột ấy thể hiện những mục tiêu rất khác nhau, những khía cạnh khác nhau và những động cơ khác nhau. Ở đây tôi không nói đến động cơ tiêu cực, tôi giả định rằng tất cả mọi động cơ cá nhân hoặc tiêu cực không có trong câu chuyện này, để chúng ta nói rõ xem sự phá sản của khái niệm này có là tất yếu không. Bỏ chuyện tham nhũng đi, giả định rằng mọi chuyện đều trong sáng thì nó vẫn đổ vỡ như thế.

- Tức là sai lầm căn bản nhất là nó bắt nguồn từ việc nóng vội và duy ý chí?

Đó là căn bệnh di truyền của tất cả các nền kinh tế chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung và bao cấp. Tất cả các nước có nền kinh tế chuyển đổi đều như thế cả. Nước Nga là một bằng chứng khổng lồ về chuyện ấy, để đến mức cuối cùng tổng thống Putin buộc phải làm một việc rất cực đoan là quốc hữu hóa. Tức là chuyển đổi một cách cưỡng bức các chủ sở hữu để tái cấu trúc lại các mặt thái quá của nền kinh tế Nga.

Còn nền kinh tế Trung Quốc thì khác hơn so với nền kinh tế của chúng ta cũng như của các nước chuyển đổi khác. Nền kinh tế Trung Quốc được dựa trên lớp dự trữ rất dày dặn của 1,3 tỷ con người. Nền kinh tế Trung Quốc về mặt định tính cũng có những chất lượng cực đoan như thế, nhưng quy mô của sự cực đoan kinh tế Trung Quốc không vượt quá sức chịu đựng của xã hội Trung Quốc. Nếu ý chí của người Trung Quốc mà ứng dụng trên quy mô của xã hội Việt Nam thì chúng ta "chết" ngay, và "chết" ở đây biểu hiện là chúng ta học tập cách của một người khổng lồ trên một cơ thể gầy còm, mảnh mai như Việt Nam.

Cả hệ thống chính trị phải thức tỉnh và thống nhất về ý chí

- Như ông nói thì sai lầm của ta là đã nóng vội, duy ý chí khi cố tạo ra những tập đoàn kinh tế với quy mô lớn, khi chúng ta chưa đủ thực lực. Vậy theo ông, ta có thể chữa được sai lầm ấy không khi mà các tập đoàn đã vận hành theo một quỹ đạo, một quán tính nhất định?

Tôi không nghĩ thế. Cái khó nhất là sự thức tỉnh nên sẽ làm được nếu có ý chí thống nhất của Bộ Chính trị trong việc sửa chữa các khuyết tật của giai đoạn vừa rồi của nền kinh tế Việt Nam. Nếu tất cả các thành viên Bộ Chính trị thống nhất được ý chí và hành động và nhận ra một cách cụ thể căn bệnh này thì việc chữa là không khó.

Phải thấy rằng sự hình thành các tập đoàn là do hệ thống chính trị tạo ra, còn sự phát triển méo mó của nó thời gian qua là do sơ suất của hệ thống chính trị. Cho nên bây giờ để khắc phục hiện tượng này chúng ta phải làm cho hệ thống chính trị không sơ xuất nữa và thức tỉnh về những nguy cơ nghiêm trọng sắp tới.

Tôi sợ rằng cuộc đấu tranh để sửa những khuyết tật của các tập đoàn kinh tế này sẽ còn gay gắt bởi vì bây giờ chúng ta sẽ phải cưỡng bức để tái cấu trúc lại một trong những lực lượng hùng mạnh nhất của đất nước chúng ta là các tập đoàn kinh tế. Bởi vì lực lượng mà chúng ta thấy ghê gớm ấy hình thành bằng ý chí chính trị và bây giờ phải cấu trúc lại nó cũng bằng một ý chí chính trị tương tự như thế. Nếu ý chí chính trị không tương tự như ý chí chính trị đã tạo ra nó thì chúng ta rất khó thắng trong cuộc chiến này.

Dẹp bỏ không thương tiếc bệnh thành tích

- Khi đã có sự thống nhất chính trị, theo ông để chữa những sai lầm mà ông đã "định danh", thì sắp tới phải điều chỉnh theo hướng nào?

Cần phải dẹp bỏ ngay lập tức không thương tiếc, không do dự bệnh thành tích trong đời sống phát triển kinh tế nói riêng và trong đời sống xã hội nói chung.

Bởi vì khi xã hội không còn mù quáng chạy theo chủ nghĩa thành tích thì xã hội mới đủ tỉnh táo để hoan nghênh, để vỗ tay cho những khuynh hướng đúng, hoặc để bài xích tất cả những khuynh hướng sai. Bệnh thành tích là do ai tôi không biết, nhưng dù truyền từ đâu thì xã hội cũng đã nhiễm cái bệnh ấy. Xã hội luôn có thói quen đánh giá tất cả các cơ cấu của nhà nước hoặc của xã hội theo tinh thần của thành tích.

Bệnh thành tích, không khí thành tích là một môi trường tuyệt vời cho những ảo tưởng. Xã hội ảo tưởng sẽ tạo ra môi trường khổng lồ để hình thành các bệnh tật kinh tế khổng lồ. Cho nên, nếu không làm quang đãng lại môi trường tinh thần của xã hội thì dù Đảng tích cực hay không tích cực đều không được đánh giá một cách chính xác.

Và trong không khí nửa thức nửa ngủ như vậy, con người buộc phải mù quáng, bởi vì nếu không mù quáng thì sẽ chết bằng sự tỉnh táo. Làm thế nào để con người sống bằng sự tỉnh táo chứ không chết bằng sự tỉnh táo, đấy chính là chìa khóa nằm trong việc dẹp bỏ bệnh thành tích.

Bệnh thành tích có mặt ở mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội và có tội ác với tất cả các lĩnh vực hoạt động của xã hội. Xã hội chúng ta cần phải tỉnh táo trở lại. Tất cả những chuyện mà các bạn đặt ra với tôi là cơ hội để nhìn nhận nó, để khám nó và hội chẩn nó, để dẫn tới một sự thống nhất chính trị trong việc giải thích các mặt ấy thì mới có đủ năng lực để khắc phục được.

Cần phải thấy trước rằng nếu tiếp tục như thế này thì sự đổ vỡ của các tập đoàn là tất yếu. Nhìn như thế thì Vinashin là một mất mát tích cực để cảnh báo tai họa lớn hơn nhiều.

- Nhưng để dẹp bỏ chủ nghĩa thành tích thì theo ông nên bắt đầu từ đâu?

Bắt đầu từ việc đừng nói đến nó nữa, bắt đầu từ nhiều việc, nhiều cách lắm. Bệnh thành tích của chúng ta thể hiện ở nhiều khía cạnh lắm. Ví dụ, cái tượng to nhất, ngôi chùa to nhất, hay cả chuyện mấy cái cổng chào v.v. Tức là muốn dẹp bỏ chủ nghĩa thành tích thì trước hết phải nhận thức rất rõ về lợi ích. Tất cả những người lơ mơ về lợi ích mới thích thành tích, còn những người nhận ra lợi ích một cách cụ thể thì không cần thành tích.

- Bệnh thành tích không phải thời nay mới có mà nó là một sản phẩm của lịch sử. Vấn đề là liệu người ta có sẵn sàng từ bỏ nó hay không?

Với mỗi thời đại chúng ta có một kiểu chủ nghĩa thành tích, và tính chừng mực của bệnh thành tích được thể hiện bằng việc nhận thức rằng trí tuệ xã hội đã đi đến đâu. Bệnh thành tích là một công cụ để kéo dài sự nhập nhằng, nhưng nó chỉ dùng được với những người không biết, chứ với người biết rồi mà vẫn sử dụng thì đấy là dốt nát.

Cho nên, hãy nhận thức về sự tinh khôn mà xã hội đã có đối với các trò chính trị, để những người tham gia đời sống chính trị hiểu rằng phải dừng bệnh thành tích của mình tại điểm nào là hợp lý. Xã hội muốn tạo ra được áp lực thì xã hội phải có áp lực và phải có hàn thử biểu để chỉ áp lực. Công cụ để thể hiện áp lực chính là báo chí.

Báo chí hãy tập trung chế giễu mọi căn bệnh mà không chế giễu ai cụ thể cả. Đối với xã hội thì cái ác, cái xấu phải được chỉ trích một cách công khai, đấy chính là đất tồn tại của báo chí.

2. Tái cấu trúc tập đoàn: Hãy trả về trạng thái tự nhiên
(Tuần Việt Nam)

Toàn bộ dòng tài chính của chúng ta được hướng dẫn chảy về một số giếng có sẵn và làm sa mạc hóa tất cả các tiểu vùng kinh tế còn lại. Tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển đồng nghĩa với việc hãy để dành cho các doanh nghiệp ấy một lượng nước đủ.

- Ông có nói rằng sự hình thành các tập đoàn kinh tế dựa trên ý chí chính trị, nên muốn sửa nó cũng phải bằng ý chí chính trị tương đương mới làm được. Nhưng lịch sử đã chứng minh cái gì không hình thành và hoạt động dựa trên quy luật tự nhiên thì sẽ thất bại. Nếu sửa cũng bằng ý chí chính trị thì liệu có phải là ta mắc tiếp một sai lầm khác không?

Không. Dựa trên một ý chí chính trị để đưa nó về trạng thái xuất phát, trạng thái tự nhiên của nó, chứ không phải dẫn nó đi bằng ý chí chính trị.

Phải đưa nó về trạng thái tự nhiên chứ không phải là qui luật tự nhiên, vì đã là qui luật tức là nó là kết quả của nhận thức, không tự nhiên nữa.

Trước khi nó trở thành tập đoàn thế nào thì hãy trả nó về trạng thái ấy. Bây giờ mà ta còn mải cố chứng minh rằng chủ trương đúng nhưng thực hiện sai thì chỉ mất thời giờ thôi.



Vì lợi ích của chính ta, ta phải thức tỉnh cho đúng giờ. Quả mìn nổ vào 9 giờ sáng mà 9 giờ kém 5 phút anh mới ngáp dài, ngáp ngắn thì chỉ thiệt thân mà thôi. Anh biết 9 giờ nó sẽ nổ thì anh phải dậy từ 7 giờ, anh phải tính đủ thời lượng để chạy trước khi nó nổ.

- Theo ông, thức tỉnh sau những vấn đề như vừa qua là thức tỉnh lúc mấy giờ?

Tôi nghĩ nếu 9 giờ mìn nổ thì thức tỉnh bây giờ là vào khoảng 7 giờ rưỡi. Chúng ta không có nhiều quĩ thời gian.

Bầu sữa nhỏ lại thì những đứa con buộc phải tự lớn

- Nếu đưa về trạng thái ban đầu nghĩa là bây giờ xé nhỏ nó ra?

Thực ra sự phân chia quyền lực cũng như tiền vốn đã tồn tại trong cái gọi là tập đoàn rồi. Bây giờ chỉ việc giải tán nó đi hoặc có thể tôn trọng nó bằng cách là có một công ty mẹ, nhưng với những quyền lực cực kỳ hạn chế. Tức là toàn bộ cái know-how để giải quyết vấn đề này là quyền lực thật của công ty mẹ, công ty TNHH một thành viên.

Khi mà bầu sữa nhỏ thì những đứa con buộc phải tự lớn.

Tóm lại là phải dập tắt bằng mọi giá sự ngóng chờ việc rót vốn của nhà nước. Phải lựa chọn những yếu tố cần thiết để đầu tư tiếp tục.

- Một trong những lý lẽ để người ta bảo vệ mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước trong thời gian qua là bởi vì các doanh nghiệp khác không thể thực hiện mục tiêu chính trị mà nhà nước muốn làm. Ngược lại, mục tiêu chính trị lại cũng là cái cớ để các tập đoàn bấu víu để đòi hỏi ưu đãi này nọ từ Nhà nước. Vì vậy, nếu tái cấu trúc lại tập đoàn thì liệu có nên tách rời mục tiêu chính trị ra khỏi nó hay không?

Vấn đề không phải là tách nó ra khỏi chính trị mà phải sửa mục tiêu chính trị ấy. Làm sao tách rời chính trị ra khỏi đời sống được.

Đã là mục tiêu thì chủ quan, vậy thì bây giờ chúng ta thay đổi chất lượng của mục tiêu ấy thì tự nhiên vấn đề sẽ được giải quyết.

Mục tiêu chính trị và chính trị khác nhau. Ví dụ nếu cố chứng minh doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo thì chúng ta tự làm khó mình, bởi vì nó chủ đạo hay không là do nó. Chúng ta muốn tập đoàn ấy trở thành tổ chức kinh doanh giỏi, chúng ta cử một người mà chúng ta nghĩ rằng sẽ kinh doanh giỏi thì khó mà thành công. Bắt một người không có kinh nghiệm kinh doanh phải kinh doanh thật giỏi dựa trên một thực thể không do anh ta cấu tạo ra, thì không có cách gì để thoát khỏi tai họa cả. Bệnh duy ý chí nó cụ thể như thế đấy.

Nếu muốn có một tập đoàn thì chúng ta phải thuê những người giỏi thật và những người đó phải có những quyền lợi tương xứng với nhiệm vụ điều hành tập đoàn như vậy.

Cho nên việc ghép nó vào dưới sự điều chỉnh của luật doanh nghiệp là một bước tới sự tiến bộ. Nhưng chặng đường từ giờ cho đến khi có được một tập đoàn kinh tế lành mạnh vẫn còn xa.


- Có nhiều người cho rằng đã đến lúc phải tư duy lại vai trò của kinh tế nhà nước. Theo ông điều đó có đúng không?

Tôi không cho rằng vào thời điểm này chúng ta nên nói đến việc xem xét lại vai trò của kinh tế nhà nước một cách công khai vì nó sẽ gây chia rẽ trong bộ máy lãnh đạo mà lúc này chia rẽ là không có lợi.

Thay vì bàn về vai trò của kinh tế nhà nước thì bộ máy nên chọn những tập đoàn kinh tế bất kể thành phần nào có những dấu hiệu đủ lành mạnh ở một mức nào đó, để xây dựng một cộng đồng các tập đoàn hay các tổ chức kinh tế làm đầu tàu. Tức là thay thế khái niệm kinh tế nhà nước là đầu tàu bằng những tập đoàn kinh tế tiên tiến đóng vai trò đầu tàu.

Sự ưu tiên của việc khẳng định vai trò kinh tế nhà nước nên thay đổi từ chỗ tuyệt đối là nhà nước đến chỗ nó giữ một tỷ lệ ưu thế trong tập hợp các tập đoàn kinh tế tiên tiến.

- Thế bằng sự quan sát của ông thì ông thấy các tập đoàn tư nhân của chúng ta đã phát triển một cách lành mạnh chưa?

Không thể nói rằng nó lành mạnh được, bởi vì nền kinh tế của chúng ta chưa lành mạnh.

Khi nghiên cứu sự lành mạnh của các tập đoàn kinh tế thì phải nghiên cứu sự lành mạnh của nguồn vốn. Ở chỗ nào mà nguồn tín dụng hoặc nguồn vốn ban đầu được cấp bởi sự ưu tiên của nhà nước thì ở đấy có thể khẳng định tập đoàn ấy không lành mạnh. Tranh thủ nhiều đất đai bằng sự ưu tiên nào đó thì không lành mạnh, và thân phận của nó không khác gì các tập đoàn kinh tế nhà nước.

Tôi không đi sâu vào phân tích chuyện này được, vì tôi không nghiên cứu cụ thể DN nào cả, nhưng tôi nghĩ rằng có một dấu hiệu rất quan trọng là hãy cắt tất cả các nguồn vốn để xem ai sống, ai chết. Tập đoàn nào sống được thì tập đoàn ấy lành mạnh. Con khủng long đã chết hàng triệu năm rồi, nhưng con thạch sùng thì vẫn còn sống, vậy trong điều kiện này thì con thạch sùng lành mạnh hơn con khủng long. Kẻ sống sót trong mọi điều kiện khắc nghiệt của cuộc sống là kẻ lành mạnh.

Tập đoàn: công cụ phát triển ra quốc tế

-Sức mạnh của nền kinh tế Việt Nam có nhất thiết phải có những doanh nghiệp lớn hay không? Bởi vì rõ ràng chúng ta thấy ở nhiều nước khác thì chính những doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ tạo nên sự năng động và động lực?

Đây là câu hỏi mà tôi trăn trở 20 năm nay và tôi đã đến rất nhiều quốc gia quan sát để tìm câu trả lời. Ví dụ, nước Ý chẳng hạn. Doanh số của nền kinh tế Ý có lẽ là gấp hàng chục lần doanh số của Việt Nam, nhưng nó chỉ có các hiệp hội chứ còn tập đoàn có rất ít.

Đương nhiên, một quốc gia không có tập đoàn cũng có các vấn đề của nó chứ không phải tích cực hoàn toàn, vì khi đối thoại giữa các quốc gia, các cộng đồng kinh tế thì rất khó để tìm đại diện.

Khi đến Bắc Âu tôi cũng không thấy có bao nhiêu tập đoàn, mà nếu có tập đoàn thì nó cũng là tập đoàn quốc doanh. Ví dụ như Tập đoàn SAS của Thụy Điển hoặc Nokia của Phần Lan chẳng hạn cũng là nửa quốc doanh. Điều mà tôi khẳng định được là toàn bộ sức sống, sức mua của thị trường của nhiều quốc gia phát triển được cấu thành bởi thành tích của các công ty vừa và nhỏ. Các tập đoàn kinh tế nếu có là để phát triển thị trường ra bên ngoài. Đấy là công cụ phát triển ra quốc tế của nền kinh tế, chứ không phải là công cụ phát triển nền kinh tế nội địa.

Hãy dành một lượng vốn nhất định cho kinh tế tư nhân

- Bài phát biểu gần đây của Thủ tướng cũng nói rằng phải tạo mọi điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển. Làm sao để phát ngôn ấy vào với hiện thực cuộc sống?

Tôi đã có một bài viết nói về hiện tương xung huyết cục bộ trong nền kinh tế của chúng ta hiện nay bằng sự mô tả là toàn bộ dòng tài chính của chúng ta được hướng dẫn chảy về một số giếng có sẵn và làm sa mạc hóa tất cả các tiểu vùng kinh tế còn lại.

Tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển đồng nghĩa với việc hãy để dành cho các doanh nghiệp ấy một lượng nước đủ để nó đến đấy múc một ít.

Hiện nay, trong khu vực tư nhân, biết bao nhiêu tổ chức kinh tế trá hình và có những quyền ưu tiên không chính danh để hút nốt phần nước còn lại dành cho khu vực mà Nhà nước muốn phát triển là tư nhân. Cuối cùng tất cả lượng nước được chảy về một số giếng được xác định từ trước, và hiện tượng sa mạc hóa tất cả các tiểu vùng kinh tế là một hiện tượng có thật.

Cho dù ý chí của chính phủ không muốn như thế thì nó sẽ vẫn như thế, nếu thể chế không được xây dựng một cách minh bạch.

Hãy chia lượng tín dụng của xã hội cho những khu vực khác nhau một cách thật rành mạch và phân tích trên cơ sở khoa học.

Nhà nước muốn dành cho khu vực tư nhân một lượng cỏ nào đó thì phải điều khiển được đàn khủng long tập đoàn nhà nước không ăn tranh chỗ cỏ ấy. Bởi vì những công cụ tư nhân mà nó dựng ra có thể hút một cách lén lút nền tài chính mà Nhà nước dành cho khu vực tư nhân thật.

- Cảm ơn ông!
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nhà nước và thông điệp Vedan

    05/05/2016Tư Giang thực hiệnChủ tịch Invest Consult Group Nguyễn Trần Bạt trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị góc nhìn của ông về vụ Vedan trong bối cảnh đơn kiện công ty này đang chuẩn bị được nông dân nộp lên toà án.
  • Luật Doanh nghiệp - "con dao sắc ngọt" giải phẫu các tập đoàn kinh tế

    17/09/2014Luật sư Nguyễn Trần BạtTừ thời điểm 1/7/2010, các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước được chuyển đổi thành các công ty TNHH một thành viên, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Đây là một sự kiện pháp lý quan trọng, theo cam kết khi gia nhập WTO, đánh dấu một bước tiến mới trên lộ trình hội nhập của Việt Nam. Tuy nhiên, trước và sau sự kiện quan trọng này có nhiều việc cần bàn...
  • Nói gì về Vinashin lúc này?

    24/07/2010Đỗ Thái BìnhTrước tình hình Vinashin hiện nay, các nhà quản lý đất nước cần có những quyết định dứt khoát: đóng cửa các cơ sở, dự án chỉ cốt chơi trội; tập trung mọi nguồn lực cho các cơ sở, dự án gắn liền với yêu cầu vận tải, đánh bắt, bảo vệ chủ quyền trên biển; cố cứu giữ các thành quả công nghệ vừa thu lượm được dù với giá rất đắt do đầu tư dàn trải, thiếu bài bản, đặc biệt là các lớp kỹ sư và công nhân vừa được chạm tay tới nhiều công nghệ mới; duy trì và phát huy các thiết bị công nghệ mới rất đắt tiền, kể cả cần bố trí, phân phối lại, bổ sung cho phù hợp.
  • Tái cơ cấu... tư duy

    11/07/2010Lâm Chí Công“Nợ nần của Vinashin” - gõ cụm từ này vào công cụ tìm kiếm Google lúc 10 giờ ngày 6.7, chỉ trong 0,19 giây đã cho 47.000 kết quả, trong đó liền sau danh xưng lừng lẫy, hoành tráng Vinashin là “nợ nần chồng chất”, “thua lỗ nặng”, “tái cơ cấu và những ẩn số”...
  • Vinashin, kết quả thí điểm

    06/07/2010Sáu NghệDư luận đang đặc biệt quan tâm đến Tập đoàn Vinashin không chỉ vì kết quả kinh doanh. Nhớ lại, ngày 15-5-2006, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 103/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thí điểm hình thành Tập đoàn Kinh tế Vinashin, trên cơ sở tổ chức lại Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam. Trong năm 2006 còn ra đời nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước khác...
  • Vấn đề Vinashin – nhìn từ nhiều phía

    06/07/2010PGS TS Vũ Trọng KhảiCác tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam, theo quy định của Chính phủ, đột nhiên phải thu gom hàng chục, thậm chí hàng trăm doanh nghiệp con. Các doanh nghiệp này từ trước đến giờ “không quen biết” gì nhau, nằm ở rải rác khắp nơi, nay cùng “chui” vào một “rọ quản lý” của tập đoàn...
  • Tập đoàn nhà nước và cỗ xe kinh tế Việt Nam

    30/06/2010Nguyễn Trần BạtNền kinh tế VN hiện nay được vận hành như một cỗ xe ngựa. Cỗ xe ấy phải loại bỏ những yếu tố đã quá lạc hậu để tạo điều kiện cho con ngựa chạy với tốc độ phát triển mà đời sống đòi hỏi. Ngược lại, con ngựa cũng phải lường hết được những "ổ gà" trên đường...
  • Bàn thêm về khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam

    24/05/2010GS. TSKH Nguyễn Ngọc TrânKhoảng cách giàu - nghèo không phải chỉ là một chỉ tiêu kinh tế. Nó còn phản ánh sự gắn kết xã hội và là một thể hiện của sự bình đẳng trong xã hội. Khoảng cách giàu - nghèo ắt sẽ nảy sinh. Nhưng sự bền vững của phát triển ở tất cả các nước, và hơn thế nữa định hướng xã hội chủ nghĩa, không chấp nhận khoảng cách giàu - nghèo đi vào phân cực quá một ngưỡng cho phép.
  • xem toàn bộ