Nhà giáo Phạm Toàn - nhà văn Châu Diên đã giong cánh buồm đi xa

09:46 CH @ Thứ Tư - 26 Tháng Sáu, 2019

Đôi lời về sự nghiệp nhà văn, nhà giáo PHẠM TOÀN - MỘT NHÀ TRÍ THỨC LỚN VỪA RA ĐI HỒI 6H 40 SÁNG NAY 26/6/2019 (thọ 88 tuổi):

Ông sinh ngày 1/7/1932, quê quán Đông Anh, Hà Nội, là một nhà giáo, nhà văn (bút danh Châu Diên), dịch giả, hướng đạo sinh thế hệ đầu tiên, nhà hoạt động xã hội năng động, trí tuệ được rất nhiều người kính trọng.

Ông là đồng sáng lập của blog Boxitvietnam, là vị thuyền trưởng của nhóm biên soạn sách giáo khoa và cải cách giáo dục Cánh Buồm, dịch giả tác phẩm "Nền dân trị Mĩ" cùng nhiều tác phẩm văn học khác... Ông tham gia nhiều các hoạt động xã hội và đổi mới văn hóa giáo dục.

Nhà báo Trang Doan Pham gọi ông là "Con sư tử của thế hệ trí thức tinh hoa cuối cùng".

Xin chia buồn cùng gia đĩnh bạn bè thương yêu kính trọng nhà trí thức lớn Phạm Toàn! Vĩnh biệt. ông "Phạm Toàn vĩ đại" (photovidai@...) nhưng khiêm tốn!(photokhiemton@...)!

Vĩnh biệt vị thuyền trưởng lớn của công cuộc Khai minh và nhóm "Cánh Buồm" nay đã về chốn bình yên :
"Lấp lóa buồm căng lướt
Ánh vàng mặt trời lên
Cánh buồm trong bão tố
Sóng gió chốn bình yên..."

(Trích từ bài “Cánh Buồm” – thơ Lermantov, Châu Diên dịch)


TTO - Nhà văn, nhà giáo Phạm Toàn (bút danh Châu Diên) vừa qua đời lúc 6h42 ngày 26-6, hưởng thọ 88 tuổi. Tưởng nhớ ông, nhà văn trẻ Huỳnh Trọng Khang - lớp 'hậu bối' 9X - vừa gửi đến Tuổi Trẻ Online một bài viết...


Nhà văn, nhà giáo Phạm Toàn - Ảnh: NGUYỄN THÀNH KIÊN

Thầy Phạm Toàn cách tôi hơn nửa thế kỷ, nhưng thầy vẫn gần với thế hệ chúng tôi lắm. Khi tôi gặp thầy lần đầu, thầy đã ngoài 80, vẫn sử dụng thành thạo máy tính, mạng xã hội, vẫn biết tình hình trong nước và thế giới và rất hay trêu cái sự không chịu "cập nhật" của chúng tôi.

Chàng Sinbad trong những cuộc phiêu lưu tìm tòi cải cách giáo dục

Gọi thầy là gọi theo anh em bè bạn chứ thầy chưa dạy tôi buổi nào. Thầy Phạm Toàn đã sống trọn vẹn với nghĩa của từ "thầy", không chỉ là người truyền tải kiến thức mà còn là người thầy tinh thần cho bao thế hệ học trò.

Có lẽ bởi lối nói chuyện rất hóm, lúc nào cũng thích ghẹo bọn trẻ, chọc vui đấy mà cũng vừa dạy dỗ đấy. Đó cũng là phương pháp dạy học của thầy, không bao giờ gò bó, gượng ép hay nhồi nhét những bài học kiến thức, mà phải làm cho học sinh tiếp nhận tri thức một cách tự nhiên thoải mái nhất.

Đó cũng là tâm niệm khi thầy lập ra nhóm làm sách Cánh Buồm, muốn thực hiện một bộ sách giáo khoa thật hấp dẫn, vừa trang bị đầy đủ kiến thức, đồng thời trang bị kỹ năng để các em nhỏ bước vào đời.

Ngay từ tên Cánh Buồm đã nói lên nhiều điều, rằng môi trường học tập không chỉ bó hẹp trong phòng óc hay góc sân trường, nó phải vươn ra xa, tìm kiếm, khám phá những bến bờ mới, những chân trời mới.

Mong ước soạn một bộ sách giáo khoa tiên tiến, với vai trò "thuyền trưởng", thầy Phạm Toàn dù đã ngoài 80 vẫn háo hức như chàng Sinbad trong những cuộc phiêu lưu tìm tòi cải cách giáo dục.

Giáo dục là cả cuộc đời thầy Phạm Toàn. Trong các câu chuyện phiếm nói với nhau, lòng vòng một hồi cũng về giáo dục, nhất là giáo dục tiểu học.

Bắt đầu nghiên cứu giáo dục tiểu học từ những năm 60, hơn nửa thế kỷ miệt mài cải tiến giáo dục, không phải cải cách nào của thầy cũng nhận được sự đồng tình nhưng ông giáo Phạm Toàn đều vui vẻ lắng nghe.

Bởi ông biết đó là một công việc lớn, không thể làm được một mình. Càng có tuổi thầy càng nhấn mạnh đến việc đào tạo thế hệ kế cận, để lỡ mai này "thuyền trưởng" Phạm Toàn có mất đi thì Cánh Buồm vẫn căng gió.

Thầy giáo Phạm Toàn nắm tay nhà văn Châu Diên...

Ít ai biết thầy còn là nhà báo, nhà văn, dịch giả với bút hiệu Châu Diên. Nhưng ông thầy Phạm Toàn đã vỗ về ông nhà văn Châu Diên ngủ say để mình yên tâm làm giáo dục.

Thi thoảng ông cũng lay cho dịch giả Châu Diên thức giấc để chuyển ngữ các danh tác trên thế giới - như Bay đêm, Vào một đêm không trăng, Mặc cảm của D, Hoàng tử bé, Chín mươi ba, Ruồi, Nhà tiên tri...., đặc biệt là các truyện thiếu nhi. Nếu không có tình yêu dành cho trẻ con, khó có thể buộc một người lớn kiên nhẫn dành trọn một đời đẹp nhất cho sự nghiệp giáo dục các bạn nhỏ.

Trong căn hộ của thầy có treo bức tranh do các em học sinh vẽ thầy Phạm Toàn, lơ phơ vài sợi tóc. Cái hình ảnh thầy giáo già buổi xế chiều, vẫn cặm cụi làm việc vì không muốn mình để lại cho thế hệ sau một dang dở. "Năm nay soạn xong bộ sách rồi tao chết", "Năm nay soạn xong bộ sách rồi tao hẳn viết hồi ký"…; thầy cứ thế, làm việc, làm việc để níu giữ chút thời gian hữu hạn của đời.

Mấy tháng trước khi thầy mất, thầy còn triển khai một dự án giới thiệu các kiệt tác văn chương cho các em học sinh, tôi được phân công viết vài bài. Nghe tưởng dễ nhưng nhiệm vụ thầy Phạm Toàn đưa ra khó vô cùng. Viết làm sao vừa ngắn gọn, súc tích mà phải hấp dẫn, khơi dậy được lòng tò mò muốn đọc ở các em và nhất là ngôn ngữ phải đơn giản, dễ hiểu.

Hôm nay thầy mất rồi mà tôi vẫn nợ thầy những bài viết ấy. Những ngày cuối đời, bao nhiêu bạn bè học trò ghé thăm, những vòng tay ôm, những lời hẹn lần sau, lần sau… dù biết không bao giờ còn lần sau nữa.

"Bạn bè" của thầy đủ mọi lứa tuổi - từ ông cụ trên 80 cho đến thanh niên 20 và trong lúc thầy dạy các em tiểu học, tôi tin thầy cũng coi các em là bạn. Mỗi người mang theo mình một mảnh "Phạm Toàn" và có cách nhớ về thầy rất riêng của mình.

Với tôi, có lẽ sẽ tìm lại những tác phẩm của thầy để đọc, là tiểu thuyết Người sông Mê chăng? Phải rồi, xem chừng trong sách, thầy giáo Phạm Toàn nắm tay nhà văn Châu Diên, đứng ở bờ bên kia của dòng sông Mê, nở nụ cười hóm hỉnh vẫy tay chào chúng tôi.

Có lần thầy khoe và tặng cuốn sách Em học em nghĩ em làm - một sản phẩm của các em học sinh trong độ tuổi tiểu học của trường Gateway. Tuyển tập là những bài thơ bài vè hay đoản văn do chính các em học sinh sáng tác, chẳng hạn một em học sinh lớp 2 đã viết lại đoạn kết truyện Tấm Cám:

"Sau khi thấy Tấm sống lại, mẹ con Cám đã thay đổi tính cách, hiền hậu hơn xưa. Tấm trở về nhà, mẹ con Cám đã nói lời xin lỗi và Tấm đồng ý. Họ đã cùng nhau ăn một bữa cơm quây quần. Từ đó ba mẹ con sống yêu thương, đùm bọc và hạnh phúc".

Tuyển tập cũng có những bài thơ haiku của các em lớp 3 như: Một người mất/ linh hồn ở đâu/ trong tim em; Mùa xuân đi thật nhanh/ nhưng vẫn còn/ trong năm sau; Ngày tháng cứ đến rồi đi/ hiện tại cũng thành kí ức/ nhưng đó vẫn là thời gian…

Cứ thế thầy say sưa nói, như bác nông dân tự hào khoe vườn cây trái do mình khổ công gieo hạt, chăm bón, giờ đã ra quả ngọt.

Hai người bạn cùng tuổi Thân (sinh năm 1932) nhà văn Nguyên Ngọc và nhà giáo Châu Diên


NHỮNG ĐẦU SÁCH VĂN HỌC CỦA NHÀ VĂN, DỊCH GIẢ CHÂU DIÊN (tức NHÀ GIÁO PHẠM TOÀN):
- Tập truyện "Mái nhà ấm" (1959)
- Tập truyện "Con nhện vàng" (1962)
- Tiểu thuyết "Chín mươi ba" (Victor Hugo)
- Truyện ngắn "Hamlet thiu thiu ngủ",
- "Hoàng tử bé" (Antoine De Saint Exupery), 1986
- "Bay đêm" (Antoine De Saint Exupery), 1986
- "Nhà tiên tri" (Kahlil Gibran), 1992
- Truyện ngắn "Hội ngộ ở phố Hờ Bờ", 2006
- Truyện ngắn "Gia đình cãi cọ", 2006
- "Con trai của người" (Khahlil Gibran)
- "Vẻ đẹp đời" (Khahlil Gibran),
- Truyện ngắn "Miên mợ và U và...", 2010
- "Sư tử " (J. Kessel), 1987,
- "Cô chủ quán" (K. Goldoni)1983
- Kịch "Ruồi" (J. P. Sartre), 1985
- Tiểu thuyết "Người Sông Mê", 2003
- Tiểu thuyết "Vào một đêm không trăng", Đới Tư Kiệt, 2008
- Tiểu thuyết "Mặc cảm của Đ.", Đới Tư Kiệt, 2003
- Tập truyện ngắn "Bảy mươi ba chiếc cối đá", 2006
- Tập truyện ngắn "Sấm trên núi", 2010
- Truyện ngắn - Kịch "Ngọn đèn xanh", 2013

NHỮNG ĐẦU SÁCH GIÁO DỤC - KHAI SÁNG CỦA NHÀ GIÁO, DỊCH GIẢ PHẠM TOÀN:

- Công nghệ dạy văn (NXB Đại học Quốc gia, 2000, NXB Lao động, 2006, NXB Tri thức, 2007)
- Hợp lưu các dòng tâm lý giáo dục (NXB Tri thức, 2008)
- Nền dân trị Mỹ, Alexis De Tocqueville, (NXB Tri thức, 2007, 2008, 2011)

Tủ sách Sư phạm và Tâm lý học Cánh Buồm - nhà giáo Phạm Toàn chủ biên:
- Cơ cấu trí khôn, Howard Gardner, (NXB Giáo dục, 1997, NXB Tri Thức, 2013)
- Sự hình thành trí khôn ở trẻ em, Jean Piaget, (NXB Tri Thức, 2016)
- Sự xây dựng cái thực ở trẻ, Jean Piaget, (NXB Tri Thức, 2016)
- Sự hình thành biểu tượng ở trẻ em, Jean Piaget, (NXB Tri Thức, 2017)

- Một nền giáo dục Việt Nam hiện đại (NXB Tri Thức)
- Cẩm nang sư phạm, T1, Giáo dục Hiện đại
- Cẩm nang sư phạm, T2, Hướng dẫn sử dụng sách môn tiếng Việt
- Cẩm nang sư phạm, T3, Hướng dẫn sử dụng sách môn Văn
- Cẩm nang sư phạm, T4, Hướng dẫn sử dụng sách môn Lối sống

Sách giáo khoa của nhóm Cánh Buồm
- SGK Văn 1, Văn 2, Văn 3, Văn 4, Văn 5, Văn 6, Văn 7, Văn 8, Văn 9,
- SGK Tiếng Việt 1, Tiếng Việt 2, Tiếng Việt 3, Tiếng Việt 4, Tiếng Việt 5, Tiếng Việt 6, Tiếng Việt 7, Tiếng Việt 8, Tiếng Việt 9
- SGK Lối sống 1, Lối sống 2, Lối sống 3, Lối sống 4, Lối sống 5
- SGK Khoa học 1, Khoa học 2, Khoa học 3, Khoa học 4, Khoa học 5
- SGK Tiếng Anh 1, Tiếng Anh 2, Tiếng Anh 3

Vì những đóng góp cho cải cách giáo dục Việt Nam nhà giáo Phạm Toàn và nhóm Cánh Buồm đã vinh dự được Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh trao giải thưởng Phan Châu Trinh.

Nguồn:Tuổi Trẻ
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • "Lẽ thường" và "lẽ biến" trong đời nhà giáo

    26/06/2019Phạm ToànMột cuộc cải cách giáo dục tử tế sẽ phải giúp cho nhà giáo sống có chất lượng nhất toàn bộ những ngày lao động bình thường của đời mình...
  • Nhà giáo Phạm Toàn: Sống là tư duy độc lập

    26/06/2019Kim AnhNhà giáo Phạm Toàn không chấp nhận một lối giáo dục mà trẻ em đến trường chỉ để tiếp thu kiến thức một cách thụ động. Không tiếp thu hết ở trên lớp học chính khóa thì phải đến lớp học thêm để tiếp thu. Cách làm giáo dục như thế, ông bảo, "sẽ đào tạo ra hàng loạt công dân không có tư duy độc lập, và không có tư duy độc lập sẽ rất dễ trở thành nô lệ"...
  • Ốm, nằm nghĩ lan man

    26/06/2019Nhà văn Tạ Duy AnhTrời cho đất để trồng trọt, để sinh sôi, chứ không phải để làm vật thấm chất độc giết chết sự sống. Hãy giữ cho đất sạch và thơm, để những cây trồng trên đó không bị chết từ khi vừa cắm xuống...
  • Ông nhắng & trẻ

    26/06/2019Phạm Xuân NguyênNgười ta thường quên tuổi Phạm Toàn vì tiếng cười ông còn giòn lắm, vì dáng điệu ông vẫn “nhắng” lắm, và vì sức nghĩ, sức viết của ông còn kinh lắm.
  • Nhà giáo Phạm Toàn: Cải cách phải giản dị!

    25/05/2017Nhà giáo Phạm ToànCải cách phải giản dị, nếu đi vào được cốt lõi: nhóm Cánh Buồm chúng tôi thấy chân dung người học bậc phổ thông muôn đời muôn kiếp chỉ là "con người biết học"...
  • Phạm Toàn (1932 -2019)

    06/02/2011Nhà sư phạm, nhà văn, dịch giả
  • xem toàn bộ