Một nhà khoa học nước Pháp: Marcelin Berthelot

10:45 SA @ Thứ Ba - 09 Tháng Sáu, 2009

Khoa học ngày một tấn tới, từ một trăm năm trở lại đây đã biến cải hẳn mặt địa cầu. Ta đứng xa mà trông những cảnh tượng kỳ kỳ quái quái, hằng ngày xuất hiện ra trước mắt ta, vừa kinh hãi, vừa cảm phục, không ngờ một khối óc mềm của con người mà làm nên những sự kinh thiên động địa như thế. Tuy ngày nay không tin thần thánh như xưa, không cho các công cuộc kỳ diệu ấy là bởi tay những bậc “siêu nhân” làm ra, nhưng lại đặt ra một vị thần mới, vô hình, vô ảnh, gọi là thần Khoa Học. Nói đến “Khoa Học” không ai không kính trọng sợ hãi. Khoa Học là toàn trí toàn năng, có sức chuyển động biến hóa cả thế giới: Khoa Học là ông Trời? Nhưng không hề tự hỏi ông Trời lối mới ấy là ai, ở đâu ra mà muốn tranh đoạt với Trời già cả nơi thiên thượng lẫn chốn nhân gian? Nếu thử nghĩ thì tất biết vị thần vô ảnh vô hình, toàn năng toàn tri đó, chẳng qua là một lời ngụ ngôn, một cái danh hiệu hư không, mà gồm trong danh hiệu chung ấy đều là những người như ta, chỉ hơn ta có học rộng tài cao mà thôi.

Cho nên nói về khoa học cần phải biết chuyện những người đã nổi danh trong khoa học. Những tay học rộng tài cao đem trí não quyết đấu với sức vô tri vô giác của Tạo vật, để cầu hạnh phúc cho loài người, thì sự nghiệp thân thế người ta chính là cái gương sáng cho người đời soi chung.

Nước Pháp về cuối thế kỷ thứ 19 có hai nhà khoa học đại danh Pasteur và Berthelot, lịch sử hai ông ấy thực đủ làm khuôn vàng thước ngọc cho cả học giả trong thế giới.

Pasteur thì có lẽ khắp thiên hạ không có người nào là không biết đến tên, vì tên ấy người đời tôn trọng như tên một đấng cứu thế, ra tay mà tát cho vơi cái bể tật bệnh đau đớn của loài người. Còn Berthelot, tuy thanh danh không được phổ cập bằng, nhưng sự nghiệp to tát biết bao nhiêu, mà thân thế lớn lao biết dường nào! Có thể cho là một nhân vật hoàn toàn về cận đại, không những tài học lỗi lạc, mà đời công đời tư đều đáng làm mô phạm cho hậu thế.

Nay lược kể lịch sử ông ra sau, chia làm bốn đoạn: 1/ Thân thế; 2/ Sự nghiệp; 3/ Làm công dân với quốc gia; 4/ Làm người riêng trong gia đình.

I

Marcelin Berthelot sinh tại Paris ngày 25 tháng 10 năm 1827. Nơi ông ra đời là xóm Place de Grève,giữa thành paris cổ về thời Cách mệnh, tức là nơi dựng nhà Thị sảnh (Hôtell de Ville) ngày nay. Được ít lâu thì nhà ông dọn sang cách gần đấy, ở đường gọi là “Phố Văn sĩ” (Rue des Ecrivains), ngay đối diện với tháp Saint- Jacques. Về sau hồi tưởng đến chỗ ở thủa nhỏ, năm 1903 ông có câu viết rằng: “Ngày nay đến chỗ ấy, tôi không còn thấy một di tích gì để làm căn cứ cho ký ức của tôi, vì hai cái nhà tôi ở khi xưa hiện không còn một viên đá nào nữa; đến cái nền nhà cũng mất cả, từ năm mươi năm nay san phẳng để làm đường Rivoli.”

Cụ thân sinh ra ông tên là Jacques Martin Berthelot, làm nghề thầy thuốc, Danh sĩ Renan đã có mấy câu tả người cụ như sau này: “Cụ là nhà làm thuốc gồm nhân cách hoàn toàn, chỉ có chốn đô thành ta mới có những người như thế. Cụ rất sùng đạo, theo phái Gallicans. Lại là người qui phụ trước nhất về đảng Cộng hòa. Tôi thường lấy thế làm lạ. Cụ lại rất giàu lòng bác ái, có tính vị tha, tận tâm tận lực với kẻ khác. Nơi cụ ở là xóm những người dân nghèo, nên chữa bệnh cho người đau thường không lấy tiền. Bình sinh nghèo, đến lúc chết cũng vẫn là nghèo. Ông lớn lên vừa vào đầu đời vua Louis Philippe, đương lúc kinh thành gặp biến. Nhà ở đổi làm nhà thương thường ngày đem đến những lính bị thương máu me đầy người, vừa lính vệ binh nhà nước, vừa quân nghĩa dõng cách mệnh, ông cụ trông nom điều trị cho mọi người, coi ai cũng như ai thực là xứng đáng nghĩa vụ cao thượng của người thầy thuốc. Cách ít lâu, lại gặp có bệnh dịch tả, ông bây giờ đã lớn, cụ ông đi thăm bệnh thường cho đi theo.

Như thế thì từ thủa đồng ấu đến tuổi thành nhân, ông đã được soi cái gương cao thượng về lòng trung cần nghĩa vụ của tiên công, lại mục kích những cảnh biến loạn cải cách trong xã hội, thực như in sâu vào tâm não, không bao giờ quên.

Đến khi vào trường trung học, thì trí thông minh khác thường của ông đã phát hiện ra sớm lắm, thành kết quả rất tốt về đường học tập, như năm 1846 kỳ hội thi các trường trung học cả toàn quốc, ông được cái thưởng cao nhất, là thưởng danh dự về khoa triết học. Sớm đã sở trường về khoa cổ điển như vậy, nên về sau bao giờ cũng vẫn yêu chuộng văn chương cổ. Ông đọc thông sách Platon ngay ở nguyên văn Hi lạp; lại mỗi khi về nghỉ mát nơi nhà quê thường đem theo hai bản cũ sách Lucrèce và Tacite bằng chữ La tinh vẫn giữ được từ khi ở trường trung học, những sách ấy ông thuộc lòng từng đoạn dài.

Ký lực của ông rất mạnh, nên thuộc lịch sử vạn quốc nhiều lắm. Mấy tuần lễ trước khi tạ thế, ông còn dự hội đồng ở viện Hàn lâm, đồng viện đương bàn về cổ sử nước Ba tư, có mấy việc nhỏ không ai nhớ; ông liền đọc ngay ngày tháng hai việc thuộc về đời vua Chosroès, cả hội đồng đều lấy làm kính phục.

Tốt nghiệp trung học rồi, còn phân vân chưa biết chọn nghề gì. Ví chuyên về sử học, về khảo cổ, về triết học, cũng đều có tư cách cả, mà có thể nổi danh ngay được. Nhưng nhớ lại nghiệp nhà, cụ thân sinh vốn học thuốc quyết theo về cách vật. Chuyên trị khoa học mà không phải qua một trường cao đẳng nào, như trường “Sư phạm” (Ecole Normale), trường “Bách công” (Ecole Polylech nique), là những trường thanh niên chuộng nhất là vì trí tuệ ông khác thường, không thể theo được qui củ thường. Không ưng nhập môn ông thầy nào, nên lâu vẫn phải chịu hàn vi.

Giữa hồi bấy giờ, kết bạn với Renan, vừa ở nhà dòng Saint Sulpice ra, trọ một nhà ở đường Saint Jacques, dạy học thuê. Hai người chơi với nhau rất thân, thủy chung như nhất, cho đến lúc chết. Ren đã tả cái cuộc giao tình quí hóa ấy như sau này: “Cái tình yêu mến sâu nó buộc Berthelot với tôi, thực là một mối tình đặc biệt tưởng ở đời cũng ít có. Tình cờ hai người biết nhau mà thành ra tâm tính in nhau, vì tâm tinh hai người đều thuộc về khách quan, nghĩa là ra ngoài phạm vi hẹp hòi của người đời, không có một chút tư lợi tư kỷ gì cả. Hai người không những không mất lòng nhau bao giờ, mà đến ăn nói sỗ sàng với nhau cũng không có khi nào. Hai người đối với nhau như đối với một người đàn bà mình kính trọng. Phải nhờ vả đến nhau việc gì, tựa hồ lấy làm hổ thẹn coi như một sự “hối lộ” lẫn nhau, có thiệt hại đến nhân phẩm”.

Hai người bấy giờ đương tuổi thanh niên, cùng ham mê chân lý, cùng hiệp sức để học, Berthelot thì dạy cho Renan các khoa bác vật, Benan thì giảng cho Berthelot về phép huấn hỗ cùng dạy tiếng Do thái cổ (hébreu). Berthelot về sau không bao giờ quên thứ tiếng ấy: một tuần lễ trước khi tạ thế, ông còn khảo một quyển sách cổ về thuật luyện kim, chép bằng chữ Do thái của người ta gửi tự Maroc về.

Berthelot vốn theo chủ nghĩa dân chủ, cụ thân sinh ngày xưa cũng thuộc về đảng dân chủ, nên thấy việc cách mệnh năm 1848 không thành lấy làm buồn, đánh để hi vọng về sau.

Ông trước nghiên cứu hóa học tại phòng thí nghiệm nhà hóa học chuyên môn Pelouze, ở đường Dauphiné, sau tốt nghiệp nghề học thuốc, rồi đến tháng giêng năm 1851 vào làm trợ biện tại phòng thí nghiệm nhà hóa học Balard, ở trường đại học Collège de France. Lương được có tám trăm phật lăng một năm, phải dạy học ngoài thêm mới đủ ăn. Ông đành chịu hàn vi như thế trong chín năm trời. Chính giữa lúc hàn vi ấy là lúc thí nghiệm thành công về phép “hóa học tổng hợp” (synthèse chimique), từ đấy tiếng nổi lừng lẫy trong khoa học giới.

Năm 1860, hội đồng các giáo sư Collège de France xin với quan học bộ thượng thư bấy giờ là Victor Duruy mở ra một khoa dạy về “hữu cơ hóa học” (chimie organi que), để riêng cho ông. Từ đấy ông vẫn cứ giữ một khoa ấy cho đến già, không bao giờ bỏ, có người mời đi nơi khác hoặc danh giá hơn, hoặc cao bổng hơn, ông cũng không nhận. Ông ở Pariskhông một ngày nào là không ra phòng thí nghiệm. Nhà hóa học chuyên môn Armand Gauthier nói rằng: “Xưa tôi đã có lần vào xem phòng thí nghiệm của tiên sinh. Chỉ có một gian nhà rộng, lạnh lẽo, ẩm thấp, không có ánh sáng vào, ở giữa có một cái lò sưởi với một cái bàn dài, thế mà thôi. Mùa đông tôi thường thấy tiên sinh đau bệnh thấp, ngồi rạp xuống liệt vị một nơi mà vẫn làm việc, không đốt than lửa gì cả, vì tiền sinh thí nghiệm những thứ rất tinh vi, đốt lò sưởi thì sợ có khí nóng sai mất tính chất đi. Tiên sinh ngồi làm toán từng nửa buổi, có khi suốt cả đêm. Một ngày tiên sinh kể chuyện với tôi rằng hồi thí nghiệm bấy giờ tiên sinh dùng đến hơn ba vạn tờ giấy để làm toán”.

Sự phát minh của ông mỗi ngày một mới lạ, các hội học trong thế giới cảm phục và hoan nghênh vô cùng. Ở Pháp thì ông có chân viện “Y học bác sĩ” (Académie de médecine) từ năm 1863, viện “Khoa học bác sĩ” (Académie de Sciences) từ năm 1873, làm “Vĩnh viễn thư ký” (Secrétaire perpétuel) cho hội ấy, từ năm 1889; lại được bầu vào viện “Văn học bác sĩ” tức là Hàn lâm viện nước Pháp (Académie Francaise) từ năm 1901. Khắp Âu châu có bao nhiêu hội học lớn; đều mời ông vào chân hội cả: như các hội bác sĩ ở Londres, Berlin, Vienne, Saint-Pétersbourg, Stockholm, Turin, Amsterđam. Chính phủ Dân quốc Pháp thì tặng ông huy chương cao quý nhất trong nước, là đệ nhất đẳng Bắc đẩu bội tinh.

II

Sự nghiệp của Berthelot về đường khoa học to tát vô cùng. Ông thật là một học giả có trí não hùng tráng kiêm toàn nhất cổ kim; tư tưởng, học vấn của ông đã cao đã rộng, ông lại tài chuyên môn rất sâu sắc. Trong hàng các khoa học đại gia về thế kỷ mới rồi, dễ chỉ có ông là có tài học kiêm toàn giống như những nhà sáng lập ra khoa học đời xưa hồi văn minh mới tấn bộ, có trí sáng suốt thấu hiểu được muôn vật muôn lẽ. Khắp trong cõi học, về môn nào ông cũng phát minh được nhiều điều cốt yếu, tựa hồ như đặt cái trụ sẵn cho người sau noi theo vậy.

Từ năm 1850 đến năm 1907 ông đã từng biên tập đến hơn một nghìn hai trăm bài in trong sách “Kỷ yếu của viện khoa học bác sĩ” (Comples rendus de l’Académie des Sciences)cùng trong báo “Lý hóa học tạp chí” (Annales de physique et chumie), để thuyết minh về những sự nghiên cứu của ông. Cứ kê cho hết những vấn đề khảo sát cũng đủ đầy một quyển sách. Nay chia đại khái ra bốn mục lớn mà kể qua như sau này: 1) Hóa học tổng hợp (Synthè se chimique); 2) Nhiệt hóa học (Thermochimie); Nông nghiệp hóa học (Chimie agricole); 4) Hóa học lịch sử (His soire de la chimie).

Sự phát minh to nhất của ông là phép “tổng hợp” thuộc về các vật có cơ thể, tức gọi là “hữu cơ tổng hợp” (synthèse organine), thật đã mở rộng phạm vi của hóa học ra nhiều lắm.

Những nhà sáng lập ra hóa học đời nay như Lavoisier cùng các học giả đồng thời, xướng ra dùng phép “phân tích”(analyse), để đặt cho hóa học một cái gốc vững vàng, không đến nỗi vô bằng cứ như xưa. Các nhà ấy thấy những chất thuộc về loài kim với những chất thuộc về sinh vật như thực vật, động vật, tuyệt nhiên không giống nhau , thì lấy làm lạ lắm.

Như thuộc về loài kim xét ra có ngót hơn tám mươi nguyên chất đặc biệt hẳn nhau; thuộc về sinh vật thì tuy bề ngoài trông ra nhiều thứ, mà rút lại chỉ có bốn nguyên chất hóa hợp lại mà thành ra, bốn nguyên chất ấy lúc thường thật là khác nhau. Ba chất là chất hơi làm ra không khí và nước, trong thế gian không đâu là không có: dưỡng khí, khinh khí và đạm khi; một chất là chất đặc gọi là thán chất, khi kết tinh làm ra kim cương, khi thành khối tức là than đá.

Hai thứ nguyên chất khác nhau như vậy, là bởi đâu mà ra? Có phải là nguyên bản thể giống nhau, mà chỉ khác ở cách kết hợp, hay là chính bản thể đã khác nhau rồi? Lavoisier cùng các nhà hóa học kế sau, muốn thí nghiệm bèn đem phân các chất ra rồi lại hợp các chất lại. Thí nghiệm thế thì thấy những chất thuộc về loài kim làm được ngay, còn đến những chất thuộc về sinh vật, hằng ngày Tạo vật sinh sinh hóa hóa ở trước mắt ta, thử chẳng lần nào được cả. Nhân đó kết luận rằng những chất ấy chính bởi sức sinh hoạt tạo ra, người ta không thể tự chế hóa được.

Nhà hóa học Berzélius năm 1848 nói rằng: “Trong thế giới hữu cơ” (monde organique), các nguyên chất biến hóa theo những phép tắc khác hẳn với “thế giới vô cơ” (monde inorganique). Nguyên nhân sự khác nhau ấy rất là huyền bí, người ta không thể mong bao giờ phát minh ra được”. Lavoisier và Gerhardt cũng cùng một ý ấy mà nói rằng nhà hóa học thì phân tích mà sức sinh hoạt thì tổng hợp các chất, hai đàng trái nhau, kết quả không thể giống nhau được.

Kịp đến Berthelot thì ông phá hẳn cái thuyết cũ đó mà xướng lên rằng những chất thuộc về sinh vật cũng có thể chế tạo được, chỉ dùng đến hai cái sức thiên nhiên là sức nóng và sức điện mà thôi. Nghĩa là nhà hóa học không phải chỉ phân tích, cũng có thể tổng hợp các chất như sức sinh hoạt vậy. Trước ông thì hóa học là một khoa học chết (science morte), từ ông thì hóa học thành một khoa học sống (science vivante); trước chỉ biến hóa được những chất vô cơ, chất chết, nay biến hóa được cả chất hữu cơ, chất sống; sự thay đổi ấy thật là quan hệ vô cùng.

Nhưng bước đầu rất khó khăn: như lấy hai nguyên chất của sinh vật là thán chất và khinh khí, thì thán khí nặng như thế, khinh khí nhẹ như thế, làm thế nào hòa hợp được với nhau? Ai cũng cho là một sự không thể nào làm được, thế mà ông dùng sức “điện cong” (arc eslectrique) làm thành được. Ông chế ra một chất mới gọi là “thủy thán khí” (acélylène) rồi kế tiếp chế luôn được vô số những chất khác nữa gọi tổng danh la “thán khinh hợp” (carbures d’hydrogene). “Thủy thản khí” đốt nóng lên thì đặc lại, làm thành ra “thạch não du” (benzine); pha thêm khinh khí vào thành “sinh du khí” (éthylène), tức là tinh rượu, pha với nước làm ra rượu. Chất “toan” (acides), chất béo, đều lần lượt chế được cả. Không những thế, ông còn nói: “Phép tổng hợp của hóa học rồi mỗi ngày một tấn tới, có thể lấy ở trong hư không ra được nhiều chất mới, hoặc giống hoặc tốt hơn các chất thiên nhiên, thực là ích lợi cho nhân loại vô cùng.” Nào những hương thơm kỳ lạ, sắc đẹp khác thường ấy ở tinh than đá (aniline) ra, những vị thuốc mới trị bệnh một cách thần hiệu thay được các thuốc lấy ở cây cỏ; bấy nhiêu thứ sẽ có cách chế tạo được cả.

Nhờ sự văn minh ấy, công nghệ mới mở ra thật nhiều: như chất dầu than, đen đủi xấu xí như thế mà đặt xưởng chế tạo biến hóa làm thành ra thuốc nhuộm đủ các mầu, vừa đẹp vừa tươi, không mầu hoa nào sánh tày. Các vị thuốc, các hương thơm cũng vậy. Cứ xem biểu thống kế những bằng cấp chế tạo của các nước thì biết không năm nào là trong công nghệ không thêm ra được đến hàng vạn những chất hữu cơ mới chế bằng phép tổng hợp của hóa học, mà nguyên tự nhiên không có.

Ấy là còn mới bắt đầu như thế. Ông mong rằng rồi có ngày dùng phép tổng hợp chế được cả đồ ăn nữa. Đến bấy giờ thì có lẽ người ta không phải nhờ thực vật động vật mà nuôi mình, không phải ăn cơm gạo thịt cá như ngày nay, tránh được tội sát sinh trong đạo Phật, chỉ nuốt những miếng chế bằng dưỡng khí, khinh khí, đạm khí, thán chất chung đúc lại, đủ sống được người. Bấy giờ nhân loại sẽ thoát được cái nghiệp khổ về nỗi ăn uống hằng ngày. Đó chẳng qua là cái mộng ly kỳ của nhà khoa học, nhưng mộng hào hùng thay, chứa một tấm lòng hi vọng vô cùng ở sức vạn năng của Khoa học.

Berthelot thật đã có công lấp được cái vực sâu nó phân cách hai thế giới vô cơ và hữu cơ trong hóa học đời trước. Ông tự hào mà nói rằng: “Hóa học từ nay tự chế lấy vật chất mà học. Hóa học có tài sáng tạo, tính cách giống như mĩ thuật, khác hẳn với khoa học khác.”

Trong tập sách thứ nhất của ông cũng có câu rằng: “ Dùng phép tổng hợp của hóa học mà trị các chất béo thì không những chế được mười lăm hai mươi chất tự nhiên đã có, lại còn có thể chế được hàng ngàn hàng vạn những chất giống như thế nữa, vì cái phép chung nó cũng là một mà thôi. Xem như thế thì biết cái sức sáng tạo của phép hóa học tổng hợp mạnh là dường nào, mà phạm vi nó thật là rộng hơn phạm vi của tạo vật đã thực hiện vậy”.

Bấy nhiêu sự phát minh của ông, ông không hề nghĩ đem dùng để kiếm lợi bao giờ, muốn để cho cả xã hội được hưởng thụ. Không phải là không có người mời ông mưu sự lợi riêng ấy, nhưng lần nào ông cũng nhất định từ chối. Như khi mới nghiên cứu các chất “thán khinh hợp”, nghĩ ngay được cách chế “dầu hơi” tiện hơn trước nhiều, làm lợi cho công ti đèn khí thành Paris mỗi năm mấy mươi vạn quan. Ông liền tuyên bố không giữ lợi quyền về sự phát minh đó.

Nhiều lần những nhà công nghệ lớn, tư bản lớn đến bàn với ông hoặc lập hội hoặc mua lại những thuật phép riêng của ông để chế các chất hóa học. Có một ngày các chủ rượu ở phía bắc nước Pháp xin tặng ông hai triệu để giữ độc quyền một phép chế tạo của ông mới tìm ra. Không lần nào ông chịu nhận cả. Lắm khi chỉ nhờ một bài nghiên cứu của ông, mà có người làm giàu to, dựng nên sự nghiệp lớn, như tài thuyết minh về phép chế thuốc nhuộm các màu lam. Lại nhân nghiên cứu về thuốc đạn mà chế ra thứ đạn không khói, nếu có chí làm giàu thì cũng có thể giàu bằng Nobel nước Thụy Điển được. Công nghệ nước Đức ngày nay được phát đạt to, phần nhiều cũng là nhờ phép hóa học tổng hợp của ông khởi sướng ra trước nhất. Ông chuyên trị hóa học trong suốt một đời như thế mà không hề lấy một bằng cấp để giữ quyền chế tạo bao giờ. Ông thường nói: “Học giả chỉ nên lấy chân lý làm của báu”

Năm 1896, ông làm sách đã có câu rằng: “ Kể từ khi tôi thành nhân đến giờ được nửa thế kỷ, tôi vẫn một niềm giữ cái mộng tưởng về chân lý, công nghĩa đã chiếu diện trong tâm trí tôi từ ngày còn thanh niên. Lòng hi vọng muốn dặt cho đời tôi một cái mục đích rất cao thượng, dù đã trải nhiều năm khoog hề nguội lạnh đi chút nào. Phàm cái gì lòng tôi tin chắc là hay cho nhân cách tôi, hay cho nước tôi, cho nhân loại, bao giờ tôi cũng có chí muốn làm cho được. Không bao giờ tôi chịu coi đời tôi là có một một mục đích nhất định, như cầu lấy sự phú quý để được an nhàn vô sự mà hưởng sự sung sướng riêng, vì nếu đời người chỉ có thế thôi, thì không có gì chán bằng. Cứu cánh của đời người, không phải chỉ là mưu cầu sự hạnh phúc”

Ông lại lập nên một khoa học mới nữa gọi là “nhiệt hóa học” (thermochimie). Phép tổng hợp chứng rõ rằng phàm sức mạnh trong tạo vật, dù thuộc về loài kim hay thuộc về sinh học thì rằng hiệu lực của các chất có thể đo bằng nhiệt độ lúc nó hợp với nhau, và sức mạnh về hóa hóa học cũng có thể tính được như sức mạnh về lý học và lực học. Sự phát minh ấy rất quan trọng, vì từ đó hóa học mới không coi là một khoa học thuần kinh nghiệm nữa mà cho liệt vào các khoa học duy lý. Ông chuyên trị về nhiệt hóa học bốn mươi năm đặt ra đổi lại các phương pháp, chế ra máy dùng, dựng các luật lớn. Ông định được mấy nghìn con số, giúp ích cho các nhà hóa học, vật lý học, sinh học cùng kỹ sư các nước nhiều lắm.

Nhân sự nghiên cứu lâu năm đó mà khái luận rằng phép bình quân về hóa học (équilibre chimique) cũng chẳng khác gì phép quân bình về lực học (équílibre mécantque). Như lăn một hòn đá thì nó chạy mãi cho kỳ hết sức mới thôi; hòa hợp hai chất với nhau cũng vậy, chất nọ phản ứng chất kia mà thành một hợp chất mới, phát khí nóng ra cực nhiều là rút sức mạnh lại cực ít.

Đó là cái luật trứ danh của hóa học, gọi là luật “tối cao công lực” (principe du travail maximum), dùng để lượng sức tác dụng của các chất.

Trước kia khoa đạn dược vẫn là một khoa kinh nghiệm, từ khi lập ra môn nhiệt hóa học, khoa ấy mới có phép tắc nhất định, có thể đo lường được sức mạnh các thứ thuốc đau, nhân đó phát minh ra nhiều thứ thuốc mới, tính trước rồi mới chế, tính sao chế được như vậy.

Thời bấy giờ, pháo binh các nước toàn dùng thứ thuốc đạn đen, chế ra đã mấy mươi thế kỷ, đời nọ kinh nghiệm mà truyền cho đời kia.

Hồi trận Pháp - Đức năm 1810, khi thành Paris bị vây, Berthelot được cử làm chủ hội đồng “Quốc phòng chế tạo cục” (Comité scientifique de défense nationale), bấy giờ mới chú ý đến vấn đề đạn dược. Ông dùng phép nhiệt hóa học mà thí nghiệm, đến năm 1873 báo cáo rằng cứ lý thuyết có cách chế được một thứ thuốc đạn mới hai lần mạnh hơn thuốc đạn đen.

Các nhà chuyên môn về đạn dược nghe tin ấy lấy làm kinh ngạc, không chịu tin. Kịp đến khi ông được cử làm chủ hội đồng chế thuốc đạn thì bắt đầu thực nghiệm, thấy đúng như trước đã tính, không sai một li nào. Ông lại cùng với ông Vieille chế ra máy riêng để đo sức chuyển động các thứ thuốc đạn, máy nhạy đến đo được từ một phần trong muôn phần một giây đồng hồ. Nhân đó sau mới chế ra thứ thuốc đạn không khói: đủ chứng rằng ông tính thật không sai. Nhờ thứ thuốc đạn ấy, trong lâu năm quân đội Pháp được mạnh hơn các quân đội khác, Đức đã mấy phen rắp khởi chiến mà phải thôi.

Ông thí nghiệm về hóa học như vậy không phải không có nguy hiểm. Một lần đương thử kết tinh thán chất để làm kim cương, bỗng nồi nổ vỡ tan ra, bắn vào mắt đứt con ngươi ra làm đôi. Ông cụ thân sinh vốn làm thuốc, bấy giờ đương ở buồng bên cạnh, lập tức đem nước đá đắp vào, kịp chữa được, không đến nỗi hỏng, nhưng về sau mắt vẫn thành tật mà yếu sức đi nhiều. Lại một lần nữa đương nấu kinh-lam-toan (acide cyanhydrique) lỏng trong bầu thủy tinh, kinh-lam-toan là chất rất độc, hơi nó bốc lên ngửi phải cũng chết người được ngay; bỗng cái bầu nổ mà bắn vào tay ông. Lại nhiều lần nữa, thí nghiệm về đạn dược, có khi những người giúp việc bị thương hoặc chết ngay bên cạnh mình.

Đã nghiên cứu phép tổng hợp và phép quan bình về hóa học, tất xét rộng đến những hiện tượng thuộc về sinh hoạt. Đây ông cũng lấy những phép thường của lý hóa học mà giải được nhiều điều bí mật xưa nay. Như người ta vẫn tin rằng những vi trùng sinh trưởng trong men mốc là tự sinh hoạt của nó ra men, ra mốc; ông bèn chứng tỏ rằng không phải sức sinh hoạt, chính là bởi những chất bài tiết ra. Như ngọt mà đâm chua là bởi một chất riêng của vi trùng trong men rượu “ bia” bài tiết ra, chất ấy ông đặt tên là invertine ( chất đâm chua). Rồi sau nghiệm ra các chất khác hoặc lên men, hoặc lên mốc, hoặc ngả mùi, hoặc biến vị đều do một lẽ ấy cả. Ấy ông có cái trác kiến về khoa học như vậy. Nhờ đó mà ngày nay xét các vi trùng bệnh truyền nhiễm, đã phát m.inh ra được những chất độc do vi trùng bài tiết ra, tật bệnh chính là bởi chất độc ấy gây ra, không phải tự vi trùng; biết thế thì có thể tìm ra những chất chế độc mà trị lại.

III

Trong hai mươi năm sau cùng, ông lấy nông nghiệp là căn bản của loài người, muốn đem phương pháp khoa học ứng dụng về nghề nông. Bèn mở ra ở Meudon một nhà thí nghiệm về thực vật học, để nghiên cứu những sức mạnh thiên nhiên như nắng, mưa, điện khí “động tác” vào loài cây cỏ thế nào.

Nghiệm xét mãi, hốt nhiên giải được vấn đề đồ ăn có đạm khí (alimenttion azoteé) của thực vật. Nhờ đó mà sau này người ta mới biết dùng các phì liệu có đạm khí (engrais azoté) để bón đất; làm cho nghề nông tấn tới và đất mầu được thêm tốt lên nhiều. Như xưa nay trong nghề làm ruộng vẫn có cái tục cho đất nghỉ, ruộng cày bừa đã nhiều để bỏ không trong ít lâu, cho hồi sức lại,tục ấy cũng hay lắm, và khiến cho không phải dùng đến phì liệu cũng được. Đất bỏ không tự nhiên dần dần hồi sức, không phải bón xới gì cả.

Song xưa kia chưa ai hiểu lý do thế nào. Ông nghiệm ra thì thấy sự hồi sức ấy là thứ nhất bởi điện khí, thứ nhì bởi sự động tác của vi trùng.

Nhân đó ông nghĩ dùng điện khí để chế lấy các phì liệu hoặc lấy sức điện vừa thu đạm khí trong không khí vào chất sống của đất, hoặc lấy sức điện mạnh mà hóa hợp đạm khí với dưỡnng khí trong không khí để làm thành những chất muối bón đất (nitrates).

Rồi lại phát minh ra một hiện tượng rất lạ: là trong đất mầu có vô số vi trùng, tự nó hút lấy đạm khí trong không khí vào đất. Ông có một câu tả cái hiện tượng ấy rất có hứng vị; ông nói: “Đất cũng là một vật sống”. Nhờ sự nghiên cứu đó mà tìm được cách làm cho đất tốt gấp bốn năm phần hơn. Như đã bắt đầu nghĩ ra một cách bón ruộng tiện hơn là dùng phì liệu chế theo hóa học, là đem tưới ruộng bằng một thứ nước chứa nhiều vi trùng hút đạm khí, cách này giản tiện, chắc mỗi ngày một thịnh hành.

Ngoài sự nghiên cứu về thực vật hóa học, ông lại còn phát minh được nhiều điều mới lạ về men mốc, về nguồn khí nóng trong các động vật. Cái thuyết của ông về nguồn khí nóng ấy, nhà bác vật Bouchard đã nói là một lý thuyết rất quan trọng làm then chốt cho khoa sinh lý học ngày nay.

Ấy sự nghiệp học vấn của ông to tát như vậy, mà sự nghiệp ấy là sự nghiệp sáu mươi năm trời, không lúc nào ngơi. Trong bấy lâu chuyên trị về hóa học, thường nhiều khi gặp những vấn đề thuộc về lịch sử hóa học. Ông bèn xét ngược đến cỗi rễ khoa học ấy, từ khi tục truyền thần Hermès ban cho các giáo sĩ Ai cập cài bí thuật luyện đan. Ông vốn thuộc nhiều các cổ ngữ, đem phiên dịch và diễn thích những sách “diệp kinh” (Papyrus) chứa ở thư viện các thành Leyde, Venise, Londres, Paris. Cùng với các nhà bác học chuyên môn về cổ ngữ Đông phương, ông xuất bản Và chú thích những sách cổ của phái luyện đan ở Syrie và Arabie ngày xưa, sách ấy xưa nay chưa ai biết đến, hoặc chưa ai dịch được. Công phu dịch tập sách cổ ấy, kết quả thành sáu bộ sách dày, tưởng cũng đủ làm sự nghiệp một nhà bác học, mà đối với ông chẳng qua như một cuộc tiêu khiển tầm thường vậy.

Sức học vấn của ông mạnh như vậy; thật là một bậc thiên tài, toàn trí, toàn thức. Ngày 24 tháng 11 năm 1901, là năm mươi năm sau khi xuất bản bài “Kỷ yếu” thứ nhất về khoa học của ông, tại trường Đại học Sorbonne, có đặt lễ mừng, nhiều nhà bác học danh sĩ các nước đến họp, thảy đều ca tụng công học vấn vĩ đại của ông. Có hai ông Gladstone và Ramsay nước Anh. Gladstone người già cả đạo mạo, vẫn được suy tôn là bậc sư trưởng trong hàng các nhà hóa học chuyên môn nước Anh; Ramsay cũng là một nhà hóa học trứ danh, đại biểu cho hội bác sĩ thành Luân đôn. Nước Đức thì có ông Emile Fischer, là một tay hóa học có tiếng nhất trong nước ấy. Dự lễ có quan Giám quốc, nghị viện hai viện, hội viên hội Bác sĩ, viên chức các bộ viện lớn trong nước. Trước mặt cả toàn hội, ông Fischer nước Đức đứng lên diễn thuyết mừng ông. Bài diễn thuyết có một câu gồm được cả tài năng sự nghiệp của Bertheiot. Nói rằng: “ Muốn cho khoa học khỏi tản mạn ra từng chuyên môn, phải có một bậc đại trí xuất hiện ra, có cái não hoàn toàn, cai quát được cả toàn thể của khoa học. Tiên sinh thật là một bậc đại trí như vậy. E rằng hạng người ấy có lẽ đến tiên sinh là cùng, sau này không còn được ai như thế nữa”. Giữa một cuộc trang nghiêm như cuộc lễ mừng đó, cả các nhà khoa học hiển hách trong thế giới đồng thanh suy tôn ông là “ông vua khoa học”. Vẻ vang thay!

Thật thế, Berthelot với Pasteur là hai nhân vật lỗi lạc về khoa học trong thế kỷ thứ 19, đã làm vinh dự cho trước Pháp vô cùng. Sự nghiệp của Berthelot mới xem ra thì tưởng không hiển hách bằng công nghiệp của Pasteur. Trong đời ông không có những chuyện chữa bệnh ly kỳ, khiến người ta tưởng đến chuyện thần tiên đời cổ xưa. Nhưng xét kỹ mới biết công học vấn lớn lao hơn nhiều, vừa có nghĩa thâm trầm về triết lý, vừa có kết quả to tát về thực sự.

Pasteur thí nghiệm về vi trùng thật đã biến cải cái nghề làm thuốc; nhưng thuyết minh về sự động tác của vi trùng thì ngày nay xét ra có sai lầm. Cho sự “động tác” ấy là bởi cái sức sinh hoạt huyền bi, không thể lấy phép tắc khoa học mà giải được. Berthelot thì ngay từ đầu đã xướng lên rằng các giống vi trùng động tác là bởi những chất nó tự bài tiết ra, chất ấy có thể dùng phép hóa học chế ra được chẳng khác gì các chất khác, theo lệ chung sự biến hóa các chất hữu cơ với chất vô cơ của thiên nhiên. Chính học trò cùng những học giả kế nghiệp Pasteur về sau cũng chịu thuyết của Berthelot là hợp với sự thực.

Berthelot trước sau vẫn tin rằng phàm sức mạnh thiên nhiên trong trời đất cùng theo phép tắc chung đều là nhất trí cả. Dù ông dùng phép tổng hợp mà nghiệm rằng sự hóa hợp chất hữu cơ với chất vô cơ cũng là một, hay lấy phép nhiệt hóa học mà chứng rằng các sức mạnh thuộc về hóa học cũng có thể đo lường được như các sức mạnh thuộc về lý học, lực học không khác gì, bao giờ ông cũng vẫn chủ trì một tôn chỉ đó. Mà tôn chỉ đó tức là tôn chỉ của khoa học đời nay. Tôn chỉ ấy là thí nghiệm cho thật nhiều, rồi quy nạp lại chỉ có mấy phép tắc lớn mà thôi; lấy sức tư tưởng mà lý hội lẽ sâu của muôn sự muôn vật quanh mình, tất thấy lẽ ấy thường hằng bất dịch.

Ấy là nói về đường lý thuyết; về đường thực tế thì sự nghiệp của Berthelot cũng chẳng kém gì Pasteur. Hai người đều có công giúp ích cho đời nhiều. Berthelot không những giúp cho sức khỏe người ta, trong việc tìm kiếm vị thuốc để chữa bệnh, lại giúp cho sự mở mang chế hóa thêm các sản vật cho loài người nữa.

Pasteur vẫn có công thay đổi hẳn phép trị bệnh cho người đời và cải lương nhiều nghề thuộc về nông nghiệp. Nhưng phép trị bệnh mới này cũng mãi đến ngày Berthelot xướng ra cái thuyết về các chất độc của vi trùng bài tiết, mới thật là phát đạt. Ngày nay các nhà y học đều bằng theo thuyết ấy xét căn nguyên các bệnh. Khoa bào chế cũng nhờ đó mà đổi mới các phương pháp.

Đến các công nghệ cũng được nhờ ông nhiều. Ông thay đổi lại nhiều thuật phép chế tạo cũ lưu truyền từ mấy mươi đời trước, và xướng suất ra nhiều các kỹ nghệ mới. Nhất là phép tổng hợp các chất hữu cơ và phép nhiệt hóa học của ông xướng ra, thật là ích lợi cho các công nghệ không biết bao nhiêu mà kể. Nghề chế vị thuốc và chế phẩm nhuộm được nhờ ông nhiều lắm. Nghề đèn khí, nghề luyện chế các loài kim cũng do những sự phát minh của ông mà tiến bộ được nhiều. Ông lại xướng ra cái thuyết về các phì liệu, thật là đổi mới cả những phương pháp cũ của nghề nông, khiến cho đất thêm tốt, bớt được công phu kẻ nông dân.

Đó là nói qua những kết quả ngày nay đã thành rồi. Còn những kết quả mong được về sau cũng nhiều. Như thuyết chế đồ ăn bằng phép hóa học tuy ngày nay chưa thực hành được, nhưng không phải là sự mơ mộng vô bằng, biết đâu không có ngày thành sự thực, ơn cho loài người biết bao nhiêu mà kể. Người ta bấy giờ sẽ thoát khỏi một cái nợ nặng nhất đối với tạo vật, là cái miếng ăn nuôi sống, nợ làm cho nhân loại từ xưa đến nay nhục nhằn đau khổ biết dường nào!

***

Nay đã kể thân thế sự nghiệp của ông, xin nói ông làm công dân với nước, làm người riêng trong nhà thế nào. Hai phương diện trong đời ông đó cũng có đặc sắc khác thường lắm.

Ông bắt đầu tham dự việc nước từ hồi quốc nạn năm 1870. Từ thủa nhỏ vẫn theo chủ nghĩa công hòa. Gặp buổi nước nhà phải bước gian nan, lòng ái quốc lại càng tăng lên bội phần. Ông đã từng nói: “Đến năm 1870 thì quốc dân trông mong ở khoa học, như người ta mong ông thầy thuốc đến thăm một người bệnh thập tử nhất sinh vậy.”

Thấy nước nhà phải vết thương hồi bấy giờ, lòng ông đau đớn vô cùng, căm tức vô cùng, như tím tim gan. Về sau thường nói: “Tôi trọng nước Đức, trọng cái học thuật của nước Đức nhưng tôi thống mạ cái lòng tham lam vô độ của kẻ cầm quyền nước ấy.” Lại nói: “Tôi vẫn tin sự giao tế trong các nước văn minh, về đường tri thức, về đường xã hội, nên mỗi ngày một thân mật hơn lên, nhất là nước Pháp với nước Đức lại càng nên lắm. Nhưng muốn cho được thân mật, thì phải hai điều: một là không được nước nào đồ mưu bá quyền trong thiên hạ; hai là nước Đức phải bỏ cái thuyết cường quyền đoạt công lý mà hoàn lại cho dân những đất bị xâm lược được quyền tự chủ. Nước Đức vì chiến tranh đắc thắng, lạm dụng sự đắc thắng của mình, thật là gây nên nhiều mối cạnh tranh trong thế giới, sau này không biết xảy ra những việc dữ dội đến thế nào.”

Xem cuộc chiến tranh ngày nay thì biết ông thật có trác kiến vậy:

Kỳ tuyển cử nghị hội năm 1871, tuy ông không ra ứng cử, dân thành Paris cũng nhớ công ông giúp nước bỏ ba vạn phiếu bầu làm nghị viên Thượng nghị viện. Năm 1886-1887, lãnh chức Học bộ tổng trưởng, thủy chung giữ một chủ nghĩa đề xướng sự giáo dục tự do. Năm 1875, quan Tổng lý Nội các Léon Boutgeois mời ông sung chức Ngoại vụ tổng trưởng. Hồi ấy điều đình được nhiều việc với nước Anh và giữ cho tình giao hiếu hai nước được hoàn hảo. Sau nhân việc nước Anh đem quân sang Ai cập mà hai nước đã qua một hồi găng nhau, cũng là vì Chính phủ bấy giờ không chịu theo ý kiến của ông.

IV

Nay xét Berthelot là người riêng trong gia đình cũng đáng cảm phục bằng nhà bác học, nhà tư tưởng, hay người công dân trong nước. Ông làm người vốn giản dị, ăn mặc tầm thường, khổ người vừa phải, lưng hơi cong, mới trông thấy ngay cái trán rất to, hai con mắt đen nhay nháy, sáng và sắc.

Trên đã nói ông kết bạn rất tân với ông Renan là một bậc danh sĩ đệ nhất trong thế kỷ mới rồi. Phàm những danh nhân về khoa học, văn học, chính trị, mỹ thuật đương thời, đều có giao du hết cả.

Ông vốn người đa cảm, nhưng thường không lộ ra với người ngoài chỉ tỏ ra trong chốn gia đình mà thôi. Năm 1861, ông kết hôn với một người đàn bà thật là xứng vai khảng lệ: phu nhân cũng một lòng cao thượng thờ nghĩa vụ như ông. Phu nhân tên là Sophie Caroline Niaudet sinh năm 1837, vốn con nhà vọng tộc, ở thành Paris đã lâu, đời đời sinh nhiều tay bác học kỹ sư có tiếng.

Thủa con gái, phu nhân người rất đẹp, tính thuần hậu, lại có tài riêng về nghề họa. Từ khi lấy chồng chỉ giữ một lòng thờ chồng nuôi con, mưu cho gia đình được hạnh phúc. Hai anh em Goncourt hồi cưới phu nhân có tả bức tranh như sau này: “Người đẹp lạ, nhác trông thấy không quên được nữa; cái đẹp tinh thần, cái đẹp sâu sắc, cảm người vô cùng; cái đẹp thuộc về linh hồn, thuộc về tư tưởng, đẹp siêu hình như những mỹ nhân trong sách Eygar Poe. Tóc quấn từng mấn dài, bỏ xõa xuống, trông xa như vành hào quang trên đầu, tràn tròn và bằng phẳng, mắt to đầy những tia sáng mà vành mắt hơi rủ che làm cho cái sáng dịu dàng êm ái; giọng nói như tiếng đàn.”

Những người quen biết thường ví phu nhân như một bức tranh vẽ của danh họa Luini: mắt trong suốt như gương, dáng bộ thuần túy giản dị, ngôn ngữ cử chỉ dịu dàng êm ái, ai trông cũng sinh cái cảm giác bình tĩnh êm đềm. Đó là vẻ ngoài, còn tính tình thì rất cao thượng. Đặc sắc của phu nhân là tâm tình trí tuệ điều hòa xứng hợp. Bình sinh chỉ giốc một lòng tận tụy với kẻ thân yêu của mình, không hề làm một sự gì nhỏ nhen, không hề lộ một khóe gì kiểu sức; chồng rất kính nể, những người quen biết thân cũng cảm phục.

Trong bốn mươi lăm năm vợ chồng ở cùng nhau một lòng yêu mến, cuộc ái tình không bị chút mẩy mờ ám; hai vợ chồng cùng nhau một tâm tình, cùng nhau một tư tưởng. Sinh được sáu người con, bốn trai hai gái. Bốn người con trai đều hiển đạt cả, một người trứ danh về chinh trị một người về khoa học, một người về ngoại giao, một người về triết học. Hai người con gái thì đều lấy chồng hai ông giáo Đại học có tiếng. Hạnh phúc gia đình thật là hoàn toàn. Mấy năm sau phải mấy cái tang đau đớn; bà con gái cả bị bệnh mất, chỉ có một con trai mười chín tuổi cũng bị xe lửa đổ chết. Ông năm ấy bảy mươi bảy tuổi được tin cháu bị nạn, tê tái trong lòng, mà vẫn giữ can đảm, thân đến nhà xác nhận thây cháu người ta kéo trong đống xe đổ ra đã rập gẫy. Nhưng ông không có quên bao giờ; ông có cái ký ức về cảm giác lạ; cách bốn mươi ba năm ông còn nhớ hồi tống táng cụ thân sinh đau đớn biết dường nào.

Phu nhân cũng vậy: mất cháu một cách thê thảm như thế buồn không thể kham được, tưởng như lại mất con gái một lần nữa. Sức khỏe vẫn bình thường, mà nhân sự đó tự nhiên suy yếu; mắc bệnh ở tim, trong mấy ngày tưởng không thể cứu được. May lần ấy không việc gì, nhưng bệnh vẫn cứ ngấm ngầm, kịp đến cuối năm 1906 ông xét ra bệnh tình không thể qua khỏi được. Bấy giờ ông đã tám mươi tuổi, ngày đêm thường ngồi cạnh phu nhân, hình như để đo từng giờ cái sống nó rút đi chừng nào vậy. Nhưng xét lại mình, thấy thân thể cũng suy nhược đi lắm. Thường bảo các con rằng: “Ta biết ta không sống được sau mẹ con đâu”.

Ông bấy giờ còn sống mà tinh thần đã hình như cùng phu nhân dắt nhau tiêu dao cõi đời khác rồi. Tuy vậy vẫn không hề xao lãng công việc. Khi Renan sắp mất, ông có viết cho bạn một câu rằng: “Tiền triết La Mã có câu: Làm người phải lao động khi chết phải đứng mà chết, câu ấy là câu châm ngôn của anh em ta.” Nên dù đau đớn mà ngoài mặt vẫn bình tĩnh như thường, tỏ ra thái độ can đảm người đại trượng phu. Cho đến phút sau cùng, tài sáng nghĩ vẫn còn mạnh như thường, sức vẫn gắng, trí vẫn cường.

Mấy tuần trước khi mất, còn xuất bản một quyển sách lớn về phép hóa giải các chất hơi (analyse des gaz). Trước ngày chết còn ra nhà thí nghiệm ở Meuđon để thử chất radium, chất này tiên sinh cố dụng công nghiên cứu, vì mong sau còn dùng được nhiều việc. Trên bàn giấy ngày hôm ấy còn một bài kỷ yếu về các chất muối, một quyển sách cổ về thuật luyện kim ở Maroc mới gửi về nửa tháng trước, cùng một bài diễn thuyết soạn sẵn để cho người đọc cho dân Pháp kiều cư ở Nam Mỹ về dịp hội Chính trung (14 tháng 7), thay lời quốc dân chúc mừng kẻ đồng bào ở xa tổ quốc.

Sáng ngày 14 tháng 7 năm 1907 ông gọi các con bảo trước rằng xem mẹ không qua khỏi được ngày hôm ấy. Tuy thầy thuốc hết sức an ủi, mà ông vẫn dò bệnh từng bước, không lầm chút nào, biết rằng đến thế là thôi. Phu nhân thì đến tận giờ sau cùng vẫn tỉnh táo như thường, lời nói cuối cùng là bảo con gái rằng: “Ta chết, không biết cha con thế nào?” Phu nhân ngoảnh lại mỉm cười với chồng một lần trót, rồi nhắm mắt; quả tim trong sạch người hiền phụ thôi không động từ đấy. Ông nhìn phu nhân, con mắt buồn vô hạn, ghé xuống hôn một cái rồi gọi các con lại, gọi cả người vú già đã hầu hạ bốn mươi năm và đã từng nuôi cả bấy nhiều người con; đoạn, bước qua phòng bên cạnh, nằm nghiêng lên ghế dài, như những khi mệt nhọc thường nằm thế. Được một lát, một người con trai đi theo ông nghe ông thở dài một tiếng, sầu thảm vô cùng, muốn cầm lấy tay cha để nói vài lời, thì thấy tay rớt xuống. Trượng phu đã quyết từ trần, cùng bạn chung thân cùng đi một ngày, không nỡ sống thêm chút nào nữa.

Thế là cả hai ông bà Berthelot cùng tạ thế một ngày. Bình sinh đã một cái một dạ với nhau, tử hậu cũng không nỡ dời nhau vậy.

Cái chết trang nghiêm đó, đáng vào tập chuyện thần tiên đời Cổ đại. Xem đó thì đủ biết dù ở đời lý học thịnh hành, mối cảm tình trong lòng người cũng vẫn mạnh như xưa. Suốt nước Pháp nghe tin buồn ấy, đều một lòng cảm động và kính phục vô cùng.

Nhà nước muốn báo ơn một bậc vĩ nhân trong nước, định làm lễ quốc táng cho ông. Khoác vải đen cho tượng “Dân quốc” để biểu tang chung. Chính phủ lại quyết nghị an táng tiên sinh trong đền Kỷ niệm (Panthéon), sánh vai với những bậc danh thần quốc sĩ đời trước như Voltaire, Rousseau, Victor Hugo, đại tướng Marceau, tổng thống Carnot, là những tay anh kiệt trên trường hành động, trong cả tư tưởng, đời nọ đời kia đã tiêu biểu cho linh hồn bất diệt của Tổ quổc.

Quốc dân lại không muốn chia lòng cảm phục, dời hai người mà cái chết cũng không nỡ dời, nên xin đem cả phu nhân an táng cùng tiên sinh trong đền Kỷ niệm: đàn bà mà được chôn tại đền Kỷ niệm là tự phu nhân đầu vậy. Như vậy là cùng một dịp vừa biểu dương cái thiên tài một nhà bác học vừa biểu dương cái đức hạnh một bậc hiền phụ. Người đời đã ngợi khen mấy lời cao thượng sau này:

“Mẹ đẻ ra con tài, vợ gây nên chồng giỏi. Quốc gia biết ơn người mẹ vẻ vang, cũng phải biết ơn người vợ cần cù. Cái ánh hào quang của đền Kỷ niệm từ nay tất rực rỡ thêm lên, vì cạnh ngôi tháp bể chiếu sáng khắp thế giới, lại có cây đèn dầu chỉ soi sáng một chốn gia đình, hai cái sáng tuy nhỏ to khác nhau mà đều đáng sùng bái kính phục vậy.”

1918

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Làm khoa học

    27/08/2017Hồ Ngọc ĐạiKhi đã có hàng chục tiến sĩ, hàng nghìn phó tiến sĩ, hàng chục vạn người có trình độ Đại học, thì đất nước đã có cái lót ở dưới cùng nền văn minh, làm móng vững chắc cho ngôi nhà khoa học được xây dựng trên nền tảng ấy. Chúng ta đã qua thời kỳ đổ móng ồ ạt và bây giờ đã đến lúc xây dựng có lớp lang, nghĩa là phải có cách tổ chức thích hợp. Trong bài này, tôi chỉ bàn tới cách tổ chức thích hợp với những người làm khoa học.
  • Albert Einstein - nhà khoa học, nhà triết học

    28/10/2014Nguyễn Tấn HùngEinstein nổi tiếng không chỉ vì những cống hiến của ông cho khoa học, mà còn ở những quan điểm của ông về nhiều vấn đề chính trị - xã hội, tôn giáo, đạo đức. Ông nói về chiến tranh và hoà bình, về tôn giáo, về nhân quyền, về chủ nghĩa dân tộc...Quan điểm của ông được bày tỏ một cách thẳng thắn, không khoan nhượng, nhiều khi có vẻ khi có vẻ ngây thơ, những người ta chú ý đến ông, lắng nghe ông nói....
  • Nghệ thuật, trí tưởng tượng và nhà khoa học

    19/07/2005Tôi muốn mượn tiêu đề bài báo của giáo sư sinh lý học Robert Root-Berstein, Viện Đại Học tiểu bang Michigan, trên tạp chí Nhà khoa học Mỹ đầu năm 1997 để bàn về mối quan hệ giữa ý thức và vô thức, giữa trí tưởng tượng và tư duy phân tích trong sáng tạo văn học nghệ thuật và sáng tạo khoa học kỹ thuật, một chủ đề hấp dẫn từng gây nhiều tranh cãi không chỉ tại Việt Nam ta.
  • Chương I. Tinh thần khoa học

    14/07/2005