Nhiều người lấy bằng cấp thay cho tri thức

05:44 CH @ Thứ Tư - 19 Tháng Ba, 2014

TS Nguyễn Thị Từ Huy - một người chịu đọc và chịu học với phẩm chất của một nhà khoa học: Trung thực, cẩn trọng, thông minh, có kiến thức sâu rộng về văn học và triết học phương Tây. Và trên hết, chị còn là nhà khoa học có những chính kiến riêng của mình trước thời cuộc.

Điều gì khiến chị, một tiến sĩ văn học, thay vì “bổ một nhát cuốc” lên cánh đồng văn chương, lại đi dịch “Nietzsche và triết học” trước tiên? Bản thân mỗi việc đọc và hiểu được những tư tưởng của Nietzsche đã khó, huống hồ là đọc những biện giải về ông từ nhà triết học khác như Gilles Deleuze.

TS Nguyễn Thị Từ Huy: Bởi vì nhiều khái niệm trong cuốn “Nietzsche và triết học” đã được ứng dụng vào nghiên cứu văn học: Sự quy hồi vĩnh cửu, sức mạnh, sự thật, mặc cảm tội lỗi, nỗi đau… Triết học và văn chương có chung một mối quan tâm.

Alain Robbe-Grillet nói rằng: “Triết học và văn chương có cùng những đối tượng, tiếp tục cùng những nghiên cứu giống nhau, nhưng bằng những phương thức khác nhau”. Đôi khi văn chương đi trước triết học trong mối quan tâm này.

Nhà văn Milan Kundera khẳng định: “…Tất cả những đề tài hiện sinh lớn mà Heidegger phân tích trong tác phẩm “Tồn tại và thời gian”, cho rằng chúng đã bị toàn bộ nền triết học châu Âu trước đó bỏ rơi, thì lại đã được khám phá, phô bày, soi sáng bởi bốn thế kỷ tiểu thuyết châu Âu”.

Muốn phát triển văn học và nghiên cứu văn học, cần có nền tảng triết học. Đấy là lý do vì sao tôi chọn dịch cuốn sách của Deleuze. Còn về chuyện “khó”, tất nhiên là rất khó. Nhưng cái khó cũng có sức hấp dẫn của nó.

Deleuze nhận thấy rằng, đối với Nietzsche, triết học phải tiến hành công việc phê phán, triết học trở thành triết học phê phán…Và triết gia chính là kiểu người phê phán. Ông ta phải luôn chống lại thời đại mình, phải luôn phê phán thế giới hiện tại. Liệu những giá trị của tư tưởng Nietzsche có phù hợp với tư duy phương Đông, nhất là đối với tư duy người Việt?

- Tôi nghĩ rằng chúng ta là con người, trước khi là người VN, do vậy chúng ta cũng mang các giá trị phổ quát của con người.

Chúng ta có thể học được từ kinh nghiệm của nhân loại những gì hữu ích cho sự phát triển của chúng ta. Đấy là điều mà người Nhật đã làm, điều đã góp phần tạo nên sức mạnh của Nhật Bản hiện nay.

Phan Châu Trinh trước đây đã rất ý thức về chuyện này, ông đã nói rằng: “Người Nhật học (thế giới) như vậy, ta chẳng học gì cả, mất nước là phải”, tôi dẫn theo Nguyên Ngọc trong bài “Đem tinh hoa tri thức của nhân loại về cho đất nước. Một sự nghiệp lớn và cấp thiết” (Doanh nhân Sài Gòn cuối tháng, số 2, tháng 5.2007, tr. 76).

Chị đặt một vấn đề rất hay, rằng “trong lập luận của Nietzsche về mối quan hệ giữa triết học và tình trạng sức khỏe của dân tộc, có một điểm mà ông chưa bàn tới: Liệu một dân tộc bệnh hoạn có thể trở thành một dân tộc lành mạnh được không?”. Mặc dù khi ấy, chị đã biết trước câu trả lời: “Khi một dân tộc ốm yếu bệnh tật bắt đầu quan tâm đến triết học, bắt đầu thấy cần đến triết học thì đó có phải là dấu hiệu cho thấy sức khỏe của nó bắt đầu hồi phục, một dấu hiệu dự báo rằng nó có thể trở thành một dân tộc lành mạnh, cường tráng trong tương lai?”. Có bao giờ, câu trả lời từ bản thân chị bị lung lay hay không?

- Đời sống không phải là một trạng thái tĩnh, bất biến, mà nó luôn vận động và tiềm tàng những khả năng biến đổi. Con người cũng vậy.

Khả năng biến đổi này được J. Paul Sartre gọi là hạt nhân “hư vô”, hay sự “tự do” của con người.

Tuy nhiên, sự biến đổi có thể diễn ra theo nhiều hướng khác nhau, có thể tồi tệ đi, cũng có thể tiến bộ lên. Tôi đặt niềm tin, sự ngây thơ, và ảo tưởng của tôi vào xu hướng tiến bộ, tức là vào cái khả thể: Bệnh có thể lành, dân tộc có thể trở nên cường tráng. Ảo tưởng sẽ trở thành hiện thực khi có những người hành động, và nhất là khi những người hành động càng ngày càng nhiều lên.

Giữa triết học và văn chương, mối quan hệ hình và bóng lâu nay vẫn bị tách nửa ở VN. Vậy chị nhìn nhận thế nào về một nền văn học thiếu vắng tư tưởng triết học “ngoài luồng”?

- Nhiều nhà văn không đọc triết học, nhưng khi họ quan tâm tới những việc như họ là ai, đời sống này có ý nghĩa gì, nó vận động như thế nào, sự thật của đời sống này là gì, họ đóng vai trò gì đối với toàn bộ cái dòng chảy được gọi là lịch sử, họ có quan hệ như thế nào với những người khác, với cộng đồng, họ tìm kiếm điều gì, họ có thể làm gì, họ không thể làm gì, đời sống tinh thần của họ như thế nào v.v… thì họ đã gặp gỡ với những vấn đề của triết học.

Tuy nhiên, những mối quan tâm này càng trở nên có ý thức hơn, sâu sắc hơn, nếu như nhà văn tiếp xúc với các tác phẩm triết học. Một số nhà văn nước ngoài còn dùng tác phẩm của mình để đối thoại với các triết gia.

Một nền văn học thiếu vắng triết học vẫn có thể đẻ ra các tác phẩm có giá trị khi các nhà văn quan tâm thực sự đến những vấn đề thuộc về thế giới này, một sự quan tâm vô vị lợi, một sự quan tâm cho thấy tư cách người của họ. Điều đó, kỳ lạ thay, có thể đưa họ lại gần với triết học, mà đôi khi họ không biết.

Lao vào làm những cái khó, dịch những tác phẩm kén người đọc, làm luận án nghiên cứu về Alain Robbe-Grillet, nhà văn của những nghịch lý, việc lội ngược dòng này có khiến chị liên tưởng đến hình ảnh “lặn lội thân cò nơi quãng vắng”, khi mà những giá trị tri thức gần như chưa được đánh giá cao hoặc ít ra, được tưởng thưởng xứng đáng?

- Voltaire qua tác phẩm “Candide” cho ta thấy rằng sự độc ác và ngu dốt gắn liền với nhau như con gà và quả trứng, nghĩa là không biết cái nào đẻ ra cái nào.

Quan niệm đó là quan niệm chung của các nhà khai sáng ở châu Âu thế kỷ XVIII, những người ý thức được rằng tri thức chính là sức mạnh, khả năng tư duy độc lập làm nên sức mạnh cho con người.

Kant nói rõ điều đó trong bài “Trả lời câu hỏi: Khai sáng là gì?”. Chính vì thế mà trí thức phương Tây hồi đó đã phát động cả một phong trào rộng lớn nhằm đưa ánh sáng của tri thức để xóa đi bóng tối của sự ngu dốt. Và phương Tây ngày nay hiểu rất rõ giá trị của tri thức, cho dù họ không còn tuyệt đối hóa lý tính nữa.

Tôi làm việc với hy vọng rằng xã hội chúng ta sẽ đánh giá đúng giá trị và ý nghĩa của tri thức, trước khi quá muộn. Mà lúc này cũng đã là muộn rồi. Một trong những dấu hiệu, đó là nhiều người đang lấy bằng cấp thay cho tri thức. Vì thế có thể có bằng cấp (rất nhiều, rất cao) nhưng không có khả năng giải quyết các vấn đề của cuộc sống.

Ta không bao giờ trùng khít với chính mình” - trên con đường tìm kiếm tự do nội tại, Alain Robbe-Grillet đã nhận ra luôn có một con người khác trong mình. Chị cũng đã chọn cách đối thoại với ông để khám phá cả hai thế giới trong luận văn tiến sĩ của mình. Vậy có thể nói gì về con người khác trong chị, một con người của thơ (dữ dội, hoài nghi, băn khoăn, tự vấn, rất khác với vẻ ngoài), một con người của phê bình văn học (không khoan nhượng, không thỏa hiệp, không thủ cựu)?

- Tôi không biết nói gì thêm ngoài những gì đã được viết ra, đã được công bố. Cảm ơn chị đã đọc tôi rất kỹ.

Tập thơ “Chữ cái” như một giọng nói khác biệt giữa đám đông, một thân thể được khoác ngoài bằng chiếc áo chữ quá chật. Người ta vẫn thường làm đau “cái tôi của chữ”, như vẫn thường làm thế với con người. Đến nay, chị đã gần hoàn tất tập “Biến mất”, với nỗ lực “vít vào khoảng trống một hiện diện rỗng”, để “chân trời của biến mất mở vào những thế giới khác / những thế giới biến mất trong những thế giới khác”. Tập “Biến mất” mang cá tính thơ nhiều hơn tập đầu. Liệu có phải “biến mất” là một cách tự giải thoát của những con người đã ở đến đỉnh điểm của sự cô đơn, của nỗi đau, bất lực hay của trống rỗng trong thân xác?

- Tất cả chúng ta rồi sẽ biến mất khỏi cõi đời này. Một khi đã biến mất rồi thì không còn ý thức được về sự biến mất của mình nữa. Vì thế, có một lúc trong đời, vào đầu năm 2008, tôi muốn trải nghiệm cảm giác đó, để sau khi trở lại, có thể nắm bắt được ý nghĩa của sự biến mất.

Rồi khi trở về với thực tại, từ “biến mất” đối với tôi có nhiều ý nghĩa hơn.

Trong thực tại của xã hội chúng ta, những điều tốt đẹp đang dần dần biến mất. Và tôi tự hỏi, cái gì là nguyên nhân thúc đẩy sự phát triển của cái xấu và cái ác, cái gì làm biến mất những giá trị tốt đẹp, làm đảo lộn các chuẩn mực?

Tập “Biến mất” là những câu hỏi khác với những câu hỏi đặt ra trong tập “Chữ cái”. Nhiều câu hỏi chưa được thể hiện trong tập thơ này, vì nó chưa kết thúc.

Ví dụ: Chúng ta nên để lại điều gì sau khi biến mất khỏi thế giới này: những cái nhà, những cái ô tô, các tài khoản trong ngân hàng của các cá nhân? Và song song là môi trường bị phá hủy, tài nguyên mất mát, nợ nần chồng chất cho thế hệ tương lai, một nền giáo dục lạc hậu, cứng nhắc những nỗi oan khuất không được hóa giải…? Hay là ta nên để lại tri thức, các giá trị nhân đạo và một xã hội lành mạnh để con cháu sinh ra có thể tự hào vì được làm hậu sinh của một dân tộc cường tráng?

Milan Kundera từng viết: “Nếu ta không biết hiện tại sẽ dẫn ta tới tương lai nào, làm sao ta có thể nói rằng cái hiện tại này là tốt hay xấu…”, chúng ta đang ở trong một hiện tại nhiều thay đổi, sợ hãi, nơi cái ác, cái dốt nát đang mọc mầm nhanh hơn lúc nào hết, vậy chị sẽ nói gì về một tương lai gần?

- Liệu tôi có thể nói gì về tương lai khi không có đủ thông tin về hiện tại?

Trong thời đại mà thông tin trở thành sức mạnh như hiện nay, thì cả điều này nữa chúng ta cũng chưa ý thức được: Tước bỏ thông tin cũng đồng nghĩa với việc tước bỏ khả năng phân tích, khả năng tư duy; từ chối và ngăn cấm việc đối diện với thực tại cũng đồng nghĩa với việc tước bỏ khả năng tác động tới thực tại, mà nếu không có sự tác động đó thì cũng không có sự phát triển, không chuẩn bị được cho tương lai.

Lâu dần, tất cả chúng ta sẽ chỉ còn là những cá thể bị lệ thuộc và bị chi phối bởi thực tại, cả tương lai cũng bị chi phối bởi thực tại. Điều đó giải thích tại sao thái độ thích nghi được đề cao trong xã hội chúng ta. Nhưng thích nghi cũng đồng nghĩa với sự dừng lại, không phát triển.

Tuy nhiên, từ góc độ một nước đang phát triển, thích nghi còn được hiểu theo hướng khác: Thích nghi với bối cảnh chung của thế giới, bởi chúng ta đang ở trong thời đại toàn cầu hóa. Thích nghi với sự tiến bộ, thích nghi với thế giới hiện đại. Sự thích nghi này, trái lại, đòi hỏi phải cải cách, phải cách tân, phải can đảm từ bỏ những trở ngại mình đang có để tạo ra một thực tại khác. Không thể có sự phát triển nếu không chịu từ bỏ cái mình đang là để hướng tới cái mình sẽ là. Đó là một quá trình có thể đau đớn, có thể mất mát, nhưng sẽ có một bước phát triển cao hơn. Còn không thì sẽ lại trở về không.

Xin cảm ơn chị.

Nguyễn Thị Từ Huy, tiến sĩ ngành Văn học Pháp đương đại, Đại học Paris 7 (Pháp), nay đang là giảng viên khoa Văn học và Ngôn ngữ, ĐHKHXH&NV TPHCM. Tác phẩm: Thơ: “Chữ cái” (NXB Phụ nữ, 2007) được giải thơ nữ Lá trầu, tập truyện ngắn “Những con chữ” (NXB Hội Nhà văn, 2007), tiểu luận - nghiên cứu “Alain Robbe-Grillet: Sự thật và diễn giải” – luận án tiến sĩ văn chương tại Pháp (NXB Hội Nhà văn, 2009). Tác phẩm dịch: “Giờ im lặng” – tập truyện ngắn của Albert Pouvourvil (NXB Văn học, 2001), “Những tiểu thuyết của Alain Robbe–Grillet” của Bruce Morrissette (NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, 2005), “Nietzsche và triết học” của Gilles Deleuze (2010).

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Triết học không thể tách rời khỏi nhân cách và tâm hồn

    02/04/2018Nguyễn Thị Từ HuyNhiệm vụ của tôi là đưa ra ánh sáng điều mà chúng ta phải luôn luôn yêu mến và tôn sùng : bậc vĩ nhân. Như vậy ở đây triết học được nhìn như là biểu hiện và kết quả của nhân cách và tâm hồn. Triết học không thể tách rời khỏi nhân cách và tâm hồn...
  • Tính phi nhân hiện đại

    31/07/2017Evelyne GrossmanKhi Jean-François Lyotard xuất bản tập sách Cái phi nhân năm 1988 thì khái niệm nhân văn đã được đem ra để thảo luận lại từ lâu ở châu Âu, nó bị hoài nghi, và được xem xét trong tính lịch sử của nó.
  • Cái đọc với người viết

    28/10/2016Hoài NamSự đọc cần cho tất cả những ai yêu chuộng tri thức, yêu chuộng một đời sống tinh thần phong phú; riêng với người viết, đọc trở thành một điều kiện mang tính cốt tử nếu người viết thực sự muốn sống chết với nghề viết, thực sự muốn tạo lập những giá trị văn chương có thể không bị bụi thời gian che phủ; nói cách khác, phải đọc, nếu người viết muốn hiện diện với tư cách một người viết chuyên nghiệp...
  • Lang thang và tư duy

    21/03/2014Ngân Hà (thực hiện)Tháng 9.2009, cuốn Alain Robbe–Grillet: Sự thật và diễn giải đã gây chú ý với giới phê bình, nghiên cứu và nhiều nhà văn Việt Nam. Nó chính là một luận án tiến sĩ được đại học Paris 7 xếp vào hạng “tối ưu” (très honorable avec félicitations). Tác giả cuốn sách để lại dấu ấn khá đậm nét trên diễn đàn văn chương những tháng vừa qua lại là một cô gái nhỏ nhắn, có nụ cười duyên dáng. Chị là Nguyễn Thị Từ Huy, giảng viên khoa văn đại học Sư phạm Hà Nội.
  • Bàn thờ đích thực

    22/01/2011Nguyễn Thị Từ HuyBàn thờ là một trong những nét đẹp truyền thống của văn hóa Việt Nam, là nơi để biểu thị lòng tôn kính của thế hệ sau đối với các thế hệ trước trong gia đình. Hơn thế, bàn thờ còn thể hiện một khát khao sâu thẳm của người sống: mình tôn kính, nhớ tới tổ tiên để sau này con cháu sẽ tôn kính, nhớ tới mình...
  • Thư trả lời một sinh viên

    15/05/2013Nguyễn Thị Từ HuyĐã là con người thì chúng ta có quyền suy nghĩ. Đó là món quà do tự nhiên ban cho, khi nó tặng chúng ta bộ não. Còn có sử dụng quyền đó hay không thì tùy thuộc ở mỗi người, tùy thuộc vào ý thức làm người của mỗi người. Không ai và không một thế lực nào có thể ngăn cản ta tư duy. Chính ta là người duy nhất quyết định có sử dụng não bộ của mình hay không.
  • Tinh thần Đại học

    28/06/2011Nguyễn Thị Từ HuyNhững suy nghĩ trong bài viết này tập trung xung quanh một vấn đề: thế nào là tinh thần đại học. Những gì được nói ra ở đây cũng không phải là mới mẻ, tuy thế dường như đã bị lãng quên hay chưa được ý thức đầy đủ. Những suy nghĩ này cũng không có tham vọng bao quát hết mọi phương diện, mà chỉ dừng lại ở những phương diện đã không còn gây tranh cãi khi các nhà giáo dục thế giới đề cập đến giáo dục đại học...
  • Hoạt động khoa học xã hội ở đại học

    25/01/2011Nguyễn Thị Từ HuyHoạt động nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học xã hội (KHXH), chính là một điểm yếu của giáo dục đại học Việt Nam. Làm thế nào để góp phần hạn chế điểm yếu này? Để tránh việc lặp lại những kiến nghị mang tính chất chung chung, tôi xin nêu ra đây một vài biện pháp cụ thể:..
  • Cô đơn của viết

    21/07/2010Nguyễn Thị Từ Huy“Nỗi cô đơn của viết là nỗi cô đơn mà không có nó sẽ không có tác phẩm”. Phải chăng Duras muốn nói: thiếu nỗi cô đơn người ta sẽ không làm gì để biểu hiện cái riêng của mình, không nhìn gì bằng con mắt riêng của mình, tức là chỉ thấy điều mà tất cả mọi người đều thấy, và bị nhấn chìm trong đó, trong cái nhìn tập thể vô bản sắc.
  • Phân tâm học trong nghiên cứu văn học*

    26/06/2010Evelyne GrossmanTa biết tất cả những gì mà người ta đã có thể trách cứ (và còn tiếp tục trách cứ) về một số cách tiếp cận theo hướng phân tâm học trong việc nghiên cứu văn bản văn học.
  • xem toàn bộ