Những người bẻ ghi nước Nga khỏi ngã ba giữa hai chủ nghĩa

06:16 SA @ Thứ Tư - 06 Tháng Mười Một, 2019

Sau hai thập kỷ nếm trải cuộc bể dâu – chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở Liên Xô – Nga, có hai niềm “đau đớn lòng”. Một là: người dân gần như đổ hết trách nhiệm cho những tai họa trong đời sống kinh tế - xã hội hôm nay cho ê kíp các nhà kinh tế “thợ vườn”, như Anatoly Chubais và Yegor Gaidar, từng phất cờ “tư nhân hóa” cho Boris Yeltsyn. Hai là: có kẻ vinh thân phì gia, do “làm nghèo đất nước”, mà vẫn tiếp tục “vào cầu rực lửa”, nhưng cũng có trí thức nửa mùa sang làm chính khách chịu phận “hình nhân thế mạng” (?)

Khi chính khách làm thơ

Vào lúc xứ Bạch Dương ngập ngừng đứng trước cuộc bầu cử Tổng thống, dùy là dĩ bất biến, đã ra đời cuốn sách Ngã ba đường trong lịch sử hiện đại của Nga, của hai cựu lãnh đạo chủ chốt, từng là bà đỡ của chủ nghĩa tư bản ở nước Nga mới, Yegor Gaidar (1956-2009) và Anatoly Chubais, hiện là giám đốc Tổng công ty nhà nước về công nghệ Nano Rosnano.

Đài Echo Moskva 9/11/2011 loan tin tại buổi giới thiệu sách, các anh tài từng dẫn dắt nền kinh tế Nga, như Evgeny Iasin, Alexei Kundrin và đồng tác giả còn sống ông Anatoly Chubais… đã đọc thơ, vè, ca ngợi “đồng đội” và “Timus”, tức là đội hình các nhà cải cách, hiện tự xem mình “đã cứu đất nước Nga” tại thời cuộc nước sôi lửa bỏng đầu thập kỷ 90.

Ngôn từ được cha đẻ ra giai cấp tư sản Nga mới, A. Chubais, nghe giống như của các “bố già”, nhưng khá đặc trưng cho lời ăn tiếng nói vẫn dùng bởi đội hình của chủ nhân Kremli hôm nay. Đây là một đoạn diễn thuyết của ông Chubais trong buổi giới thiệu sách, được nhiều kênh truyền thông chuyển tải, với tiết tấu như đoạn thơ:

“Nếu dân chúng không có gì để nhai, lại cần mua 20 triệu tấn ngũ cốc – lấy gì mà mua đây? Không thể trả bằng rúp – một đồng tiền chưa được chuyển đổi, cần ngoại tệ. Nhưng ngoại tệ lấy đâu ra. (A. Chubais trích một câu từ tiếu lâm Liên Xô để minh họa tình huống lịch sử ?) Lấy từ dầu và khí đốt. Đem bán. Nhận được “xèng” (tiền đô). Rồi đánh đùng một cái, giá dầu hạ. Xong, chấm dứt lịch sử, sụp đổ chế độ (ý nói Liên Xô)”.


Gaidar và Chubais, cùng một số đảng viên trí thức trẻ, được giao nghiên cứu chuyển dịch sang thị trường của nền kinh tế XHCN, Liên Xô đầu những năm 80.

Chuyến tàu nhanh

Phóng viên K. Legler của kênh truyền thông TV- Center – Moskva, theo sách “Ngã ba đường… “, giúp ta khái quát bối cảnh của “nước Nga đầu thập kỷ 90 – giống như một đoàn tàu hàng chở nặng lao đến chỗ bẻ ghi của đường ray. Đi sang bên phải – sẽ tồi tệ, đi sang trái – còn tệ hơn” (1), có thể xảy ra nội chiến. So sánh này được tác giả Chubais và cố đồng tác giả Gaidar đưa ra (để giải thích vì sao) họ đã phải quyết định bẻ ghi cho con tàu này đi đâu, nếu không nó sẽ lật bánh. Và có lái con tàu đi đâu nữa, thì dân gian cũng sẽ nói “Chung quy chỉ tại Chubais” (2), hoặc “Chung quy chỉ tại Gaidar”. Cuốn sách này là nỗ lực giải thích, để làm gì, và vì sao cần đến những cuộc cải cách theo một cách thức bất thường như thế…

Vào đầu năm 1992, hai tác giả khẳng định, đã rõ ra rằng kho lương thực chỉ đủ đến tháng 2, tháng 3. Mà tiền nong để mua bột mỳ không còn. Chỉ còn lại lựa chọn: hoặc tiến hành chính sách trưng thu lương thực theo cung cách chính sách cộng sản thời chiến (của năm 1918), hoặc thả cho giá “bơi tự do”, càng nhanh càng tốt.

Cuốn sách được cựu bộ trưởng kinh tế Iasin (nhiệm kỳ 1994-1997) ca tụng là “lịch sử được viết bởi những người làm nên lịch sử”!

Người đọc cũng kinh ngạc vì hai tác giả sách “Nga ba đường… “ sinh giữa những năm 1950, nhưng cuốn sách, dù khổ rộng nhưng khá mỏng – trái với truyền thống Xô- Nga, lại “quét” một khoảng rộng: từ 1928 đến 2008 (!)

Trên tờ KM, tác giả A. Romanov phê bình sách của hai con người “làm nên lịch sử”:
:”Đến mùa thu này là tròn hai mươi năm, từ ngày hai nhà cải cách trẻ tuổi, dù “còn chưa thạo việc”, đã đầy tự tin lao vào cuộc tư nhân hóa. Các tác giả sách kỳ công giảng giải rằng mọi thứ đã được làm đúng, cho dù có một ít sự cố. Rồi bỗng nhiên mọi thứ thay đổi kỳ quặc (?).

Gaidar loay hoay nhấn mạnh rằng, có những con tàu chở ngũ cốc không hiểu sao lại cứ dừng ở phao số không, và nếu không có những nỗ lực “thông thái” của ông, thì nước Nga mới chắc đã chết đối từ lâu. Cả hai tác giả đồng thanh khẳng định, nếu họ không thể hiện những hành động “anh hùng, thì (giữa thập kỷ 90), ở nước Nga chưa đầy tuổi tôi đã xảy ra nội chiến rồi…

Các tác giả giải thích rằng ý tưởng tư nhân hóa tự nó xuất hiện. Rằng họ không phải là tác giả của ý đồ dùng voucher (trái phiếu chính phủ, dù được phát không cho dân, nhưng các nguồn Nga cho rằng các “phó thường dân” đã không được hưởng lợi gì từ voucher) để tư nhân hóa.

Tờ KM của Nga đặt tên cho bài bình sách “Ngã ba đường…” là “Chubais bẻ ghi sang nomenklatura (trung gian nịnh thần) là đã quá nhanh tay trong tư nhân hóa, còn nhân dân thì ngược lại, hơi bị “trâu chậm”, nên chiếc bánh “tư nhân hóa” bị nướng hỏng từ đầu.

Chubais viết: “Bọn trung gian nịnh thần rất quan tâm đến quá trình tư nhân hóa. Họ là tiên phong trong việc nhận biết triển vọng và ưu thế của sở hữu tư nhân. Và bởi vì trong nó (tư nhân hóa) có những đòn bẩy quản trị thực sự, bọn quan liêu chôm ngay lấy chúng (đòn bẩy tư nhân hóa) để chiếm đoạt tài sản (làm của riêng)”.

Vì không thể chặn được quá trình này, nên Gaidar và Chubais “đành phải lãnh đạo nó vậy”, tờ KM khái quát. Quan trọng là (quá trình tư nhân hóa) phải tạo dựng bằng được thể chế sở hữu tư nhân ở Nga, Chubais khẳng định.



Chủ nghĩa kẻ cướp

“Mục tiêu của tư nhân hóa là xây dựng chủ nghĩa tư bản ở Nga, đồng thời chỉ trong vài năm, phải hoàn thành được chỉ tiêu thời gian này, trong khi phần còn lại của thế giới phải mất vài thập kỷ (mới xây dựng thành công CNTB” (3), Chubais tiếp tục.

“Tư nhân hóa không phải là vấn đề tư tưởng hay giá trị trừu tượng nào đó, mà là vấn đề của thực tiễn đấu tranh chính trị hàng ngày. Các lãnh tụ cộng sản có thực lực cực mạnh trong tay, cả về chính trị, hành chính, lẫn tài chính… Chúng tôi phải loại bỏ họ, đồng thời chúng tôi không có thời gian. Quỹ thời gian không tính theo tháng, mà theo từng ngày. Chúng tôi không thể lựa chọn giữa tư nhân hóa trung thực, hay không trung thực. Vì tư nhân hóa trung thực đòi hỏi các luật lệ rõ ràng, quy định bởi nhà nước mạnh, có năng lực đảm bảo tuân thủ luật pháp. Các lực lượng an ninh và công an lúc đó đang ở phía bên kia của chiến lũy (ở bên phe làm đảo chính tháng 8/1991 chống lại phe chủ trương TBCN). Chúng tôi đành phải lựa chọn giữa chủ nghĩa xã hội kẻ cướp và chủ nghĩa tư bản kẻ cướp”. (4)

Chubais tiếp tục kể công:

“Nếu chúng tôi không tiến hành tư nhân hóa chỉ theo kiểu cầm cố, thì cộng sản đã có thể thắng trong cuộc bầu cử năm 1996, và đó sẽ là cuộc bầu cử tự do cuối cùng ở nước Nga, bởi vì các chàng trai ấy (cộng sản) sẽ không dâng chính quyền một cách đơn giản”.

Tuy nhiên, đối với đa số dân Nga, cuộc đại cách mạng chống cộng này chỉ là một cuộc “đại chôm chỉa”,. Một thương gia đời mới, Kaha Bendukidze nhớ lại:

“Đối với chúng tôi, tư nhân hóa quả là lộc trời cho. Nó có nghĩa là chúng tôi (các đại gia trong tương lai) có thể tiến tới, mua bất kỳ của cải gì của sở hữu nhà nước theo những điều kiện ưu đãi… Và chúng tôi đã mua được miếng màu mỡ nhất của tiềm năng công nghiệp nước Nga . Món đầu tư hời nhất ở nước nga mới là mua các nhà máy theo giá bị hạ thấp xuống” (5)

Theo Chubais, chuyển vào tay nhóm đầu sỏ chính trị quyền kiểm soát các xí nghiệp với hàng triệu công nhân cho phép họ (đầu sỏ chính trị) kiểm soát quyền hành về hành chính. Đây là một nhân tố nữa be chắn được sự quay lại nắm chính quyền của “phe cộng sản” năm 1996.

Trên báo Financial Times của Anh số ra 13/11/2004 có bài “suy tôn” Chubais là “cha đẻ của giai cấp đầu sỏ chính trị” của Nga (Father to the Oligarchs) (6).

Sách "Bọn đầu sỏ chính trị: giàu có và quyền lực ở Nước Nga mới" của David Hoffman, xuất bản 2003.

Nửa chừng xuân

Sách “Ngã ba đường…”, một thứ hồi ký “sóng đôi”, được bắt đầu viết bởi quyền thủ tướng đầu tiên (nguyên văn – Chủ tịch Chính phủ) của Nga, Yegor Gaidar, và được kết thúc bởi người còn sống trong bộ đôi “tư bản hóa”, ông A. Chubais, cho dù chính Chubais cũng suýt đi gặp “Sa hoàng” Yeltsin, trong vụ mưu sát bởi những người trong Hồng quân năm 2005. Trong “Ngã ba đường…” Chubais khẳng định giai cấp mới (thành phần kinh tế tư nhân), đã được đẻ ra và cộng sản hết đường quay lại chính quyền.

Được mang họ Gaidar như một thứ biểu tượng của thời đại Xô viết, học ở Anh về, nhưng Yegor Gaidar cho tới đầu những năm 1990 vẫn chỉ là một trong ngàn vạn nhà kinh tế chính trị Mác – Lê ở Liên Xô, phải làm thêm chân biên tập viên cho tạp chí Người Cộng Sản, để khỏi quá vô danh.

Nhưng đã xảy ra cuộc đảo chính năm ăn năm thua của “cận thận” với Gorbachev, để giành lại những quyền lợi “vua chúa” (chữ dùng của chính Gorby) của mình. Trên chiến lũy ủng hộ Tổng thống đầu tiên của nước Nga, chỉ trong một đêm 20 rạng 21/8/1991, Yegor Gaidar chợt biểu lộ chống phục hồi chủ nghĩa Xô viết ghê gớm, đến mức được tiến cử lên Boris Yeltsin. Vị tổng thống của nước Nga lại đang thiếu thốn một đường lối đi thẳng lên CNTB, đã đặt lòng tin vào Gaidar và các “nhà cải cách trẻ” chủ trương kinh tế thị trường.

Nhưng vẫn cần một “bàn tay sắt” cho đôi hình những nhà cải cách của Gaidar, vốn quen nói suống. Theo sách Lịch sử Nga 1917-2007 của A. Barsenkov, các tác giả cho rằng Chubais đến lúc này, từ chốn quê xa xôi Leningrad, đã nổi danh là một nhà cổ súy “sắt máu” cho chủ nghĩa kinh tế tự do. Số đỏ đã đến với Chubais, anh ta lập tức “chùa” được chức Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về tài sản nhà nước. Những gì diễn ra tiếp sau chúng ta đều đã rõ.

Khác với Chubais, dù cũng “phất” nhanh, nhưng đường quan lộ của Gaidar hơi bị ngắn. Tham chính thực sự tổng cộng khoảng hơn 1 năm (11/1991- 12/1992 và từ 9/1993 – 1/1994), nhưng quyền thủ tướng Yegor Gaidar vẫn đủ thời gian để chọc kim tiêm, bơm liệu pháp “sốc” về kinh tế vào cơ thể hậu Xô viết, sẽ dày vò ông sau đó, từ khi về vườn đến lúc về trời. Công của Gaidar, theo học giả Nga, là dựng thể chế kinh tế cho nước Nga hiện tại: thuế quan, hải quan, hệ thống ngân hàng, thị trường tài chính. “Tội” của ông, theo lời của chính Gaidar, là siêu lạm phát, làm mất giá tiền tiết kiệm của nhân dân, làm suy thoái nền sản xuất, đặc biệt là công nghiệp quốc phòng, là các sản phẩm không có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, là suy giảm trầm trọng mức sống, làm tăng sự phân hóa về thu nhập (của dân cư). Năm 2000, tên của Gaidar được dân Nga xếp sau Yeltsin, Gorbachov và Chubais trong một danh sách làm hại nước Nga nhiều nhất (7).

Việc Gaidar “bật bãi” sớm có thể do chuyên gia KTCT học Mác- Lê này quên rằng ở xứ sở của các Sa hoàng, quyền hành luôn phải được quy hồi lập tức thành giàu sang, rằng trong cuộc “đi tắt đón đầu” lên TBCN của nước Nga, việc trang bị tư bản cho “Hoàng gia” thậm chí phải đi trước một bước. Hay cả ông nữa, cũng a dua xây dựng một giai cấp tư sản đầu… sỏ chính trị, đuôi cướp (8)? Cuốn “Nga ba đường…” lảng tránh câu hỏi này.

Về vườn, Gaidar viết sách về quá độ lên TBCN ở Nga, nhưng không “nổi” mấy. Cho tới 2008, Y. Gaidar, đa ốm, đã thông báo với BBC là ông “bị đầu độc bởi những kẻ thù mình trong Điện Kremli”. Thực ra, trong một xã luận bằng cả tiếng Nga và tiếng Anh ngay từ 2006, Gaidar đã cảnh báo rằng đang bị đầu độc bởi kẻ thù trong chính quyền Nga (9), nhưng âm mưu “diệt khẩu” này đã không được chú ý! Năm 2009, Gaidar qua đời, hưởng dương 53 tuổi. Cái chết của ông hiện vẫn là đề tài tranh luận.

Gần đây, trên truyền hình Nga, thân mẫu và vợ góa của Gaidar, muốn nhắm nhủ với chúng ta, rằng Yegor đã bị lợi dụng vào một sự nghiệp cách mạng “rởm”. Để rồi bị biến thành “hình nhân thế mạng”.

Nhưng hình nhân thế mạng cho cuộc “đi tắt đón đầu” lên tư bản chủ nghĩa mà Chubais được (và tự) xem là tổng công trình sư, đã có thể đông đảo hơn, tới hàng chục triệu lần. Tháng 11/1994, Chubais, vừa lên chức Phó thủ tướng, đã tuyên bố thẳng thừng với Chủ tịch mới của Ủy ban Quốc gia về tài sản nhà nước, V. Polevanov :”Việc gì ông phải quan tâm đến những người dân ấy? Ừ nếu chết 30 triệu người Nga không thể hòa nhập vào thị trường, thì đã. Vô tư đi, bọn trẻ sẽ lớn lên” (10).

Không ít bài báo đã nghĩ rằng không lẽ Chubais, “cố tình phá hoại đất nước, hủy diệt người dân Nga”, lại chỉ bị kết án bởi tòa án của lịch sử. (11)

Trong các bài viết bởi các đầu óc tỉnh táo của nước Nga, người ta tự hỏi không hiểu sao hôm nay Chubais vẫn tung tăng trong cuộc chơi mới của nền chính trị Nga, chẳng hạn, chương trình “hiện đại hóa công nghệ”. Và liệu có phải vì Chubais ngoài các “thành tựu” bề nổi kể trên, còn bẻ ghi được để giúp kíp bay của những người lái vĩ đại đến từ Leningrad (12), bay cao bay xa, trên quảng trường Đỏ?

Chú thích:

1) Gợi lại điển cố chuyện thần thoại về hoàng tử Ivan: đi sang phải mất ngựa, đi sang trái mất mạng…
2) Ý được xem là của Yeltsin, cho dù ông này sau đó vẫn trọng dụng Chubais
3) Sách “Sa xuống vực thẳm: nước Nga cuối thế kỷ XX
4) Father to the Oligarchs: http://www.ft.com/intl/cms/s/0/8fe3b5c2-3518-11d9-978c-00000e2511c8.html
5) Sách “Sa xuống vực thẳm: nước Nga cuối thế kỷ XX
6) Father to the Oligarchs: http://www.ft.com/intl/cms/s/0/8fe3b5c2-3518-11d9-978c-00000e2511c8.html
7) Последнее десятилетие: ретроспектива: http://bd.fom.ru/report/cat/pow_pec/dd003234
8) Chương trình của kênh truyền hình Nga: “Суд истории - над Чубайсом или СССР?” http://politonline.ru/video/1485.html
9) http://en.wikipedia.org/wiki/Yegor_Gaidar#cite_ref-11
10) http://renclassic.ru/Ru/Phenomenon/956/1006/
11) Thuật ngữ truyền thông “đội hình Saint – Peterburg”, có lúc là “dự án Saint – Peterburg”, hoặc “Putin và đồng đội” – chỉ nhóm lãnh đạo chủ chốt hiện nay, đến từ Saint Peterburg

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nước Nga, 21 năm sau và một chàng kị sỹ đứng dậy

    06/11/2019Nguyễn Quang ThiềuNước Nga đã thay đổi như một giấc mộng. Ngày hệ thống các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, đã có không ít người Việt Nam ở lứa tuổi cha tôi khóc. Với họ, Liên Xô ngày ấy như một người anh em thăng trầm có nhau, như một chỗ dựa tinh thần vững chắc, như một niềm tin và như nơi chứa đựng những ký ức đẹp cho dù rất nhiều người trong số họ chưa hề đặt chân đến đất nước này.
  • Chúng ta đã thực sự hiểu nước Nga?

    04/11/2017PGS - TS Phạm Vĩnh CưMặc dù rất yêu mến, nhưng chúng ta còn hiểu biết hời hợt và lệch lạc về nền văn hoá ấy, cho nên không thể nói rằng văn hoá Nga đã bắt rễ sâu vào Việt Nam như văn hoá Pháp, mặc dù về mặt chính trị, trong thời kì dài ta và Pháp là thù mà ta với Nga lại là anh em chí thân chí cốt...
  • Tầng lớp đặc quyền của Đảng CS Liên Xô

    24/02/2014Vào một ngày mùa thu năm 1988, đột nhiên có hàng trăm, hàng nghìn nguời tụ tập bên ngoài của một cửa hàng ở Thủ đô Moscow. Nguyên nhân gì đã khiến cho cửa hàng không phải là lớn này trở thành tâm điểm của báo chí và dư luận đến vậy?
  • Bảy ngày ở nước Nga

    18/02/2013Nguyễn Quang ThiềuChuyến bay Hà Nội - Moscow ngày 9 tháng 10 dài gần mười tiếng đủ cho tôi nhớ lại những gì ấn tượng nhất về Moscow. Cho dù sau này tôi đã đến và đã lưu lại một thời gian khá dài và nhiều lần ở các thủ đô khác như Sydney, Washington, Stockhom, Oslo, Tokyo... thì Moscow vẫn là một thủ đô tôi nhớ đến với một nỗi nhớ đặc biệt...
  • Liên Xô tan rã, Đảng Cộng sản âm thầm rút khỏi vũ đài lịch sử

    23/09/2010Đầu những năm 90 của thế kỷ 20, loài người chứng kiến sự kiện Liên Xô - cường quốc có diện tích khổng lồ trải rộng trên lục địa Á - Âu, có lực lượng vũ trang hùng mạnh... nhanh chóng sụp đổ mà không phải đối mặt với một cuộc xâm lăng hay gặp một biến cố tự nhiên đặc biệt nào. Cho đến nay, nhiều học giả trên thế giới vẫn cố gắng nghiên cứu, lý giải nguyên nhân tan rã của Liên Xô.
  • Quan điểm và cách nhìn nhận của học giả Việt Nam về sự sụp đổ của Liên Xô và tiền đồ chủ nghĩa xã hội.

    30/07/2010Trần Nguyên ViệtTrong bài viết này, tác giả đã đưa ra và phân tích quan điểm và cách nhìn nhận của các học giả Việt Nam trong những năm gần đây về những nguyên nhân cả bên trong lẫn bên ngoài, khách quan lẫn chủ quan dẫn đến sự sụp đổ đó và về tiền đồ tươi sáng, về triển vọng phát triển của chủ nghĩa xã hội trong tương lai từ thực tiễn đổi mới của Việt Nam và cải cách mở cửa của Trung Quốc.
  • Ai mất nước Nga?

    13/11/2007SorosSự sụp đổ của đế chế Soviet năm 1989 và sau đó Liên Xô năm 1991 đã cho một cơ hội lịch sử để biến đổi khu vực thành các xã hội mở. Nhưng các nền dân chủ Tây phương đã thất bại để nắm lấy cơ hội; cả thế giới chịu các hậu quả. Liên Xô và sau đó nước Nga đã cần sự giúp đỡ từ bên ngoài vì xã hội mở là một hình thức tổ chức xã hội tinh tế hơn xã hội khép kín.
  • Nước Nga năm tháng và hoài niệm

    15/11/2006Hồ Sĩ VịnhTạm biệt nước Nga sau 15 ngày rong ruổi với tâm trạng vừa hân hoan vừa lưu luyến. Hân hoan vì đã gặp lại những nhà hoạt động xã hội nổi tiếng, những người thầy phúc hậu, những người bạn chân thành mà vào thời đó đã giúp đỡ chúng tôi trên con đường học tập và nghiên cứu. Còn không lưu luyến sao được khi phải rời một xa đất nước...
  • xem toàn bộ