Nói bóng nói gió

09:25 SA @ Thứ Bảy - 31 Tháng Bảy, 2010

Người Việt Nam nói nhiều hơn người Tây.

Đó là kết quả bịa đặt của một dự án nhiên cứu chưa được thực hiện.

Theo kết quả tin cậy của một dự án nghiên cứu đã được thực hiện , người Mỹ nói 7,439 từ trung bình mỗi ngày. Để tìm hiểu vấn đề, các nhà ngôn ngữ học Mỹ đã thu âm hơn 1,000 người thuộc nhiều bộ phận xã hội từ buổi sáng đến lúc ngủ đêm, rồi nghe lại, đếm lại – họ lắp “meter taxi” ngay trên miệng.

Tôi nghĩ với người Việt Nam 7.439 từ là chuyện nhỏ. Mặc dù chưa có cuộc khảo sát lớn (tôi đề nghị các nhà ngôn ngữ học Việt Nam vào cuộc) nhưng theo những gì tôi quan sát trong mấy năm gần đây, mức số trung bình ở Việt Nam phải hơn, thậm chí gấp đôi.

Nói cách khác, đoạn đường vẫn thế nhưng meter Việt Nam hiện con số cao hơn hẳn.

Có nhiều lý do.

Văn hóa là một lý do. (Văn hóa luôn là một) Người Việt Nam đơn giản thích chia sẻ với nhau, sống tình cảm, tính cộng đồng lớn. Ở đâu tôi cũng thấy người Việt nói chuyện với nhau, tại các cơ quan nhà nước, ở các quán cốc vỉa hè, trong các ngồi nhà trong ngõ, trên các ghế đá cạnh hồ.

Các cửa hàng nhỏ bên Canada sẽ có một người bán hàng ngồi một mình đợi khách. Các cửa hàng nhỏ ở Việt Nam sẽ có hai, ba người nói chuyện với nhau từ lúc mở cửa đến lúc đóng. Trong nhiều văn phòng làm việc nhân viên ngồi sát gần nhau; một người chị mang đĩa hoa quả vào là thành cuộc hội thảo ngay.

Thêm điều kiện thực tế nữa. Việt Nam tập trung 90 triệu người dân trong một đất nước nhỏ, trừ đi khu vực núi (2/3 dân số sống trên 1/4 diện tích) lại càng nhỏ hơn. Nhiều người vui tính trong một không gian nhỏ hẹp sẽ dẫn đến nhiều cuộc trò chuyện sôi động.

Nói nhiều thì nói gì?

Thứ nhất tôi thấy người Việt Nam hay bình luận và nhận xét. Nhìn cái nào, nói về cái đó, diễn đạt những gì xung quanh mình bằng lời. Trời nóng người Việt Nam nói “nóng”. Một phụ nữ cao 1m85 đi bộ qua, người Việt nói “cao!”. Một đứa trẻ cười, người Việt nói “cười”.

Hôm trước tôi đi xem phim ở Megastar; tôi và bạn tôi ngồi giữa hai chị tầm ba mấy tuổi. Nhân vật cười người chị ngồi bên tay phải nói “cười”. Nhân vật khóc người chị ngồi bên tay phải nói “khóc”. Nhân vật bị bắn, ngã xuống đất, hai chị ngồi hai bên nói “chết!!”. Cứ như thế đến hết bộ phim, “cười”, “khóc”, “chạy”, “ngã”, “chết”.

Có một lần tôi đi siêu thị cùng một cô bạn Việt Nam trước đây làm người mẫu. Siêu thị khá đông. Đi đâu cũng có người nhìn bạn tôi và nói “cao” (Cao nhỉ! Cao đấy! Cô cao kia!). Không phải nói nhỏ mà nói rất tự nhiên, cả tôi lẫn bạn ấy nghe được rõ. Ngày hôm đó bạn ấy “thu” được ít nhất 30 chữ cao, còn nhận được “boa” khoảng 10 chữ xinh nữa.

Còn tôi đi đến các vùng quê là thu được rất nhiều từ "Tây". Các trẻ em đi xe đạp, các người già nhìn ra cửa sổ. "Tây Tây Tây!" Tôi thích nhìn ngay về phía sau lưng rồi hỏi "đâu, đâu đâu?"

Ở Việt Nam, người ta đi ăn cơm là nhận xét một cách phong phú về…cơm đang ăn. Ở bên Canada người ta thường vào nội dung chính luôn: “Công việc mới của chị thế nào? Chuyện nhà mới giải quyết xong chưa?”, nếu nhận xét về các món đang ăn chỉ có vài câu ngắn. Ở Việt Nam, tôi thấy việc nhận xét các món là rất cần thiết, ai cũng tham gia. Ôi ngon (ngon như thế nào). Không ngon (thiếu cái gì). Cũng được (chỗ kia ngon hơn)

Xem trận bóng đá trên VTV3 cũng vậy. “Vào!” bình luận viên Việt Nam kêu. “Không vào!”. “Rất nguy hiểm!”. “Các cầu thủ mặc áo đỏ”. Những điều đó rõ ràng. Rõ ràng bóng đã vào. Rõ ràng bóng đã không vào. Rõ ràng trường hợp đó là nguy hiểm và rõ ràng các cầu thủ đang mặc áo đỏ. Nhưng bình luận viên vẫn nói, như một lời ru. (Ở Anh, bình luận viên bóng đá hay "nói thêm" thôi, những điều rõ ràng để người xem tự cảm nhận).

Ở Việt Nam không phải chỉ có con người mới bình luận nhiều mà các loại phương tiện giao thông nữa. Ở bên các nước phương Tây người lái xe ít dùng còi. Nếu dùng là để chuyển thông tin cực kỳ quan trọng (mày suýt bị đâm chết đấy!). Nhưng ở Việt Nam người lái xe dùng còi để chuyển nhiều loại thông tin khác nhau: “Tôi đang đi đằng sau bạn đấy” (Mà lúc nào cũng có người đi đằng sau), “Tôi đang vội”, “Tôi đang vui”, hoặc thậm chí “Tôi đang tồn tại và sự tồn tại đó hiện giờ là trên một chiếc xe máy.”

Chuyển tình cảm

Chắc mục đích chính của người nhận xét vậy không phải để chuyển thông tin mà chuyển tình cảm, kết nối với người xung quanh. Nói bóng nói gió để khẳng định sự tồn tại của mình, sự tồn tại của những người xung quanh, và sự quan hệ giữa hai sự tồn tại ấy.

Đương nhiên nội dung chính các cuộc trò chuyện diễn ra ở Việt Nam giống ở các nước phương Tây: công việc, gia đình, chất lượng phim, số lượng ngày nghỉ, không chỉ dừng lại ở việc nhận xét. Nhưng việc nhận xét ấy có chất rất Việt Nam.

Nô-en năm ngoái tôi đã về Canada chơi. Khi đi taxi tôi cùng người lái ngồi im. Tôi đã ở lại hai tuần rồi bay về Hà Nội. Hạ cánh ở sân bay Nội Bài xong tôi bắt taxi về nhà thuê. Đi khoảng năm phút trời bắt đầu mưa.

“Mưa” tôi nghĩ.

“Mưa” anh taxi nói.

Lúc đó tôi biết tôi đã về Việt Nam rồi.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bốn thói xấu của người Việt đương đại

    19/07/2017Nói “của rất nhiều người Việt ” là để dễ lọt tai, thật sự cầu thị thì phải nói là Một số thói xấu của người Việt thời nay bởi vì những thói xấu này đang rất thịnh hành và phổ biến. Nói “người Việt hiện nay” là để giới hạn thời gian trong một số những thập kỷ gần đây, có thể người Việt xa xưa và người Việt trong tương lai không mắc những thói xấu này.
  • Thói hư tật xấu của người Việt: Phù phiếm, sợ mang tiếng, nói liều làm ẩu, mưu danh bằng hạ nhục

    27/03/2014Vương Trí NhànHạng quân tử ở nước ta mà tôi thấy hầu hết ở trong cái phạm vi của Tống nho. Giữ mình đừng đánh bạc, đừng uống rượu, đừng mang tiếng xấu, ấy là họ kể chắc mình làm quân tử rồi.
  • Tính tự phán của người mình

    18/11/2013Thái AnGần đây, chứng kiến những bước tiến mạnh mẽ của Trung Hoa trên trường quốc tế, lại thấy dư luận hâm nóng một cuốn sách được xuất bản cách đây hai thập kỷ. Đó là cuốn Người Trung Hoa xấu xí của Bá Dương...
  • Tự nhiên như người Hà Nội

    08/01/2009Nguyễn Trương QuýChẳng rõ có phải vì mang thân là thủ đô tập quyền về đủ mọi mặt từ xưa đến nay (những đứt quãng không nhiều so với toàn cục) mà Hà Nội mặc nhiên được coi như là khuôn vàng thước ngọc cho các giá trị, nhất là văn hoá của đất nước. Cô gái đẹp thì ai cũng đồng ý là đẹp, nhưng được bầu làm hoa hậu thì khốn khổ, sẽ có ngay ý kiến bình luận liệu cô ấy có xứng đáng chưa, hoa hậu thì phải trả lời ứng xử tốt nữa...
  • Người Việt trong mắt ai?

    23/03/2006Hồng Quyền... những tiếng cười hô hố vang lên. Có những đoạn bình luận về mông, về ngực hết sức thô tục dành cho... người đẹp.