Phản đề của “người Việt xấu xí”

06:47 CH @ Thứ Sáu - 12 Tháng Giêng, 2007

Có những điều hết sức bình thường, có thể gọi là thâm căn cố đế, trong mỗi người Việt. Những điều ấy đôi khi cản trở sự tiến bộ, nhưng lại hoàn toàn có thể là cái nền xây đắp những điều tốt đẹp khác. Nhìn vào thói xấu của người Việt cũng là một cách để tự sửa mình. Nhưng chỉ nhìn vào những thói tật, suốt ngày mổ xẻ những điều đó như một khoái cảm thì quả nhiên là việc làm không bình thường....

Mới đây, trang blog cá nhân của một nhà báo có viết một thực tế khá ngộ nghĩnh: Một cô phóng viên đến "săn" vị quan chức ngành giáo dục và kiên quyết cho rằng, nền giáo dục đào tạo nước nhà quá kém, nhiều bất cập và làm thế nào để chúng ta không đào tạo ra những... phế phẩm. Cô nhìn thấy ở nền giáo dục ấy là một vòi bạch tuộc, sản sinh ra đủ thứ khuyết tật và gây nguy hại cho nhiều thế hệ.

Vị quan chức giáo dục than rằng, nền giáo dục nhiều bất cập thật, sai cũng không ít, báo chí nói không ngừng nghỉ biết bao năm, nhưng sự sửa sai cũng cần có thời gian, không phải trong chốc lát, không phải chuyện của một cá nhân. Nhưng bất cập nhiều đến đâu thì chúng ta cũng không phải cái lò đào tạo những phế phẩm. Nếu tất cả là phế phẩm thì đất nước Việt Nam không biết sẽ ra sao? Và cô phóng viên kia, không biết cô đã được trang bị những gì từ nhà trường, nhưng nếu cô coi mình là một phế phẩm, thì cô không dám hiên ngang để hỏi những điều ngông cuồng như thế...

Bài viết ngắn trên blog của nhà báo ấy đã lập tức nóng bỏng với hai chiều dư luận ngược nhau. Trong đó, không ít ngôn ngữ hè phố đã được sử dụng, những người sử dụng ngôn ngữ hè phố cho rằng, giáo dục Việt Nam không ra gì, không đáng một xu so với nền giáo dục tiên tiến "của Tây". Và bài viết bênh vực nền giáo dục Việt Nam là sự bao biện, thủ cựu, chứa nhiều giả dối.

Ai cũng có thể nói mình là nạn nhân của một nền giáo dục lạc hậu với nhiều điều dối trá. Nhưng ít ai đặt ra những phản đề cho mình, rằng mình sẽ làm gì để góp phần thay đổi tình trạng đó, tại sao mà những bất cập lại phát sinh? Cũng không mấy người đặt ra câu hỏi rằng, tại sao cũng trong một hệ thống giáo dục ấy, cũng trong những tư duy còn nhiều lạc hậu ấy, vẫn có những người Việt trẻ tài năng, thành đạt, đoạt những giải thưởng lớn quốc tế? Chắc chắn, những học sinh ấy không bao giờ cho rằng mình là một phế phẩm của nền giáo dục Việt Nam.

Chúng ta thường nhìn vào mặt trái để đổ lỗi cho mọi chuyện, trong đó có sự thấp kém của chính chúng ta, mà quên mất một câu thực sự cũ nhưng thực sự quan trọng rằng "tiên trách kỷ, hậu trách nhân". Tôi nhớ một nhà văn trẻ người Việt đang làm tiến sỹ xã hội học tại Hoa Kỳ, người chịu sự tác động cụ thể từ hai nền giáo dục cách xa nhau nửa vòng trái đất, có nói đại ý rằng, tất nhiên giáo dục Hoa Kỳ có nhiều tiến bộ hơn Việt Nam, nhưng ở đó cũng có những hệ quả và những bất cập mà chỉ những ai đi sâu vào thực tế mới hiểu được.

Ở nước Mỹ cũng có không ít trẻ em thất học, không ít người học hành dở dang và người thất nghiệp không hề hiếm. Còn học tập có thành công hay không, cái quyết định lớn nhất vẫn là ở người học. Nếu không tự học, thì nền giáo dục có ưu việt đến mấy cũng không thể sản sinh ra những nhân tài.

Có lẽ trong những diễn đàn, trong những cuộc tán gẫu "chửi" nền giáo dục "đào tạo ra những phế phẩm" xuyên màn đêm, không nhiều lắm những người Việt trẻ tự vấn lại mình, rằng mình có thực sự muốn học hay chưa, hay thực chất mình vẫn là một kẻ muốn người khác mang điều tốt đẹp tới? Chúng ta có đôi chân và có một khối óc, chúng ta có thể tự đem đến những điều tốt đẹp cho mình thay vì ngồi đó nói như những cái loa rè, nói những điều không làm bất cứ ai lạ lẫm.

Nếu vào các diễn đàn trên Internet, người ta luôn gặp những trang nói xấu người Việt của chính những người học tiếng Việt từ lớp một nhưng viết tiếng Việt sai chính tả rất nhiều. Họ thường rất rảnh rỗi để ngồi kể xấu từ cán bộ A cho đến cơ quan B, cái gì cũng đầy những thói xấu. Suy cho cùng, ở đâu có con người thì ở đó có những điều không tốt và không hoàn hảo. Nhưng không hiểu vì sao, chính những người mũi tẹt da vàng, ăn cơm nấu từ gạo ruộng châu thổ, nói tiếng mẹ đẻ từ bé (vì không thạo thứ tiếng gì khác) lại luôn mồm chê người Việt là xấu tính, mọi rợ, nhỏ nhen, tiểu nông, lạc hậu...

Nếu cứ nhìn từ những diễn đàn đó, Việt Nam có lẽ là nơi tận cùng của thế giới với đủ sự trì trệ khiến không còn ai có thể ngẩng mặt lên. Những thói xấu được đưa ra không hoàn toàn sai, nhưng tại sao chúng ta lại chỉ nhìn vào những thói tật ấy để thở dài? Và đến bao giờ chúng ta sẽ không chửi đổng nữa để bắt tay thực sự vào làm một việc gì đó tích cực hơn. Ai đó nói, biết được cái xấu mà nói giúp cũng là may rồi. Nhưng biết để rồi cải tạo nó thì sẽ còn may hơn nhiều, ý nghĩa hơn nhiều.

Cũng mới đây, dư luận tò mò về sự chuẩn bị ra đời một cuốn sách nói về các thói xấu của người Việt. Một cuốn cẩm nang chăng? Tôi nhớ đâu đó trên Internet, người ta đã truyền nhau một tác phẩm tương tự như thế của những công dân một nước láng giềng. Nhìn được tận nơi, chỉ ra được những tật xấu của cả một dân tộc, đó cũng là một khả năng, một trí tuệ vậy. Chỉ ra để ít nhất cũng hạn chế bớt nó, hay triệt tiêu được thì tuyệt vời, dân tộc đó chắc chắn sẽ hùng cường, thành dân tộc rồng bay. Nhưng sự thật thì không được như thế.

Cuốn sách đó trôi nổi trên Internet như một thứ tài liệu bồng bềnh, ai đọc cũng được, ai thêm cũng được và ai cũng có thể nói, đúng thật. Nhưng rồi đâu cũng lại vào đấy. Bởi vì đứng ở trên cao nhìn xuống, đứng ở bên ngoài nhìn vào bao giờ cũng dễ. Con người là vậy, nhìn thấy khuyết điểm của người khác luôn nhanh hơn của mình. Những lời chê bao giờ cũng dễ nói. Bởi nếu nhìn mọi việc theo một con mắt của một bà mẹ chồng khó tính thì luôn nhìn thấy những điều đáng chê. Phải sống trong lòng một xã hội, phải dấn mình vào từng công đoạn của một việc làm, mới thấu được vì sao lại thế và vì sao mà ra những đặc tính không hay. Nói thẳng với nhau những điều chưa hay là điều đáng trọng. Nhưng nhìn nó bằng thái độ nào và ứng xử ra sao với những điều đó, đấy mới thực sự là điều cần xem xét.

Khi đặt ngược lại vấn đề về cuốn sách, mục đích chính của người làm ra cuốn sách ấy, phải chăng là một sứ mệnh cao cả, muốn thay đổi cả một dân tộc với rất nhiều tính xấu? Nếu làm được điều đó, có lẽ đây thực sự là một nhân vật không thể lãng quên của lịch sử. Nhưng thực chất đây là một cuốn sách ghi chép lại những lời của người khác về những thói hư tật xấu đây đó trong những thời khắc cụ thể của người Việt.

Về nguyên tắc, khi tách những câu, những đoạn này ra khỏi văn cảnh để tổng kết thành bản chất xấu xí của người Việt có lẽ là việc không chuẩn xác cho lắm. Khi câu chữ bị tách rời, hoàn toàn có thể bị bóp méo ý nghĩa. Và những thói tật đó, có thể trong từng hoàn cảnh là đúng, trong từng thời điểm là không sai, nhưng quy kết thành bản chất thì lại là việc hoàn toàn khác. Hơn thế, những đoạn viết về thói tật của người Việt được trích dẫn trên báo chí thời gian qua (sẽ là phần nội dung cuốn sách) có một đặc điểm chung là hầu như nặng tính chủ quan cá nhân, những người viết dựa vào sự quan sát của mình chứ không dựa trên bất cứ khảo sát nào. Khi những đặc tính đó được viết nên bởi sự quan sát của một người thì cũng có nghĩa nó sẽ bị giới hạn bởi tầm quan sát chỉ của một người hoặc bị giới hạn bởi không gian, thời gian mà người đó quan sát.

Thực chất, có nhiều cuốn "người xấu xí" của nhiều dân tộc, đó là một cách để nhìn lại mình. Tuy nhiên, nếu nhìn chung lại, nhiều tính xấu của người Việt cũng là tính xấu của nhiều người trong những sắc dân khác. Người Việt không ít tính xấu, nhưng cũng cần xét về nguyên nhân, về cội rễ của những thói tật ấy thay vì ngồi nhìn và chỉ trích nó như một khoái cảm. Nhìn vào cái xấu phải có cái tốt làm đối trọng. Mà cái tốt của người Việt nhiều khi lại bị mờ nhòe đi.

Nói "người Việt xấu xí" giống như nói về cả một dân tộc với quá nhiều tật xấu phải xếp thành một cuốn sách. Trong khi đó, chúng ta vô tình quên đi rằng, cả một dân tộc phải đau đớn trải qua không biết bao nhiêu cuộc trường chinh để có ngày bình yên cho chúng ta ngồi mà xét lại những thói tật của mình.

Chúng ta không viện dẫn chiến tranh như một thứ bùa mê, cũng không ngủ quên trên những trang văn ca ngợi chiến thắng, nhưng cần hiểu rằng, lịch sử của dân tộc này là lịch sử của những cuộc chống ngoại xâm. Chính những cuộc chiến chống ngoại xâm ấy mà tạo thành cốt cách, thành thiên tính và cả tư duy của dân tộc. Chính những cuộc chiến ấy đã tạo cho họ những thứ mà lúc này chúng ta coi là thói tật, nhưng ở vào những lúc khác, ở vào một hoàn cảnh khác, lại là một sức lực mạnh mẽ chống trả những đòn thù.

Có thể hiểu rằng, sự phản kháng có ý thức của một bộ phận những người tự cho mình là cấp tiến có nguyên gốc từ sự bất bình với lối tuyên truyền một chiều trong thời gian tương đối dài cũng như một số tiêu cực, những thói tật bị bưng bít dưới những vỏ bọc tiêu cực. Đã có khi, chúng ta không nhìn thẳng vào những việc chưa làm được. Tuy nhiên, tất cả những điều đó không đủ làm bằng chứng để nói lên rằng, dân tộc Việt Nam xấu xí và con người Việt Nam mang quá nhiều thói tật.

Một sự kiện vẫn còn thời sự, đó là khi Việt Nam tổ chức Hội nghị APEC 2006, điều tưởng như không thể đã thành có thể. Chúng ta đã tổ chức thành công hội nghị quốc tế quan trọng này và Hội nghị đã đạt được những thỏa thuận quan trọng.

Chúng ta không ngủ quên, cũng không quá tự tin một cách lố bịch. Chúng ta không hão huyền với những gì đã đạt được. Cũng không phủ nhận những tiến bộ còn khiêm tốn của thang bậc Việt Nam với quốc tế. Nhưng chúng ta cũng không nên nhìn mọi thứ bằng một đôi mắt màu xám. Không ảo tưởng nhưng cũng chẳng việc gì phải tự ti. Bởi chúng ta cần là những người bước đi chứ không phải ngồi lại và sợ hãi.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đời sống tinh thần người Việt trong xã hội hiện đại

    04/04/2016Quỳnh Nhi thực hiệnĐời sống tinh thần người Việt trong xã hội hiện đại là một vấn đề đang thu hút sự chú ý của toàn xã hội, đặc biệt là các nhà văn, nhà thơ. Những năm gần đây, làn sóng toàn cầu hóa và xu thế hội nhập quốc tế đã khiến cho nhiều dân tộc, trong đó có người Việt chúng ta, đôi khi đứng trước những lựa chọn khá nan giải. Hình ảnh người Việt sẽ như thế nào sau vài ba chục năm nữa đi theo tiến trình toàn cầu hóa?
  • Chỗ mạnh, chỗ yếu trong tâm lý con người Việt Nam khi đi vào thời đại văn minh trí tuệ

    09/12/2015GS.TS. Hoàng TụyPhân tích để hiểu rõ những đặc điểm văn hoá, tâm lý của dân tộc, những truyền thống tốt, những yếu tố tích cực, thúc đẩy sự phát triển, cùng với những nhược điểm, những yếu tố chưa tốt, thậm chí tiêu cực, đang hoặc sẽ níu kéo chúng ta lại sau, là việc làm hết sức cần thiết để giúp xây dựng một chiến lược phát triển đúng đắn, phù hợp hoàn cảnh và điều kiện thế giới ngày nay...
  • Một đóng góp vào việc nhận dạng con người Việt Nam hôm nay

    29/11/2014Vương Trí NhànCó những cuốn sách làm cho người đọc căm ghét cuộc sống( chẳng hạn; một số tác phẩm hiện thực phê phán); có những cuốn sách làm cho người đọc thêm yêu đời nhiều hơn. Còn qua những trường hợp như Thời xa vắng của Lê Lựu, đọc xong, tự nhiên tôi cứ thấy tiếc đời...
  • Ai dám nhận là mình xấu xí?

    14/07/2014Phan Thị Vàng AnhNếu coi mỗi dân tộc gần như cá tính một con người: anh Pháp hào hoa làm thơ hay, anh Trung Quốc buôn bán giỏi và mưu lược, anh Lào hiền lành... thì nếu chỉ nhìn vào chuyện giữ gìn vốn cổ không thôi, tôi vẫn nghĩ, anh Việt Nam là người hay nói dối. Dối mình và dối người. Họ quyết tâm giữ gìn bản sắc dân tộc cho đậm đà bằng cái cách cho phép xây nhà hộp tràn lan và nói đơn giản là "thí điểm"?
  • “Để người Việt Nam tự nhận thức...”

    12/09/2006Nguyên An thực hiệnTự nhận là đang làm công việc “chưa ai khai phá”, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, “người hay nói về nhược điểm của đồng nghiệp”, đang góp nhặt những lời người xưa cảnh tỉnh về thói hư tật xấu của người Việt từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau và dự định sẽ in thành sách. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông về công trình này...
  • Hạn chế của tư duy, nhận thức người Việt

    09/09/2006GS, TS Tô Xuân Dân và TS. Nguyễn Thành CôngXét về mặt bản chất, tư duy, nhận thức của người Việt Nam có một số hạn chế cần khắc phục sau đây: Bệnh "cá nhân chủ nghĩa". Trong một thời gian khá dài, tại các đợt học tập chính trị, chỉnh huấn từ những năm 1952 - 1960 đều lấy việc chống chủ nghĩa cá nhân làm chủ đề chính cho các sinh hoạt và rèn luyện đạo đức, tư tưởng...
  • Người Việt trong mắt ai?

    23/03/2006Hồng Quyền... những tiếng cười hô hố vang lên. Có những đoạn bình luận về mông, về ngực hết sức thô tục dành cho... người đẹp.
  • Con người Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại

    09/02/2003Xuân Hà lược ghi (từ kết luận của chương trình nghiên cứu KX – 07)Trong các di sản truyền thống, bên cạnh mặt tích cực cũng hàm chứa mặt hạn chế, những phản giá trị. Trên đại thể, những mặt tiêu cực và hạn chế của di sản truyền thống VN cũng bộc lộ khá rõ mà những nét nổi bật nhất là tính cục bộ, địa phương, tâm lý bình quân chủ nghĩa gắn với thái độ “cào bằng”, ghen ghét, đố kỵ những người trỗi vượt hơn mình, tinh thần cầu may, tác phong tùy tiện, thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, lối làm ăn nhỏ, manh mún, không biết lo xa và hạch toán kinh tế, chưa tôn trọng con người cá nhân chủ thể, tư duy phân tích, thực nghiệm và luận lý kém...
  • 10 đặc điểm của người Việt

    22/08/2005Đây là bộ 10 đặc điểm của người Việt do người nước ngoài nhìn và bộ 9 đặc điểm khác do người Việt tự nhìn mình (tham khảo)
  • Đi tìm nhân cách người Việt Nam

    05/01/2004KS. Trần Quốc KhảiThực sự mới ra khỏi chiến tranh hơn chục năm nay, người Việt Nam vẫn sống trong hào quang của chiến thắng. Kém về thể lực và trí lực, cộng với niềm tự kiêu đôi khi không tỉnh táo, thế hệ trẻ Việt tuy đã bắt đầu chuẩn bị cho cuộc bứt phá trong tương lai, nhưng chỉ số nhân cách của người Việt Nam hiện đại đang ở đâu? Dưới kết quả nghiên cứu khoa học về nhân văn trên cơ sở vật lý và toán học, câu trả lời ấy là...
  • Đọc "Người Trung Quốc Xấu Xí"

    13/11/2003Người Trung Quốc xấu xí (Chõu lòu de Zhong Guó rén) tập hợp những bài viết và nói chuyện từ năm 1977, và lần đầu được dịch ra tiếng Việt vào đầu hè 1998 tại Paris do dịch giả Nguyễn Hồi Thủ dịch từ một bản in ở Trung Quốc (TQ) của tác giả Bá Dương (Bo Yang) sau một chuyến đi TQ cách đó năm năm. Sau đó cộng đồng người Việt ở Pháp, Mỹ... đã tham gia tranh luận rất nhiều về "Người Trung Quốc xấu xí" và "Người Việt xấu xí". ChúngTa.com xin đăng tải một bài viết tóm tắt về "Người Trung Quốc xấu xí" và tâm sự của một người Việt đã xa quê hương đất nước 30 năm.
  • Gặp "Tây"! - Người Việt ta ứng xử thế nào?

    12/11/2003Trong một cuộc họp lớn, một nữ tiến sĩ luật của ta còn rất trẻ, đến muộn và không có chỗ. Một chuyên gia nước ngoài đứng lên để nhường chỗ cho cô ngồi cạnh nam đồng nghiệp người Đan Mạch. Thay vì cảm ơn, nữ tiến sĩ lại đỏng đảnh cười: "Thôi không ngồi cạnh tây đâu, hôi lắm. Sống ở tây mãi rồi còn lạ gì!"...
  • xem toàn bộ