Phát triển xã hội tự quản

07:14 CH @ Thứ Năm - 05 Tháng Bảy, 2007

Trật tự xã hội, được coi là mục tiêu khách quan của pháp luật, được bảo đảm không chỉ bằng cách áp dụng pháp luật, mà còn có thể dựa vào các chuẩn mực khác. Chẳng hạn, cả mua vé và xếp hàng để mua vé nghe ca nhạc đều là những hành vi cần được thực hiện trong khuôn khổ trật tự xã hội. Nhưng mua vé là một giao tiếp được pháp luật ràng buộc, còn xếp hàng lại là một giao tiếp thuần tuý xã hội, chỉ chịu sự chi phối của những quy ước mặc nhiên hình thành trong cuộc sống dân sự.

Luật và quy ước mặc nhiên đều là các chuẩn mực xử sự khách quan mà mọi thành viên xã hội đều phải biết và phải tuân theo, nhưng luật do Nhà nước đặt ra, còn quy ước mặc nhiên là tác phẩm trực tiếp của nhân dân.

Sự tồn tại của các chuẩn mực xử sự không mang tính pháp lý cho phép thừa nhận rằng có một phần của đời sống xã hội không chịu (đúng hơn, không cần) sự can thiệp của Nhà nước bằng các công cụ đặc trưng cho quyền lực công. Trong khuôn khổ phần đời sống ấy, xã hội tự quản bằng cách dựa vào các công cụ của mình, đặc biệt là các thiết chế tập thể (gia đình, hội, đoàn) và nhất là ý thức xã hội đúng đắn của cá nhân thành viên.

Xã hội tự quản, một hình thức thể hiện của xã hội dân sự, không cần đến vai trò của các thiết chế công, nhất là các cơ quan trấn áp, do đó, sự phát triển của nó có tác dụng làm giảm nhẹ gánh nặng quản lý của Nhà nước đối với xã hội, đồng thời cũng là dấu hiệu của một xã hội được tổ chức tốt. Suy cho cùng, kích thích và tạo điều kiện cho xã hội tự quản phát triển là một phần trong sứ mạng của Nhà nước.
Tế bào của xã hội tự quản chính là cá nhân công dân. Được trao tư cách chủ thể đầy đủ của quyền và nghĩa vụ, công dân, trong quá trình thực hiện những điều mà bản thân mong muốn hoặc đòi hỏi, chủ động xác định cách ứng xử trong giao tiếp nhân văn.
Sự xung đột giữa những đòi hỏi trái ngược có tác dụng tạo ra khoảng sai biệt giữa điều được dự tính và điều có thể được thực hiện. Nó giúp cá nhân tỉnh táo nhận biết những đòi hỏi, toan tính ngông cuồng cần phải từ bỏ, cũng như sự cần thiết của việc thực hiện các điều chỉnh thích hợp để những đòi hỏi của cá nhân, từ chỗ quá đáng, trở nên hợp lý, có chừng mực và có tính hiện thực. Người bán hàng luôn mong muốn bán được hàng với giá cao, trong khi người mua chỉ muốn mua với giá thấp, quá trình mặc cả giúp đi đến chỗ thống nhất về giá hợp lý đối với cả hai bên.

Sự va đập giữa những cung cách giao tiếp khác biệt làm bật ra yêu cầu xây dựng các chuẩn mực xử sự chung mà mỗi cá nhân phải theo, để có thể thoả mãn mong muốn của mình. Chắc chắn, trước khi các thành viên biết xếp hàng mua vé, xã hội đã trải qua thời kỳ xô bồ xô bộn và các thành viên đã từng chen lấn, xô đẩy, thậm chí đánh đập nhau, để giành lượt, trước quầy bán vé, tiệm bánh mì... nhất là khi cung không đủ cầu. Chính các quá trình tự điều chỉnh để hợp lý hóa các nhu cầu cá nhân và hoàn thiện ứng xử của cá nhân trong giao tiếp đã giúp cho các thành viên xã hội từng bước xây dựng nền nếp của cuộc sống dân sự.

Xã hội Việt Nam được đặt dưới sự quản lý chặt chẽ của nhà chức trách. Nhắm tới một mục tiêu xác định, người cầm quyền mong muốn xây dựng các khuôn mẫu ứng xử thống nhất để có thể huy động tối đa lực lượng xã hội cho mục tiêu đó. Chủ thể ứng xử, tức là cá nhân công dân, được gắn với một nhóm, một tổ chức con người được thừa nhận (gia đình, nhà trường, cơ quan, doanh nghiệp, hội, đoàn). Nếu các thiết chế tập thể trong xã hội tự quản được cá nhân chủ động tạo ra để phục vụ cho mình, thì trong xã hội theo khuôn mẫu ứng xử thống nhất, xây dựng các tập thể là biện pháp Nhà nước chủ động thực hiện nhằm phục vụ cho việc quản lý xã hội, đặc biệt là quản lý hành vi ứng xử của cá nhân. Cơ chế quản lý phải vận hành thế nào để tất cả những giao tiếp, những hiện tượng xã hội thu hút sự chú ý, tò mò của công chúng đều phải được đặt dưới sự kiểm soát, giám sát nghiêm ngặt của nhà chức trách. Các ví dụ rất đa dạng: từ chuyện công diễn một chương trình ca nhạc, tổ chức một buổi thuyết giảng trước công chúng, mở một lễ hội dân gian, cho đến vận hành thử chiếc trực thăng tự chế, nhạy cảm hơn, đó có thể là việc vận động thu thập chữ ký vào một lá đơn tập thể của các thành viên một cơ quan, xin giảm nhẹ hình phạt cho một đồng nghiệp phạm tội trong hoàn cảnh ngặt nghèo.

Nguyên tắc chủ đạo của xã hội theo khuôn mẫu ứng xử thống nhất là: tập thể phải tạo ra cá nhân theo các tiêu chí do người cầm quyền ấn định. Khuôn mẫu ứng xử được định hình bởi thiết chế quyền lực cao nhất và được quảng bá, phổ cập thông qua các cuộc sinh hoạt tập thể của các nhóm, các tổ chức, theo lộ trình đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống. Dưới ánh sáng của khuôn mẫu, các ứng xử của cá nhân chịu sự thẩm định, đánh giá của tập thể. Về phần mình, bất kỳ tập thể nào cũng được đặt dưới sự giám hộ của một cơ quan nào đó đại diện cho quyền lực công.

Dẫu sao, cá nhân trước hết là những cá thể, nghĩa là có cuộc sống riêng và lợi ích riêng gắn với cuộc sống đó. Dù xã hội chủ trương ứng xử rập khuôn, các lợi ích trái ngược vẫn tồn tại và vẫn xung đột. Các ứng xử nằm ngoài dự kiến của người tạo ra khuôn mẫu vẫn cứ xuất hiện như hệ quả tất nhiên của những nỗ lực mưu cầu các lợi ích khác biệt. Thế là, nhà chức trách phải can thiệp phải dùng pháp luật để chấn chỉnh các ứng xử bị coi là không tương thích với khuôn mẫu chung. Và cứ mỗi lần như vậy thì lại có một thiết chế công xuất hiện với tư cách người đảm nhận chức năng quản lý, nhân danh nhà chức trách, đối với các ứng xử đó. Chẳng hạn, trước tình trạng các hoạt động quyên góp vì mục đích từ thiện có dấu hiệu lộn xộn, Mặt trận tổ quốc và Hội chữ thập đỏ được chọn để đảm nhận sứ mạng lập lại trật tự. Trước sự rộ lên một cách tự phát của hoạt động viết hồi ký, tự truyện của cán bộ, công chức về hưu, cơ quan quản lý văn hóa được dự kiến sẽ vào cuộc với tư cách người có nhiệm vụ ngăn chặn việc tiết lộ bí mật Nhà nước, bí mật công tác thông qua các câu chuyện kể trong tự truyện, hồi ký...

Cần phải nhìn nhận rằng sáng tạo và chủ động tổ chức việc vận hành xã hội tự quản là thiên hướng tự nhiên của công dân trong xã hội có tổ chức. Không tôn trọng và tạo điều kiện phát triển thiên hướng đó, Nhà nước có nguy cơ phải gồng gánh một khối lượng công việc quản lý vượt quá sức mình. Mà một khi Nhà nước quản lý không nổi mọi thứ ôm đồm, thì trong điều kiện xã hội tự quản không phát triển, không thể có trật tự xã hội ổn định, bền vững.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Luận bàn về Pháp luật

    05/11/2015Nguyễn Trần BạtVai trò định hướng ứng xử không chỉ thuộc về đạo đức mà còn thuộc về pháp luật. Những nhà triết học ngay từ thời cổ đại, cả ở phương Đông lẫn phương Tây, đều nói đến vai trò to lớn của pháp luật...
  • Ảnh hưởng của văn hóa đối với pháp luật

    09/10/2014Nguyễn Trần BạtVăn hóa có một ảnh hưởng không thể phủ nhận đối với pháp luật. Văn hóa chính là cuộc sống, do đó, việc xây dựng pháp luật, theo lẽ tự nhiên, phải dựa trên những kinh nghiệm văn hóa, tức là pháp luật phải có khả năng biến thành văn hóa để điều chỉnh cuộc sống. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ở rất nhiều nơi trên thế giới, hệ thống pháp luật tỏ ra không tương thích với cuộc sống. Phải chăng yếu tố văn hóa, ở những nơi đó, đã bị tách rời khỏi pháp luật hay bản thân pháp luật được xây dựng trên một nền văn hóa méo mó, phi tự nhiên?
  • Quản lý bằng pháp luật như thế nào?

    09/10/2014Nguyễn Đức LamỞ đời “lạt mềm buộc chặt” tưởng chừng như nghịch lý nhưng pháp luật thường được hình dung là nghiêm minh, cứng rắn cũng không phải là ngoại lệ. Quản lý bằng pháp luật, cũng như quản lý nói chung, không phải là buộc diều vào cây sào tre mà hãy như trẻ mục đồng, thả diều bay lượn, đón gió trên bầu trời khoáng đạt, rộng lớn...
  • Xã hội dân sự: khái niệm và các vấn đề

    15/04/2014Bùi Quang DũngXã hội dân sự hiện đang là vấn đề được cả giới nghiên cứu khoa học lẫn các nhà hoạch định chính sách quan tâm. Khái niệm "xã hội dân sự” xuất hiện khá sớm ở Châu Âu. Các đinh nghĩa phổ biến về "xã hội dân sự” hiện nay đều nhấn mạnh tới tinh thần tự nguyện của công dân trong việc bảo vệ các quyền lợi hợp pháp và giá trị của mình. Theo đó, xã hội dân sự được tạo lập bởi các đoàn thể nhằm kết nối giữa những nhóm quyền lợi hiện đại và những tổ chức truyền thông, giữa các tổ chức chính thức và phi chính thức...
  • Pháp luật – Tài sản tinh thần của nhân dân

    21/02/2014Nguyễn Trần BạtXuất phát từ đòi hỏi xã hội phải được điều chỉnh bởi những quy tắc nhất định, pháp luật đã ra đời. Bản chất của pháp luật là các khế ước xã hội, tức là kết quả của sự thỏa thuận của mọi người. Nếu thỏa mãn điều kiện này, sự tự nguyện nhượng bớt một phần tự do cá nhân sẽ đưa đến sự hình thành của nền dân chủ ở đó, tự do không chỉ đơn thuần là tự do bản năng mà sẽ có chất lượng cao hơn, tức là tự do mang trong mình sự hài hòa lợi ích giữa các cá nhân, giữa cá nhân với cộng đồng và ở mức độ cao hơn nữa, tự do như là, phát triển...
  • Nhà nước và pháp luật trong thời kỳ đổi mới

    01/01/1900Nguyễn NiênXã hội ta là xã hội dân chủ: "Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân", "quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân". Cuộc vận động xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở xã, phường, ở cơ quan, ở doanh nghiệp đã được triển khai rộng rãi, thực hiện tích cực đã mang lại những kết quả tốt bước đầu. Nhưng còn cần phải làm nhiều hơn, mạnh hơn nữa.

  • Tác động của dư luận xã hội đối với ý thức pháp luật

    30/08/2006Ngọ Văn NhânTrước khi có sự xuất hiện nhà nước, pháp luật và cùng với đó là ý thức pháp luật, những yếu tố tham gia định hướng và điều chỉnh ý thức, hành vi xã hội của con người lại chính là đạo đức, phong tục, tập quán, truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng... đặc biệt là dư luận xã hội...
  • Vì sao người dân thờ ơ với pháp luật

    09/07/2006Nguyễn Đức LamỞ Việt Nam hiện nay cùng với việc có những đạo luật làm ra hầu như "nằm phủ bụi" trên giá, nhưng nhiều đạo luật xã hội rất cần thì lại chưa có. Có một thực trạng cần sớm được khắc phục, đó là một bộ phận lớn dân cư hoặc chua biết đến luật, hoặc ác cảm, thờ ơ với luật, với toà án. Tại sao lại có tình trạng như vậy?
  • Nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự

    11/11/2005GS. Tương LaiKhát vọng về dân chủ và công bằng vốn nung nấu từ lâu trong lịch sử loài người. Có dân chủ mới thực hiện được công bằng, đồng thời công bằng là thước đo của dân chủ và tiến bộ xã hội. Điểm quy chiếu để kiểm nhận về công bằng và dân chủ mà một xã hội đạt được thường tìm thấy dễ dàng trong pháp luật...
  • xem toàn bộ