Phỏng vấn một cô gái

03:20 CH @ Thứ Bảy - 14 Tháng Tư, 2018

Cả trăm năm nay, xã hội cứ coi việc hy sinh của phụ nữ cho chồng, cho con là tốt đẹp và cần tuyên dương. Tôi không dám bảo như thế xấu. Nhưng tôi dám nói rằng nó không đáng được khuyến khích như thế. Đáng ra phải khuyến khích những người phụ nữ có tính độc lập, có các công việc độc lập và có những hưởng thụ độc lập.

PV: Chào cô, cô đang làm gì thế?

Cô gái: Đang buồn vui lẫn lộn.

PV: A, vậy cô vui vì cái gì?

Cô gái: Vì tôi trẻ đẹp, vì tôi có học thức, vì càng ngày có nhiều cuộc thi hoa hậu dành cho tôi. Tóm lại, có nhiều lý do vui lắm.

PV: Thế buồn vì sao?

Cô gái: Buồn vì tôi mới vừa đọc một bài báo, ca ngợi một người phụ nữ hy sinh?

PV:Hy sinh? Trong trận đánh nào?

Cô gái: Phải chi trong trận đánh thì không tức, vì sự hy sinh như thế giúp ta chiến thắng kẻ thù. Bài báo nói về sự hy sinh trong gia đình cơ.

PV: Kìa cô, gia đình thì làm sao hy sinh được?

Cô gái: Được chứ. Gia đình nào người phụ nữ đều có thể ngã xuống.

PV: Ngã xuống vì cái gì?

Cô gái: Vì rửa bát, vì quét nhà, vì đi chợ thổi cơm, vì nấu ăn cho chồng, giặt tã cho con.

PV: Cụ thể ở đây là cái gì?

Cô gái: Là bài báo ấy ca ngợi một người phụ nữ suốt đời hy sinh, không nghỉ ngơi, không ăn ngon mặc đẹp, không chơi bời gì cả. Người phụ nữ ấy đã dành cả cuộc đời mình cho chồng con thành đạt.

PV: Rồi sao nữa?

Cô gái: Rồi bài báo ca ngợi người phụ nữ đó thậm chí còn coi cô như một tấm gương tiêu biểu. Điều ấy khiến tôi phát khóc vì buồn.

PV: Buồn do đâu?

Cô gái: Do những bài báo như thế, nếu mở ra thì có hàng ngàn. Chúng đồng thanh nói lên một điều: Các cô gái ơi, các bà phụ nữ ơi, hy sinh đi, hy sinh đi, và chúng tôi sẽ ca ngợi.

PV: Bài báo đó sai điểm nào?

Cô gái: Đầu tiên sai vì khoa học. Phụ nữ ngày nay, như nhà báo biết, chiếm tỷ lệ gần nửa dân số đất nước. Mà một đất nước làm sao lớn mạnh nếu có một nửa dân số hy sinh.

PV:Gọi là hy sinh nhưng có chết đâu?

Cô gái: Anh nhầm. Chết vì rửa bát, quét nhà, lau dọn bàn ghế, đi chợ thổi cơm là những cái chết âm thầm mấy ai hiểu được.

PV: Rồi sao nữa?

Cô gái: Rồi bài báo đó sai vì lòng nhân đạo: Phụ nữ hay đàn ông đều cũng là người. Thậm chí, phụ nữ còn là người quý giá hơn do họ sinh ra nhân loại. Thế vì đâu mà phụ nữ cứ phải hy sinh mãi thế.

PV: Ý cô là gì?

Cô gái: Ý tôi là cả trăm năm nay, xã hội cứ coi việc hy sinh của phụ nữ cho chồng, cho con là tốt đẹp và cần tuyên dương. Tôi không dám bảo như thế xấu. Nhưng tôi dám nói rằng nó không đáng được khuyến khích như thế. Đáng ra phải khuyến khích những người phụ nữ có tính độc lập, có các công việc độc lập và có những hưởng thụ độc lập.

PV:Hưởng thụ?

Cô gái: Thì đã sao nào? Phụ nữ không đáng hưởng thụ ư? Phụ nữ không đáng vào tiệm ăn ngồi, đi làm tóc, đi làm đẹp da, đi xem phim và đi du lịch ư?

PV: Ồ, đúng, đúng, nhưng…

Cô gái: Chả nhưng gì cả! Phụ nữ, trong một xã hội văn minh cần phải được dành cho những gì tốt nhất, cần phải được tạo điều kiện cho những suy nghĩ về bản thân, cần được giải phóng khỏi công việc gia đình. Tóm lại, rất, rất nhiều khi phụ nữ cần chồng con hy sinh cho họ, chứ không phải ngược lại. Thế mới là thực sự đề cao họ và yêu quý họ. Nếu người vợ có quyền tự hào về chồng con thành đạt, thì chồng con cũng phải tập tự hào như thế. Không thể chỉ là nỗi "tự hào một chiều".

PV: Tự hào một chiều?

Cô gái: Đúng. Sự một chiều trong đối xử, trong ưu đãi và cả trong khen ngợi phụ nữ ở ta đã trở thành tự nhiên đến nước ai cũng thấy bình thường và đều đau đớn là nhiều phụ nữ cũng tưởng như thế, tưởng số phận mình phải dùng để cống hiến cho con, cho chồng thì mới là một số phận vinh quang. Ôi, chao ôi, cách vinh quang ấy bất công quá, tàn nhẫn quá và đau cho phụ nữ chúng tôi quá.

PV:Nhiều bà không đau thì sao?

Cô gái: Đúng. Nhiều cô, nhiều bà không đau vì đau loại này cũng là một cảm xúc cần giáo dục, và có mấy bài báo giáo dục cho họ sự quý mến cuộc sống, quý mến những nhu cầu của chính mình. Họ không đau vì họ…đau đã thành quen, họ tưởng đau là cảm giác tự nhiên. Nhưng tôi không phải họ. Tôi nghĩ người đàn ông hay phụ nữ thì cũng chỉ có một cuộc đời thôi. Và không ai có quyền xây dựng cuộc đời mình trên nền tảng sự hy sinh của cuộc đời người khác

Nội dung liên quan

  • Cô gái nhảy và người ăn xin

    01/10/2015Vương Tú Phong, Truyện ngắn Trung QuốcTrong căn phòng nhỏ đẹp đẽ ở ngoại ô có một cô gái xinh đẹp. Một hôm, có một người ăn xin đi qua. Ông ta ăn mặc rách rưới cùng mái tóc bạc trắng, trông rất đáng thương...
  • Phụ nữ hiện đại làm chủ duyên phận

    19/10/2013Vệ GiangTừ ngàn xưa, quan niệm rằng hôn nhân của người phụ nữ là một bí mật của định mệnh, được sắp sẵn cho mỗi người con gái. Và họ cũng giống như “ hạt mưa sa” mà đấng tối cao nhắm mắt tung vào trần thế. May mắn gặp được người chồng tử tế giỏi giang thì nhờ, còn nếu lỡ gặp một gã đàn ông vũ phu, độc đoán hoặc nghèo khổ, thất nghiệp quanh năm…
  • Sưu tầm về phụ nữ

    19/10/2013Văn Hiền (st)Đằng sau sự thành công của một người đàn ông luôn có hình bóng của một người đàn bà, và đằng sau sự thất bại của một người đàn ông là một người đàn bà thật sự.
  • Vì sao bão mang tên phụ nữ?

    07/03/2012Lê HoàngTrên thế giới, chỉ có Việt Nam là gọi bão theo số, còn toàn cầu đều đặt tên bão theo các danh từ mỹ miều và thơ mộng vẫn dùng để gọi các cô gái dịu dàng và xinh đẹp...
  • Hai nhà văn già và cô gái trẻ

    08/07/2009Minh NguyễnMấy năm gần đây, hai nhà văn già Trang Thế Hy – Nguyên Ngọc thường hò hẹn mỗi năm có một ngày ngồi với nhau để uống ly rượu hội ngộ. Năm nay, một ngày hè, con đường đất vào nhà ông Trang Thế Hy hoa mua tím như dày hơn. Cuộc gặp gỡ giữa hai nhà văn già chỉ xoay quanh chuyện - tình - yêu - văn - chương - chữ - nghĩa. Câu chuyện của họ trở nên hào hứng khi cả hai đều “ham” một người, người đó là cô gái trẻ: Nguyễn Ngọc Tư
  • Cuộc sống cần những người phụ nữ biết lắng nghe

    14/01/2008Trong một cuộc vui, ai cũng tranh nói, cười và bạn cũng là một người trong số đó. Nhưng ở góc phòng kia có một cô gái luôn chăm chú lắng nghe mọi người nói chuyện. Thế rồi rất nhiều chàng trai thích nói và thích có người nghe đều bị cô ta cuốn hút. Và thế là cô gái trở thành tâm điểm của cuộc trò chuyện...
  • Lạm bàn về phỏng vấn đàn ông

    23/05/2007Nguyễn Việt HàPhỏng vấn là một thể tài yêu thích của báo chí. Nó luôn là thời thượng của vất cứ báo viết, báo nói hay báo hình. Nó có một lượng đông đảo đàn ông xem và đọc.
  • Phỏng vấn một vị “trụ cột gia đình”

    18/03/2006Ba BêDù phụ nữ đã được coi là bình đẳng với nam giới và rất nhiều chị em thành đạt, nhưng các đấng mày râu cũng như toàn xã hội vẫn coi đàn ông - tức người chồng, người cha là “trụ cột gia đình"...
  • Phỏng vấn một nhà văn nữ trẻ

    22/10/2005Lê Thị Liên HoanPV: Thưa cô, có người kêu Bóng đổ là một tác phẩm nói nhiều đến tình dục?
    Nhà văn nữ: Rõ ràng.
    PV: Tại sao cô lại thản nhiên đến thế?
    Nhà văn nữ: Tại vì tôi hiểu rất nghiêm túc: không phải cứ tình dục là khiêu dâm...
  • xem toàn bộ