Phỏng vấn một người bán kính đeo mắt

06:11 CH @ Thứ Năm - 16 Tháng Sáu, 2016

Phóng viên: Thưa ông, thực chất của việc bán kính là gì?

Ông chủ: Là bán một cách nhìn.

Phóng viên: Cách nhìn? Điều đó có gì quan trọng không?

Ông chủ: Tôi cho rằng quan trọng vô cùng, nếu không muốn nói rằng là quan trọng nhất. Trong nhiều trường hợp, chỉ cần thay đổi cách nhìn là quan niệm sẽ khác đi, thậm chí, khác hoàn toàn.

Phóng viên: Ví dụ?

Ông chủ: Ví dụ như có hai nhà tiếp thị của công ty sản xuất giày cùng đến một hòn đảo. Người thứ nhất điện về: "Tuyệt vọng, ở đây chả ai đi giày". Người thứ hai phấn khởi điện về: "Sáng sủa vô cùng, ai cũng muốn mua giày mà chưa có để mua". Đấy, cách nhìn là như thế đấy. Cách nhìn ảnh hưởng đến hành động của chúng ta một... cách vô cùng sâu sắc.

Phóng viên: Cùng một sự kiện, chỉ cách nhìn khác nhau sẽ khác nhau?

Ông chủ: Hoàn toàn đúng.

Phóng viên: Vừa rồi là ví dụ ở tây. Ông có thể lấy ví dụ ở ta được không?

Ông chủ: Có chứ. Chẳng hạn như mới đây, nhà nước định xã hội hóa các đoàn kịch quốc doanh. Rất nhiều vị trưởng đoàn kêu lên: "Phải năm mươi năm mới xây dựng được, bây giờ phá bỏ à".

Phóng viên: Câu ấy có gì sai?

Ông chủ: Sai. Nếu như họ nói câu này: "Phải năm mươi năm mới tìm ra mô hình xã hội hóa, vậy đừng chậm thêm phút nào".

Phóng viên: Ờ nhỉ!

Ông chủ: Đấy. Cách nhìn là thế. Chỉ cần cách nhìn khác đi là ta sẽ khác đi.

Phóng viên: Cho nên, nói không ngoa...

Ông chủ: Mọi sự thay đổi trong xã hội chúng ta, trước tiên là thay đổi cách nhìn. Phải lập tức đổi mới cách nhìn, trên hết là cách nhìn, bắt đầu từ cách nhìn, rồi mới tới cách cử động chân tay.

Phóng viên: Chính xác. Vậy thưa ông, với mấy mươi năm làm nghề bán kính đeo mắt, ông thấy thay đổi cách nhìn có dễ không?

Ông chủ: Chả dễ mà cũng chả khó. Nó phụ thuộc vào tuổi tác, trình độ và quan trọng nhất là chỗ đứng của mỗi con người trong xã hôi.

Phóng viên: Nghĩa là sự xung đột về cách nhìn bao gồm sự xung đột về nhiều mặt?

Ông chủ: Đúng thế! Nó hoàn toàn chả phụ thuộc vào... thị lực tí nào.

Phóng viên: Rắc rối nhỉ?

Ông chủ: Rắc rối lắm. Anh hãy coi đây: Trong hiệu của tôi bán hàng trăm loại kính. Chúng khác nhau về kiểu dáng, màu sắc, giá cả. Khác tới vô cùng. Nhưng những cặp khác nhau về cách nhìn thì vô cùng ít ỏi, và đôi khi... chả có người mua.

Phóng viên: Nghĩa là?

Ông chủ: Nghĩa là với tư cách một ông bán kính tôi nói rằng thảm họa nhất của cuộc sống là người ta hay nhìn, và qua đó, nghĩ giống nhau. Cách nhìn khác hẳn đi chỉ dành cho vĩ nhân.

Phóng viên: Hay cho những kẻ điên rồ?

Ông chủ: Tất nhiên. Xin lưu ý: nhiều vĩ nhân lúc chưa ai nhìn ra cũng giống hết điên rồ.

Phóng viên: Từ đó suy ra...

Ông chủ: Trong cách nhìn trên đời, cách nhìn người quan trọng nhất.

Phóng viên: Phải.

Ông chủ: Trên thực tế ở ta, nhìn ai thì cũng muốn cho "thích mắt" rồi "thích tai" và "thích tính" chứ không đặt phương châm "thích trí tuệ" lên đầu. Đấy là một nguyên nhân, theo tôi làm cho cuộc sống chúng ta không khá.

Phóng viên: Mặc dù khiến cho dân bán kính hưởng lợi?

Ông chủ: Phải! Nắm được đặc điểm này, dân bán kính chỉ cần chế tạo ra những kính lập lòe, những thứ đeo vào không phải để nhìn ai mà để ai nhìn mình, khiến cho bản chất của nhìn hoàn toàn thay đổi. Điều đó, buồn thay, lại tốt cho việc kinh doanh.

Phóng viên: Phải chăng ý ông là trong tiệm kính đeo mắt của ông, có rất nhiều cặp kính đắt tiền đeo vào chả để nhìn gì cả?

Ông chủ: Đúng thế. Nếu đeo kính lên mắt cũng nhìn như có hai mắt thì đeo kính làm chi? Nhưng sự thật này đâu phải ai cũng biết, và biết, đâu phải ai cũng thích nói ra. Tôi kêu gọi mọi người, trước khi nhìn đi đâu, cũng bỏ ra năm phút nhìn cặp kính của mình và tự hỏi: Ta cần nó hay nó cần ta? Ta cận thị trong nhãn cầu hay cận thị trong trí não? Ta không nhìn thấy hay thấy mà không dám nhìn?


Một vài suy nghĩ thêm từ bài viết

Minh Bùi (Công ty cổ phần Doanh nhân 360)

Bài viết rất hay và nhẹ nhàng. Nó có thể dùng để ngẫm về cách nhìn, cách nghĩ của mỗi người. Đôi mắt hay đôi kính đều là phương tiện để chúng ta nhìn và sống tốt hơn. Đôi kính có sức mạnh của toàn bộ nền văn hóa vượt xa sự hữu hạn sinh học của đôi mắt. Giáo sư Phan Đình Diệu đã từng viết như sau: "Đời là một cuộc thám hiểm bất tận, mà hành trang cho cuộc thám hiểm đó ở mỗi con người luôn luôn phải là một đôi mắt mới. Hãy để cho mỗi người tự chăm lo cho đôi mắt mình luôn được đổi mới, và được tự nhìn thế giới bằng chính đôi mắt luôn đổi mới đó". (GS. Phan Đình Diệu). Rất nhiều người không nhận ra tầm quan trọng, ảnh hưởng quyết định của đôi kính - chính là cái bổ sung cách nghĩ (quan điểm về thế giới quan/ nhân sinh quan) đối với cuộc sống của bản thân. Tôi nghĩ bài viết này bàn về chính điều này vàđem đến gợi ý đáng suy nghĩ là: Mỗi cá nhân nên có thế giới quan/ nhân sinh quan tốt hơn.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thế giới quan – chiếc la bàn định hướng cuộc sống

    27/12/2007Bùi Quang MinhHành trang cuộc sống của mỗi người luôn luôn cần tới những tri thức, trí tuệ sâu sắc. Thế giới quan là thứ không thể thiếu được trong hành trang trí tuệ ấy của mỗi người. Nó là cái cần phải được từng người tự học hỏi, chăm lo, đổi mới để có thể nhìn, hiểu và làm theo những luận điểm tổng quát góp phần như một chiếc la bàn định hướng cuộc sống...
  • Triết học - hạt nhân lý luận của thế giới khách quan

    27/10/2006Vũ Gia HiềnĐể tồn tại, loài người phải thích nghi với môi trường sống của mình, nhưng con người không thích nghi với thế giới bên ngoài một cách thụ động, mà luôn luôn tìm cách biến đổi thế giới đó theo những yêu cẩu cuộc sống của mình. Muốn vậy, con người phải hiểu thế giới xung quanh cũng như về chính bản thân con người. Thế giới quanh ta là gì?
  • Nhìn và Thấy

    08/02/2006Phan Đình DiệuĐời là một cuộc thám hiểm bất tận, mà hành trang cho cuộc thám hiểm đó ở mỗi con người luôn luôn phải là một đôi mắt mới. Hãy để cho mỗi người tự chăm lo cho đôi mắt mình luôn được đổi mới, và được tự nhìn thế giới bằng chính đôi mắt luôn đổi mới đó...
  • Mấy suy nghĩ về việc xác định bản chất của thế giới quan

    23/09/2005Nguyễn Huy HoàngNgày nay, dưới sự tác động của các quá trình dân chủ hoá, nhân đạo hoá, tin học hoá và toàn cầu hoá, việc xác định tình trạng hiện thời của đời sống xã hội và vạch ra con đường phát triển của nó trong tương lai không chỉ là công việc riêng của các nhà lãnh đạo, các chính trị gia, mà còn cuốn hút sự tham gia đông đảo của mọi tầng lớp đại chúng. Trong khung cảnh như thế, việc xác định, xây dựng và phổ biến một thế giới quan khoa học và cách mạng sẽ mang lại một ý nghĩa vô cùng quan trọng.
  • Thay đổi cách nhìn và thái độ sống

    06/07/2005FISH! - Thay đổi cách nhìn và thái độ sống là một câu chuyện bắt đầu từ Mary Jane - người được giao phụ trách một nơi làm việc có thái độ trì trệ nhiều năm liền, nơi có những con người, và môi trường làm việc tệ hại không thể thay đổi được, một môi trường được mệnh danh là “bãi rác sinh lực độc hại”. Cảm giác bất lực, chán nản đã hoàn toàn xấm chiếm Mary Jane trong những ngày đầu. Thật bất ngờ, trong một lần ghé thăm khu chợ cá Pike Place đầy thú vị, những ý tưởng bổ ích từ khu chợ cá đặc biệt này đã giúp cô làm được những điều tuyệt vời…