Ba bình diện

01:54 CH @ Thứ Sáu - 21 Tháng Tám, 2009

Bài toán về những mối quan hệ tinh thần giữa Phương Tây và Phương Đông đặt ra vấn đề các con đường và các cách thức những mối quan hệ đó cần phải được thể hiện như thế nào để thật sự là có ích. Bởi ai cũng hiểu rằng hai bộ phận đó của thế giới không thể cứ đối lập với nhau mãi, chúng không thể cứ sống mà không hề biết đến nhau, và chúng cần phải tìm được một mảnh đất để có thể thâm nhập vào nhau và thấu hiểu nhau.

Do những khác biệt riêng chia cách chúng, những khác biệt mà chúng tôi đã có dịp chứng minh, sự thâm nhập ấy không thể có được một cách căn bản và toàn vẹn ngày một ngày hai. Nó phải diễn ra từ từ, từng bước, theo từng giai đoạn hay từng bình diện liên tục. Và về việc đó, tôi nghĩ có thể thiết lập như sau các kế hoạch theo đó sự thâm nhập ấy cần phải được thực hiện, hay như cách nói tôi đã sử dụng trong một bài viết trước đây, cần diễn ra sự thấm nhiễm dần dà các trao đổi về văn hóa và văn minh: bình diện trí tuệ, bình diện thẩm mỹ và bình diện đạo đức.

Đương nhiên, giữa ba cấp hay ba bình diện này, không thể có những phân cách kín bưng hay những ranh giới thật rõ rệt. Những giao thoa liên tục tạo sự liên thông giữa chúng với nhau. Tuy nhiên giữa chúng vẫn có những khác biệt về tính chất cho phép có một sự tách rời hợp lý. Như vậy bình diện trí tuệ liên quan đến tri thức, là điều, theo cách hiểu rất đúng của Descartes, được chia đều hơn cả trên đời này; tôi muốn nói rằng đấy là một năng lực phổ quát hàng đầu mà những sự khác biệt về chủng tộc cũng như về cá nhân chỉ nằm duy nhất trong trình độ phát triển chứ không nằm trong chính bản chất. Bình diện mỹ học thuộc về cảm quan đối với cái đẹp hay sở thích, năng lực không còn cùng tính chất phổ quát như tri thức, bởi nó biến đổi tùy theo chủng tộc và có những yếu tố vốn là riêng biệt đối với từng chủng tộc. Cuối cùng bình diện đạo đức thuộc đời sống riêng tư của từng dân tộc và đích thực là lĩnh vực dành riêng ở đấy mỗi dân tộc biểu lộ tâm hồn của mình trong tất cả bản sắc của nó.

Một nguyên tắc của khoa học là trong mọi tri thức phải đi từ cái riêng đến cái chung. Hình như trong việc hiểu nhau giữa Phương Tây và Phương Đông, để thâm nhập được vào nhau, phải đi theo nguyên tắc ngược lại: ở đây không phải là đi từ cái riêng đến cái chung nữa, mà phải từ cái chung đến cái riêng.

Trước hết cần thực hiện những trao đổi trên bình diện tuệ. Bình diện thẩm mỹ và bình diện đạo đức chỉ có thể đạt đến được sau đó, và lại còn không bao giờ có thể toàn vẹn.

Tôi tin đó là nguyên tắc phải theo trong các quan hệ giữa Phương Tây và Phương Đông. Nguyên tắc đó, nếu ta biết áp dụng một cách thông minh và có phương pháp, sẽ khiến cho các quan hệ ấy trở nên hợp lý và bổ ích, bằng không cứ thả lỏng cho chúng, không có phương hướng và không được kiểm soát, sẽ tất yếu sinh rối loạn.

Để chứng tỏ lợi ích của nguyên tắc ấy, hãy thử xem xét vấn đề theo quan điểm một phía. Trong cặp đối ngẫu Tây - Đông, rõ ràng ngày nay Tây đang vượt trội Đông, trong lúc này rõ ràng Đông đang phụ thuộc vào Tây. Không có gì có thể chứng minh rằng Tây chẳng có gì để học được ở Đông; nhưng trong lúc này, vì những lý do sẽ là quá dài nếu ta muốn kể ra, Đông đang có xu hướng không thể cưỡng lại được muốn học tất cả của Tây.

Vậy nên hãy xem trong những điều kiện nào Phương Đông có thể nhận được bài học từ Phương Tây mà không chối bỏ chính mình.

Chính bằng cách áp dụng nguyên tắc ba bình diện ta có thể đi đến đó dễ dàng hơn cả.

Trên bình diện trí tuệ - hiểu theo nghĩa rộng nhất - Phương Đông gần như có thể học được tất cả của Phương Tây, về khoa học, kỹ thuật, phương pháp, tổ chức, cả nền triết học của họ như là phương cách quan niệm hợp lý và khoa học những vấn đề lớn về nhận thức. Đây là lĩnh vực phổ quát. Trí tuệ là tối cao. Và có thể nói tri thức không có ranh giới nào khác hơn là chính nó. Về nguyên tắc chúng ta có thể học tất cả và hiểu tất cả, nếu chúng ta có một đầu óc được tổ chức tốt và được rèn giũa cho công việc ấy. Một nhà toán học, một nhà vật lý, một kỹ sư cầu đường hay hầm mỏ, một người thầy thuốc hay một chuyên gia về triết học, và tôi còn muốn kể thêm một người chủ nhà máy hay xí nghiệp, dầu anh ta là người Pháp, người nước Nam hay người Trung Quốc, nếu anh ta có những phẩm chất trí tuệ giống nhau và được học hành như nhau, thì đều phải có được những hiểu biết như nhau và tiến hành công việc theo cách giống nhau.

Phạm Quỳnh - hiệu Thượng Chi, bút danh: Hoa Đường, Hồng Nhân - là một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn (Việt Nam). Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp - để viết lý luận, nghiên cứu. Ông chủ trương chiến đấu bất bạo động nhưng không khoan nhượng cho chủ quyền độc lập, tự trị của Việt Nam, cho việc khôi phục quyền hành của Triều đình Huế trên cả ba kỳ (Bắc, Trung, Nam), chống lại sự bảo hộ của Pháp và kiên trì chủ trương chủ nghĩa quốc gia với thuyết Quân chủ lập hiến.

Các tác phẩm chính:

- Thượng Chi văn tập (5 tập) (Bộ Quốc gia giáo dục, Sài Gòn, 1962)
- Pháp du hành trình nhật ký (NXB Hội Nhà văn - H, 2004)
- Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922 - 1932 (NXB Tri thức, H,2007)
- Một tháng ở Nam Kỳ
- Mười ngày ở Huế
- Luận giải về văn học và triết học (Nxb. Văn hoá Thông tin và Trung tâm văn hoá - ngôn ngữ Đông Tây xuất bản, H, 2003)
- Hoa Đường tùy bút

>> Trang tác giả: Phạm Quỳnh

Chẳng có gì khiến người nước Nam và người Phương Đông nói chung không học được tất cả các khoa học và kỹ thuật Châu Âu. Thậm chí họ không chỉ cần học được tất cả các tri thức khoa học Phương Tây mang lại, mà còn học lấy một vài phẩm chất trí tuệ đã làm nên sức mạnh và hiệu lực của tinh thần Phương Tây: tính chính xác, phương pháp, lòng say mê nghiên cứu vô vị lợi, tinh thần sáng chế, óc sáng tạo. Và khi đã có được những phẩm chất ấy, họ có thể không hạn chế tham vọng của mình trong việc học lấy một nền khoa học đã làm xong sẵn cả, như nó được mang lại từ Phương Tây, mà còn có những đóng góp cá nhân quan trọng trong những lĩnh vực chưa được Phương Tây khai phá.

Vậy nên chính trên bình diện trí tuệ Phương Tây có thể có ích hơn cả cho Phương Đông. Phương Đông có thể sốt sắng, hăng hái học chúng, không ngập ngừng và không lo lắng gì.

Và đây không chỉ là những gì đem lại từ một nền văn minh vật chất và cơ giới. Đây thật sự là tài sản trí tuệ. Trí tuệ Phương Đông, xưa nay hướng về chiêm nghiệm nhiều hơn là hành động, đã ngủ say trong một sự đờ dẫn cằn cỗi. Áp dụng các phương pháp của Phương Tây sẽ đánh thức nó dậy và khiến nó đối mặt với thực tế, do đó góp phần vào sự phát triển, mài giũa, khẳng định của nó, kích thích nó sáng tạo và hành động.

Tóm lại, ảnh hưởng của Phương Tây trong lĩnh vực trí tuệ chỉ có thể là bổ ích và có lợi. Có thể nói Phương Đông có thể hứng chịu ảnh hưởng này không cần dè dặt và hạn chế, hay đúng hơn, chỉ với một sự dè dặt: nền khoa học là sản phẩm hoàn thiện luận của tinh thần Phương Tây đó, không nên coi nó là một mục đích tự thân, mà như một phương tiện mạnh mẽ để có được tiến bộ và văn minh, phương tiện có hiệu quả nhất con người đã đạt được để tác động lên tự nhiên quanh mình và đồng thời thực hiện tất cả sự hoàn thiện mà nó có khả năng. Phương tiện đó, dầu nó có mạnh mẽ đến thế nào, cần phải biết cách sử dụng nó, làm chủ nó, chứ không coi nó như một thứ thần thánh để hy sinh tất cả vì nó.

Bây giờ hãy chuyển sang bình diện mà tôi gọi là thẩm mỹ, cũng là trong ý nghĩa chung nhất, bao gộp tất cả các biểu hiện của văn học và nghệ thuật. Sự hiền minh của dân gian cho rằng chớ nên bàn cãi về mùi vị và màu sắc. Ý muốn nói rằng chẳng hề có tiêu chí duy nhất nào cho cái đẹp và cái hay, và những phán xét về thẩm mỹ, trong đó chứa rất nhiều tính chủ quan, khác nhau rất nhiều giữa các cá nhân. Giữa các chủng tộc khác nhau, lại càng nhiều hơn. Ở đây chúng ta không còn ở trong lĩnh vực trí tuệ thuần tuý. Cộng với trí tuệ còn có tình cảm, vốn có bản chất hết sức không ổn định, và một lô những yếu tố khác nữa thuộc về môi trường, thói quen, giáo dục, di truyền, tính khí riêng của từng cá nhân, từng chủng tộc. Một định lý hình học, một định luật cơ học, một luận lý được dắt dẫn theo các quy tắc chặt chẽ của logic hình thức, hẳn mọi người đều phải chấp nhận. Một bài thơ, một bức tranh, một công trình kiến trúc, một bức tượng, một bài hát hay một bản nhạc, gợi lên những phán xét khác nhau, đôi lúc trái ngược nhau. Đương nhiên, có những tuyệt tác khiến mọi người đều thán phục; chính vì ẩn chứa một phần tính phổ quát mà chúng được mọi người chấp nhận; nhưng bên cạnh tính phổ quát đó, chúng còn có những tính chất riêng liệt rõ rệt nữa khiến bao giờ chúng cũng có phần không thể đến được đối với những người có tính khí khác và thuộc nòi giống khác. Tôi ngưỡng mộ nhà thờ Riems, công trình kiến trúc phi thường, không chỉ làm vinh danh cho tài năng Pháp, mà còn thuộc về tổng thể những tuyệt tác của thiên tài nhân loại. Nhưng sự ngưỡng mộ của tôi có thể nói là mang chất trí tuệ, và đứng trước những hàng răng cưa tuyệt vời bằng đá kia, tôi sẽ không bao giờ có được cái ấn tượng sâu sắc chẳng hạn như khi đứng trước lăng Minh Mạng. Tôi không dám nói rằng lăng này đẹp hơn, tuy nhiên cách quan niệm và cách thực hiện của nó đáp ứng tốt hơn ý tưởng của tôi, và những người cùng nòi giống với tôi, về cái đẹp, đối với chúng tôi vốn không nằm trong bản thân sự hoàn hảo của bàn tay con người, mà trong sự đồng cảm, hài hoà của lao động ấy với thiên nhiên và nhân quần chung quanh. Tôi nghĩ tôi cũng hiểu văn học Pháp theo cách đó; ít ra là tôi hết sức cố gắng theo hướng đó. Nhưng sự ngưỡng mộ của tôi đối với các nhà văn và nhà thơ lớn của Pháp vẫn còn thuộc lĩnh vực thuần tuý trí tuệ, và chẳng hề có chút gì chung với niềm vui thích chẳng hạn khi tôi đọc lại Kim Vân Kiều: tác phẩm thơ này có thể không phong phú, không hoàn thiện bằng nhiều tác phẩm Phương Tây; song bao giờ nó cũng gợi lên trong tâm hồn tôi những cảm xúc bất tận.

Như vậy, trên bình diện thẩm mỹ, ảnh hưởng Phương Tây sẽ không bao giờ sâu sắc, và có thể không bao giờ bổ ích bằng trên bình diện trí tuệ. Ở đây những đóng góp của Phương Tây chỉ có thể được tiếp nhận rất thận trọng. Châu Á đã mất nhiều thời gian để sao chép Châu Âu, một số người thậm chí còn nói là học đòi Châu Âu. Càng chú ý mài sắc trí tuệ của mình, làm mềm bớt đi đầu óc của mình bằng cách thực hành các phương pháp khoa học của Phương Tây, thì nó lại càng phải giữ vững các lý tưởng về nghệ thuật và về cái đẹp của mình. Đây là chuyện cuộc sống của nó, tâm hồn của nó.

Nhưng còn bình diện đạo đức, vốn là bình diện sâu nhất, xa nhất khó với tới nhất, bởi đó là nơi ẩn náu linh hồn của nòi giống, thì sao đây? Ở đây, những biến đổi chỉ có thể diễn ra rất chậm chạp, và như thế là tốt, bởi cốt lõi đạo đức của một dân tộc không hình thành ngày một ngày hai; bao giờ cũng cần có thời gian hầu như vô tận để đạt đến được sự bền vững và chắc chắn ấy, không có nó thì không một nòi giống nào có thể tồn tại và phát triển. Nhưng cái cốt lõi cần có thời gian để hình thành ấy lại có thể bị hủy hoại, bị tan rã hết sức nhanh chóng. Việc du nhập không đúng lúc những yếu tố khác lạ đối với tinh thần của nòi giống là một trong những nguyên nhân chắc chắn nhất của sự tan rã đó.

Có thể ở trong lĩnh vực của các truyền thống, mà sự bảo tồn chính là điều kiện sống còn của các dân tộc.

Gustave Le Bon nói: “Những kẻ dắt dẫn thật sự của các dân tộc chính là các truyền thống của chúng... Không có các truyền thống, nghĩa là không có linh hồn dân tộc, thì không thể có bất cứ một nền văn minh nào”.

Có phải như vậy là truyền thống loại trừ mọi ý tưởng về biến đổi và tiến bộ? Không, truyền thống, cũng như mọi thứ khác, cũng phải phát triển. Nhưng sự phát triển đó bao giờ cũng phải từ từ; nó không thể là kết quả của những nguyên nhân và ảnh hưởng ngoại lai tác động một cách hung bạo hay vô độ; cũng như mọi sự phát triển tự nhiên, nó luôn phải giữ được sự cân bằng đúng đắn giữa các lực lượng quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và tiến bộ.

Gustave Le Bon còn nói: “Hai việc lớn con người đã làm từ khi ra đời cho đến nay là sáng tạo một hệ truyền thống, rồi phá hủy chúng đi khi những tác động tốt đẹp của chúng đã mòn mỏi. Không có những truyền thống ổn định, thì không có những nền văn minh; không có sự loại trừ chậm chạp của những truyền thống ấy, thì không có tiến bộ. Điều khó khăn là tìm ra được sự cân bằng đúng đắn giữa ổn định và biến đổi. Khó khăn ấy rất lớn. Nhiệm vụ cơ bản của một dân tộc là gìn giữ những thiết chế quá khứ, và dần dần cải biến chúng đi. Một nhiệm vụ thật khó khăn...”.

Như vậy ta thấy trong lĩnh vực này cần phải tiếp nhận cái mới đến từ bên ngoài một cách thận trọng như thế nào. Việc du nhập chúng một cách khinh suất sẽ có nguy cơ làm rối loạn sự tiến hóa tự nhiên vốn phải diễn ra từ từ, cần có thời gian, và rất thận trọng, khôn ngoan, cần một cảm quan thường xuyên tỉnh táo về sự cân bằng và mức độ, cái trung dung rất khó có được và hoàn toàn là bất khả thi nếu ta muốn thúc đẩy sự vật một cách phi tự nhiên.

Như vậy ảnh hưởng của Phương Tây phải được dừng lại ở lĩnh vực vốn là biểu hiện đời sống riêng tư này của từng dân tộc, đền thờ thiêng liêng lưu giữ các truyền thống và linh hồn của họ. Nó chỉ có thể tác động lên đó một cách xa xôi và gián tiếp, sau khi đã đi qua các lĩnh vực khác mở rộng ra đối với ảnh hưởng của nó.

Tóm lại, bình diện trí tuệ mở rộng đối với du nhập từ Phương Tây; bình diện thẩm mỹ sẽ rất tốt nếu được tiếp nhận một cách điều độ; bình diện đạo đức sẽ là tốt nếu chỉ được tiếp nhận cực kỳ thận trọng, có thể nói sau một thời gian tập sự lâu dài ở các lĩnh vực khác.

Đương nhiên, trong thực tế mọi việc không diễn ra một cách rõ ràng sít sao như vậy, và như chúng tôi đã nói trên kia, có những giao thoa liên tục của các mối quan hệ giữa ba bình diện. Nhưng sự phân biệt bao giờ cũng khả dĩ và thậm chí dễ dàng, nếu ta biết chú ý. Và, chúng tôi tin là cần làm như vậy.

(1932)

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Luận giải triết học Đông Tây vào cuộc sống

    05/07/2017Nguyễn Tất ThịnhTôi trình bày ngắn gọn về Ngũ Hành - Một tư tưởng triết học Cổ điển nhưng vô cùng tinh tế khúc triết của cả Hai Nền Triết Học Đông Tây để luận giải thêm quan niệm về Cuộc Sống với quá trình nội tại của nó và với Thế Giới. Mọi luận thuyết thực sự trở nên có ý nghĩa với Con Người khi mỗi người có thể hiểu đúng, tích cực về nó trong Cuộc Sống của mình...
  • Tại sao phương Đông đi trước về sau?

    05/05/2017Đỗ Kiên CườngTrong Sự thức tỉnh vĩ đại, Ngô Tự Lập cho rằng văn minh xuất hiện là do sự thức tỉnh của con người về quyền tư hữu. Ngô Tự Lập cũng mở rộng vấn đề, khi xem phương Đông tuy thức tỉnh trước, nhưng không triệt để vì vẫn duy trì chế độ công hữu về ruộng đất đến tận thế kỷ XIX. Và đó là lý do văn minh phương Đông đi trước về sau. Còn phương Tây, tuy thức tỉnh muộn nhưng tư hữu triệt để hơn, nên đã vượt xa phương Đông.
  • Phương Đông và phương Tây

    07/11/2015Phạm Quỳnh (sinh (17/12/1892 - mất 6/9/1945)Chúng ta sống trong một thời kỳ khủng hoảng của lịch sử thế giới. Đấy không phải là một lời sáo rỗng tầm thường, một công thức mơ hồ và có phần cường điệu. Đấy là một nhận xét cần thiết nếu ta nghĩ đến những hậu quả kinh khủng của bi kịch do cuộc va chạm giữa Phương Đông và Phương Tây gây ra trên thế giới...
  • Dân chủ và những sắc thái của nó ở phương Đông và phương Tây

    15/10/2010Nguyễn Trần BạtSự khác nhau trong thái độ và quan niệm về dân chủ đã tồn tại từ hàng ngàn năm nay. Khái niệm dân chủ, như nhiều người quan niệm, dường như là một sản phẩm của văn minh phương Tây, đúng hơn là văn minh Hy Lạp. Khi nói về những thể chế chính trị, khái niệm này được đặt đối lập với khái niệm quân chủ, tức là sự đối lập một hình thức quyền lực nhà nước, trong đó quyền lực thuộc về tất cả mọi công dân và một hình thức khác, trong đó quyền lực thuộc về một cá nhân...
  • Phạm Quỳnh - Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922-1932

    08/08/2009Cái văn bản Phạm Quỳnh mấy chục năm qua đã thoát hình hài trần thế để được thoả sức yêu cái đẹp thiên giới, nơi đó không còn triết học và thực dụng, không còn lo âu và toan tính, không còn ảo tượng và vỡ mộng. Văn bản đó sẽ để lại trong lòng người những tác phẩm như thế nào đây? Điều đó hoàn toàn là của riêng bạn đọc. Mấy lời giới thiệu phiến diện này cũng chỉ là một trong vô vàn tác phẩm mà thôi.
  • Dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh - chiếc cầu nối văn hóa Đông Tây

    28/07/2009Hoàng TiếnNền văn hóa phương Tây, ta chỉ mới làm quen độ hơn trăm năm nay. Những người có công bắc chiếc cầu nối để ta hiểu phần nào nền văn hóa phương Tây, cũng như để người phương Tây phần nào hiểu nền văn hóa Việt Nam, là lớp trí thức hồi đầu thế kỷ, mà ông Nguyễn Văn Vĩnh là người đáng được ghi công đầu.
  • Phạm Quỳnh: Ngọn gió Nam

    15/07/2009Đỗ Lai ThúyNam Phong (1917-1934) là một trong những tạp chí có công rất lớn trong việc cổ động cho văn học quốc ngữ, cho nền quốc học Việt Nam. Đặc biệt cho việc xây dựng một nền văn hóa Việt Nam trên cơ sở kết hợp, dung hòa hai nền văn chương, học thuật, tư tưởng Đông – Tây. Các biên tập viên giữ các chuyên mục của tạp chí đều là những cây bút vững vàng, sắc sảo, nhạy bén với những vấn đề văn hóa, trong đó phải kể đến ông chủ bút là Phạm Quỳnh.
  • Phạm Quỳnh (1892 - 1945)

    29/06/2009Một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn. Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp - để viết lý luận, nghiên cứu...
  • Tư duy phương Tây vs. tư duy phương Đông

    07/12/2008Hoàng Thạch QuânGiáo sư Nisbet cho rằng tư duy của Đông và Tây là khác nhau và người phương Tây thường không ý thức được tư duy của họ bám chặt vào các nguyên tắc logic đến mức nào, trái ngược với kiểu tư duy “biện chứng” của phương Đông.
  • Vấn đề phương Đông và phương Tây

    25/11/2008Phạm QuỳnhCó chăng một vấn đề Phương Đông và Phương Tây? Đặt ra vấn đề về các quan hệ giữa hai phần đó của thế giới do sự đối lập hay sự đối kháng của chúng là đúng hay sai? Giữa chúng có những khác biệt đặc trưng cho phép một sự đối lập như vậy không?
  • Vài so sánh giữa triết học phương Đông và triết học phương Tây

    11/11/2006Bài này chia sẻ những điểm khác biệt về triết học, triết lý Đông - Tây, từ đó quyết định xem cân đối kiến thức sao cho hợp lý, hiệu quả cho cuộc sống...
  • Minh triết phương Đông & Triết học phương Tây

    07/07/2006Nguyên Ngọc (Dịch & giới thiệu)Viết công trình này Francois Jullien qua lại giữa hai bờ của thượng lưu dòng sông tư tưởng nhân loại: tư tưởng TrungHoa cổ dại (là cơ sở để nghiên cứu minh triếtphương Đông) và triết lý Hy Lạp cổ đại (là căn cứ để xác định tư duy triết học phương Tây)...
  • Đối thoại liên văn hóa giữa Việt Nam và phương Tây

    26/06/2006Hữu NgọcCó thể định nghĩa tiếp biến văn hóa là sự tiếp xúc giữa các cộng đồng văn hóa khác nhau và kết quả là những thay đổi về văn hóa trong mỗi nhóm. Thí dụ: hai nhóm văn A và B tiếp xúc với nhau: tiếp xúc văn hóa có thể đem lại kết quả tích cực hoặc tiêu cực...
  • Tư duy phương Đông nhìn dưới ánh sáng học thuyết Einstein

    07/11/2005Nguyễn Huệ ChiĐột phá khoa học của thế kỷ XX được đánh dấu bằng việc khám phá ra thuyết tương đối của nhà vật lý học Albert Einstein ngay vào những năm đầu thế kỷ đã làm chấn động dư luận thế giới, nhưng ý nghĩa lớn lao của nó, theo tôi nghĩ, lại chính là sự tác động dây chuyền và có tính chất lâu dài trong suốt cả một thế kỷ, làm lung lay một phương pháp tư tưởng đã hằn sâu thành nếp, chiếm địa vị độc tôn trong nghiên cứu, có lúc gây bế tắc trì trệ cho nhiều ngành khoa học, không chỉ khoa học tự nhiên mà cả khoa học xã hội và nhân văn - phương pháp duy lý cổ điển [1] của phương Tây...
  • xem toàn bộ