Quan điểm Macxit về thời đại và đặc trưng của thời đại hiện nay

09:36 CH @ Thứ Hai - 26 Tháng Mười Hai, 2005

Thời đại mà những người Mácxít nói đến, là một khái niệm chính trị, là sự khái quát chiến lược ở tầng nấc cao nhất về tiến trình phát triển và xu thế cơ bản của thế giới. Về mặt thời gian, nó chỉ một giai đoạn tương đối dài trong tiến trình phát triển lịch sử thế giới. Về mặt không gian, nó lấy đặc trưng phát triển xã hội của đại đa số quốc gia và khu vực trong phạm vi toàn thế giới làm căn cứ. Về mặt nội dung, nó là sự khái quát bản chất về các mâu thuẫn và vấn đề của thế giới. Nhìn từ phương hướng phát triển, nó là sự phản ánh cơ bản về tình thế cơ bản của tiến trình lịch sử thế giới.

I. Căn cứ chủ yếu để phân chia thời đại

Vấn đề “thời đại” là một đề tài hấp dẫn được các học giả phương Đông và phương Tây nghiên cứu tìm hiểu và đã đưa ra rất nhiều kiểu phân chia. Có người thông qua đặc trưng tình thế của thế giới để phân chia thời đại, như: thời đại hai cực, thời đại đa cực, thời đại toàn cầu hoá, thời đại Chiến tranh lạnh, thời đại hậu chiến tranh lạnh, thời đại sau hậu chiến tranh lạnh, thời đại hoà hoãn, v.v... Có người lấy sự phát triển của khoa học - công nghệ hiện nay để xác định thời đại, như: thời đại khoa học - công nghệ, thời đại điện tử, thời đại tin học, thời đại sinh học, thời đại toàn cầu, thời đại không gian vũ trụ, v.v... Có người lấy hình thái kinh tế để phân chia thời đại, như: thời đại kinh tế nông nghiệp, thời đại kinh tế công nghiệp, thời đại kinh tế tri thức,v.v… Thậm chí có người lấy sự ảnh hưởng của đảng phái một nước nào đó để phân chia thời đại, như: thời đại Truman, thời đại Ri gân, v.v... Còn có người lại lấy ảnh hưởng của một trường phái nào đó để phân chia, như: thời đại Keynes, thời đại hậu Keynes,v.v... Do cách nhìn nhận và phương pháp nghiên cứu khác nhau, khiến cho sự khái quát về tính chất và đặc trưng của thời đại hiện nay của mọi người không giống nhau. Các cách phân chia nói trên không thể phủ nhận, ở một góc độ nào đó có sự hợp lý nhất định, nhưng đã xem nhẹ tính chất xã hội của thời đại. Điều đó cũng đã phản ánh quan điểm thời đại riêng biệt nào đó có ý nghĩa định hướng chiến lược và chỉ dẫn chính sách to lớn, lý giải về thời đại khác nhau thường sinh ra các quan điểm thế giới, quan điểm chính trị và quan điểm chiến lược khác nhau, từ đó trực tiếp ảnh hưởng đến chính sách đối nội, đối ngoại của một nước.

Xã hội loài người phong phú, nhiều màu sắc, nhiều sự việc; trên thế giới đầy khó khăn, phức tạp, không chỉ tồn tại ở các lĩnh vực kinh tế, khoa học – công nghệ, chính trị, quân sự, văn hoá, v.v..., mà còn tồn tại các lực lượng và các chủ thể lợi ích: quốc gia, khu vực, dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp,v.v... khác nhau, các hiện tượng thế giới muôn hình muôn vẻ và các mâu thuẫn lực lượng, các xung đột lợi ích đan xen vào nhau. Muốn nắm được nhịp đập của thời đại, làm rõ chủ đề của thời đại, cần phải nghiên cứu sâu các hiện tượng phức tạp của thế giới, nắm được đặc trưng căn bản của thế giới; phải tìm thấy những mâu thuẫn chủ yếu từ trong các mâu thuẫn rất phức tạp đan xen nhau của thế giới.

Thứ nhất, phải vận dụng phương pháp phân tích giai cấp, phân tích các điều kiện của sự chuyển biến thế giới, đánh giá và nhận rõ đặc trưng cơ bản của thời đại. Với những người Mácxít, một thời đại được gọi là thời đại, thời đại này khác biệt với một thời đại khác, chính là vì trong tiến trình phát triển lịch sử loài người, giai đoạn riêng biệt nào đó, nó bao gồm toàn bộ những hiện tượng và những cuộc chiến tranh muôn hình muôn vẻ, điển hình cũng có mà không điển hình cũng có, lớn cũng có mà nhỏ cũng có, riêng cho các nước tiên tiến cũng có mà riêng cho các nước chậm tiến cũng có. Khi trên thế giới còn tồn tại phổ biến các chế độ nhà nước có tính chất khác nhau, giai cấp xã hội khác nhau, chế độ xã hội khác nhau, có mối quan hệ phức tạp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất xã hội, xét đến cùng bị nó chế ước và do nó quyết định, muốn phân biệt thời đại thì phải kiên trì phương pháp phân tích giai cấp xã hội nào, loại chế độ nhà nước nào quyết định và ảnh hưởng đến nội dung chủ yếu của thời đại, đến đặc điểm bối cảnh chủ yếu của thời đại, v.v... là căn cứ cơ bản để phân định thời đại.

Thứ hai, phải lựa chọn những sự kiện lịch sử đặc biệt nổi bật đã xảy ra trong đời sống hiện thực làm mốc để phân chia thời đại. V.I.Lê nin đã chỉ ra: “Dĩ nhiên là những cách phân giới hạn đó, cũng như nói chung những cách phân giới hạn trong thời tự nhiên hoặc trong xã hội, đều chỉ có tính chất quy ước và không cố định, đều là tương đối chứ không phải là tuyệt đối và nếu ta lấy những sự kiện lịch sử nổi bật nhất, đáng chú ý nhất để làm mốc cho những phong trào lịch sử lớn thì đó cũng chỉ làm một cách phỏng chừng mà thôi”. Lênin đã từng lựa chọn cuộc chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha (1893), cuộc chiến tranh Anh - Bôe (1899 - 1902), cuộc chiến tranh Nga - Nhật (1904 - 1905) và cuộc khủng hoảng kinh tế châu Âu năm 1900 làm những mốc chủ yếu của thời kỳ lịch sử (CNTB tự do tiến vào giai đoạn đế quốc chủ nghĩa) đó. Lênin nhấn mạnh: “Chúng ta đang sống ở khoảng giao thời giữa hai thời đại và chỉ có thể hiểu được những biến cố lịch sử có ý nghĩa lớn lao đang diễn ra trước mắt chúng ta nếu trước hết chúng ta phân tích những điều kiện khách quan của bước chuyển từ thời đại này sang thời đại kia”. Chính vì vậy, Lênin coi thắng lợi của cách mạng XHCN Tháng Mười là sự mở đầu của thời đại mới, cho rằng Cách mạng Tháng Mười thắng lợi mở ra con đường quá độ từ CNTB lên CNXH của lịch sử loài người. Còn Đặng Tiểu Bình cho rằng, việc kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ hai, một loạt nước XHCN ra đời, nhân loại tiến vào thời đại mới hoà bình và phát triển, v.v... là cột mốc.

Thứ ba, kiên trì nguyên tắc kết hợp “tính phổ biến” với “tính đặc thù”, lấy hiện tượng mang tính phổ biến trong phạm vi thế giới để giới định nội dung thời đại. Bản thân khái niệm thời đại có tính thế giới, mâu thuẫn thế giới và quy luật phát triển thay đổi của nó xuyên qua các hiện tượng mà xác định nội dung thời đại, là “sự tổng hoà của các kiểu, các loại hiện tượng”. Thời đại là một khái niệm chiến lược. Về mặt thời gian, không phải chỉ là mười mấy năm, mấy chục năm, mà chỉ là thời kỳ lịch sử tương đối dài; về mặt nội dung, không phát triển là chỉ những sự kiện cá biệt, hiện tượng cá biệt, mà là từ trong phân tích các mặt kinh tế, chính trị, quân sự, khoa học - kỹ thuật, văn hoá, v.v... của thế giới, từ trong các hiện tượng phức tạp tìm kiếm những yếu tố và hợp lực phản ánh chỉnh thể, xác định những mâu thuẫn chủ yếu, đặc trưng chủ yếu và hướng đi cơ bản của thế giới. Sở dĩ, Lênin xác định nửa đầu thế kỷ XX là thời đại “chiến tranh” và “cách mạng” là vì Người cho rằng: “Một thời đại được gọi là thời đại, chính là vì nó bao gồm toàn bộ những hiện tượng và những cuộc chiến tranh muôn hình muôn vẻ, điển hình cũng có mà không điển hình cũng có, lớn cũng có mà nhỏ cũng có, riêng cho các nước tiên tiến cũng có mà riêng cho các nước chậm tiến cũng có”.

Thứ tư, phải biết kết hợp thời đại lớn với thời đại nhỏ để phân tích xu thế phát triển của thời đại. Những người Mácxít cho rằng, thời đại có sự phân biệt lớn nhỏ, không thể sử dụng khái niệm thời đại một cách chung chung. Thông thường mà nói, chúng ta sử dụng phần lớn là khái niệm thời đại lớn, tức các giai đoạn lịch sử khác nhau trong tiến trình phát triển xã hội loài người. Nhưng cũng không loại trừ sử dụng khái niệm thời đại nhỏ hoặc giai đoạn nhỏ ở một số trường hợp nào đó, tức trong thời đại lớn lại có thể chia ra những thời đại nhỏ hoặc giai đoạn nhỏ. C.Mác cho rằng: “Về đại thể, có thể coi các phương thức sản xuất châu Á, cổ đại, phong kiến và tư sản hiện đại là những thời đại tiến triển dần dần của hình thái kinh tế - xã hội”. Ở đây là chỉ thời đại lớn trong lịch sử. Thời đại lớn là giai đoạn lịch sử tương đối dài và trong thời đại lớn đó, do các vấn đề chủ yếu cần giải quyết khác nhau mà xuất hiện các giai đoạn nhỏ khác nhau, tức thời đại nhỏ. Đúng như Ph. Ăng ghen đã khẳng định: “Những giai đoạn quá độ lên xã hội cộng sản - đấy là vấn đề khó nhất trong tất cả những vấn đề còn tồn tại vì rằng các điều kiện không ngừng thay đổi. Chẳng hạn, mỗi tờ rớt mới đều làm biến đổi chúng và cứ mười năm một, mục tiêu cần công kích lại hoàn toàn thay đổi”. Trong bài “Dưới ngọn cờ của người khác”, Lênin cho rằng: “chúng ta đang sống ở khoảng giao thời giữa hai thời đại”, “vấn đề ở đây là những thời đại lịch sử quan trọng” và theo Người, cách phân chia thông thường những thời đại lịch sử thường được nêu ra trong sách báo Mácxít... là phân chia thành ba “thời đại nhỏ”: 1/ 1789 - 1871 ; 2/ 1871 - 1914; 3/ 1914 - ?. Theo Lê nin: “Thời đại thứ nhất” từ cuộc Đại cách mạng Pháp đến cuộc chiến tranh Pháp - Phổ là thời đại mà giai cấp tư sản đang phát triển mạnh, đang thắng lợi trên mọi mặt”… “thời đại thứ hai là thời đại giai cấp tư sản giành được quyền thống trị hoàn toàn và đang bắt đầu đi xuống”... “thời đại thứ ba, vừa mới bắt đầu, đặt giai cấp tư sản vào một địa vị tương tự như địa vị của những lãnh chúa phong kiến trong thời đại thứ nhất đứng”. “Thời đại nhỏ” thứ ba, giai cấp tư sản phát triển, đồng thời cũng là thời đại chế độ XHCN bắt đầu ra đời, trưởng thành, phát triển, vì thế nó không hoàn toàn thuộc về thời đại lớn – “thời đại TBCN”. Theo Lênin, hiện tại là “khoảng giao thời” của “hai thời đại lịch sử lớn”. Nói cách khác, bắt đầu từ lúc đó, cả thế giới đã tiến vào thời đại “quá độ CNTB lên CNXH và CNCS”. Việc Lênin cho rằng, quá độ từ CNTB lên CNXH là cả một thời đại lịch sử, cũng tức là nói, thời gian mà sự quá độ đó tiếp diễn là tương đối dài, vì thế bản thân thời đại này mang tính quá độ đó phải được xem là một “thời đại lớn”, chắc chắn phải trải qua các thời đại nhỏ hoặc giai đoạn nhỏ có nội dung và đặc trưng khác nhau. Với những nội dung và đặc trưng khác nhau đó đã khiến cho bước tiến của thời đại có sự lên xuống. Nhưng, những nội dung và đặc trưng đó chắc chắn phải chịu sự chế ước của thời đại lớn, đã biểu hiện cụ thể sự chuyển động chính và xu thế xa của cả thời đại lớn. Lênin cho rằng: “Chỉ có trên cơ sở này, nghĩa là trước hết xem xét những nét khác nhau cơ bản của các thời đại (chứ không phải của các giai đoạn lịch sử cá biệt ở các nước) thì chúng ta mới có thể định ra đúng đắn sách lược của chúng ta”. Đồng thời, khi phân tích cụ thể thời đại mà các quốc gia khác nhau đang đứng, Lênin rất nhấn mạnh đến việc: “Chỉ có thể dựa trên cơ sở hiểu biết những đặc điểm cơ bản của một thời đại, chúng ta mới có thể tính đến những đặc điểm chi tiết của nước này hay nước nọ”. Làm rõ điều này là rất quan trọng. Điều đó nhất định đòi hỏi chúng ta không được câu nệ vào một định nghĩa kinh điển nào đó, nhìn thời đại thành một thứ tuyệt đối, nhất thành bất biến, mà phải xuất phát từ tình hình thực tế, tức xuất phát từ nội dung khách quan của quá trình lịch sử trong thời gian cụ thể, trong hoàn cảnh cụ thể, coi thời đại là có điều kiện, tương đối, biến đổi, chia giai đoạn. Đồng thời, cũng không được ngộ nhận các thời kỳ (giai đoạn) khác nhau trong cả thời đại lớn là các thời đại lớn khác nhau, từ đó mà chuyển thời đại nhỏ thành thời đại lớn và sự thay đổi phương hướng lớn của sự phát triển trong lịch sử loài người.

II. Những phán đoán cơ bản của thời đại hiện nay

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười đã mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử nhân loại, đã bắt đầu cả một thời đại lịch sử “quá độ từ CNTB lên CNXH và CNCS”. Lịch sử phát triển đến ngày nay, mặc dù CNTB và CNXH đều có những thay đổi to lớn, nhưng chúng ta vẫn đang ở vào một thời đại lớn: toàn thế giới quá độ từ CNTB lên CNXH. Đương nhiên, chủ đề mang tính giai đoạn của thời đại lớn đã thay đổi, tức thời đại nhỏ đã thay đổi, từ thời đại nhỏ “chiến tranh và cách mạng” trước đây đã tiến vào một thời đại nhỏ mới - thời đại nhỏ “hoà bình và phát triển”.

Thứ nhất, loài người vẫn ở vào một thời đại lớn “quá độ từ CNTB lên CNXH”. Lịch sử nhân loại đã bước vào thế kỷ XXI, cho dù cục diện của thế giới đã có những thay đổi cực kỳ sâu sắc nhưng chúng ta vẫn ở thời đại lớn “quá độ từ CNTB lên CNXH” của xã hội loài người bắt đầu từ Cách mạng Tháng Mười Nga. Trước hết, thời đại mà chúng ta nói đến là “thời đại lớn của lịch sử”, về mặt thời gian mà nói, không phải là mấy năm, mười mấy năm, mấy chục năm, mà là một thời kỳ lịch sử tương đối dài - theo Lênin là “cả một thời đại lịch sử”; về mặt không gian, không chỉ liên quan đến khu vực cục bộ, mà còn ảnh hưởng đến cả thế giới. Hai là, nhìn từ phương hướng phát triển, các hiện tượng của thời đại rối rắm phức tạp, lại phát triển độc lập, mỗi cái có màu sắc riêng, thậm chí có thể xuất hiện mất cân bằng, nhiều trắc trở, thậm chí thụt lùi, nhưng xu thế phát triển của nó vẫn là tiến lên theo phương hướng dùng CNXH thay thế CNTB của giai cấp trung tâm thời đại (tức giai cấp vô sản). Tính chất trường kỳ và tính chất quanh co khúc khuỷu từ CNTB quá độ lên CNXH là do những thay đổi thăng trầm của hai loại chế độ khác nhau - CNTB và CNXH - quyết định. Sự thăng trầm và thay đổi đó vẫn cấu thành nội dung cơ bản và đặc trưng chủ yếu của thời đại chúng ta.

Thứ hai, nhân loại từ thời đại nhỏ “chiến tranh và cách mạng” trước đây đã tiến vào thời đại nhỏ “hoà bình và phát triển”. Thời đại nhỏ này không tách rời với thời đại nhỏ “chủ nghĩa đế quốc và cách mạng vô sản” trước kia, chúng cùng thuộc về các giai đoạn nhỏ nối tiếp nhau trong thời đại lớn từ CNTB quá độ lên CNXH trong tiến trình lịch sử thế giới. Sau khi thời đại nhỏ này kết thúc (không phải là sự kết thúc của giai đoạn lớn) nó nhất định còn phải trải qua các giai đoạn phát triển cá biệt hoặc các thời đại nhỏ. Trong thời đại lớn mà chúng ta đang sống, trong những tình huống, tính chất và phương hướng phát triển của thời đại không thay đổi, nội dung của nó không thay đổi theo sự thay đổi của các điều kiện. Bây giờ, xem ra “chiến tranh và cách mạng” trong lịch sử đã thúc đẩy và dẫn đến một phần tử vong của CNTB và thắng lợi của CNXH; còn “hoà bình và phát triển” hôm nay, nhìn từ quá trình dài, có lợi cho bước tiến bộ chung của toàn nhân loại, cũng có lợi cho sự phát triển của CNXH. Vì thế, không thể vì sự thay đổi nội dung của thời đại mà thay đổi tính chất và phương hướng của thời đại. Ngược lại, điều đó đã hoàn toàn phản ánh bước phát triển và tiến bộ của thời đại, phản ánh đặc điểm mới của thời đại.

Thứ ba, nhìn nhận và đánh giá về “thời đại của chủ nghĩa đế quốc và cách mạng vô sản” của Lênin như thế nào? Trước kia có người cho rằng, hai cách nêu: “Thời đại của chủ nghĩa đế quốc và cách mạng vô sản” và “thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH” có cùng một hàm ý. Lý do là cách nêu trước bao hàm các nội dung cơ bản của cách nêu sau, cách nhìn đó đáng được bàn bạc. Mặc dù dự tính của Lênin về tốc độ quá độ từ CNTB lên CNXH quá nhanh, thời gian ước tính quá ngắn, tính phức tạp, gay go trắc trở không đầy đủ, v.v... Nhưng nếu là một thời đại nhỏ trong một thời đại lớn từ CNTB quá độ lên CNXH, thì cách nêu của Lênin là phù hợp với tình hình lúc đó. Nếu đánh đồng cả hai cách nêu đó với nhau, rõ ràng không phù hợp với thực tế khách quan. Trước hết, cách nêu trước không thể đưa tiến trình XHCN khái quát vào. Hai là, đặc trưng của thời đại lớn từ CNTB quá độ lên CNXH đó luôn biểu hiện là chiến tranh và cách mạng, mà không thể có đặc trưng và hình thức biểu hiện khác. Rõ ràng, có sự lệch lạc, vì trong khái quát một giai đoạn cá biệt trong thời đại lớn, đương nhiên vừa phải bao quát cá tính, lại vừa phải bao quát tính chung, mới có thể nói là giai đoạn riêng biệt nào đó trong thời đại lớn đó. Tương tự, hiện giờ nói chúng ta đang sống trong giai đoạn mới hoà bình và phát triển, đánh giá này đã bao quát những điểm chung trong các giai đoạn của thời đại lớn quá độ từ CNTB lên CNXH đó và bao quát cả những điểm đặc thù trong sự phát triển của thời đại hiện nay. Vì thế, lấy cái chung thay cho cái riêng hoặc lấy cái riêng thay thế cho cái chung, đều là phiến diện.


III. Đặc trưng chủ yếu và xu thế của thời đại hiện nay

Cục diện thế giới, trong bất biến đang thai nghén những thay đổi, trong biến đổi lại hàm chứa sự bất biến. Thời đại hiện nay mà chúng ta nói ở đây là chỉ thời đại nhỏ, là tương đối với thời đại trước lấy “chiến tranh và cách mạng” làm nội dung chủ yếu, thời đại hiện nay lấy “hoà bình và phát triển” làm nội dung chủ yếu.

Thứ nhất, chủ đề của thời đại từ “chiến tranh và cách mạng” chuyển sang “hoà bình và phát triển”. Hoà bình và phát triển là hai chủ đề lớn và hai đặc trưng lớn của thời đại hiện nay. Vấn đề hoà bình không chỉ là bảo vệ hoà bình thế giới, mà bao gồm cả việc tranh thủ hoà bình ngăn chặn chiến tranh thế giới đã tăng mạnh, qua nỗ lực, chiến tranh thế giới là điều có thể tránh được; mặt khác, nguy cơ tiềm tàng của chiến tranh thế giới chưa bị loại bỏ, chiến tranh cục bộ và xung đột vũ trang mang tính khu vực vẫn xảy ra, đặc biệt là chủ nghĩa bá quyền, chủ nghĩa khủng bố quốc tế, chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, chủ nghĩa chia rẽ dân tộc và vấn đề nghèo đói đã trở thành những nhân tố chủ yếu gây nguy hại cho hoà bình thế giới. Nhiệm vụ bảo vệ và gìn giữ hoà bình thế giới còn rất gian khó nặng nề. Gắn chặt với vấn đề hoà bình là vấn đề phát triển. Hoà bình là tiền đề của phát triển, phát triển là nền móng của hoà bình. Phát triển không chỉ liên quan đến sự phồn vinh của toàn cầu, mà còn liên quan đến hoà bình thế giới. Hiện nay, khoảng cách chênh lệch giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển ngày càng nới rộng, mâu thuẫn Nam - Bắc ngày càng lộ rõ. Phát triển vừa là trào lưu thế giới không thể ngăn cản, vừa là vấn đề chung của các nước trên thế giới gặp phải, trở thành nội dung chủ yếu của sự phát triển thời đại hiện nay. Cạnh tranh quốc tế chủ yếu là cạnh tranh trong việc phát triển sức mạnh tổng hợp của đất nước lấy kinh tế làm cơ sở, lấy khoa học - công nghệ làm người dẫn đường. Chính vì vậy, tìm kiếm hoà bình và ổn định, thúc đẩy phồn vinh và phát triển, tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước đã trở thành nhiệm vụ căn bản nhất, quan trọng nhất của thời đại hiện nay.

Thứ hai, kinh tế thế giới từ khu vực hoá đi tới toàn cầu hoá. Dưới sự thúc đẩy của khoa học - công nghệ, đồng thời với việc không ngừng khu vực hoá, tập đoàn hoá nền kinh tế thế giới từng bước đi tới toàn cầu hoá. Kinh tế toàn cầu hoá là chỉ tiến trình và xu thế phát triển lịch sử của nhân loại: không những vượt qua ranh giới dân tộc, quốc gia, khu vực, vượt qua trở ngại về chế độ xã hội, văn hoá, mà làm cho nền kinh tế toàn cầu hình thành một chỉnh thể hữu cơ không thể chia cắt, dựa vào nhau mà tồn tại, phối trí và tổ chức lại các yếu tố sản xuất trên toàn cầu, là sự lưu động với quy mô lớn về sản xuất, đầu tư, tài chính, thương mại trên phạm vi toàn cầu. Nó đã trở thành trào lưu lịch sử không thể đảo ngược của nền kinh tế thế giới ở thời đại hiện nay. Trong nền kinh tế thế giới hiện nay, ba lực lượng kinh tế lớn - Mỹ, châu Âu, Nhật Bản - đứng thế chân vạc. Đông Á bao gồm cả Trung Quốc lại trở thành đầu máy xe lửa thứ tư thúc đẩy kinh tế thế giới phát triển. Các tổ chức kinh tế thế giới mang tính khu vực khác cũng lần lượt được thành lập hoặc đang trong thai nghén. Kinh tế toàn cầu hoá vừa tiềm ẩn những rủi ro lớn, lại vừa cung cấp những cơ hội có tính lịch sử, đồng thời cũng thúc đẩy kết cấu và cách thức của thế giới đa cực hoá. Kinh tế toàn cầu hoá đã thúc đẩy sự nương tựa vào nhau mà tồn tại và sự hợp tác giữa các cực trên thế giới, cấu thành nền tảng đa cực hoá chính trị.

Thứ ba, cục diện chính trị thế giới từ lưỡng cực chuyển sang đa cực. Cùng với việc kết thúc chiến tranh lạnh, cục diện chính trị thế giới từ cục diện “hai cực” (Liên Xô - Mỹ) trước kia dần dần phát triển thành cục diện “đa cực”. “Đa cực” là chỉ nhiều lực lượng, vật dẫn của “cực” có thể là quốc gia, cũng có thể là tập đoàn quốc gia. “Cực” ở thời đại hiện nay đã khác với “cực” trong thời kỳ đối đầu Xô - Mỹ. Hiện nay, bất cứ một cực nào cũng đều không thể đơn độc và liên hợp thống trị thế giới. Giữa cực và cực không phải là quan hệ phụ thuộc và đối kháng cực không thể đứng trên phi cực được. Sức mạnh của nước Mỹ - siêu cường duy nhất trên thế giới hiện nay - có sức ảnh hưởng quan trọng đối với các vấn đề thế giới, nhưng không thể một mình làm bá chủ thế giới. Thực lực của châu Âu, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc đang tăng trưởng, đặc biệt là địa vị của Trung Quốc trên trường quốc tế được nâng cao rõ rệt, xu thế đa cực hoá không thể ngăn cản nổi. Ngoài ra, bản thân tính đa dạng của thế giới đã dự báo thế giới tất sẽ đi tới đa cực hoá. Đa cực hoá là nền móng quan trọng cho thế giới hoà bình lâu dài, có lợi cho việc thúc đẩy thiết lập một trật tự kinh tế, chính trị quốc tế mới công bằng hợp lý, có lợi cho việc tăng cường giao lưu và hợp tác giữa các nước. Bất cứ mưu đồ đơn độc bá quyền hoặc tập thể bá quyền nào cũng đều đi ngược với trào lưu lịch sử, trái với tiến bộ của thời đại.

Thứ tư,chế độ xã hội từ tính đối kháng chuyển sang tính cùng tồn tại, CNXH và CNTB cùng tồn tại lâu dài, chung sống hoà bình là một đặc trưng quan trọng của thời đại hiện nay. Hai loại chế độ xã hội đó cùng tồn tại trên cùng một tinh cầu. Sự cùng tồn tại đó vừa bao gồm đấu tranh với nhau nhưng không thể đối lập tuyệt đối hợp tác với nhau nhưng không thể hoà đồng và dung hợp. Hai loại chế độ sẽ cùng tồn tại lâu dài, thậm chí có thể học tập lẫn nhau. Mác đã từng nói: “Không một hình thái xã hội nào diệt vong trước khi tất cả những lực lượng sản xuất mà hình thái xã hội đó tạo địa bàn đầy đủ cho phát triển, vẫn chưa phát triển, và những quan hệ sản xuất mới, cao hơn, cũng không bao giờ xuất hiện trước khi những điều kiện tồn tại vật chất của những quan hệ đó chưa chín muồi trong lòng bản thân xã hội cũ”.

Trên phạm vi thế giới, hiện tượng “một trái đất, hai chế độ”, thậm chí một nước, hai chế độ sẽ tồn tại lâu dài. Việc Trung Quốc dùng phương thức “một nước, hai chế độ” để giải quyết vấn đề thống nhất đất nước, cho phép chế độ tư hữu trong nước tồn tại phát triển lâu dài, chính là quyết sách to lớn căn cứ vào sự phán đoán đúng đắn về thời đại hiện nay. Nếu hôm nay vẫn tiếp tục dùng tư duy của chiến tranh lạnh “đối đầu, đối địch”, “phân chia ranh giới chế độ xã hội” và “phân chia ranh giới hình thái ý thức” trước kia để nhìn nhận và xử lý các vấn đề ở thời đại hiện nay thì khó tránh khỏi lâm vào cục diện bị động. Đồng thời, cũng phải thấy được, cuộc đấu tranh giữa CNXH và CNTB chưa kết thúc, hình thức đấu tranh không nhất thiết phải sử dụng xung đột bằng quân sự, chung sống hoà bình và bản thân sự cạnh tranh cũng là một loại đấu tranh, nhất là trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, tưởng.v.v... Kết quả của nó sẽ được quyết định bằng tính ưu việt được biểu hiện ở các mặt kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hoá, v.v... của cả hai bên.

Nội dung liên quan

  • Đưa vào triết học

    22/12/2005Nguyễn Văn TrungTrước khi học một môn gì tôi hỏi: Môn đó là gì? Chẳng hạn Vật lý học là gì? Vậy trước khi học triết lý, tôi cũng hỏi triết lý là gì? Và tôi coi việc hỏi như vậy là sẽ tự nhiên đã hẳn là thế, chẳng khác gì tôi hỏi về một vật gì, một việc gì chẳng hạn, cái bàn là gì?
  • Triết học và tâm sự của các nhà giáo

    13/12/2005Cam Lu - Trương Hiệu - Minh Nguyệt (thực hiện)Thực tế ở Việt Nam, việc giảng dạy môn triết học cũng như đội ngũ cán bộ nghiên cứu giảng dạy môn học này hiện ra sao?
  • Đổi mới trước hết là tôn trọng và cũng là bổ sung các nguyên lý của triết học Mác

    08/12/2005GS. Dương Phú Hiệp... chúng ta cần đánh giá, nhận thức về các nguyên lý của triết học Mác để xem chúng ta đã "trung thành" với các nguyên lý đó như thế nào. Có thể nói rằng trong những năm qua đã xảy ra nghịch lý: một mặt chúng ta nói rất hay về CNDV, về phép biện chứng của Mác, nhưng mặt khác trong tư tưởng và trong hành động lại biếu hiện rất rõ CNDT và phép siêu hình....