Rước chữ chào Xuân

10:48 SA @ Thứ Năm - 29 Tháng Giêng, 2009

Khởi đầu từ thời kỳ nào xa xăm trong lịch sử, không ai dám chắc, chỉ biết rằng với ảnh hưởng từ phương Bắc, nền văn hóa Việt Nam từ ngàn đời nay vẫn coi trọng chữ nho.

Dù thời cuộc biến thiên ra sao, dù trải qua nhiều bước thăng trầm, và chắc chắn tới nay nền nho học chỉ hiện diện trong các cộng đồng nhỏ của giới học thuật và rải rác tô điểm cho đời sống tinh thần của xã hội trên phương diện suy ngẫm hơn là ứng dụng, song chữ nho chưa bao giờ mất đi giá trị trong đời sống. Vào dịp Tết, khoảng thời gian thiêng liêng của mọi cuộc đời, khoảng giao thời giữa Cũ và Mới, khoảng thời gian để tâm thức lắng đọng và chiêm nghiệm, chính lúc đó chữ nho với giá trị biểu đạt sâu thẳm lại toả sáng lung linh, quyến rũ lòng người và lan toả sức mạnh tinh thần hơn bao giờ hết. Tục chơi chữ, xin chữ, viết chữ vào dịp Tết trong đời sống người Việt từ ngàn xưa cho tới nay lại được thể hiện ra muôn ngàn phong cách khác nhau.

Từ thế kỷ 15, vua Lê Thánh Tông mỗi dịp vi hành dưới bộ dạng thường dân đã để lại trong nhân gian những huyền thoại về câu đối do đích thân ngài viết tặng và từ trước nữa, câu đối ngày Tết đã là món quà quý giá được mọi tầng lớp trong xã hội đón nhận trân trọng. Theo ký ức lưu truyền, chắc hẳn từ xưa người dân thường cũng như kẻ khá giả đều ưa chuộng những chữ Phúc; Lộc; Thọ ... ý nghĩa chúc tụng của chữ thật hợp với làn mưa bụi rây rây và sắc hoa đào đỏ thắm tưng bừng trong gió Xuân ấm xua tan mùa Đông lạnh giá. Đôi khi, tấm lòng tín ngưỡng của người Việt xưa còn đồng hoá ý nghĩa của chữ với giá trị tinh thần của đạo pháp, khi đó lòng người sẽ tin vào sức mạnh huyền bí toả ra từ đường nét bay bướm hay thanh thoát, rắn rỏi của chữ được trang trọng treo trên tường.

Không thể liệt kê hết những câu đối đã đi vào huyền thoại, kết quả của các cuộc so tài đọ trí của giới danh gia học thuật xưa, cho tới nay người Việt vẫn chuộng những câu đối hoặc cho mang khát vọng và hoài bão về đời sống an lành ngợi ca cảnh sắc hoặc bộc lộ chí khách tinh thần. Khát vọng về đời sống thời nào cũng vẫn là Phúc; Thọ; Khang; Ninh, và vì thế các ông đồ nho lại có dịp múa bút nhả ý tơ trên vuông giấy hồng đậm sắc Xuân vào dịp Tết. Những chợ phiên heo hút ở miền núi, trung du cũng đôi khi xuất hiện người bán chữ, ở đó kẻ mua chữ không đông đúc như dưới đồng bằng nhưng lại mang sắc thái thật kỳ ảo bừng lên ánh hồng hoa đào, mầu trắng hoa mai trong tiết Xuân. Nhưng dù tập tục chơi chữ ngày Tết vẫn chủ yếu tập trung nơi phồn hoa đô thị, nơi số người biết chữ nhiều hơn và khát vọng về công danh sự nghiệp cũng mãnh liệt hơn.

Xuân quang phổ chiếu

Phúc khí trường lâm

Sau bao thăng trầm, biến đổi xã hội, người Việt vẫn chuộng xin chữ ngày Xuân. Từ bao giờ không rõ, Hà Nội lại toả sắc Xuân với phố chữ Hán ở góc đường Bà Triệu, nơi đó hình ảnh ông đồ xưa được thay thế bằng các cậu đồ trẻ hiện đại, mặc comple múa bút lông trên giấy hồng tiên. Những chữ Tâm bay bổng, những chữ Xuân mang đầy khí lành, những câu đối nói lên hoài bão đời người được chăng đầy trên vách tường, càng vào ngày Tết càng thu hút người qua lại. Rộn rã nhất có lẽ là vào các ngày trong Tết khi sân Văn Miếu nô nức người tới dâng hương và xin chữ. Hệt như thời gian chưa từng trôi qua hơn 1.000 năm, hệt như những ngày xưa cũ các Trạng Nguyên; Thám Hoa, Bảng Nhãn được xã hội tôn vinh và từng nét chữ nho được người đời trân trọng.

Không chỉ ở Hà Nội, mà ở miền Nam, nơi cuộc sống hiện đại bao trùm cuộc sống tinh thần, trào lưu xin chữ ngày Xuân lại có phần rộn ràng hơn. Đặc thù xã hội khiến TP.HCM phổ biến dòng thi pháp quốc ngữ, bên cạnh đó nội dung chữ chơi Tết cũng được mở rộng hơn xưa. Tinh thần cởi mở phương Nam đã hình thành trong đời sống thư pháp một kiểu chơi chữ khá lạ, đó là xin các câu thơ, lời hát được ưa chuộng, từ lời Phật dậy cho tới lời hát Trịnh Công Sơn. Dù nội dung thế nào, dù viết theo lối cổ hay hiện đại, chữ ngày Tết những năm gần đây đang tạo nên cho thành phố năng động nhất Việt Nam một sinh khí mới mẻ, để từ đó hun đúc thêm tinh thần hướng thiện của hàng triệu trái tim.

Xin chữ ngày Tết ở Việt Nam là vậy. Chẳng phải là sản phẩm tiêu dùng mà lúc nào cũng song hành cùng đời sống, chẳng phải linh thiêng thần bí mà luôn toả ra sức mạnh tinh thần lớn lao, chữ với các hình thái biểu hiện đang tạo nên sắc Xuân trên khắp mọi miền đất nước, cùng hoa, bánh chưng, gạo nếp và tấm lòng hướng về nguồn cội tạo nên ngày lễ thiêng liêng nhất của dân tộc Việt Nam.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Năm mới suy nghĩ về hai chữ Phúc và Đức

    13/02/2019Đức ThiệnPhúc bao giờ cũng đi đôi với Đức. Ai cũng trách phúc lợi, phúc lộc nhưng lại quên phúc đức, phúc thiện. Muốn được phúc phải có đức và ngược lại, đó là quy luật. Nội dung của đức phụ thuộc vào điều kiện lịch sử, văn hóa, xã hội, tôn giáo...
  • Đàn ông hiếu chữ

    15/06/2016Nguyễn Việt HàCó thể nói, một phần lớn nền văn minh của nhân loại đã được xây dựng nhờ công sức từ vô số những đàn ông chăm học. Họ thường là những nhà đạo đức lớn, những khoa học gia vĩ đại hoặc những chính trị gia lỗi lạc hàng đầu. Ở bọn họ, luôn phập phồng một nỗi khát khao rừng rực hướng tới Chân, Thiện, Mỹ. Vì thế, đối với họ, sự hiếu học chính là tinh thần dám cao cả hy sinh cho đồng loại...
  • Tản mạn về chữ Tâm và chữ Tầm

    19/04/2016Nguyên CẩnNgười làm lãnh đạo luôn phải là người “vui sau thiên hạ, lo trước thiên hạ” và đặt suy nghĩ của mình về phía đa số, phía quần chúng, những người tín nhiệm mình. Thế nên chúng ta không khỏi băn khoăn khi có những quyết sách đưa ra hình như không dựa trên lợi ích của người dân, nhất là những người nghèo...