Sắc xuân

11:03 SA @ Thứ Sáu - 12 Tháng Hai, 2010

Trong một bài thơ vào loại lạ lùng nhất của phong trào Thơ Mới 1930-1945, thi sĩ Đoàn Phú Tứ đã viết một cặp câu khét tiếng “Màu thời gian không xanh. Màu thời gian tím ngắt”. Có thể nói đây là lần đầu tiên trong tiếng Việt, thời gian vốn dĩ siêu hình đã hiển lộ tròn màu rõ nét.

Thường thường, thời gian chỉ mơ hồ khoe màu trong một vài thời đoạn tinh tế đặc biệt nào đó, ví như ở mùa Thu chẳng hạn, ví như ở mùa Xuân chẳng hạn. Sắc thu với những tiêu tao lá ngô đồng vàng rơi, với những mây xám ngổn ngang lãng mạn gần giống như tâm trạng của hoa hậu lúc đang bối rối chọn chồng, nên màu căn bản của Thu thuộc về lạnh lẽo Âm. Ngược lại, sắc xuân với những mơn mởn xanh của lá non chồi biếc, với những hây hây đỏ của cặp má thiếu nữ đang yêu tương chiếu lẫn vào sắc hồng của hoa đào (Nhân diện đào hoa tương ánh hồng), nên màu căn bản của Xuân thuộc về nồng ấm Dương. Và rực rỡ đạm nét nhất trong lung linh muôn vàn sắc xuân, chắc chắn đấy phải là những nét màu của ngày Tết.

Khoảng hơn chục năm lại đây, Tết Nguyên đán ở Hà Nội đã bớt đi quá nhiều những màu đáng kể. Cái tay trung niên gốc Nhật Tân suốt mấy năm nay chuyên buôn đào cành, đào thế từ Sơn Tây, từ Phú Thọ về bán sỉ ở chợ hoa Cống chéo Hàng Lược đã thở dài bảo vậy. Cứ thử nhìn thật kỹ đóa hồng đào ngoại tỉnh này xem. Không những cánh của nó bị mỏng lớp mà sắc thắm cũng bị kém hơn nhiều nếu phải so với đào cũ Nhật Tân, hồi vườn ở đây còn mênh mông trùng trùng điệp điệp gốc đào. Ở lúc ấy, vào những buổi chiều cuối Chạp, vô vàn những cặp yêu nhau quần áo đủ màu thanh nhã tung tăng, âu yếm đi thưởng hoa sắc thắm trên nền màu tím biếc hắt lên từ mặt nước Hồng Hà. Bây giờ màu đào đã không còn nồng nàn thắm nữa thì đương nhiên má của mấy thiếu nữ đứng bán hoa đào dọc theo hai bên đường Yên Phụ cũng văng vắng sắc hồng. Mùa Xuân sẽ tha thiết đứng lâu hơn khi mà tết nhất luôn rực rỡ những gam màu phơn phớt đỏ.

Thực ra cái đẹp của màu Tết không hẳn là sự độc chiếm chói lọi của bất cứ màu nào, mà nó đẹp ở chỗ hài hòa trộn lẫn của vô vàn tự nhiên màu sắc. Trong tập “Thôn ca”, thi sĩ nhà quê Đoàn Văn Cừ đã rưng rưng miên man miêu tả chợ Tết Bắc Bộ cách đây chừng già nửa thế kỷ: “Sương gồng lam ôm ấp nóc nhà gianh. Trên con đường viền trắng mép đồi xanh”… “Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa”… “Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ. Nước thời gian gội tóc trắng phau phau”… “Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu. Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau”… “Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết”… Xa xưa, màu của Tết thường là màu của ấm no điềm đạm, dư dật phảng phất phồn thực, bởi trời đất đang manh nha một khí Dương lực lưỡng. Vì thế cây cỏ khát khao nảy nở và con người rạo rực muốn yêu nhau. Giờ đây, nhiều nơi no ấm đã tràn ra thành thừa mứa, và người ta liều lĩnh đem màu cao cả của những ngày Tết dung tục, pha phách vào ngày thường. Bát canh măng hầm chân giò sóng sánh nâu cùng với bánh chưng mướt mát xanh đã bị ăn ngay từ những ngày hè tầm thường nóng chảy mỡ. Thịt đông, giò xào mờ mờ thăm thẳm một màu nấm hương mộc nhĩ thì đã có quanh năm, cứ tiện tay mở tủ lạnh là thấy. Màu của đời thường trọc phú đã xô bồ đè nhòe cái màu thong thả cao sang của ngày Tết. Có phải vì cái thói quen ăn vã thiêng liêng như thế nên một đài truyền hình đã thô bạo dựng cả một chương trình gọi là “Kết nối những trái tim”, trắng trợn đem những người mang vẻ yêu nhau, chất lên một chuyến xe rồi cả anh cả ả oang oang tỏ tình trước nhan nhản người xem. Hỡi ơi, lời yêu vốn là lời thì thầm nói nhỏ, nó thiêng liêng sâu sắc là vì sự dịu dàng tự biết sự trầm lắng vị tha, bất cần sự chứng kiến của đám đông. Lời yêu được hợm hĩnh hét qua loa thì là lời huênh hoang của quảng cáo. Có phải vậy chăng mà hôm nay đám trẻ từ 9X trở xuống đã hết sạch cồn cào nỗi mong chờ chóng tới ngày Tết.

Ngoài một màu hồng đỏ chủ đạo, mấy ngày Tết còn lưu một màu phảng phất huyền hoặc của ký ức. “Những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ”. Tết là thêm mới nhưng cũng là ngày thiết tha nhớ cũ, tổ tiên ông bà sẽ quây quần cùng về che chở phù hộ cho đám con cháu đang nông nổi mưu sinh trong lẫn lộn. Bởi thế nhà nào nhà nấy từ đêm Giao thừa cho đến hết ngày mồng Năm hóa vàng, bơi bàn thờ tổ tiên luôn giữ một màu biết ơn trân trọng. Thường là một mâm đồng cỗ cúng cạnh một mâm gỗ son ngũ quả ngan ngát trầm hương. Tất cả như bỗng quên danh lợi, rưng rưng cúi đầu chân thành cầu khấn. Ai ai mặt cũng long lanh một màu thành thực sám hối, từ quan chí dân tất thảy sắc diện đều thăng hoa thành thánh thiện.

Rồi qua rằm tháng Giêng, màu Tết chợt nghẹn ngào, tần ngần trôi, mọi người lại bận rộn trở về với thường nhật. Màu hồng lãng mạn của hoa đào, màu trong veo thanh bạch của ăn năn chỉ lãng đãng được gìn giữ trong những lễ hội của các vùng quê xa xa đô thị. “Người ơi… đừng về, í a… em nhớ”, sắc Xuân vẫn bừng nét trong câu Quan họ, trong điệu ca Huế, trong vọng cổ Nam Bộ.

Và ở nhiều làng cũ kỹ rêu phong ngoài Bắc, cho đến giữa tháng Hai âm lịch người ta vẫn gói bánh chưng ăn Tết lại.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Màu của tết

    02/02/2010Nguyễn Việt HàGiờ đây ở những đô thị lớn kinh tế ồn ào phát triển, nhiều nơi no ấm đã tràn ra thành thừa mứa, và người ta liều lĩnh đem màu cao cả của những ngày tết dung tục pha phách vào ngày thường.
  • Tiếng gõ cửa mùa xuân

    24/01/2009A.NTiếng gõ cửa ấy với tôi có khi là tiếng sột soạt của bức mành treo ngoài cửa sổ, mỗi khi có ngọn gió thổi qua. Nhà ở trên cao, một gợn gió nhẹ cũng có thể gây nên một tiếng động đủ để giật mình...
  • Tinh khôi như mùa xuân

    24/01/2009Nguyễn Tường BáchMột ngày nọ tại sân bay quốc tế Bangkok, trong khu vực nghỉ ngơi của doanh nhân, kẻ viết bài này bắt gặp một người lạ. Với khuôn mặt nghiêm túc, áo quần tươm tất của một giám đốc công trình, ông vội vã xách cặp bước vào phòng.
  • Mùa xuân khát vọng tình yêu

    22/01/2009Trịnh Trung HòaTừ xưa đến nay, tình yêu luôn luôn là cảm hứng , là đề tài muôn thủa của các loại hình nghệ thuật mà ai cũng biết rằng đối tượng của nghệ thuật bao giờ cũng là cái đẹp, phải chăng tình yêu và cái đẹp luôn quan hệ khăng khít với nhau? Như mùa xuân đang đến, vạn vật thắm tươi, những trái tim dâng trào khát vọng.
  • Cảm nghĩ thời đại lúc vào xuân

    29/03/2007Nguyễn Khắc MaiTôi không thể không làm một việc cần thiết: gửi một lời chúc xuân tới quý bạn đọc, những tri kỷ của mình. Thật may mắn, tôi đã tìm được lời chúc xuân rất có ý nghĩa trong một bài thơ của Ngô Thì Nhậm "Nhập Xuân đa giai thụy" (Vào xuân với nhiều điều Đẹp giai, Lành - thụy).
  • Mùa xuân mới lại về

    01/03/2007Vũ Hoàng TiếnTôi đi và cứ nghĩ miên man như thế, mưa xuân phủ một lớp mỏng lên mái tóc và chiếc áo choàng… Có hạt mưa xuân nào chui vào cổ áo – rùng mình, người tôi mát lạnh, tim tôi rung lên, đập nhịp: Mùa xuân ơi, Mùa xuân đã về!
  • Mùa xuân là cả một mùa xanh

    26/02/2007Nhà Phê bình VH Phạm Xuân NguyênĐối với Nguyễn Bính, nhà thơ yêu mến của bao người dân Việt, trong muôn lý do của con tim để yêu, có một lý do cứ mỗi độ xuân về nhìn ra quan cảnh đất trời đổi sắc, người người dọn mình để thương nhớ chờ mong trong niềm vui đón chào một năm mới ai trong chúng ta mà chẳng có lần thốt lên như nhà thơ:

    Mùa xuân là cả một mùa xanh

  • Hoa xuân

    07/02/2007Trần ĐìnhKhoảnh khắc khi xuân đến, đắm mình trong phiên chợ hoa xuân, giữa những khuôn mặt náo nức tràn trề hạnh phúc. Hãy chọn đi, chọn cho gia đình, cho người thân yêu một nhành hoa. Cò thể là cành đào mang hơi thở mùa xuân, một nhành mai tinh khiết, một đóa hoa hồng cho tình yêu bất diệt, hay một bình gốm vỗ về mềm vui xuân...
  • xem toàn bộ